Việt Nam giám sát tàu Lam Kinh của Trung Quốc đi qua vùng đặc quyền kinh tế
Lực lượng chức năng của Việt Nam đang giám sát mọi hoạt động tàu Lam Kinh của Trung Quốc đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hôm 3/9.
Chiều 12/9, trả lời câu hỏi của phóng viên yêu cầu bình luận thông tin tàu Lam Kinh của Trung Quốc tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết:
“Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, từ ngày 3/9, tàu Lam Kinh của Trung Quốc đã đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Mọi hoạt động của tàu luôn được các lực lượng chức năng của Việt Nam giám sát theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển ( UNCLOS) 1982″.
Bà Hằng cũng tái khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, theo quy định của luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên nếu không có sự cho phép của Việt Nam đều là phi pháp và vô giá trị.
Tàu Lam Kinh của Trung Quốc.
SCMP trước đó đưa tin , tàu Lam Kinh di chuyển vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 90 km. Lam Kinh là một trong những tàu cẩu lớn nhất thế giới, thuộc sở hữu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc. .
Video đang HOT
Liên quan tới tình hình gần đây của nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc, người phát ngôn nêu rõ:
“Theo các cơ quan chức năng của Việt Nam, nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết phản đối việc nhóm tàu Hải Dương 8 tiếp tục các hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của mình được xác định phù hợp theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Việt Nam cũng đã nêu quan điểm về những ảnh hưởng tiêu cực do hoạt động vi phạm của nhóm tàu Hải Dương 8 đối với quan hệ giữa 2 nước, hòa bình an ninh, ổn định ở Biển Đông cũng như trong khu vực. Vì những lý do đó, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm nghiêm trọng này, rút toàn bộ những tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam”.
Về những phát ngôn gần đây của phía Trung Quốc liên quan tới hoạt động kinh tế của Việt Nam trên vùng biển của mình, Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán trong các hoạt động kinh tế biển của Việt Nam trong đó các hoạt động dầu khí đều được triển khai trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hoàn toàn thuộc về Việt Nam được xác định theo quy định Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Bà Hằng nhấn mạnh không có nước nào có quyền đưa ra yêu sách về các vùng biển ở khu vực Biển Đông vượt quá những giới hạn về địa lý và nội dung quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
“Những yêu sách bất hợp pháp, không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 không thể là cơ sở để khẳng định rằng tồn tại các vùng biển tranh chấp hay chồng lấn“, người phát ngôn nhấn mạnh.
SONG HY
Theo VTC
Mỹ chỉ trích Trung Quốc xâm phạm trái phép EEZ của Việt Nam
Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đã có tuyên bố chính thức về những hành động của Trung Quốc khi xâm phạm Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam, cho rằng hành động đó làm suy yếu nền hòa bình và ổn định trong khu vực.
Theo một tuyên bố do phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus đưa ra hôm 22/8, Mỹ "quan ngại sâu sắc khi Trung Quốc tiếp tục có những hành động can thiệp vào hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt ở Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Điều này đang khiến nhiều nước nghi ngờ về tính xác thực của cam kết của Trung Quốc, trong đó bao gồm Tuyên bố về Quy tắc Ứng xử ASEAN - Trung Quốc, đối với việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho những tranh chấp trên biển".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus. Ảnh: Straittimes
"Việc Trung Quốc tái triển khai tàu thăm dò của chính phủ cùng với các tàu chiến hộ tống xâm phạm vùng biển Việt Nam vào ngày 13/8, là một hành vi đẩy mạnh gây hấn nhằm đe dọa các nước khác đã tuyên bố có quyền khai thác tài nguyên ở Biển Đông", tuyên bố của Bộ Ngoại giao nói thêm.
"Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã thực hiện một loạt những bước đi mạnh bạo, can thiệp vào các hoạt động kinh tế đã có từ lâu đời của các nước ASEAN", tuyên bố cho biết.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, hành động của Trung Quốc "là làm suy yếu nền hòa bình và sự ổn định trong khu vực, gây ra những thiệt hại về kinh tế cho các nước Đông Nam Á khi ngăn chặn cơ hội tiếp cận nguồn tài nguyên khí đốt có tổng giá trị ước tính vào khoảng 2,5 nghìn tỉ USD, đồng thời cho thấy Trung Quốc đang bỏ qua những quyền lợi thực hiện những hoạt động kinh tế trong khu vực EEZ của các nước khác, theo Công ước về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc đã ký kết vào năm 1996".
Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Hoa Kỳ "cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy đảm bảo an toàn cho các nước đồng minh và đối tác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương để giúp hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt được diễn ra một cách liên tục để phục vụ thị trường thế giới".
Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 22/8, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thông tin, trong những ngày qua, nhóm tàu Hải Dương 8 đã trở lại và tiếp tục hành vi xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
"Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành vi vi phạm và rút toàn bộ nhóm tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam", bà Lê Thị Thu Hằng cho hay.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng cho biết thêm các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi pháp luật và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn muốn giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
"Với quyết tâm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình, đóng góp vào hòa bình, ổn định, an ninh khu vực phù hợp với luật pháp quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.
Anh Tuấn (lược dịch)
Theo infonet
Tàu khảo sát Trung Quốc rút khỏi thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam Chiều 7/8 nhóm tàu khảo sát Hải dương 8 của Trung Quốc dừng hoạt động khảo sát địa chất và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam. Tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc. Trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 8/8, người phát ngôn Bộ Ngoại...