Việt Nam kêu gọi HĐBA đánh giá lại cơ chế trừng phạt Nam Sudan
Đại sứ Đặng Đình Quý đánh giá cao việc thành lập chính phủ chuyển tiếp ở Nam Sudan, cho rằng nếu giữ vững quyết tâm chính trị này, các lãnh đạo Nam Sudan có thể giải quyết được những vấn đề tồn đọng.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. (Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN)
Ngày 4/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp nghe báo cáo về tình hình Nam Sudan và hoạt động của Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại nước này (UNMISS).
Tại cuộc họp diễn ra ở trụ sở Liên hợp quốc tại New York, đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm người đứng đầu UNMISS, ông David Shearer và Điều phối viên Diễn đàn phụ nữ về tiến trình hòa bình và chính trị ở Nam Sudan (WMF), bà Betty Sunday đã báo cáo tình hình, theo đó đánh giá tình hình tại Nam Sudan có nhiều tiến triển tích cực, đặc biệt là việc quyết định thành lập chính phủ chuyển tiếp ngày 22/2 và giảm số lượng các bang từ 32 xuống còn 10 như trước năm 2015.
Các báo cáo viên cho rằng điều này thể hiện sự thỏa hiệp, cam kết chính trị và quyết tâm hành động vì lợi ích đất nước của các nhà lãnh đạo Nam Sudan.
Tuy nhiên, chính phủ chuyển tiếp của Nam Sudan cũng đang đối mặt với một loạt thách thức và đây sẽ là “liều thuốc thử” để đánh giá nỗ lực cũng như sự thống nhất của nước này trong giai đoạn chuyển tiếp.
Những khó khăn bao gồm xung đột và bạo lực, đặc biệt là bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái. Hàng triệu người mất nơi cư trú và khoảng 7,5 triệu người cần được nhận hỗ trợ nhân đạo.
Ông David Shearer khẳng định UNMISS sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động tại Nam Sudan theo đúng sứ mệnh do tình hình còn phức tạp và Các cơ quan liên chính phủ và phát triển (IGAD), cũng như các bên liên quan ở Nam Sudan, vẫn cần được hỗ trợ trong triển khai Thỏa thuận Hòa bình 2018.
Video đang HOT
Các nước thành viên Hội đồng Bảo an bày tỏ ủng hộ việc triển khai đầy đủ Thỏa thuận Hòa bình, hoan nghênh quyết định thành lập chính phủ chuyển tiếp và kêu gọi các bên liên quan tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn.
Các nước đặc biệt quan tâm và ủng hộ việc cộng đồng quốc tế hỗ trợ nhân đạo cho Nam Sudan.
Nhiều nước đề nghị trong thời gian tới, Nam Sudan cần chú trọng thực thi công lý trong giai đoạn chuyển tiếp, đẩy mạnh chống tham nhũng và xây dựng hệ thống tài chính minh bạch, bảo đảm các quyền tự do và sự tham gia của các thành phần xã hội trong quá trình tái thiết đất nước, đặc biệt là sự tham gia của phụ nữ.
Các nước đánh giá cao vai trò của UNMISS và ủng hộ phái bộ tiếp tục hoạt động tại Nam Sudan.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, đánh giá cao việc thành lập chính phủ chuyển tiếp ở Nam Sudan, cho rằng nếu giữ vững quyết tâm chính trị này, các lãnh đạo Nam Sudan có thể giải quyết được những vấn đề còn tồn đọng.
Đại sứ đánh giá cao hoạt động của UNMISS, trong đó có đóng góp của Lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam. Trong bối cảnh mới, Đại sứ kêu gọi Hội đồng Bảo an có đánh giá lại về cơ chế trừng phạt Nam Sudan.
Chính phủ chuyển tiếp của Nam Sudan được thành lập ngày 22/2/2020 với việc Tổng thống Salva Kiir tiếp tục tại vị, trong khi lãnh đạo phe đối lập Riek Marchar được bổ nhiệm làm Phó Tổng thống thứ nhất.
Hiện các lãnh đạo Nam Sudan đang tiếp tục thảo luận, giải quyết các vấn đề còn tồn đọng để vận hành chính phủ chuyển tiếp./.
Theo Hải Vân-Hữu Thanh (TTXVN/Vietnam )
Cơ hội đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam
Ngay từ ngày đầu năm 2020, Việt Nam đồng thời đảm nhiệm cùng một lúc vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương theo định hướng của Đại hội Đảng lần thứ 12.
Việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ được thế giới ghi nhận và đánh giá cao
Mục tiêu nâng cao vị thế, thúc đẩy lợi ích đất nước
Đối ngoại đa phương là một bộ phận quan trọng của đối ngoại Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng ngay từ ngày đầu thành lập nước. Trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đối ngoại đa phương đã góp phần hình thành mặt trận quốc tế rộng rãi chưa từng có để ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Cũng chính đối ngoại đa phương đã giúp Việt Nam phá thế bao vây cấm vận, mở đường cho quá trình hội nhập phục vụ phát triển đất nước. Sự kiện Việt Nam trở thành thành viên LHQ năm 1977; gia nhập ASEAN năm 1995, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) năm 1996, Diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 1998, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 là những dấu mốc không thể quên trong tiến trình hội nhập quốc tế đầy gian nan, thử thách.
Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam chưa phải là nước giàu. Nhưng thế và lực của Việt Nam trên các tiêu chí quan trọng như kinh tế, dân số, quốc phòng và đối ngoại đã khác xưa rất nhiều. Nhớ lại những ngày đầu tham gia ASEAN, chỉ riêng việc dự đủ các phiên họp, nắm hết các vấn đề cũng đã là thách thức. Nay không chỉ chủ trì, điều hành, Việt Nam còn thể hiễn rõ vai trò dẫn dắt trên các diễn đàn quốc tế lớn, từ HĐBA LHQ đến APEC, ASEM...
Đó là cơ sở để Đảng ta vạch ra chiến lược đưa đối ngoại đa phương thành một nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, một định hướng chiến lược quan trọng hàng đầu và là một phương thức hiệu quả thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược - xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, nhiệm vụ của đối ngoại đa phương là phải chuyển mạnh từ "tham dự" sang "chủ động tham gia", nhất là vào quá trình xây dựng và định hình các quy tắc và luật lệ mới. Việt Nam phải "vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt hoặc hòa giải tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước", phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể của đất nước.
Với vai trò đặc biệt trong bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển của thế giới và khu vực, Liên hợp quốc và ASEAN là những cơ chế đa phương quan trọng mà Việt Nam cần chủ động tham gia và thể hiện vai trò. Trong con mắt cộng đồng quốc tế, Việt Nam được coi là tấm gương đấu tranh kiên cường cho độc lập và hòa bình, là nước có tiếng nói độc lập tự chủ về nhiều vấn đề quan trọng trên thế giới.
Việt Nam cũng có nhiều kinh nghiệm trong giải quyết những vấn đề của hòa bình và an ninh trên thế giới và trong khu vực. Là dân tộc yêu chuộng hòa bình, tự bản thân Việt Nam cũng không có và không mưu cầu những tham vọng phương hại cho bất kỳ quốc gia nào. Đấy là những thuận lợi lớn, những yếu tố giúp Việt Nam phát huy vai trò dẫn dắt trên các diễn đàn quốc tế. Làm tốt vai trò này, chẳng những nâng cao vị thế của mình, Việt Nam còn có điều kiện lồng ghép các ưu tiên, thúc đẩy những lợi ích của đất nước.
Chủ động chuẩn bị sẵn sàng cho vai trò trong HĐBA LHQ và ASEAN
Không chỉ tham gia HĐBA LHQ với vai trò thành viên không thường trực trong nhiệm kỳ 2020-2021, ngay từ ngày đầu tháng 1-2020, Việt Nam sẽ phải đảm nhiệm ngay vai trò Chủ tịch luân phiên của HĐBA. Cùng thời điểm đó, đối với khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cũng chính thức trở thành Chủ tịch ASEAN. Hai diễn đàn lớn với những vấn đề, thách thức khác nhau đang thử thách vai trò và uy tín của Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam giữ các trọng trách này. Việt Nam từng giữ vị trí thành viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009, từng đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2010. Trên cơ sở kinh nghiệm quá khứ, Việt Nam đã chủ động chuẩn bị cả về con người, bộ máy và nội dung cho các vai trò mình sẽ đảm nhiệm từ đầu năm 2020.
Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, Việt Nam đã tăng biên chế cho phái đoàn ở New York, đồng thời tiến hành tập huấn cho các cán bộ sẽ tham gia xử lý công việc; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong nước với phái đoàn ở New York đã được vận hành thử; các cuộc tham vấn với các thành viên HĐBA để xây dựng chương trình làm việc trong tháng 1-2010 của HĐBA cũng đã được thực hiện.
Việt Nam cũng đã công bố 7 ưu tiên chính trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA, bao gồm: ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết hòa bình tranh chấp; cải cách phương pháp làm việc của Hội đồng Bảo an, tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực; bảo vệ thường dân, các cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột vũ trang; phụ nữ, hòa bình và an ninh, trẻ em trong xung đột vũ trang; giải quyết hậu quả xung đột, chiến tranh; các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; tác động của biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh.
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ chủ trì, điều phối và tổ chức khoảng 300 hội nghị, hoạt động khác nhau, trong đó quan trọng nhất là Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 4 và tháng 11-2020, Đại hội đồng lần thứ 41 Hội đồng Liên Nghị viện các nước ASEAN vào tháng 8-2020... Việt Nam cũng đã công bố 5 ưu tiên tập trung thúc đẩy trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, trong đó đặc biệt quan tâm vai trò của ASEAN trong duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực trên cơ sở tăng cường đoàn kết, thống nhất.
Sự chuẩn bị tích cực của Việt Nam đã tạo sự tin tưởng của dư luận thế giới và khu vực. Cựu Thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin, Chủ tịch Tổ chức Lãnh đạo vì Hòa bình, đánh giá: "Việt Nam có thể đảm nhiệm vai trò kép bởi Việt Nam là nước có rất nhiều kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này. Việt Nam đã chuẩn bị rất tốt cho trọng trách trong năm 2020".
Theo ông Choi Shing Kwok, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore (ISEAS), trong tình hình hiện nay, việc đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN chính là cơ hội để Việt Nam dẫn dắt ASEAN đối phó và vượt qua các thách thức. Còn Giáo sư về quan hệ quốc tế Aleksius Jemadu thuộc Đại học Pelita Harapan của Indonesia thì cho rằng, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam là một "tấm gương tốt" cho các nước châu Á khác trong lĩnh vực phát triển kinh tế, với tốc độ tăng trưởng và lượng vốn đầu tư nước ngoài cao nhất. Ông hy vọng rằng trên nền tảng đó, Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, qua đó giúp ASEAN có thể cạnh tranh với sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo ANTD
Ra mắt Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 tham gia gìn giữ hòa bình Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 thuộc Bệnh viện Quân đội 175 sẽ tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình vừa chính thức được ra mắt với 70 đồng chí. Ngày 4/3, tại Bệnh viện Quân đội 175 (TPHCM), Bộ Quốc phòng tổ chức lễ ra mắt và giao nhiệm vụ cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3...