Việt Nam – đất nước của tự do tôn giáo: Bài 1 – Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Việt Nam là một quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo. Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng, Nhà nước luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam luôn phát huy truyền thống yêu nước và đại đoàn kết dân tộc, sống “tốt đời, đẹp đạo”, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khuôn viên thoáng mát, thanh tịnh của chùa Sinh Tồn, đảo Trường Sa. Ảnh: Viết Tôn/Báo Tin tức
“Việt Nam – đất nước của tự do tôn giáo” – chùm 5 bài viết do phóng viên TTXVN thực hiện chỉ là những lát cắt rất nhỏ trong bức tranh tôn giáo đẹp và đa sắc màu ấy.
Bài 1: Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Giữa muôn trùng sóng nước, những ngôi chùa linh thiêng, sừng sững trên quần đảo Trường Sa không chỉ là điểm tựa tâm linh cho người dân trên đảo, các ngư dân trong những tháng ngày đằng đẵng vươn khơi, hay những đoàn công tác ra thăm, làm việc, mà còn là cột mốc tâm linh khẳng định chủ quyền quốc gia, góp phần bảo vệ đất nước.
Cột mốc tâm linh khẳng định chủ quyền quốc gia
Từ năm 2007 đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phục dựng, tôn tạo 9 ngôi chùa trên các đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh, Sinh Tồn, Đá Tây A, Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa. Hàng năm, các vị sư tăng là thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra trụ trì tại các ngôi chùa này, sống cùng các chiến sỹ, quân và dân trên đảo, ngày đêm giữ vững chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Có tới 9 năm trụ trì các chùa trên quần đảo Trường Sa, Đại đức Thích Nhuận Đạt cho biết, lần đầu tiên thầy được Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa cử ra Trường Sa là vào năm 2013. Kể từ đó đến nay, thầy đã trụ trì 2 chùa trên quần đảo này là chùa Song Tử Tây và chùa Trường Sa Lớn. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, ngôi chùa là chỗ dựa về mặt tâm linh cho bà con ngư dân khi vươn khơi, cho anh em chiến sỹ đang công tác trên đảo và người dân nơi đây.
“Ra đây là dốc sức vì giáo lý nhà Phật – chỉ dạy cho chúng sanh làm những điều tốt đẹp nhất đối với xã hội và là chỗ dựa tinh thần cho chiến sỹ, bà con nhân dân trên đảo”, Đại đức Thích Nhuận Đạt chia sẻ.
Mỗi ngày tuần, rằm, chị Lữ Thị Cúc – người dân trên đảo Sinh Tồn, lại cùng gia đình lên chùa thắp hương cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất. Theo chị Cúc, việc phục dựng ngôi chùa ở đây rất ý nghĩa, linh thiêng, là chỗ dựa tinh thần khiến cho mỗi người dân thấy yên tâm hơn.
Trong chuyến thăm, động viên các cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc và nhân dân trên quần đảo Trường Sa vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, những ngôi chùa nơi đây là cột mốc tâm linh để cán bộ, chiến sỹ hải quân và bà con trên đảo nương tựa. Tuy sống ở đảo, xa đất liền, xa quê hương, xa gia đình, nhưng có ngôi chùa, các cán bộ, chiến sỹ và nhân dân cảm thấy như đang sống ở đất liền, để vững tâm giữ gìn biển đảo của Tổ quốc.
Dù ở vùng hải đảo xa xôi hay nơi biên cương của Tổ quốc, những mái chùa luôn là nơi nương náu, che chở hồn dân tộc, để mỗi người đi đâu cũng lại tìm về cho tâm thanh tịnh, cho lòng an vui. Nói như Nhà sử học Dương Trung Quốc, “ngôi chùa chỉ là cái vỏ vật chất, nhưng lại chứa đựng cả một giá trị tinh thần. Có ngôi chùa, người dân cảm thấy yên ấm, ổn định, đúng như câu chúng ta vẫn hay nhắc đến: mái chùa là nơi che chở, nương náu hồn dân tộc”.
Video đang HOT
Những ngôi chùa mọc lên trên khắp dải đất hình chữ S, dù ở đồng bằng, miền núi, đất liền hay hải đảo giữa trùng khơi… là minh chứng sống động về quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của mọi người dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, cũng như về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ấy. Điều đó cũng thể hiện rõ nét việc thực thi Hiến pháp 2013: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Cơ sở thờ tự khang trang
Có thể thấy, thời gian qua, các nhu cầu chính đáng, hợp pháp của các tổ chức và cá nhân tôn giáo về xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, trùng tu cơ sở thờ tự đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, hướng dẫn, giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở, tạo được sự đồng thuận giữa chính quyền và các tổ chức tôn giáo. Một số tỉnh, thành phố đã thực hiện công tác quy hoạch, đảm bảo quỹ đất cho nhu cầu tôn giáo; xem xét, giải quyết giao đất, xây dựng mới cho nhiều cơ sở thờ tự.
Khẳng định Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới cơ sở tôn giáo, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc cho biết, đến thời điểm hiện nay, hầu hết các cơ sở thờ tự của các tôn giáo được sửa chữa khang trang, nhiều cơ sở được xây mới; hàng trăm héc ta đất đã được cấp cho các tổ chức tôn giáo để xây dựng cơ sở tôn giáo, đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhân dân.
Điển hình như chính quyền tỉnh Quảng Trị đã cấp thêm 19 ha mở rộng khuôn viên Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang. Chính quyền thành phố Hải Phòng cấp 10.000 m2 xây dựng nhà hưu dưỡng cho các linh mục, tu sỹ của giáo phận Hải Phòng. Chính quyền tỉnh Ninh Bình cấp 15.000 m2 xây dựng Trung tâm mục vụ giáo phận Phát Diệm. Hay tỉnh Thừa Thiên – Huế giao 20 ha đất cho Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế sử dụng. Thành phố Đà Nẵng giao 6.000m2 đất cho Hội truyền giáo Cơ đốc Việt Nam sử dụng.
Chánh phối sư Thượng Phong Thanh (Huỳnh Thanh Phong), Phó Trưởng ban Thường trực Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên cho biết, cơ sở thờ tự tôn giáo của đạo Cao Đài được xây dựng, sửa chữa ngày càng khang trang. Trước đây, các cơ sở xuống cấp thì đến nay trên 80% được trùng tu xây dựng mới.
Từ năm 2016 đến năm 2019, trong toàn quốc đã có 1.430 công trình tín ngưỡng, tôn giáo được xây dựng mới; 576 công trình tín ngưỡng, tôn giáo được cải tạo, nâng cấp. 6 tháng đầu năm 2022, chính quyền các cấp đã cấp phép xây dựng, sửa chữa, cải tạo cho 152 cơ sở thờ tự tôn giáo. Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật liên quan.
Tính đến hết năm 2020, cả nước có 50.703 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có 15.205 cơ sở tín ngưỡng đã được xếp hạng hoặc được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương; và 29.801 cơ sở tôn giáo.
Chỉ riêng Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có 18.544 tự viện, gồm 15.871 tự viện Bắc Tông; 462 chùa Nam Tông Khmer, 45 Salate; 106 chùa Nam tông Kinh; 541 tịnh xá, 467 tịnh thất, 998 Niệm Phật đường, 54 tự viện Phật giáo người Hoa.
Theo báo cáo kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cộng đồng dân cư và cơ sở tôn giáo đang sử dụng 599.741ha, chiếm 1,81% tổng diện tích đất đã giao cho các đối tượng sử dụng (so với kết quả kiểm kê năm 2014 đã tăng 198.632 ha); trong đó đất lâm nghiệp 549.706 ha, đất sản xuất nông nghiệp các loại 3.640 ha, đất cơ sở tôn giáo có 13.211 ha, đất cơ sở tín ngưỡng có 7.113 ha.
Việc quản lý nhà nước về đất đai liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo những năm qua được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ trung ương đến địa phương thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo từng bước đi vào nền nếp, góp phần quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên phạm vi cả nước.
Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đã tăng đáng kể, giúp cho công tác quản lý nhà nước về đất đai được chặt chẽ; bảo đảm pháp lý, phần nào đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các cơ sở tôn giáo; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở tôn giáo thực hiện được quyền của người sử dụng đất. Tính đến đầu năm 2021, số lượng cơ sở tôn giáo được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 49 tỉnh, thành phố là 15.174/20.215, chiếm 75,06%; số cơ sở tôn giáo chưa được cấp là 5.041/20.215, chiếm 24,94%.
Không thể xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam
Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta.
Sáng 7/5/2020, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Đại lễ Phật đản 2020 Phật lịch 2564. Ảnh minh họa: Xuân Khu/TTXVN
Chưa bao giờ các tôn giáo có điều kiện hoạt động thuận lợi như hiện nay. Dù các thế lực thù địch có cố tình, xuyên tạc chống phá cũng không thể chia rẽ chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo tin tưởng vào chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết "Không thể xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam" của Tiến sỹ Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam và được thể chế hóa bằng hệ thống pháp luật, vì đây là một trong những quyền cơ bản mọi người, được Hiến pháp năm 1946 đến
Hiến pháp năm 2013 khẳng định trên nguyên tắc hiến định. Thực tế đã chứng minh, đó là ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, dù còn bộn bề công việc, ngày 03/9/1945, tại phiên họp của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến nhu cầu tự do tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận đồng bào theo đạo. Người nói "Tôi đề nghị Chính phủ tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương - giáo đoàn kết".
Ngày 14/6/1955, Người đã ký sắc lệnh 234/SL xác định "Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện. Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo. Các tôn giáo phải tuân theo pháp luật của nhà nước như mọi tổ chức khác của nhân dân. Việc bảo vệ tự do tín ngưỡng bắt buộc phải trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo gây rối loạn". Người từng kêu gọi các tôn giáo hãy xóa bỏ hiềm khích, kỳ thị, đoàn kết cùng toàn dân lo cho nền độc lập của nước nhà, và lịch sử đã chứng minh, dù trong điều kiện khó khăn của đất nước, nhưng chức sắc các tôn giáo đồng bào có đạo giáo khẳng định rõ sự gắn bó đồng hành với dân tộc.
Ở miền Bắc, sau ngày độc lập 02/9/1945 không lâu, các Giám mục và đồng bào công giáo Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Bình gửi thư lên Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định "Dù phải hy sinh xương máu để kiến thiết một nhà nước tự do hạnh phúc hoàn toàn, thì chúng tôi cũng sẵn sàng không ngần ngại", điều này đã khẳng định sự gắn bó đồng hành của Công giáo với chính quyền trong giai đoạn cách mạng bộn bề khó khăn. Các nhà sư trong Phật giáo đã hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ "toàn dân kháng chiến", đã phát động phong trào, cởi áo cà sa, khoác chiến bào để tham gia cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc.
Đường Thành Công (quận Tân Phú) được trang hoàng lộng lẫy ánh đèn đón Giáng sinh. Ảnh tư liệu: Mạnh Linh/TTXVN
Kế thừa quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tôn giáo, trong mỗi giai đoạn lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tạo cơ sở pháp lý để các tôn giáo hoạt động ổn định, tăng cường củng cố mối quan hệ giữa nhà nước và Giáo hội. Từ Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác tôn giáo trong tình hình mới, đến nay, Nhà nước ta đã ban trên 30 văn bản pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, thể hiện sự quan tâm đến nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của nhân dân. Cụ thể như: Pháp lệnh 21/2004/PL-UBTVQH 11 quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2005/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; Chỉ thị 1940/CT-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về nhà đất liên quan đến tôn giáo. Hiến pháp năm 2013 quy định: "Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào"; Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP,...
Nhờ có chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo mà số lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự ngày càng tăng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được đảm bảo tốt hơn. Có thể nói, chưa bao giờ các tôn giáo có điều kiện hoạt động thuận lợi như hiện nay, quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng, chức sắc, chức việc, tín đồ ngày càng đông, cơ sở thờ tự ngày càng khang trang, việc sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam được công khai theo quy định của pháp luật.
Các hoạt động tôn giáo lớn trở thành lễ hội của người dân như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam 3 lần đăng cai Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc VESAK, với trên 1.000 đại biểu quốc tế đến từ 120 quốc gia, vùng lãnh thổ, hàng vạn quần chúng nhân dân tham dự; hay Lễ hội của Công giáo, Tin lành như: Đại hội đồng Giám mục Á châu; Lễ 100 năm Tin Lành đến Việt Nam. Ban Tôn giáo Chính phủ đã phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) tổ chức Hội thảo "Tôn giáo Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, những kinh nghiệm quốc tế được chia sẻ"; tổ chức Đối thoại "Liên tín ngưỡng ASEM lần thứ VI"...
Bên cạnh đó, Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đón và làm việc với nhiều tổ chức, chức sắc tôn giáo, kể cả các tổ chức nhân quyền tôn giáo quốc tế, đến trao đổi, tìm hiểu pháp luật, chính sách tôn giáo của Việt Nam như: Viện Can dự Toàn cầu Mỹ (IGE); tập đoàn truyền thông (WAZ) của Đức. Qua các cuộc làm việc, ta đã chủ động cung cấp thông tin về tình hình tôn giáo và chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, trao đổi tận cùng các vấn đề mà dư luận quốc tế quan tâm, để thấy rõ thực tiễn về đời sống tôn giáo ở Việt Nam đa dạng, phong phú. Chính sách, pháp luật đã đảm bảo quyền tự do tôn giáo chính đáng của nhân dân.
Thực tế cũng cho thấy, gần 20 năm qua (2003 - 2022), số lượng chức sắc, chức việc, cơ sở thờ tự của các tôn giáo gia tăng. Năm 2003 cả nước có 06 tôn giáo với 15 tổ chức, 17 triệu tín đồ, khoảng 20 nghìn cơ sở thờ tự; 34 nghìn chức sắc, 78 nghìn chức việc. Năm 2022, chính quyền đã công nhận 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với trên 26,7 triệu tín đồ, trên 55 nghìn chức sắc, khoảng 135 nghìn chức việc; trên 29 nghìn cơ sở thờ tự...
Các Nhà thờ Tin Lành được trang trí rực rõ đón Giáng sinh. Ảnh tư liệu: Trần Lê Lâm/TTXVN
Ngoài ra, hàng năm có trên 8.000 lễ hội về tín ngưỡng, tôn giáo, với hàng vạn tín đồ tham gia và trong 10 năm thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp hàng trăm hécta đất để xây dựng cơ sở thờ tự như: Thành phố Hồ Chí Minh đã giao 7.500m2 đất cho Tổng Liên hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) xây dựng Viện Thánh kinh thần học; tỉnh Đắk Lắk giao hơn 11.000m2 đất cho Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột; thành phố Đà Nẵng giao hơn 9.000m2 đất cho Tòa Giám mục Đà Nẵng; tỉnh Quảng trị giao thêm 15 ha cho Giáo xứ La vang... Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, chính quyền các cấp đã cấp phép xây dựng, sửa chữa, cải tạo cho 152 cơ sở thờ tự tôn giáo; cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 183 điểm nhóm; cấp quyết định xuất bản cho 140 xuất bản phẩm, với 684.250 bản in.
Các hoạt động phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc, chức việc; các hoạt động thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; sửa đổi hiến chương, điều lệ; đăng ký chương trình hoạt động hàng năm... theo đúng quy định của pháp luật; chấp thuận cho 646 người được phong phẩm, suy cử làm chức sắc; 3.238 người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc; 424 chức việc các tôn giáo được thuyên chuyển...
So sánh pháp luật của một số nước trong khu vực và thế giới cho thấy, khi tôn giáo tổ chức các hoạt động đông người tại cơ sở thờ tự, phải tự thuê bảo vệ làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu để xảy ra vi phạm, chính quyền sẽ căn cứ vào pháp luật và xử phạt tổ chức, cá nhân tôn giáo... Nhưng ở Việt Nam, các hoạt động tôn giáo có đông đảo nhân dân tham gia được chính quyền hỗ trợ với mục tiêu cao nhất, đảm bảo an toàn để nhân dân yên tâm thực hiện nghi lễ tôn giáo. Những kết quả nêu trên trong thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam đã đáp ứng tâm tư, tình cảm và nguyện vọng chính đáng của chức sắc, chức việc tôn giáo và đồng bào có đạo.
Để tiếp tục phát huy nguồn lực của các tôn giáo, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định "phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước". Nhờ có chủ trương, chính sách, pháp luật mà các tôn giáo hưởng ứng rất sớm các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt "việc đạo, việc đời". Chính vì thế, trong những năm gần đây, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào tôn giáo đã trở thành điểm sáng về phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội khác, giữ gìn tốt an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19, các tôn giáo đã đồng hành với chính quyền, ủng hộ kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Nhiều cơ sở thờ tự trở thành điểm cách ly tập trung chăm sóc bệnh nhân... Giá trị nhân văn, yêu thương, chia sẻ, vì cuộc sống tốt đẹp được lan tỏa trong đời sống xã hội, được chính quyền và nhân dân ghi nhận.
Tuy nhiên, thế lực thù địch và một số tổ chức thiếu thiện chí chưa từ bỏ âm mưu " diễn biến hòa bình", chúng tìm mọi cách chống phá, tuyên truyền những luận điêu sai trái, cho rằng, Việt Nam không có tự do tôn giáo, xuyên tạc trắng trợn về tình hình, đời sống tôn giáo ở nước ta, nói mãi điều phi thực tế nhằm tạo sự hoài nghi, phá hoại khối đoàn kết tôn giáo.
Qua theo dõi, trong 5 năm qua (2017-2022), Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ vẫn định kỳ ra báo cáo thường niên về tự do tôn giáo toàn cầu. Họ cho mình quyền nhận xét, đánh giá, phê phán về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo của Việt Nam và một số quốc gia khác. Họ sử dụng thông tin tài liệu cũ từ các nhóm, phái tôn giáo chưa được nhà nước công nhận, số chức sắc cực đoan bất mãn với chế độ, định kiến với Đảng, Nhà nước để tiếp nhận thông tin không chính xác đưa vào báo cáo đánh giá; khuyến khích, cổ vũ cho các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, không cần xin phép, đăng ký chính quyền, thúc đẩy các hoạt động "tà đạo, đạo lạ" ở các vùng sâu, vùng xa gia tăng hoạt động mê tín dị đoan, trái thuần phong mỹ tục, trái pháp luật, đi ngược lại lợi ích của Giáo hội và xã hội, gây bức xúc trong nhân dân.
Với âm mưu muốn giáo dân chống đối chính quyền, họ kích động với luận điệu, đây là quyền con người, "quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do tôn giáo"; đồng thời lợi dụng mạng xã hội Facebook, Blog... hội luận xuyên tạc Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam là "bước thụt lùi", "bóp nghẹt tôn giáo", "không phù hợp với công ước quốc tế về quyền con người"... Họ kiến nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại những nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo (CPC) và "gây sức ép và hối thúc Việt Nam cho phép tất cả các nhóm, phái tôn giáo chưa được công nhận hoạt động một cách tự do; giảm can thiệp của chính quyền vào các công việc nội bộ của các nhóm tôn giáo đã được công nhận và nhấn mạnh tiến bộ về tự do tôn giáo có ý nghĩa quan trọng đối với việc cải thiện quan hệ song phương".
Phải khẳng định ngay rằng, những thông tin, luận điệu sai lệch, xuyên tạc nêu trên là hết sức phi lý, với ý đồ mục đích xấu xa, nhằm tác động đến suy nghĩ, tình cảm của chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo, nhằm tạo sự hoài nghi về chính sách, pháp luật về tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta. Vậy tiêu chí, tiêu chuẩn của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ là gì? Họ đại diện cho ai để phê phán, đánh giá về tự do tôn giáo của Việt Nam, khi mà các phê phán của họ chỉ là sự lạc lõng, không được chức sắc tôn giáo ủng hộ.
Song, dù các thế lực thù địch có cố tình, xuyên tạc chống phá thế nào chăng nữa cũng không thể chia rẽ chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo tin tưởng vào chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ta về tín ngưỡng, tôn giáo, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được chính quyền quan tâm, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi, chức sắc, tín đồ và nhân dân được tự do hành lễ ở nhà riêng, hay cơ sở thờ tự. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID -19, chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo vẫn sinh hoạt tôn giáo online bình thường, vẫn thể hiện được niềm tin tôn giáo ngay tại tư gia... Thực tiễn đời sống tôn giáo đã chứng minh, khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, khẳng định chính sách nhất quán, củng cố niềm tin tưởng của chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Thời gian tới, thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chống đối dưới chiêu bài "đòi tự do tôn giáo", "dân chủ, nhân quyền"; xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo; khuyến khích các nhóm, phái tôn giáo mới, "tà đạo, đạo lạ"; gia tăng các hoạt động truyền đạo trên không gian mạng, xuyên biên giới... Khi chính quyền xử lý, họ vu cáo Việt Nam không có tự do tôn giáo, gây cản trở cho tiến trình hội nhập kinh tế của nước ta.
Để ngăn chặn, không để thế lực xấu xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo, các cơ quan chức năng cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo Hiến pháp năm 2013; thể chế quan điểm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo. Thực hiện tốt chức năng nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Chính quyền các cấp quan tâm, giải quyết nhu cầu tôn giáo chính đáng, đảm bảo quyền tự do tôn giáo của nhân dân, phù hợp với công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo nâng cao cảnh giác, không tin, không nghe luận điệu xuyên tạc của thế lực xấu.
Cùng với đó, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền về thành tựu thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước; không để thế lực xấu lợi dụng xuyên tạc vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền. Đối với các vụ việc vi phạm pháp luật, phải chủ động công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trong và ngoài nước, để chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo hiểu rõ bản chất, mưu đồ của các đối tượng cơ hội, bất mãn, thiếu thiện chí lợi dụng tôn giáo vu cáo Việt Nam vi phạm "dân chủ, nhân quyền", "đàn áp tôn giáo".
Thông qua các hoạt động quốc tế của tôn giáo, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại về chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Hướng dẫn tổ chức, cá nhân chức sắc tôn giáo tham gia tại các cơ chế diễn đàn, hội nghị, hội thảo ở khu vực và thế giới, chủ động, trao đổi thống nhất giải quyết những vấn đề tôn giáo, nhân quyền, đặc biệt là những vấn đề có tính chất quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia, lên tiếng phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc của thế lực xấu, hạn chế sơ hở để thế lực thù địch bên ngoài lợi dụng vu cáo, xuyên tạc Việt Nam vi phạm "dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo", ảnh hưởng uy tín của Việt Nam.
Các cơ quan chức năng cần định kỳ sơ kết về kết quả đã triển khai thực hiện, khắc phục những hạn chế, bất cập; đặc biệt là công tác thông tin, tuyên truyền, đấu tranh phản bác, xây dựng lập luận chặt chẽ, xác thực để trao đổi với các quốc gia có quan tâm về nhân quyền và tự do tôn giáo, giảm thiểu nhìn nhận khác biệt; tiếp cận các thông tin chính thống của Việt Nam cung cấp, không sử dụng thông tin trái chiều, thiếu khách quan để lợi dụng xuyên tạc chính sách, pháp luật của Việt Nam về tự do tôn giáo.
Vi phạm quy định về nghĩa vụ quân sự 2023 bị xử phạt ra sao? Hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự bị phạt tiền đến 35 triệu đồng; không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ bị phạt đến 75 triệu đồng. Ảnh minh họa: Thanh niên lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ảnh: TTXVN. Nghĩa vụ quân sự (NVQS) là nghĩa vụ vẻ vang của công...