Việt Nam đủ năng lực ngăn chặn dịch bệnh nCoV
Trong thời gian tới, Việt Nam có thể xuất hiện thêm nhiều trường hợp dương tính với virus nCoV, song với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, với trình độ và năng lực đã được minh chứng, ngành y tế Việt Nam tự tin sẽ đủ khả năng ngăn chặn dịch bệnh này.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại cuộc họp. Ảnh VGP/Trần Mạnh
Chiều 3/2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra đã tiến hành cuộc họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Tỷ lệ tử vong do nCoV không cao như dự đoán
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch cho biết, tính đến thời điểm trưa 3/2, thế giới đã ghi nhận 17.386 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, trong đó có 362 trường hợp tử vong, chiếm khoảng 2% (361 trường hợp tử vong tại Trung Quốc và 1 trường hợp tử vong tại Philippines).
Tại Trung Quốc đã ghi nhận 17.205 trường hợp tại 31/31 tỉnh/thành phố. Còn trên thế giới, dịch bệnh này đã lây lan tới 26 quốc gia và vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc) với 184 trường hợp mắc bệnh (Nhật Bản: 20, Thái Lan: 19, Singapore: 18, Hàn Quốc: 15, Hongkong (TQ): 14, Australia: 12, Mỹ: 11, Đài Loan (TQ): 10, Đức: 10, Malaysia: 8, Macau (TQ): 8, Việt Nam: 8, Pháp: 6, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất: 5, Canada: 4, Italy: 2, Anh: 2, Nga: 2, Philippines: 2 (1 tử vong), Ấn Độ: 2, Campuchia: 1, Phần Lan: 1, Nepal: 1, Sri Lanka: 1, Thuỵ Điển: 1, Tây Ban Nha: 1).
Cũng theo lãnh đạo Bộ Y tế, bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra lây lan nhanh hơn nhưng tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều lần so với Hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS-CoV. Cụ thể, chỉ trong chưa đầy 1 tháng (tính từ ngày 8/12/2019 đến ngày 3/2/2020) virus nCoV đã làm 17.386 người mắc bệnh, 362 người tử vong. Trong khi đó từ tháng 11/2002 đến tháng 7/2003 (9 tháng) SARS-CoV chỉ làm 8096 người mắc bệnh, nhưng có tới 774 người tử vong, tỷ lệ người tử vong lên tới 9,6%.
Ảnh VGP/Trần Mạnh
Ngành y tế tự tin
Video đang HOT
Thông tin về tình hình dịch bệnh do virus nCoV gây ra trên lãnh thổ Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết đến thời điểm hiện tại Việt Nam mới chỉ có 8 người nhiễm bệnh (dương tính với nCoV). Số trường hợp nghi ngờ là 303 người, trong đó đã loại trừ 214 người (âm tính) còn lại 89 người đang chờ kết quả xét nghiệm.
So với ngày 2/2, số nghi ngờ tăng thêm 67 trường hợp, ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc bệnh tại tỉnh Vĩnh Phúc (hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh); chúng ta cũng đã loại trừ được thêm 51 trường hợp; số trường hợp nghi ngờ đang được cách ly theo dõi, điều trị, chờ kết quả xét nghiệm tăng 37 trường hợp; số trường hợp nghi ngờ tiếp xúc gần đang được theo dõi sức khoẻ tăng 16 trường hợp.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết đặc tính của dịch bệnh do virus nCoV là lây lan rất nhanh. Ban đầu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo tỷ lệ tử vong có thể lên tới 3%, nhưng thực tế cho thấy đến thời điểm hiện tại, ở Trung Quốc, tỷ lệ này mới ở mức 2%.
Còn ở nước ta, đến thời điểm hiện tại mới có 8 người mắc bệnh và chưa có cán bộ y tế nào bị lây nhiễm bệnh. Đáng chú ý, trong số những người mắc bệnh, chúng ta đã chữa khỏi cho 2 người (1 bệnh nhân điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM, 1 bệnh nhân ở Thanh Hóa); 4 người còn lại tình hình sức khỏe cũng đang tiến triển tích cực.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn để có được kết quả trên là nhờ chúng ta đã vào cuộc rất quyết liệt với các phương án toàn diện, hiệu quả để sẵn sàng phát hiện, khoanh vùng, cách ly, điều trị, dập dịch.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng dự đoán trong thời gian tới, dịch bệnh này còn diễn biến phức tạp ở Trung Quốc và lan nhanh ra nhiều nước. Cùng với sự phát triển của các thiết bị xét nghiệm mới giúp phát hiện người mắc bệnh nhanh hơn, ở trong nước có thể xuất hiện thêm nhiều trường hợp dương tính với virus nCoV, song với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, với trình độ và năng lực đã được minh chứng, ngành y tế Việt Nam tự tin sẽ đủ khả năng ngăn chặn dịch bệnh này./.
Trần Mạnh
Theo baochinhphu
TP.HCM họp bàn giải pháp ngừa Corona bùng phát
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các cơ quan liên quan phải dự báo nhu cầu khẩu trang ít nhất trong hai tuần nữa.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, dự báo nguy cơ dịch bệnh do virus nCoV gây ra có khả năng lan rộng trên địa bàn TP.HCM nếu không kiểm soát được dịch bệnh ngay từ những ca đầu tiên, tại cuộc họp báo cáo tình hình ứng phó phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra tại UBND TP vào chiều 3-2.
Khó phát hiện ca bệnh tại cửa khẩu
Ông Bỉnh dẫn chứng nhiều nguy cơ có thể khiến TP.HCM thành ổ dịch như mật độ dân cư cao, đi lại giữa TP.HCM và các nước trên thế giới, các tỉnh, TP của Việt Nam rất lớn làm gia tăng nguy cơ bệnh xâm nhập và lây lan trong TP.
Ngoài ra, việc sử dụng máy lạnh trong nhiều khu nhà ở, công sở là môi trường thuận lợi cho virus phát triển.
"Với đặc điểm thời gian ủ bệnh kéo dài trong khi thời gian di chuyển từ vùng dịch đến TP.HCM là rất ngắn (chỉ vài giờ) nên khả năng phát hiện ca bệnh tại cửa khẩu rất hạn chế. Trường hợp hai ca bệnh đầu tiên đã chứng minh rất rõ cho điều này. Và với đặc điểm lâm sàng đa số là những bệnh cảnh nhẹ, giống với nhiễm nCoV thông thường nên dễ khiến người bệnh có thể không cần đến sự trợ giúp y tế nên bệnh khả năng lây cho người khác tại TP do sự tiếp xúc đi lại của người bệnh" - ông Bỉnh nêu.
Do đó, ông Bỉnh đề nghị cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh đã xâm nhập tại cộng đồng thông qua hệ thống cơ sở y tế để hạn chế lây lan; tổ chức sẵn sàng các cơ sở điều trị, cách ly kiểm dịch trên toàn TP để vận hành khi cần thiết... "Biện pháp phòng, chống hiện nay là kiểm soát sự lây lan và không để có ca tử vong" - ông Bỉnh phát biểu.
Người dân tự ý thức đeo khẩu trang mọi lúc, mọi nơi trong thời điểm dịch bệnh Corona. Ảnh: TP
Nỗ lực cung ứng đủ khẩu trang cho người dân
Một trong những giải pháp ngừa dịch nCoV là việc sử dụng khẩu trang cũng được các đại biểu bàn sôi nổi trong cuộc họp. "Các nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh nếu đeo khẩu trang không đúng cách, nguy cơ nhiễm bệnh còn cao gấp nhiều lần người không mang khẩu trang" - TS-BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM, cảnh báo.
Theo BS Giang, hầu như 100% những người đang sử dụng khẩu trang y tế đều mang không đúng cách. Các nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh nếu đeo khẩu trang không đúng cách, nguy cơ nhiễm bệnh do vi khuẩn bám trên khẩu trang phát tán còn cao gấp nhiều lần người không mang khẩu trang. Ngược lại, nếu đeo khẩu trang đúng cách, theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì số lượng khẩu trang bị vứt bỏ mỗi ngày sẽ rất khổng lồ. "Nếu đeo khẩu trang đúng cách thì mỗi lần mở ra phải móc bỏ vào thùng rác thì mỗi người mỗi ngày sẽ xài bao nhiêu chiếc và lượng cung ứng sẽ như thế nào?" - BS Giang phân tích.
Do đó, theo BS Giang, những đối tượng bắt buộc phải đeo khẩu trang như khi đến nơi công cộng, đông người hoặc đang bị các bệnh đường hô hấp, tiếp xúc gần với người có nguy cơ nhiễm bệnh thì phải mang khẩu trang đúng cách. Trong trường hợp nguồn khẩu trang y tế khan hiếm thì nhất thiết vẫn phải có khẩu trang cho những đối tượng bắt buộc phải đeo khẩu trang.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, nhận định với tình hình dịch bệnh kéo dài, việc cung ứng khẩu trang cho người dân sẽ gặp khó khăn. Thông tin từ các nhà sản xuất cho biết nguyên liệu sản xuất khẩu trang chủ yếu là nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bổ sung ý kiến trên, BS CK2 Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết TP có đến 11 triệu người dân và kể cả vãng lai, do đó nhu cầu sử dụng khẩu trang sẽ rất lớn, cung không đủ cầu. Do đó, người dân có thể sử dụng khẩu trang giấy hoặc vải thay đổi trong ngày cũng có tác dụng bảo vệ tương đương. Ông Dũng cũng đề xuất nên xem xét việc đeo khẩu trang y tế với đối tượng nào, thời điểm nào.
Phát biểu chỉ đạo về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các cơ quan liên quan phải dự báo nhu cầu khẩu trang ít nhất trong hai tuần nữa.
Theo ông Nhân, TP có đến 2,6 triệu học sinh sẽ đi học trở lại, nếu mỗi em đều bắt buộc đeo khẩu trang đến trường học thì chắc chắn TP sẽ không cung cấp đủ.
Do đó, ông Nhân đề nghị các cơ quan, ban, ngành phải hướng dẫn rõ những đối tượng nào cần phải đeo khẩu trang, đeo khẩu trang vào lúc nào. Ông Nhân nhận định nếu tuyên truyền không tốt thì người dân sẽ rối loạn khi không được đáp ứng đủ lượng khẩu trang.
Nhiệm vụ số một là phát hiện bệnh và cách ly kịp thời
PGS-TS Trần Đắc Phu, cựu cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chuyên gia cao cấp của Trung tâm Đáp ứng dịch khẩn cấp, Bộ Y tế, Việt Nam sẽ áp dụng những kinh nghiệm trong việc khống chế dịch SARS để áp dụng cho dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV nói riêng và các dịch bệnh sau này nói chung.
Trong giai đoạn này, để dập dịch tốt, khống chế được dịch cần nỗ lực lớn của nhân viên y tế và phải có sự chung tay rất lớn của người dân. Người dân có biểu hiện ho, sốt, khó thở nếu có dịch tễ liên quan tới vùng dịch (đi từ vùng dịch, tiếp xúc với người mắc bệnh) thì phải khai báo và đến ngay cơ sở y tế.
Nhiệm vụ số một của các ngành, các cấp là phát hiện và cách ly, giám sát người nhiễm để bệnh không lây lan ra cộng đồng. Tiếp đó là lên kế hoạch đáp ứng phù hợp trong mỗi giai đoạn của dịch.
HÀ PHƯỢNG
HOÀNG LAN
Theo PLO
Khẩu trang, những chuyện cười ra nước mắt Nhan nhản chuyện bán, mua và sử dụng khẩu trang sai cách trong tâm bão mang tên virus nCoV. Trong đại dịch, chỉ một người không an toàn thì những người khác đều có nguy cơ lây nhiễm 8g45 sáng 1/2, bạn mình nhận được cú điện thoại của cô giáo chủ nhiệm: "Chị ơi, con bị ngất và đã đưa vào phòng...