Việt Nam ghi dấu ấn trên con đường ngoại giao đa phương
“Việt Nam sẽ tiếp tục chứng tỏ được vị thế của mình như một thành viên tích cực chủ động của cộng đồng quốc tế”.
Đây là khẳng định của bà Nguyễn Phương Nga, nguyên Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 đang diễn ra tại Hà Nội. Trả lời phóng viên báo chí, bà Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh, Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng ngoại giao đa phương, với chủ trương từ khi giành độc lập đến nay là phát triển quan hệ với Liên Hợp Quốc- tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh.
Nguyên Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Nguyễn Phương Nga.
“Kể từ khi trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc cách đây gần 4 thế kỷ, Việt Nam đã và luôn là thành viên rất tích cực của tổ chức lớn nhất hành tinh này. Có thể nói những đóng góp của chúng ta trên cả 3 trụ cột hòa bình và an ninh quốc tế, phát triển và quyền con người đều được Liên Hợp Quốc và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Trên lĩnh vực hòa bình, an ninh, chúng ta luôn đề cao việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc”, bà Nguyễn Phương Nga nói.
Tín nhiệm của Việt Nam
Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Dù là lần đầu tiên tham gia, nhưng Việt Nam đã phát huy được rất tốt vai trò của mình, đồng thời tham gia rất tích cực trong giải quyết các vấn đề được thảo luận tại Hội đồng Bảo an, góp phần tăng cường hòa bình, an ninh trên thế giới.
Khi thúc đẩy được mục tiêu chung bảo vệ hòa bình thế giới, Việt Nam cũng tăng cường quan hệ đối tác với các nước thành viên trong Hội đồng Bảo an. Từ năm 2014, Việt Nam bắt đầu tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc một cách có trách nhiệm. Các sĩ quan của Việt Nam được đánh giá rất cao về tính kỷ luật, chuyên nghiệp, phát huy hết mình, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Trong lĩnh vực phát triển, Việt Nam luôn được coi là một hình mẫu trong thực hiện các chương trình nghị sự lớn của Liên Hợp Quốc, như thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ hay là việc thực hiện Sáng kiến về thống nhất hành động của Liên Hợp Quốc. Ngôi nhà xanh của Liên Hợp Quốc trên đường Kim Mã (Hà Nội) là một trong những biểu tượng hết sức thành công cho sự hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
“Chúng ta đã được bầu là thành viên của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc (ECOSOC) 2 lần. Trong năm cuối cùng nhiệm kỳ gần đây nhất (2016-2018), chúng ta đã rất tích cực triển khai chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững và các Mục tiêu phát triển bền vững cho đến năm 2030. Trong lĩnh vực quyền con người, Việt Nam cũng được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016″, bà Nguyễn Phương Nga nói.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã đề xuất rất nhiều sáng kiến được bạn bè quốc tế đánh giá cao, như sáng kiến về tác động của biến đổi khí hậu với quyền con người, nhất là quyền của những người yếu thế như phụ nữ, trẻ em và người già. Có thể nói, thông qua tất cả các hoạt động tại Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã khẳng định được chủ trương của Đảng và Nhà nước, khẳng định là một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, chủ động tham gia một cách có trách nhiệm vào những hoạt động chung để xây dựng một thế giới hòa bình và phồn vinh.
Xu thế hợp tác đa phương
Video đang HOT
Trong bối cảnh thế giới hiện nay, với những diễn biến nhanh chóng, khó lường, đi kèm với nhiều thách thức và cả cơ hội, thì xu thế chính trên thế giới là hợp tác cùng phát triển. Hầu hết tất cả các nước, kể cả nước lớn, cũng như các nước nhỏ và vừa, đều coi trọng hợp tác đa phương, các thể chế đa phương, để tìm được cách xử lý, tìm giải pháp cho những vấn đề chung mà thế giới đang phải đối mặt.
Việt Nam cũng đã có vị thế quốc tế được khẳng định, bởi những thành tựu phát triển, bởi những kinh nghiệm đóng góp cho thế giới và những chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, đa dạng hóa và đa phương hóa. Vì thế, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm tham gia các diễn đàn đa phương lớn trên thế giới. Ngoài Liên Hợp Quốc, Việt Nam cũng rất thành công ở APEC và ASEAN.
Nguyên Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Nguyễn Phương Nga nhìn nhận: “Chúng ta có tâm thế và vị thế để đảm đương được những trọng trách lớn trong các tổ chức đa phương. Còn về thách thức thì cũng không hề nhỏ, cả truyền thống và phi truyền thống. Sự cạnh tranh giữa các nước lớn rất gay gắt, thách thức nổi lên hiện nay là xu thế giảm nhẹ những cam kết, các hành động đơn phương, theo đuổi các lợi ích quốc gia dân tộc, chủ nghĩa dân túy”.
“Đây là những thách thức mà chúng ta phải đối mặt khi tham gia các diễn đàn đa phương. Làm sao chúng ta vừa bảo đảm được lợi ích quốc gia, lại vừa thúc đẩy được giá trị chung và đóng góp cho sự phát triển chung của nhân loại, hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển. Vì vậỵ, chúng ta phải đầu tư như thế nào vào nguồn lực để đối phó với những thách thức rất khác biệt, đan xen giữa phát triển với an ninh và quyền con người, làm sao để thúc đẩy được ưu tiên và hoàn thành các nghĩa vụ của mình, với vai trò là một nước thành viên”, bà Nguyễn Phương Nga nói thêm.
Cơ hội của Việt Nam khi ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an
“Chúng ta có quyền kỳ vọng vào nhiệm kỳ sắp tới, khi Việt Nam có đủ khả năng được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Bởi Việt Nam có những thuận lợi nhất định khi mà tiếp tục tham gia ngoại giao đa phương, đặc biệt là tại các diễn đàn Liên Hợp Quốc”, bà Nguyễn Phương Nga đánh giá.
Theo bà, các nước thành viên và bạn bè quốc tế tin tưởng Việt Nam là một thành viên tích cực và có trách nhiệm, cùng hy vọng Việt Nam sẽ đóng góp lớn hơn nữa, xứng đáng với sự phát triển, với vị thế của Việt Nam trong những công việc chung của thế giới. Bà Nguyễn Phương Nga đặc biệt nhấn mạnh, Việt Nam có sự đồng thuận từ lãnh đạo, các cơ quan bộ ngành từ trung ương đến địa phương trong quyết tâm hội nhập quốc tế sâu sắc hơn nữa.
“Chúng ta mới có chỉ thị của Ban Bí thư về nâng tầm và nâng cao hiệu quả của đối ngoại đa phương trong thời kỳ mới. Có sự đồng thuận từ trên xuống dưới, chúng ta sẽ chủ động được các nguồn lực của cả bộ máy chính trị để thực hiện những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp. Trước mắt, chúng ta vẫn phải tập trung nỗ lực để có thể vận động, để các nước thành viên bỏ phiếu ủng hộ Việt Nam trúng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với số phiếu cao. Điều này sẽ cho thấy uy tín, sự tín nhiệm của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam”, bà Nguyễn Phương Nga nói.
Đây cũng là thông điệp quan trọng nhất mà Việt Nam muốn truyền tải tới bạn bè quốc tế thông qua những hành động cụ thể tại Liên Hợp Quốc, nhất là khi hiện nay thách thức của Hội đồng Bảo an là làm thế nào gắn kết được phát triển bền vững với giữ vững hòa bình, để giải quyết tận gốc những nguyên nhân gốc rễ của xung đột và khủng hoảng. Việt Nam có kinh nghiệm vượt qua chiến tranh, xây dựng đất nước, hòa giải, hòa hợp dân tộc theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để có thể chia sẻ với bạn bè quốc tế.
Việt Nam cần chuẩn bị ngay từ bây giờ để có thể tham gia vào Hội đồng Bảo an một cách hiệu quả nhất. Việt Nam phải chuẩn bị nguồn lực cả về vật chất, tinh thần và con người, để có đủ khả năng đảm nhận nhiệm kỳ mới, áp lực lớn hơn và khối lượng công việc lớn hơn.
Theo Dantri/ Hùng Cường, Hoàng Lê
Những tín hiệu tích cực từ cuộc gặp lịch sử Trump - Kim
Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng kết quả của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore không khả quan, song giới chuyên gia vẫn đánh giá những mặt thành công của sự kiện lịch sử này.
Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un nắm tay khi gặp nhau tại Singapore (Ảnh: Reuters)
Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore ngày 12/6, nhiều người đặt nghi vấn về kết quả của cuộc gặp lịch sử này. Họ cho rằng tuyên bố chung do hai nhà lãnh đạo ký kết tại hội nghị có lợi cho Triều Tiên nhiều hơn vì có rất ít thông tin chi tiết về việc bảo đảm cam kết phi hạt nhân hóa của chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Tuy nhiên, Giáo sư William Brown tại Trường Đối ngoại Georgetown vẫn đánh giá tốt kết quả của cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Mặc dù còn một số điểm chưa hoàn thiện, song Giáo sư Brown vẫn nhận thấy sự tiến bộ rõ ràng từ kết quả của hội nghị thượng đỉnh lần này so với các thỏa thuận trước đó.
"Đã có sự cải thiện quan trọng so với những gì mà chúng ta nhìn thấy trước đó, đặc biệt là những cam kết cụ thể như dừng các cuộc tập trận trong thời gian diễn ra các cuộc đàm phán tích cực hay không dỡ bỏ lệnh trừng phạt (Triều Tiên) cho tới khi đạt được sự tiến triển ", ông Brown nói trong cuộc phỏng vấn sau hội nghị thượng đỉnh.
"Không giống các thỏa thuận trước đây, Mỹ lần này không hứa hẹn về viện trợ hay thậm chí giảm sức ép về kinh tế, do vậy nếu Triều Tiên muốn đạt được thành công, quả bóng đang nằm trên sân của họ", ông Brown nhận định thêm.
Theo Giáo sư Brown, trong các thỏa thuận trước đây với Triều Tiên, Mỹ luôn đưa ra đề xuất về những khoản viện trợ khổng lồ và sẵn sàng trao những khoản viện trợ này cho Bình Nhưỡng ngay cả khi chưa đạt được bất kỳ sự tiến triển nào. Ông cũng cho rằng việc "các chuyên gia" Mỹ lấy các thỏa thuận trước đây làm khuôn mẫu cho tiến trình phi hạt nhân hóa trong tương lai với Triều Tiên là ý tưởng "lố bịch".
"Nếu muốn đạt được bất kỳ sự đồng thuận nào, những thông lệ trước đây đều không hiệu quả. Chúng ta nên học từ những sai lầm của chúng ta, chứ không nên lặp lại những sai lầm đó", ông Brown nói.
Mặc dù Tổng thống Donald Trump không đề cập tới việc "gây sức ép tối đa" với Triều Tiên trong tuyên bố gần đây, song Giáo sư Brown cho rằng nhà lãnh đạo Mỹ vẫn luôn chuẩn bị sẵn phương án dự phòng này.
"Nếu Triều Tiên không đi theo con đường này, họ sẽ không giành được bất kỳ điều gì ngoài sức ép tiếp theo về kinh tế và đến một mức nào đó, (Mỹ) có thể quay trở lại với việc gây sức ép tối đa", ông Brown nói.
Tín hiệu tích cực
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều ký tuyên bố chung tại Singapore (Ảnh: Reuters)
Theo Giáo sư tại Trường Đối ngoại Georgetown, một điểm tích cực của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này là cả hai bên rốt cuộc đều chấm dứt "chu kỳ khiêu khích", trong đó Bình Nhưỡng ban đầu khiêu khích, sau đó xuống thang, nhận những "món quà" vì sự xuống thang đó và tiếp tục khiêu khích trở lại để nhận thêm những "phần thưởng" khác.
"Tại Singapore, ông ấy (Kim Jong-un) không nhận được những món quà và ít nhất ở thời điểm hiện tại, rất khó để ông ấy nghĩ đến việc sẽ trở về nhà và tiến hành thêm các vụ thử tên lửa cũng như hạt nhân", Korea Times dẫn lời ông Brown nhận định.
Là cựu sĩ quan tình báo Mỹ, ông Brown cho rằng thượng đỉnh Trump - Kim là bước khởi đầu khiêm tốn và vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm. Cam kết của Triều Tiên mới chỉ là những bước đi đầu tiên trên một hành trình dài và sự thành công đòi hỏi nỗ lực hợp tác của nhiều bên gồm Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Giáo sư Brown đánh giá hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đã giúp giữ nhịp tiến triển trong tình hình bán đảo Triều Tiên từ đầu năm tới nay, song hai bên hiện vẫn ở vạch xuất phát chứ chưa tới đích cuối cùng.
Giáo sư Brown nhấn mạnh Mỹ và Triều Tiên cần nhanh chóng thống nhất các cam kết chi tiết và vạch ra lộ trình cho các cuộc đàm phán và các cuộc gặp tiếp theo. Theo quan điểm của ông Brown, một trong những điều đầu tiên Triều Tiên cần làm để chứng minh sự chân thành của nước này là dừng sản xuất nhiên liệu phân hạch. Tuy nhiên, do một số cơ sở hạt nhân của Triều Tiên là bí mật nên việc dừng sản xuất nhiên liệu là quy trình rất phức tạp và chính quyền Bình Nhưỡng có lẽ cũng chưa sẵn sàng để công khai thảo luận về việc này.
"Nếu bạn đào một cái hố và bạn quyết định lấp cái hố đó đi, bước đầu tiên cần phải làm là dừng đào hố. Nếu Triều Tiên dừng việc đó lại (sản xuất nhiên liệu hạt nhân), đó sẽ là bước đột phá. Khi các cơ sở hạt nhân được phá hủy, tôi tin rằng cam kết nới lỏng trừng phạt (từ Mỹ) sẽ được bảo đảm", ông Brown nói thêm.
Giáo sư Brown cũng nhất trí với lập trường của chính phủ Mỹ rằng không nên giảm nhẹ trừng phạt Triều Tiên chừng nào Bình Nhưỡng chưa có những hành động cụ thể về việc phi hạt nhân hóa. Tuy vậy vẫn có một số trường hợp ngoại lệ và các lệnh trừng phạt nên được sử dụng như một đòn bẩy với Triều Tiên.
"Chỉ khi Triều Tiên có thể trở thành một quốc gia bình thường, nước này mới dần dần hòa nhập với Hàn Quốc và nền kinh tế thế giới", ông Brown nhận định.
Nhận định về kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều, chuyên gia Scott Snyder, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Triều Tiên thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho rằng Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thay đổi quỹ đạo của quan hệ song phương từ đối đầu sang hợp tác, từ đó mang lại hình ảnh hòa dịu mà các bên chờ đợi từ lâu. Cuộc gặp này đã giúp giải quyết mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên và giảm nguy cơ xung đột quân sự trong tương lai gần.
Theo Jimm Steinberg, cựu cố vấn của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Barack Obama, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều là "cuộc đối thoại vui vẻ". Khi hai nhà lãnh đạo đã hòa hợp và tin tưởng lẫn nhau, họ sẽ chỉ đạo cho các trợ lý bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán để thống nhất các chi tiết quan trọng, bao gồm thời điểm và cách thức Triều Tiên sẽ xóa sổ kho vũ khí hạt nhân cũng như việc Mỹ sẽ bảo đảm an ninh và phát triển kinh tế Triều Tiên như thế nào.
Thành Đạt
Theo Dantri
Việt Nam nhấn mạnh vấn đề Biển Đông tại Liên Hợp Quốc Đại sứ Nguyễn Phương Nga - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ) nêu rõ, Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Luật Biển năm 1982... Từ ngày 11-14/6, tại trụ sở LHQ ở New York,...