Việt Nam dự World Cup mở rộng thì có gì vinh dự?
Nếu World Cup 2022 mở rộng lên 48 đội, tuyển Việt Nam sẽ dự giải theo cách nào? Nhờ vào “sự ban ơn” của FIFA hay tiến lên bằng thực lực?
Khi ý tưởng về World Cup mở rộng với 48 đội xuất hiện, thế giới bóng đá đã chia làm 2 phe. Bên cạnh phe ủng hộ, những người phản đối tin rằng World Cup mở rộng sẽ mất đi rất nhiều danh giá, không còn xứng đáng là tinh hoa của đỉnh cao túc cầu.
Dựa trên quan điểm ấy, chiến tích của đội tuyển Việt Nam, nếu có, cũng không còn được đánh giá quá cao. Nhưng sự thật có phải như vậy?
HLV Park Hang-seo và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đều xác định World Cup mở rộng 2022, nếu có, sẽ là mục tiêu lớn nhất của tuyển Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến.
Mở rộng World Cup là xu thế
Lịch sử World Cup nói riêng và thế giới bóng đá nói chung cho thấy mở rộng các giải đấu là xu thế tất yếu xuyên suốt.
EURO gần nhất năm 2016 chứng kiến Giải vô địch châu Âu lớn nhất trong lịch sử với 24 đội tham dự. Asian Cup 2019 mà đội tuyển Việt Nam vừa góp mặt cũng là giải vô địch châu Á quy mô chưa từng có (24 đội).
Bản thân World Cup cũng đã không ngừng mở rộng. Từ 13 đội tham dự hồi năm 1930, giải đấu này mở rộng lên 24 năm 1982, 32 đội năm 1998 và giờ sắp phình to thêm một lần nữa. Sự phát triển của các nền bóng đá, tác động của quá trình thương mại hóa thể thao khiến tăng thêm số đội, tăng thêm số trận trở thành xu thế không thể cưỡng bởi “more teams means more cash – The Guardian” (càng nhiều trận đấu, càng nhiều tiền hơn).
Càng nhiều trận đấu, càng nhiều tiền hơn
The Guardian nói về kế hoạch mở rộng World Cup của FIFA hồi năm 2017
Trong dòng chảy ấy, bóng đá Việt Nam với tư cách một thành viên của FIFA không thể đứng ngoài. Chúng ta có muốn hay không, có tự hào chan chứa hay vinh dự vừa phải cũng không thay đổi được xu thế này.
Điều bóng đá Việt Nam cần làm là đón đầu con sóng của thời đại đang tới rất gần.
Video đang HOT
Mặt khác, World Cup mở rộng không có nghĩa là giải đấu chất lượng kém đi hay ít tính cạnh tranh hơn. Nên nhớ, những kỳ World Cup trong quá khứ có ít đội tham dự nhưng số thành viên FIFA thời điểm ấy cũng ít hơn ngày nay rất nhiều. Vòng loại World Cup đầu tiên tổ chức năm 1934 có 36 đội tham dự, chọn 16 đội dự vòng chung kết, tỷ lệ đi tiếp là 44,4%. Đến World Cup 2018, có 210 đội tham dự, chỉ chọn ra 32 đại diện, tỷ lệ đi tiếp là 15,2%. Nếu World Cup 2022 nâng lên thành 48 đội, “tỷ lệ sinh tồn” tăng nhẹ: 22,9%.
So với quá khứ, World Cup mở rộng vẫn vô cùng khốc liệt.
Bóng đá Việt Nam vẫn đang đi sau Thái Lan trên hành trình tiến ra World Cup. Ảnh: Minh Chiến.
Đến World Cup luôn là bước tiến vĩ đại
Nếu chỉ tập trung vào đội tuyển Việt Nam, chúng ta sẽ thấy giành quyền tham dự World Cup mở rộng vẫn là một thành tích vĩ đại, là cột mốc mà bóng đá Việt chưa từng chạm tới.
World Cup 2018 vừa qua, Thái Lan là đội tuyển Đông Nam Á duy nhất có mặt ở vòng loại số 3 khu vực châu Á nhưng đứng bét bảng. Còn tuyển Việt Nam dừng chân tại vòng loại số 2 và chưa từng chạm tới vòng loại cuối. Thái Lan đứng cuối cùng trong nhóm 12 đội hàng đầu châu Á, còn tuyển Việt Nam thậm chí chưa được xếp “chung mâm” với tổ tinh hoa này.
Nếu World Cup 2022 diễn ra đúng như kế hoạch của FIFA, châu Á sẽ có 8,5 suất. Từ vị trí ngoài tốp 12 tới việc lọt vào nhóm 8 đội mạnh nhất, đó vẫn là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn của thầy trò HLV Park Hang-seo.
Để làm được điều đó, bóng đá Việt Nam cần nhiều hơn những điều thần kỳ. Đội tuyển của ông Park phải tiến bộ hơn nữa, những chiến tích Thường Châu, UAE phải thường xuyên lặp lại, Quang Hải, Văn Lâm phải vượt xa chính họ lúc này, cả nền bóng đá, cả hệ thống giải quốc nội lẫn bóng đá phong trào phải đạt tới một tầm cao mới.
Với bóng đá Việt Nam, World Cup mở rộng hay không vẫn là đỉnh cao mà ta chưa thể chinh phục.
Iceland có lẽ là đội bóng hưởng lợi từ sự mở rộng của các giải đấu lớn điển hình là EURO 2016. Ảnh: Getty
Mở rộng hay không cũng cần thực lực
World Cup hay các giải đấu mở rộng đương nhiên mang tới thêm nhiều cơ hội. Nhưng cơ hội ấy không bao giờ thuộc về kẻ yếu.
Iceland là một ví dụ. Tận dụng kỳ EURO đầu tiên có 24 đội tham dự, đội tuyển tới từ băng đảo đã xuất sắc giành vé tới nước Pháp mùa hè 2016 trước khi tiếp tục góp mặt tại World Cup 2018 – nơi họ cầm hòa Argentina hùng mạnh của Lionel Messi. Những gì Iceland làm được là bằng chứng cho thấy mở rộng hay không, World Cup vẫn là câu chuyện của thực lực.
Thực lực là khi người Anh chỉ có 1 HLV sở hữu bằng UEFA trên 10.000 dân, tỷ lệ tương tự của Iceland là 1/500. Thực lực là từ hạng 112 thế giới hồi năm 2010 leo lên hạng 22 thế giới sau đó 8 năm. Thực lực là được phân vào nhóm A UEFA Nations League, trong khi Đan Mạch, CH Czech nằm nhóm B.
Các đội tuyển có thể may mắn giành vé dự EURO hay World Cup nhờ quy định mở rộng của FIFA. Nhưng nếu muốn chứng tỏ được mình, muốn có được sự tôn trọng từ thế giới, họ phải mạnh thực sự.
Bóng đá Việt Nam cũng hiểu rõ điều đó. Chúng ta được dự Asian Cup 2019 nhờ AFC nâng số đội tham dự lên 24. Nhưng khi thầy trò HLV Park Hang-seo vào tới tứ kết châu Á, không còn ai dám coi thường Việt Nam.
HLV Park Hang-seo xuất chúng nhưng bóng đá Việt Nam cũng đang sở hữu một thế hệ chưa từng thấy. Ảnh: Minh Chiến.
HLV Park Hang-seo không thể thành công nếu không có trong tay những cái tên xuất sắc được sản sinh từ cuộc cách mạng đào tạo trẻ hơn 10 năm trước. Đội tuyển Việt Nam từng xếp hạng 147 FIFA hồi 2015 nhưng giờ đã có tên trong tốp 100 thế giới. Quang Hải ở tuổi 22 là người hay nhất bóng đá Việt Nam, Đặng Văn Lâm bắt chính tại CLB hàng đầu Thái Lan, trong khi Đoàn Văn Hậu đang trên con đường tiến ra châu Âu. Tất cả điều đó đều là thực lực.
Các giải đấu có mở rộng hay không, thành công của những đội tuyển như Iceland hay Việt Nam đều là kết quả tất yếu. Bởi World Cup, EURO hay Asian Cup có mở rộng, trình độ các đội ở nhóm đầu cũng không thay đổi thậm chí tăng lên. Khi cơ hội mở rộng cho tất các đội, thách thức cũng đến với tất cả. Tham dự những giải đấu đó vì thế vẫn là bằng chứng khẳng định thực lực mỗi đội tuyển.
Nếu Việt Nam được dự World Cup 2022, hãy tin rằng nguyên nhân là bởi chúng ta đã tiến bộ và mạnh mẽ hơn xưa.
Lịch thi đấu lượt trận 1 King’s Cup 2019. Đồ họa: Minh Phúc.
Theo Zing
Lịch thi đấu chi tiết của thầy trò HLV Park Hang Seo trong năm mới 2019
Dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo, các cấp độ đội tuyển Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công trong năm qua, đó là hạng tư Asiad 2018, vô địch AFF Cup 2018 và vào đến tứ kết Asian Cup 2019.
Trong năm mới, người hâm mộ sẽ được xem thầy trò HLV Park Hang Seo thi đấu qua các giải sau đây.
Sau khi Asian Cup 2019 kết thúc, HLV Park Hang Seo và các học trò sẽ được nghỉ ngơi ăn tết sau đó sẽ bước vào guồng quay mới. Trong đó nhiều tài năng trẻ trong màu áo đội tuyển Việt Nam như Quang Hải, Công Phượng,... vẫn là trụ cột ở câu lạc bộ nên những cầu thủ sẽ tiếp tục chinh chiến tại V-League 2019 đến tháng 3.
Lứa cầu thủ Quang Hải, Văn Hậu,... sẽ chinh chiến ở nhiều giải đấu lớn tầm cỡ châu lục và khu vực trong năm 2019. Ảnh: Lao động
Vào gần cuối tháng 3, những tài năng trẻ của bóng đá Việt Nam kể trên sẽ sát cánh trong màu áo U22 Việt Nam tham dự vòng loại U23 châu Á 2020. Tại vòng loại, U22 Việt Nam có lợi thế chủ nhà và nằm ở bảng K cùng với Thái Lan, Indonesia và Brunei. Ngoài Brunei quá yếu thì mục tiêu của thầy trò HLV Park Hang Seo là đánh bại Thái Lan và Indonesia để giành tấm vé tham dự VCK U23 châu Á 2020.
Được biết, vòng loại U23 châu Á 2020 sẽ diễn ra từ ngày 22 đến 26/3/2019. Vòng chung kết sẽ được tổ chức từ ngày 8 đến 26/1/2020 tại Thái Lan. Ba đội xếp hạng cao nhất của vòng chung kết U23 Châu Á 2020 sẽ đại diện Châu Á tham dự Olympic Tokyo 2020.
Như vậy với thành công tại giải U23 châu Á 2018 và giành chức Á quân, người hâm mộ lại đang kỳ vọng thầy Park có thể một lần nữa giúp U23 Việt Nam giành được tấm vé trong mơ dự Olympic Tokyo 2020. Đó sẽ là lời khẳng định thật sự về công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam với bạn bè châu lục và khu vực.
Cũng trong tháng 3 này, vào ngày 26, đội tuyển Việt Nam với tư cách là nhà vô địch Đông Nam Á 2018 sẽ được chạm trán với đội vô địch Đông Á là Hàn Quốc tại giải AFF-EAFF Champions Trophy lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2019. Giải đấu này ra đời nhằm giúpcác đội bóng thuộc vùng trũng của bóng đá châu Á có cơ hội được thi đấu cọ sát với đội bóng có trình độ đẳng cấp hàng đầu châu lục.
Lịch thi đấu vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á
Sau đó, đến tháng 9, đội tuyển Việt Nam sẽ tập trung mỗi tháng một lần để thi đấu 6 trận thuộc vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á. Với những gì đã thể hiện tại Asian Cup 2019, người hâm mộ đang rất hy vọng đội nhà có thể giành tấm vé tham dự World Cup 2026, khi mà số đội tham dự được mở rộng lên thành 48 đội và ở châu Á sẽ có 8 suất tham dự.
Sau khi kết thúc vòng loại World Cup 2022 khoảng nửa tháng, thầy trò HLV Park Hang Seo sẽ bước vào chiến dịch chinh phục tấm HCV tại SEA Games 30, dự kiến tổ chức tại Philippines từ ngày 29.11 tới 10.12.2019, gồm có 30 môn thể thao, trong đó có bóng đá.
Đội tuyển U22 Việt Nam với nòng cốt là lứa cầu thủ trẻ Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng,... sẽ đủ tuổi để tham dự SEA Games 30. Có lẽ tấm HCV tại SEA Games 30 sau gần 60 nằm khoắc khoải chờ đợi của người hâm mộ mà đội tuyển U22 Việt Nam có thể giành được vào cuối năm sẽ là món quà vô giá với HLV Park Hang Seo, bởi trong lịch sử vẫn chưa có huấn luyện viên ngoại nào có thể giúp Việt Nam toại nguyện giấc mơ này.
Đó là những giải đấu quan trọng mà HLV Park Hang Seo sẽ dẫn dắt các cấp độ đội tuyển Việt Nam tham dự trong năm mới 2019. Cùng với đó, còn có những giải đấu trẻ khác mà Việt Nam có đại diện tham dự trong năm 2019 như giải U22 Đông Nam Á 2019 (tháng 2), U15 nữ Đông Nam Á (tháng 4), U15 Đông Nam Á (tháng 7), U18 Đông Nam Á (tháng 8), vòng loại U16 châu Á 2020 (tháng 9), U16 nữ châu Á 2019 và vòng loại U19 châu Á 2020.
Theo báo Lao Động Thủ Đô
Việt Nam sẽ nằm ở nhóm hạt giống số 2 tại vòng loại World Cup 2022 Sau thành công tại Asian Cup 2019 với thành tích vào tứ kết, đội tuyển Việt Nam dự kiến sẽ xếp hạng 99 thế giới, 16 châu Á trên Bảng xếp hạng FIFA được công bố trong tháng 2 này. Nếu giữ vững được vị trí này, đội tuyển Việt Nam nằm ở nhóm hạt giống số 2 khi bốc thăm tại vòng...