Việt Nam đẹp dung dị trong ảnh nghệ thuật
Chùm ảnh này đang được trưng bày ở triển lãm ảnh ‘Vì cộng đồng’ tổ chức tại khách sạn Hilton Hà Nội.
Triển lãm diễn ra trong ngày 30/3, trưng bày và bán đấu giá 12 bức ảnh nghệ thuật về đất nước – con người Việt Nam nhằm ủng hộ quỹ học bổng vì trẻ em Việt. “Chiều vàng Tú Lệ” của tác giả Nguyễn Trung Quân là một trong những tác phẩm đó. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc mùa vàng của ruộng bậc thang Tây Bắc khiến nhiều người mê đắm.
Hà Nội những ngày mưa như khoác lên mình một tấm áo trầm lắng và huyền bí hơn. Mưa “thổi” vào những con đường, góc phố hương vị tươi mới. Mưa như người nghệ sỹ vẽ lên những bức tranh sống động và lung linh màu sắc hơn. Và mưa cũng viết nên câu chuyện về Hà Nội một sớm bình yên, có người phụ nữ tần tảo mang hoa về làm đẹp cho phố. Ảnh: Cao Anh Tuấn.
Bức ảnh “Mẹ về chợ” ghi lại hình ảnh người mẹ gánh hàng hải sản tới chợ sớm ở vùng biển Mỹ Khê, Đà Nẵng. Ảnh: Cao Anh Tuấn.
Làng gốm Bàu Trúc có lẽ là làng nghề cổ truyền đặc biệt nhất nước Nam. Tại đây, những người phụ nữ Chăm Pa đóng vai trò là “thợ cả”, đàn ông chỉ phụ trợ trong việc làm gốm. Ảnh: Nguyễn Ngọc Bình.
Những đứa trẻ dân tộc Raglai đón một mùa hè thật khác so với các bạn miền xuôi cùng trang lứa. Công việc hàng ngày của các em là chăn trâu để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Ảnh: Phạm Trọng Cẩn.
Tết Trung thu với trẻ em vùng cao (Y Tý, Lào Cai) vẫn là một điều lạ lẫm. Và để những đứa trẻ miền biên ải đón cái tết thiếu nhi trọn vẹn thì còn khó khăn gấp bội phần. Ảnh: Lê Việt Khánh.
Khi hoa lê trắng muốt nở bung và vạn vật đất trời như giao hòa làm một, bà con dân tộc Thái tại Yên Châu, Sơn La bắt đầu một vụ mùa mới – vụ chiêm xuân. Bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến các thửa ruộng tuyệt đẹp nối tiếp nhau như nấc thang dẫn lên thiên đường. Từng đám mạ xanh non đang chuẩn bị gieo xuống mảnh đất màu mỡ, hít no khí trời để vươn lên, trổ ra những bông lúa trĩu hạt. Gieo mạ non không chỉ là gieo xuống sự sống mà còn gieo cả niềm hy vọng cho một vụ mùa bội thu. Ảnh: Lê Hồng Hà.
Những ánh nắng ban mai vẽ nên những vệt dài lao xao trên bờ cát, người và biển cùng hát: rạo rực, xôn xao ở Cửa Lò, Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Phú Đức.
“Ánh mắt Mường Phăng” đầy ám ảnh trên thung lũng Mường Phăng – cứ địa cách mạng trong những năm kháng chiến chống Pháp, di tích lịch sử gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Ảnh: Nguyễn Trung Quân.
Bãi rêu Nha Trang đẹp nhất vào mùa xuân, khi loài cây thủy sinh này phát triển mạnh và phủ kín những gồ đá, trông xa giống như những viên ngọc bích khổng lồ nằm lười biếng đợi người mài giũa. Ảnh: Phạm Trọng Cẩn.
Nằm cách thủ đô Hà Nội hơn 150 km, Bắc Sơn là một điểm đến xinh đẹp và yên bình. Du khách chắc chắn sẽ bị hớp hồn bởi những thửa ruộng trải dài khắp thung lũng như một tấm thảm khổng lồ rực rỡ sắc màu của tự nhiên. Từng thửa ruộng đan xen giữa màu của nước, của lúa và của những tia nắng trải dài trong thung lũng tạo nên một “bức tranh thổ cẩm” đẹp đến mê hồn. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn.
Bình minh trên đỉnh Du Sinh đã gấp gọn màn đêm u tối. Cả thành phố Đà Lạt bồng bềnh trong sương khói trông thật mê hồn. Ảnh: Nguyễn Tô Minh.
Theo ngôi sao
Lịch trình chi tiết khám phá đảo Lý Sơn
Những kinh nghiệm và cập nhật mới nhất về vé tàu cao tốc, giá nhà nghỉ và chỗ ăn ngủ ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) dành cho các bạn sắp đi dịp lễ 30/4 tới đây.
Những chia sẻ này được cập nhật tháng 3/2015. Các mức giá và chốn ăn nghỉ có thể sẽ thay đổi theo thời gian và biến động thị trường. Với những người đã đến đảo năm ngoái thì có thể tưởng tượng ra cảnh năm nay đông khoảng gấp đôi hay ít nhất cũng đông gấp rưỡi, đặc biệt dịp nghỉ lễ và cuối tuần. Với những người chưa ra đảo thì tốt nhất nên đặt trước phòng khoảng một tháng và hỏi chủ khách sạn tài khoản để chuyển tiền trước cho chắc ăn. Thời điểm này, đều đều mỗi ngày khoảng trên 300 khách, ngày cuối tuần, tàu cao tốc chạy 5 đến 6 chuyến ra đảo, khoảng hơn nghìn người.
Video đang HOT
Hòn đảo xinh đẹp Lý Sơn có bãi tắm tuyệt đẹp, nước trong vắt.
Ngày 1: Hà Nội (hoặc Sài Gòn) - Chu Lai (hoặc Đà Nẵng)
Có rất nhiều lựa chọn cho các bạn để đến được Quảng Ngãi tùy thuộc vào thời gian và điều kiện của các bạn. Có điều kiện thì bay đến Đà Nẵng hoặc Chu Lai rồi di chuyển bằng các phương tiện khác như taxi, xe buýt, xe máy để đến Quảng Ngãi rồi ra cảng Sa Kỳ. Tốt nhất nên bắt xe giường nằm để đến Quảng Ngãi, chọn chuyến xe nào phù hợp để đến Quảng Ngãi vào tối hôm trước rồi sau đó đi xe buýt hoặc taxi xuống cảng Sa Kỳ nghỉ đêm. Tại cảng Sa Kỳ ngay đường vào cảng, cách cảng 200 mét có một số nhà nghỉ, nhà trọ khá sạch sẽ. Nếu người nào thảnh thơi hơn, có thể ở biển Mỹ Khê (Quảng Ngãi).
* Vé tàu cao tốc
Dù đi bằng phương tiện gì, bạn cũng nên cố gắng tới cảng Sa Kỳ sớm nhất trong sáng ngày hôm sau để mua vé lên tàu cao tốc ra đảo. Hiện tại nhà ga cảng Sa Kỳ đã đi vào hoạt động từ Tết Âm lịch nên khá rộng rãi và thoáng mát cho mọi người chờ mua vé. Đã có các cửa riêng của vé cho người ưu tiên, cửa cho đoàn đăng ký vé từ trước và cửa cho người đến đó mới xếp hàng mua vé. Giá vé chiều từ Sa Kỳ ra đảo là 105.000 đồng/lượt và lượt về từ Lý Sơn về Sa Kỳ là 100.000 đồng.
Tuy nhiên vẫn có mỗi hai nhân viên bán vé và kiểm tra CMND nên vẫn là hơi dài cổ khi xếp hàng mua vé vào những ngày cuối tuần hay nghỉ lễ. Các nhóm đi đông theo đoàn thì nên đăng ký vé trước sẽ thuận tiện và bớt thời gian hơn nhiều.
Nhà ga khá rộng và khang trang đẹp đẽ, có ghế ngồi chờ như nhà ga sân bay, có quạt mát nên không lo bị đứng xếp hàng giữa trời nắng miền trung gió Lào như những năm trước nữa.
Về danh sách đăng ký thì giờ chỉ cần: họ tên, năm sinh, nơi ở chứ không cần số CMND như trước nữa. Chỉ cần bạn trưởng đoàn khi lấy vé trình CMND của bạn ấy và một bản danh sách đoàn giống như danh sách đã đăng ký gửi cho phòng vé từ trước.
Giờ tàu chạy và số chuyến: hiện tại duy trì hằng ngày có hai chuyến buổi sáng xuất cảng lúc 7h30 và 8h từ Sa Kỳ và một chuyến buổi chiều vào 13h hoặc 13h30. Chiều về từ Lý Sơn về đất liền duy trì một chuyến buổi sáng vào 7h30 hoặc 8h tùy tàu và buổi chiều một chuyến lúc 14h. Đây là lịch cố định hằng ngày. Tuy nhiên, các ngày lễ Tết hoặc ngày cuối tuần hầu như chạy kín ngày nhưng không xuất cảng sau 16h30 do đảm bảo an ninh hàng hải, trừ những trường hợp đặc biệt. Nếu sau các chuyến cố định mà lượng khách còn đông thì sẽ có chuyến chạy bổ sung không kể là ngày lễ Tết hay ngày thường.
Nếu đi đoàn đông nên liên hệ mua vé trước. Khi mua vé cho đoàn đông cần có danh sách thông tin của cả đoàn gồm họ tên, năm sinh, số CMND, quê quán. Các bạn có thể nghỉ đêm tại Quảng Ngãi rồi sáng hôm sau mới di chuyển ra cảng Sa Kỳ bằng các phương tiện như taxi, xe buýt hoặc có thể tới thẳng cảng Sa Kỳ nghỉ đêm để sáng hôm sau tiện cho việc mua vé tàu ra đảo hơn.
Bạn tới nhà ga này để mua vé tàu cao tốc ra Lý Sơn.
* Ăn nghỉ ở cảng hoặc khu vực Mỹ Khê hay TP Quảng Ngãi
Ở cảng Sa Kỳ: hiện vẫn có mỗi nhà trọ Hương Biển có 5 phòng dạng nhà trọ đơn giản để mọi người nghỉ đêm chờ tàu. Có thể chứa được khoảng 15 người và giá là 50.000 đồng/người. Tuy nhiên thi thoảng hay đòi giá 60.000 đồng hay 70.000 đồng. Mọi người không nên nên tặc lưỡi mà chỉ trả 50.000 đồng/người. Cứ nói là bạn mới ở và giới thiệu. Có lựa chọn khác cũng ngay gần cạnh là nhà trọ Phương Đông. Có 5 phòng và giá mỗi phòng thường đòi 120.000 đồng. Tuy nhiên nên trả giá xuống 100.000 đồng vì với kiểu phòng như vậy thì gái 100.000 đồng là hợp lý.
Nếu cảng Sa Kỳ mà cảm thấy không ưng ý thì có thể bắt taxi, xe ôm ra khu bãi biển Mỹ Khê cách cảng 7 km để nghỉ ngơi thì khang trang hơn. Ở đây thì ăn nghỉ thuận lợi hơn. Tuy nhiên cũng sang chảnh và chát hơn chút. Ở Mỹ Khê có mấy nhà nghỉ bình dân, một khách sạn tên là Hoàng Sa và một nhà khách Mỹ Khê 3 sao. Nhà khách thì phòng đơn khoảng 300.000 đồng, phòng đôi 450.000 đồng. Hoàng Sa thì phòng đơn 250.000 đồng, phòng đôi 350.000 đồng. Các nhà nghỉ bình dân giá cũng tầm 200.000 đồngphòng đơn và có nơi rẻ hơn chút.
Ở Mỹ Khê có bãi biển tắm khá đẹp, ngắm bình minh đẹp và ăn uống thì thoải mái vì cả một dãy bãi Mỹ Khê là nhà hàng hải sản bình dân, đồ phong phú và giá cả hợp lý.
Khách sạn ở Quảng Ngãi có đầy đủ hết từ 4 sao, 3 sao đến bình dân nhà trọ. Ăn ở Quảng Ngãi thì có mấy đặc sản như cá bống sông Trà quán Cây Gòn ngay đầu cầu Trà Khúc cũ gần khách sạn 3 sao Sông Trà. Thêm món nữa nên ăn thử là cơm gà Nhung 2. Cứ hỏi bất cứ ai ở đây đều biết và chỉ đường cho các bạn. Giá ở cơm gà Nhung khá hợp lý và ngon nhưng quán Cây Gòn giá khá chát theo mình nghĩ vì quán này đăng ký thương hiệu hẳn hoi rồi.
Ngày 2: Quảng Ngãi - Sa Kỳ - đảo Lý Sơn
- Dậy sớm trả phòng và di chuyển ra cảng trước 6h30 để mua vé tàu cao tốc.
- 7h - 7h30: Lên tàu cao tốc, đến đảo Lý Sơn
- 9h: Nhận phòng, nghỉ ngơi nếu bị say song quá mệt. Đến Đảo nhận phòng, thuê xe máy đi tham quan luôn(cái này phải lien hệ trước để nhà nghỉ chuẩn bị xe, mũ BH đầy đủ). Nếu ở trung bình thì nên dùng Hoa Biển, Viễn Đông, Thành Phát, Mỹ Phụng còn nếu ở tiết kiệm thì Đại Dương, Bình Yên... ngay cầu cảng. Năm nay mọc them nhiều nhà nghỉ do nhu cầu khách du lịch đến quá đông nên có nhiều lựa chọn hơn. Tuy nhiên, dù ở đâu cũng nên đặt trước nếu vào những dịp lễ tết hoặc ngày cuối tuần.
Diện mạo mới của Lý Sơn nhìn từ phía cầu cảng.
- Ăn cũng có thể đặt ăn tại Hoa Biển hoặc các nhà nghỉ. Mấy quán nhậu thì thấy Sơn Thủy trên chỗ gần chùa Hang là ổn nhất và mát nhất, chỉ hơi xa và không có cơm, chỉ có nhậu và nếu đói thì có cháo nhum.
- Cung đường đi tham quan như sau sẽ tận dụng được thời gian mà đi được hết các điểm: nhà nghỉ - nhà lưu niệm (tượng đài luôn) - giếng vua - chùa Hang - hải đăng lớn - đình làng An Hải - về khách sạn ăn trưa. Buổi chiều: hồ đập nước (núi Thới Lới) - hang Câu - đình làng An Vĩnh, Âm Linh Tự, chùa Đục - cổng Tò Vò (ngắm hoàng hôn xuống biển ở chùa Đục) - khu mộ gió - về khách sạn ăn tối (ở quán Sơn Thủy có karaoke rộng, ngay bờ biển).
- Về nghỉ ngơi sớm và nếu thích chụp ảnh thì sang hôm sau cố gắng dậy sớm để chụp ảnh bình minh lên trên biển rất đẹp ở đèn biển hòn Mù Cu phía Đông của đảo gần nhà nghỉ Hoa Biển, Mỹ Phụng...
Ngọn hải đăng ở đảo lớn Lý Sơn.
* Đi lại, phương tiện di chuyển ở đảo lớn
Hiện hãng Taxi Tiên Sa của Đà Nẵng đã đưa ra 9 chiếc loại 7 chỗ. Giá hơi chát nhưng vẫn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên chỉ nên dùng để di chuyển đi ăn hoặc từ cảng về nhà nghỉ. Chứ đi tham quan thì nên thuê xe máy mà đi cho tiện và ngắm nghía được cái đẹp của đảo.
Về xe máy: liên hệ với những nơi mình nghỉ ngơi. Hiện nay không có chỗ nào cho thuê xe máy với quy mô khoảng 5 chiếc trở lên cả và xe máy thuê ở đảo khá cà tàng. Mọi người cố gắng lựa chọn kiểm tra xe trước khi thuê.
Về xe du lịch để chở những đoàn đông thì nên liên hệ với các nhà nghỉ họ sẽ gọi giúp.
* Ăn nghỉ ở đảo lớn
Về ăn uống: nói chung là không có gì thay đổi so với những năm trước đây. Một số nhà hàng quán ăn trước đây cảm thấy chấp nhận được thì xem qua thấy chất lượng giảm đi rất nhiều và có hiện tượng chặt chém đẹp khách du lịch. Vậy nên tốt nhất là ở khách sạn hay nhà nghỉ nào thì mọi người nên đặt cơm luôn tại đó. Vừa tiện lợi, vừa được đặt theo ý mình mà mình là khách nghỉ của họ nên khả năng họ sẽ nấu nướng cho mình.
Mâm cơm 5 người toàn các món đặc sản như nộm tỏi trộn, mực xào, cá tà ma hấp, cá mú đỏ sốt chiên tỏi, giá chỉ khoảng 70.000 đồng/người.
Về nơi nghỉ, lưu trú: Ngay từ thời điểm này thì các ngày cuối tuần từ thứ 6 đến chủ nhật hầu như phòng đặt trước hết và không còn phòng những nhà nghỉ, khách sạn dạng vừa vừa và sạch sẽ, thoáng mát.
Mặc dù năm nay có thêm khách sạn Central Lý Sơn Hotel 30 phòng nhưng mà giá cả thì tăng khá cao so với chất lượng. Giá phòng đơn đang giảm giá 30% dịp mới khai trương mà 750.000 đồng, phòng đôi 1 triệu đồng
Có khoảng 5-6 nhà nghỉ mới nhưng hầu như mỗi nhà chỉ tầm 6 đến 9 phòng nên không thêm được mấy. Giá chung từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng. Dịp lễ Tết có thể tăng chút ít.
Dịp nghỉ lễ 30/4 thì từ ngày 27/4 đến hết mùng 4/5 là hiện tại không còn phòng nào. Mà theo các chủ nhà nghỉ thì hiện vẫn rất nhiều đoàn điện đặt liên tục nhưng không còn phòng. Vậy nên mọi người tốt nhất đi dịp lễ Tết thì ngay bây giờ nhấc máy lên tìm phòng, may ra có đoàn nào hủy thì đặt nhanh. Nên chuyển ít tiền đặt cọc để chắc ăn.
Có thể vẫn còn lựa chọn homestay vì năm nay mọc lên khá nhiều dạng homestay này. Tuy nhiên ở homestay như này chỉ là cách cuối cùng thôi. Bất tiện, mất an toàn vì mới có vụ một đoàn mất mấy chục triệu và điện thoại tại nhà homestay gần cầu cảng.
Ngày 3: Lý Sơn - đảo Bé An Bình
- Sáng: Thức dậy sớm, ngắm bình minh ở Hải đăng lớn, Vịnh Mù Cu hoặc đỉnh Thới Lới. Ăn sáng, sau đó lên tàu thăm quan Đảo An Bình hay còn gọi là đảo Bé Lý Sơn.
- 9h: đặt chân lên đảo Bé, lấy phòng, tắm biển, lặn san hô, nghỉ ngơi tự do. Ở đảo Bé đã có một nhà nghỉ có 3 phòng là nhà nghỉ Minh Vy của vợ chồng chị Đảnh ngay gần cầu cảng. Ngoài ra có thể xin nghỉ nhờ bất kỳ nhà ai trên đảo bé kiểu homestay hoặc cắm trại ngoài bãi biển cực đẹp.
- Trưa: ăn trưa, sau đó nghỉ ngơi
- Chiều: thăm quan ruộng hành tỏi, ngắm bãi cát trắng mịn với những khối đá muôn vạn hình thù kỳ bí, chụp ảnh, tắm biển tại Hang sau.
- Tối: dựng lều tại bãi Tiên, BBQ hải sản giao lưu hát hò hoặc về đảo lớn nghỉ ngơi. (Nên về đảo lớn nghỉ ngơi trong thời gian này đảo bé chưa có điện).
* Tàu đi đảo bé
Hiện nay có một chuyến chạy cố định lúc 8h sáng hàng ngày và về tầm 14h30 chiều. Tuy nhiên đã có 3 tàu chạy đảo bé của ông Tròn, chú Thông và tàu Thanh Trân. Theo đánh giá thì tàu Thanh Trân sạch sẽ đẹp đẽ hơn cả. To hơn và có thể chở được hơn 40 người. Giá vẫn là giá chung một lượt là 30.000 đồng/người và khứ hồi là 50.000 đồng/người.
Ngoài ra có thể liên hệ thuê nguyên tàu nếu đoàn đông thì sẽ đi về theo giờ của mình cho chủ động. Giá thuê nguyên tàu khoảng 1,2 - 1,4 triệu tùy theo số lượng người và tùy loại tàu. Năm nay có sự cạnh tranh nên không còn tình trạng ép giá như năm ngoái.
Tầng 2 tàu đi đảo bé.
Ngày 4: Lý Sơn - Quảng Ngãi - chứng tích Sơn Mỹ
- 5h: dậy đón bình minh, tắm biển, dọn dẹp, ăn sáng và trở về đảo Lớn.
- 7h30: lên tàu trở về đất liền. Kết thúc hành trình khám phá Lý Sơn.
- 9h30: đoàn về đến cảng Sa Kỳ, sau đó lên xe, tiếp tục đến dạo chơi bãi biển Mỹ Khê - Quảng Ngãi.
- 11h: thăm quan khu chứng tích Sơn Mỹ, đoàn có thể trực tiếp nhìn thấy những bức ảnh ghi lại tội ác chiến tranh, của quân đội Mỹ đối với những người dân vô tội tại Mỹ Lai (Sơn Mỹ), để nhìn thấy sự tàn khốc ác liệt của chiến tranh.
12h: Kết thúc hành trình.
Lưu ý
Tháng 9/2014, điện lưới quốc gia đã được cấp cho đảo Lớn, còn đảo Bé theo kế hoạch là phải đến năm 2016 hoặc sớm là cuối 2015 nên hiện nay trên đảo vẫn dùng điện do nhà nước hỗ trợ chạy bằng máy phát nên chỉ có điện từ 17h chiều đến 21h đêm hằng ngày. Các nhà nghỉ thường tích điện để sử dụng những việc cần thiết khi không có điện như sạc điện thoại cho khách, phát wifi, một vài nhà nghỉ có máy phát điện để phục vụ khách nhưng giá phòng sẽ tăng như Lý Sơn Hotel, Đại Dương, Viễn Đông... (không khuyến khích nghỉ ở khu vực gần cầu cảng cho dù có tiện di chuyển ra cảng).
Hiện nay do lượng khách du lịch đến với Lý Sơn quá đông trong khi sự quản lý và hoạch định chính sách của các cơ quan huyện đảo còn kém nên vấn nạn rác đang là vấn đề mà khách du lịch cảm thấy Lý Sơn mất điểm. Cũng là hệ quả tất yếu của việc phát triển nóng và sự tắc trách của cơ quan chính quyền không kịp có biện pháp xử lý. Vậy nên mỗi khách du lịch chúng ta hãy tự giác giữ gìn vệ sinh và môi trường chung cũng là giữ cho chính mình.
Những mảnh ruộng trồng tỏi ở Lý Sơn nhìn từ trên cao.
Ở đảo lớn Lý Sơn có một cầu cảng chính và một âu tàu. Nếu mùa du lịch từ tháng 4 đến tháng 9 là mùa nước cạn, biển êm nên các tàu cao tốc sẽ cập cảng chính ở phía tây nam của đảo. Mùa biển động thì khó ra vào là khoảng giữa tháng 9 Âm lịch đến gần hết tháng 10 Âm lịch. Các bạn không nên đi mùa này (trừ những thích mạo hiểm, cảm giác mạnh và có nhiều thời thời gian). Mùa từ tháng 11 dương lịch trở đi là có thể đi tham quan được rồi nhưng trời có ảnh hưởng lạnh nên khó tắm biển. Mùa này nước lớn nên các tàu thường cập âu tàu phía đông bắc của đảo.
Hiện nay các nhà nghỉ thường có xe đưa đón khách tại cảng. Tuy nhiên đôi lúc xe hỏng hay có việc thì các nhà nghỉ vẫn bắt khách phải tự di chuyển vào nhà nghỉ như thường. Lúc đó nếu đi một mình thì nên đi xe ôm còn nếu đông thì có các loại xe 3 gác để di chuyển.
Bên đảo bé An Bình thì nên lưu ý là thật tiết kiệm nước ngọt vì ở đảo bé không có nguồn nước ngọt. Hoàn toàn sử dụng lọc nước biển thành nước ngọt hoặc mang từ đảo lớn sang nên giá thành rất đắt đỏ.
Lưu ý cho những ai thích chụp ảnh: bình minh ở phía đông của đảo là khu những nhà nghỉ như Hoa Biển, Thành Phát, Hoàng Sa, Mỹ Phụng gần đèn biển Mù Cu, Hải đăng thuộc thôn Đông xã An Hải. Hoàng hôn thì nên chạy về phía Tây đảo khu vực chùa Đục, cổng Tò Vò thuộc xã An Vĩnh.
Trên đảo có rất nhiều bàng vuông nhưng hoa nở đẹp nhất là ở nhà nghỉ Hoa Biển. Mấy cây bàng vuông nhà Hoa Biển thì hoa nở quanh năm chứ không theo mùa. Đêm nào cũng có hoa nở.
Đang có dự án xây kè bờ biển nên nếu bạn có ý định đi Lý Sơn thì nên đi nhanh trong năm nay. Nếu không sẽ không còn những thứ đẹp và hoang sơ nữa. Khi bờ kè xây dựng xong thì tầm nhìn bị hạn chế, quang cảnh không còn đẹp và hầu như mất hết góc chụp đẹp của đảo.
Liên hệ
Nhà trọ Hương Biển ở cảng Sa Kỳ: 0164.5296803. Vợ chồng bà chủ tên Lương - Lan. Giá khoảng 50.000 đồng/người/đêm.
Số điện thoại đặt vé tàu cao tốc cảng Sa Kỳ: 055.3626431 hoặc Fax 055.3626.138 và cung cấp thông tin từng cá nhân theo hướng dẫn của nhân viên phòng vé.
* Nhà nghỉ đảo lớn:
- Nhà Hàng, nhà nghỉ Hoa Biển : 055.3867522, 0983867522. Giá khoảng 250.000 đồng/phòng đôi, 200.000 đồng/phòng đơn. Nhà nghỉ này thuận tiện, có xe đưa đón, thoáng mát, sạch sẽ. Đặc biệt có hai cây bàng vuông ở khuôn viên sân hoa nở quanh năm rất đẹp.
Quả bàng vuông trên đảo Lý Sơn.
- Khách sạn Lý Sơn (055.3867888). Giá: không điện, không điều hòa: 250.000 đồng/phòng, có điện, điều hòa những lúc cao điểm thì 450.000 đồng/phòng.
- Nhà hàng, nhà nghỉ Viễn Đông: 0977405507 (chú Thanh) - 0166.7537.351 (cô Lệ)
- Nhà nghỉ, cafe Đại Dương: 0977205818 gặp Minh Khánh.
- Ngoài ra còn có một số nhà nghỉ mới xây như Thành Phát, Mỹ Phụng (0934782324) phía đông đảo gần Hoa Biển, Thành Lợi gần cầu cảng, Song Bình gần núi Thới lới nhưng không khuyến khích vào Song Bình nếu là đi vợ chồng và là những người nghiêm túc.
- Nhà nghỉ Minh Vy đảo bé: 01658768790, 01688313631 (chị Đảnh). Giá phòng đơn khoảng 200.000 đồng, phòng đôi 250.000 đồng. Có thể phục vụ điện máy nổ cả ngày đêm nhưng giá không chịu nổi.
- Thuê tàu đi đảo bé: liên hệ chị Đảnh luôn hoặc chú Tròn (01663716017) hoặc chú Thông (01687425419).
- Thuê xe máy đi tham quan: liên hệ với chính các chủ nhà nghỉ. Giá thuê xe máy số khoảng 100.000 đồng/ngày mình tự đổ xăng, 150.000 đồng là chủ xe đổ xăng, xe ga mỗi loại tăng thêm 50.000 đồng. Nếu đi đông thì nên liên hệ trước với chủ nhà nghỉ để họ bố trí xe. Khi nhận xe nhớ kiểm tra phanh, ga cho chuẩn chứ xe ở ngoài đó nhiều xe cà tang đi rất nguy hiểm.
Dù là lần đầu hay lần thứ 10 đến với Lý Sơn bạn vẫn sẽ thấy yêu hòn đảo này.
- Về chi phí: mỗi ngày khoảng 700.000 đồng/người cho tất cả từ thuê xe tham quan, xăng cộ, ăn uống, tàu sang đảo bé, nhậu nhẹt là trung bình và khá ổn. Chi phí như này là đã có một bữa đặc sản như cua huỳnh đế hoặc một bữa BBQ hải sản ngoài trời. Có thể chi tiêu cao hơn hoặc tiết kiệm hơn tùy vào túi tiền mỗi người.
Theo ngôi sao
Xuân muộn trên cao nguyên Y Tý Do nằm trên độ cao hơn 2.000m với khí hậu mát mẻ quanh năm nên Y Tý, Lào Cai tháng 3 vẫn rực rỡ sắc màu của hoa mơ, hoa đào. Y Tý là xã vùng cao của huyện Bát Xát, Lào Cai. Du khách sẽ phải vượt qua những con đường ngoằn ngoèo để đến với mùa xuân Y Tý. Y Tý...