Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc: Từ lá đơn lịch sử 72 năm trước…
Cũng tháng 9 này, 41 năm trước, 9h sáng ngày 20/7/1977, Lễ thượng cờ Việt Nam được tổ chức tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 149 của tổ chức này.
41 năm qua, mối quan hệ giữa Việt Nam và tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này không ngừng được cải thiện và phát triển theo hướng ngày càng sâu rộng và hiệu quả. Không nhiều người biết rằng, mối quan hệ ấy được khởi nguồn từ một lá thư lịch sử…
Chủ tịch Hồ Chí Minh và khát vọng sau Lễ độc lập
Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa chính thức ra đời, thì trước đó 3 tháng, tháng 6/1945, LHQ cũng mới được thành lập. Nhận diện rõ tầm quan trọng của một tổ chức đa phương mang tính toàn cầu như LHQ nên rất sớm sau ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, khi các nước Đồng minh thành lập LHQ với khóa họp đầu tiên ngày 10 tháng 1 năm 1946 tại London, ngày 14 tháng 1 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhân danh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nộp đơn xin gia nhập LHQ. Tuy nhiên, do tương quan lực lượng tại LHQ và trên thực tế khi đó Việt Nam chưa được nước nào trên thế giới công nhận nên việc gia nhập LHQ chưa thể thực hiện được.
Nhưng, theo các nhà làm phim tài liệu Khát vọng hòa bình nền độc lập Việt Nam được thế giới công nhận, Việt Nam được gia nhập ngôi nhà chung LHQ đã là khát vọng luôn thường trực, hối thúc người đứng đầu Nhà nước ta khi ấy – Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã gửi rất nhiều thư, điện cho Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, các đại diện của Mỹ, Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Anh… trong đó có bức điện được đăng trên báo Cứu Quốc: “Chúng tôi tha thiết kêu gọi các ngài hãy mang vấn đề của chúng tôi ra trước Đại hội đồng LHQ nghiên cứu kỹ càng. Chúng tôi sẽ rất biết ơn quý ngài nếu quý ngài nói cho thế giới biết những ước nguyện sau này của quốc dân chúng tôi. Quốc dân chúng tôi đã giành được quyền độc lập và giữ vững nền độc lập, thiết tha yêu cầu các ngài công nhận nền độc lập ấy, và nhận chúng tôi vào Hội đồng LHQ”. Dù vậy, những lời lẽ thống thiết của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam non trẻ đã không được hồi đáp.
Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) ngày 20/9/1977 thông qua Nghị quyết công nhận Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc.
Hơn ba thập kỷ kiên trì đấu tranh
Điều huyền diệu là dù trải qua rất nhiều năm sau, dù mong muốn của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam vẫn chưa thành hiện thực thì ngọn lửa khát vọng gia nhập ngôi nhà chung vẫn âm ỉ cháy trong mỗi trái tim Việt Nam. Bằng thực tế cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập tự do, bằng những đóng góp to lớn cho phong trào hòa bình, dân chủ và tiến bộ trên thế giới, Việt Nam dần nhận được sự ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, phải đợi 31 năm sau lá đơn xin gia nhập LHQ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khát vọng ấy mới dần trở thành hiện thực. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, miền Nam được hoàn toàn giải phóng thì 2 tháng sau, tháng 7/1975, hai đoàn đại biểu hai miền Bắc và Nam Việt Nam lên đường tới New York để vận động gia nhập LHQ. Trong ký ức của ông Phạm Ngạc – Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Quốc tế Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại 5 nước Bắc Âu, người may mắn được tham gia từ đầu khi Việt Nam tham gia LHQ thì ngày đó, dù chưa được là thành viên chính thức của LHQ, Đại hội đồng LHQ đã đặc cách mời hai đoàn đại biểu Việt Nam ngồi trong hai bàn đầu của hội trường và thông qua dự thảo nghị quyết do Algeria – Chủ tịch phong trào không liên kết giới thiệu. Các nước đều hoan nghênh và ủng hộ hai miền Việt Nam tham gia LHQ. Tuy nhiên, tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) thời điểm đó, đại biểu Mỹ đã đơn độc dùng quyền phủ quyết của ủy viên thường trực HĐBA để ngăn cản Việt Nam gia nhập LHQ.
Video đang HOT
Ngày 20/9/1977, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc. Trong ảnh: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh (thứ hai, từ phải sang) dự lễ kéo cờ Việt Nam tại trụ sở Liên hợp quốc.
Dù vậy, với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, thái độ thiện chí và những nỗ lực hợp tác không mệt mỏi của Việt Nam, mọi sự căng thẳng, theo thời gian, cũng bớt dần. Tháng 1 năm 1977, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter nhậm chức tỏ thái độ tích cực với Việt Nam, đồng ý Việt Nam vào LHQ, nới lỏng cấm vận, cử đoàn do Woodcock sang thăm Việt Nam. Và tháng 9/1997, tại phiên họp lần thứ 32 ĐHĐ LHQ ngày 20/9/1977, sau những cuộc đàm phán kéo dài, những cuộc biểu quyết tranh luận gắt gao từ các quốc gia thành viên, cuối cùng, sau bài phát biểu của TTK LHQ, Việt Nam được chính thức công nhận là thành viên thứ 149 của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này.
Đúng 9 giờ sáng ngày 20/9/1977, tại tòa sảnh chính của trụ sở LHQ, lễ thượng cờ Việt Nam được diễn ra theo nghi lễ gia nhập thành viên của LHQ, Việt Nam chính thức vượt qua được các rào cản để trở thành thành viên thứ 149 của LHQ.
41 năm – những dấu ấn nổi bật
41 năm qua kể từ thời khắc lịch sử ấy, Việt Nam đã luôn nỗ lực là một thành viên tin cậy, có trách nhiệm của LHQ. Việt Nam đã từng bước chuyển từ việc tham dự các hội nghị đến việc tham gia một cách tích cực, chủ động vào các cơ chế của Liên Hợp Quốc (LHQ). Việt Nam cũng đã chuyển từ nước nhận trợ giúp sang là đối tác hợp tác với LHQ và tham gia đóng góp xây dựng LHQ.
Chuyên gia Hoa Kỳ huấn luyện cán bộ, nhân viên y, bác sĩ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.
Nổi bật là Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc về hòa bình, an ninh quốc tế. Việt Nam cũng đã trở thành thành viên chính thức của Công ước Cấm vũ khí hóa học năm 1998; một trong những nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện năm 1996; thành viên của Hội nghị Giải trừ quân bị năm 1996… Sự kiện quan trọng đánh dấu vị thế của Việt Nam tại LHQ đó là việc Việt Nam tham gia ứng cử và được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc nhiệm kỳ năm 1997; thành viên Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế nhiệm kỳ 1997-1999; được bầu vào Ủy ban Phát triển xã hội và Ủy ban Nhân quyền của LHQ tháng 5/2000; bầu vào Ban Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa tháng 10/2001; Ủy viên Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế năm 2003. Việt Nam đồng thời là thành viên Hội đồng Điều hành của Chương trình Phát triển và Quỹ Dân số LHQ; thành viên Hội đồng Kinh tế – Xã hội Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2016-2018; thành viên Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016). Tháng 6/2014, Việt Nam lần đầu tiên cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Việt Nam cũng đã cử 27 sĩ quan quân đội và đang chuẩn bị cử bệnh viện dã chiến cấp hai tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.
Ngày 25/5/2018 vừa qua, tại cuộc họp của Nhóm châu Á – Thái Bình Dương tại Liên hợp quốc, các nước đã nhất trí thông qua đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của Nhóm vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an (nhiệm kỳ 2020-2021) tại cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào tháng 6/2019. Việc Nhóm châu Á – Thái Bình Dương nhất trí thông qua đề cử Việt Nam thể hiện sự ủng hộ và tín nhiệm cao của các nước trong khu vực đối với vai trò và năng lực của Việt Nam. Đây là kết quả bước đầu quan trọng, tạo thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình vận động các nước thành viên Liên hợp quốc ở các khu vực khác trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Sáng kiến Thống nhất Hành động – Một Liên hợp quốc là Một Ngôi nhà chung, được cụ thể hóa bằng việc xây dựng Ngôi nhà Xanh chung Liên hợp quốc tại Hà Nội. Đây là Ngôi nhà chung Liên hợp quốc đầu tiên thân thiện với môi trường, được khánh thành nhân dịp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon thăm Việt Nam tháng 5/2015. Là một trong tám nước thí điểm triển khai Sáng kiến Thống nhất hành động trên thế giới, nhìn chung, sáng kiến này đã đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường gắn kết hệ thống các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Ngày 5/7/2018, Việt Nam và Liên hợp quốc đã ký Kế hoạch Chiến lược chung mới cho giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021 giữa Chính phủ Việt Nam và 18 cơ quan Liên hợp quốc. Đây là dấu ấn quan trọng nêu bật cam kết mạnh mẽ của Liên hợp quốc và Chính phủ Việt Nam trong Chương trình hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự vì sự phát biển bền vững đến năm 2030.
Hà Anh
Theo congluan
Indonesia sẽ trả tự do cho 155 ngư dân Việt Nam đang bị bắt giữ
Trong cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 12/9, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã thông tin về việc sẽ trả tự do cho 155 ngư dân Việt Nam đang bị bắt giữ tại Indonesia và khẳng định hợp tác chặt chẽ nhằm hạn chế tình trạng đánh bắt cá trái phép.
Cuộc hội kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tổng thống Indonesia Joko Widodo diễn ra nhân dịp Tổng thống thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam và dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN).
Tổng thống Joko Widodo đánh giá cao Việt Nam trên cương vị nước chủ nhà đã tổ chức chu đáo, tạo nền tảng cho thành công của WEF ASEAN lần này, cho rằng đây là sự kiện quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho việc phát triển và ứng dụng các ngành công nghiệp sáng tạo, công nghệ số.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến với Tổng thống Indonesia Joko Widodo (ảnh: TTXVN)
Hai bên bày tỏ vui mừng về sự phát triển tích cực, sâu rộng của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia sau 5 năm thiết lập; đánh giá cao việc ký Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2019 - 2023 nhân chuyến thăm và nhất trí giao các bộ ngành tích cực thực hiện hiệu quả, đạt các kết quả cụ thể hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2023.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm khai thác tối đa tiềm năng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỷ USD vào năm 2020 theo hướng cân bằng thông qua nhiều biện pháp, đặc biệt là tuân thủ đầy đủ và nghiêm túc các cam kết trong khuôn khổ ATIGA và WTO, đẩy nhanh thủ tục thông quan hàng hóa, không đặt thêm các rào cản kỹ thuật và rào cản thương mại đối với hàng hóa của nhau.
Indonesia hoan nghênh Việt Nam tiếp tục xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy hải sản, thép, điện tử... sang thị trường Indonesia. Hai nhà Lãnh đạo cũng nhất trí sẽ có cơ chế phù hợp để kịp thời giải quyết những vướng mắc và đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp hai bên trong quá trình đầu tư kinh doanh, tạo kiều kiện thông thoáng cho đầu tư hai chiều.
Hai bên nhất trí thúc đẩy đàm phán phân định Vùng đặc quyền Kinh tế giữa hai nước nhằm sớm đạt được thỏa thuận cuối cùng phù hợp với cả hai bên và trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển năm 1982; giúp mở ra cơ hội to lớn hơn trong lĩnh vực hợp tác biển, nghề cá giữa hai nước.
Hai bên khẳng định hợp tác chặt chẽ nhằm hạn chế tình trạng đánh bắt cá trái phép, đồng thời cam kết tiếp tục giải quyết vấn đề ngư dân, tàu cá trên tinh thần nhân đạo và quan hệ Đối tác chiến lược tốt đẹp. Trên tinh thần đó, Tổng thống Indonesia đã thông báo sẽ trả tự do cho 155 ngư dân đang bị bắt giữ tại Indonesia.
155 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ sẽ được Indonesia trao trả
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường tham vấn về các vấn đề khu vực và quốc tế, phối hợp xây dựng ASEAN đoàn kết, tự cường và có vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực.
Hai bên nhắc lại lập trường nhất quán trong vấn đề Biển Đông, bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và dự do hàng hải và hàng không, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982), thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả và thực chất.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Sau bài lạm dụng kháng sinh trong TĂCN: Thủ tướng giao Bộ NNPTNT xử lý Sau khi báo Dân Việt có bài Chống lạm dụng kháng sinh trong TĂCN, phải... "bịt nhiều cửa" (đăng ngày 16/8), phản ánh việc quản lý, giám sát các loại chất bổ sung trên thị trường thức ăn chăn nuôi còn lỏng lẻo, khó kiểm soát, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản giao Bộ NN&PTNT vào cuộc, chủ...