Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch Covid – 19
Ngày 19/2, Bộ Y tế cho biết, hiện đã có 15/16 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh. Hai bệnh nhân mới nhất được chữa khỏi là bé gái 3 tháng tuổi và Việt kiều Mỹ.
Hai trường hợp này đã 2 lần xét nghiệm có kết quả âm tính với Covid-19. Trong khi đó Hà Nội bắt đầu tự xét nghiệm sàng lọc Covid – 19.
Thêm 4 bệnh nhân khỏi bệnh
Cụ thể, bệnh nhi 3 tháng tuổi (ở xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) nhiễm Covid-19 đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư đến thời điểm này sức khoẻ đã ổn định, không sốt, bú tốt. Dự kiến sáng nay (20/2) bé sẽ được ra viện. Còn sức khỏe các bệnh nhân Việt kiều Mỹ đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã ổn định.
Cũng trong sáng 20/2, Bộ Y tế sẽ công bố 2 bệnh nhân nhiễm Covid-19 được cách ly, điều trị và theo dõi tại Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà, thuộc Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc khỏi bệnh Covid -19, nâng tổng số ca khỏi bệnh ở Việt Nam lên 15/16 trường hợp.
Chốt kiểm soát ra vào xã Sơn Lôi nơi đang cách ly, khoanh vùng chống dịch. Ảnh: Thái Hà
Bác sĩ Trần Quang Vịnh, người được tăng cường từ Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên về phụ trách chuyên môn tại Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà cho biết, trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân dương tính, anh và các đồng nghiệp luôn nhận được sự hỗ trợ về chuyên môn, chống nhiễm khuẩn bệnh viện của tuyến trên. “Tuy nhiên, các bác sĩ tuyến huyện chúng tôi tự tin đủ khả năng điều trị cho người bệnh ở thể nhẹ”, bác sĩ Vịnh chia sẻ.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, kiêm Tổ trưởng tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế tại Vĩnh Phúc cho biết: “Chúng tôi đến phòng khám đa khoa này với nhiệm vụ tập huấn, đào tạo chuyên môn cho cán bộ y tế, hướng dẫn về công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện. Đồng thời tổ chức đơn vị điều trị tại Sơn Lôi, vừa đảm bảo phòng chống dịch nhưng vẫn đảm bảo công tác khám chữa bệnh bình thường. Những thành công ban đầu trong công tác điều trị bệnh nhân Covid -19 tại tuyến huyện là nỗ lực của cả các bác sĩ và nhân viên y tế tại địa phương”.
Nhằm hỗ trợ tỉnh Vĩnh Phúc trong công tác khoanh vùng dập dịch Covid 19, Bệnh viện Phổi T.Ư đã trao tặng thuốc và vật tư y tế phục vụ công tác điều trị, phòng, chống Covid-19 cho Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà và xã Sơn Lôi (Bình Xuyên). Các loại thuốc, vật tư y tế được trao tặng gồm 200 áp phích truyền thông; 400 bộ quần áo phòng dịch; 200 khẩu trang N95; 1.000 khẩu trang y tế; 320 chai nước rửa tay các loại; 200 lọ si rô tăng sức đề kháng… Trước đó, bệnh viện cũng đã hỗ trợ thiết bị xe chụp X – quang lưu động cho xã Sơn Lôi, góp phần tạo thuận lợi cho công tác khám sức khỏe tại chỗ của người dân.
Cùng với việc trao tặng các trang thiết bị, vật tư y tế, Bệnh viện Phổi T.Ư còn hỗ trợ về chuyên môn, phối hợp tăng cường hiệu quả truyền thông về công tác cách ly tại cộng đồng cho người dân xã Sơn Lôi, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.
Bộ Y tế cho biết, Tổ công tác thường trực phòng chống dịch của Bộ tiếp tục thường trực hỗ trợ địa phương về giám sát, cách ly, điều trị bệnh nhân tại Vĩnh Phúc và hoàn thiện cập nhật kế hoạch đáp ứng theo cấp độ của dịch bệnh Covid-19 trình lãnh đạo Bộ Y tế ban hành. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam: “Chúng ta hoàn toàn chủ động trong việc ứng phó với dịch bệnh và chúng ta đang kiểm soát tốt tình hình”.
Video đang HOT
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội đã chính thức được Bộ Y tế đồng ý cho thực hiện xét nghiệm sàng lọc đối với các mẫu nghi nhiễm Covid-19. Bắt đầu từ ngày 18/2, Trung tâm sẽ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc với số lượng 40-50 mẫu và cho kết quả trong vòng 24 giờ. “Với những mẫu bệnh phẩm dương tính, Trung tâm sẽ gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư tiếp tục xét nghiệm khẳng định”, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết.
Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội đã chính thức được Bộ Y tế đồng ý cho thực hiện xét nghiệm sàng lọc đối với các mẫu nghi nhiễm Covid-19. Bắt đầu từ ngày 18/2, Trung tâm sẽ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc với số lượng 40-50 mẫu và cho kết quả trong vòng 24 giờ. “Với những mẫu bệnh phẩm dương tính, Trung tâm sẽ gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư tiếp tục xét nghiệm khẳng định”, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết. Theo ông Hạnh, thời gian qua Trung tâm đã chủ động phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư lấy mẫu tất cả các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm tìm tác nhân gây bệnh. Hiện trung tâm có năng lực xét nghiệm, có đủ thiết bị, nhân lực nên thời gian có kết quả sẽ nhanh hơn.
Bệnh viện Phổi T.Ư hỗ trợ trang thiết bị y tế cho Vĩnh Phúc. Ảnh: Thái Hà
Theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế cập nhật đến sáng 19/2, Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19, tổng số ca nghi nhiễm Covid-19 được cộng dồn từ đầu mùa dịch đến nay là 74 trường hợp, tất cả đều có kết quả xét nghiệm âm tính. Trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn đang có 409 người đến từ vùng dịch Covid -19 phải giám sát y tế, 55 người bị cách ly tập trung tại Bệnh viện Công an Thành phố. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố yêu cầu Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã khi phát hiện trường hợp nghi ngờ cần thông báo ngay cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố để phối hợp điều tra, khoanh vùng xử lý và thu thập mẫu bệnh phẩm đúng theo quy định.
Sáng 19/2, Sở Y tế Hà Nội tổ chức lễ trao quyết định cho 3 cán bộ thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Vĩnh Phúc. Theo đó, 3 cán bộ gồm: Bác sĩ y học dự phòng Nguyễn Văn Khiêm (sinh năm 1989); bác sĩ y học dự phòng Nguyễn Việt Anh (sinh năm 1993) và cán bộ lái xe Đào Văn Dũng sẽ lên Vĩnh Phúc, trực tiếp tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch trong 10 ngày. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đánh giá cao tinh thần tự nguyện tham gia hỗ trợ, học tập kinh nghiệm của các cán bộ y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội.
Ông Nguyễn Khắc Hiền hy vọng các bác sĩ sẽ tích lũy kinh nghiệm thực tế để có thể tham mưu cho ngành y tế Thủ đô, đáp ứng yêu cầu nếu dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn thành phố. Ngay sau khi nhận quyết định, 3 cán bộ đã lên đường đến tỉnh Vĩnh Phúc. Tại đây, 2 bác sĩ sẽ tham gia cùng ngành y tế Vĩnh Phúc và các tổ công tác của Trung ương tại Vĩnh Phúc nắm bắt thực tế việc tổ chức triển khai phòng, chống dịch, điều tra, lấy mẫu, khoanh vùng, cách ly và theo dõi bệnh nhân tại tâm dịch Covid-19 hiện nay.
Theo Tiền phong
Chuyện xúc động về điều trị COVID-19 cho Việt kiều Mỹ
Bệnh nhân về nước ăn tết một mình nhưng bất ngờ bị cách ly hai tuần trong căn phòng riêng biệt. Các điều dưỡng thay phiên vào phòng trò chuyện cho ông quên nỗi bất an.
Ngày 17-2, tin từ Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho hay bệnh nhân Việt kiều Mỹ THK (73 tuổi) đã đủ điều kiện xuất viện sau nhiều lần được kiểm tra âm tính với virus COVID-19.
Dành hẳn một khoa lo cho duy nhất một bệnh nhân
Từ bên ngoài, BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, nối máy điện thoại gọi vào phòng cách ly cho ông K. "Kết quả kiểm tra sức khỏe của ông giờ đã ổn định hết rồi. Nay mai ông sẽ được xuất viện thôi, ráng lên" - BS Phong thông báo. Qua điện đàm với BS Phong, giọng ông K. cũng lạc quan, hồ hởi không kém.
Bình thường Khoa nhiễm D đông bệnh nhân, thậm chí quá tải nhưng hơn nửa tháng nay không khí ở đây rất yên tĩnh và im ắng. Lý do là toàn bộ khoa đã được BV bố trí làm khu cách ly điều trị cho bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm virus COVID-19.
BS Phong kể lại: Ngay từ những ngày TP.HCM có ca bệnh đầu tiên nhiễm virus COVID-19, BV đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị chống dịch để đón bệnh nhân.
"Các thông tin về dịch bệnh được cập nhật liên tục. Ngay lúc đầu, chúng tôi chưa nghe bệnh lây từ người sang người nhưng sau đó thì có xác nhận bằng chứng cho thấy lây nên cũng có hoang mang, lo sợ. Lo thì có lo nhưng tất cả đều đặt ra nhiệm vụ hàng đầu là bằng mọi cách cứu sống bệnh nhân, làm sao tránh lây lan virus ra cho cộng đồng" - BS Phong nhớ lại.
Không nằm ngoài dự đoán, vào ngày 31-1, bệnh nhân Việt kiều Mỹ về Việt Nam sau khi quá cảnh ở Vũ Hán đã được kiểm tra dương tính với virus COVID-19.
Ông K. buộc phải điều trị cách ly tại BV cho đến khi được khỏi bệnh hoàn toàn. Về quê ăn tết một mình, không có người thân khi ở độ tuổi 73, ông K. hẳn có nhiều dự định thực hiện khi ở Việt Nam. Tuy nhiên, tất cả đành phải gác lại. Ông K. đặt nhiều câu hỏi về bệnh tình của mình và lo lắng khi phải điều trị cách ly tại đây. Hiểu được tâm lý của bệnh nhân, hằng ngày ngoài mang thức ăn vào cho ông K., các điều dưỡng trong bộ đồ bảo hộ bức bí đều nán lại để trò chuyện cùng ông, có khi kéo dài 1-2 giờ đồng hồ trò chuyện là bình thường.
"Bệnh nhân dương tính với virus nên dù ở một mình nhưng bắt buộc phải mang khẩu trang cả ngày lẫn đêm để tránh virus lây lan ra ngoài, rất khổ nhưng ông hợp tác rất tốt. Phòng điều trị chỉ có một mình bệnh nhân, hoàn toàn tách biệt với bên ngoài, thậm chí không biết ngày hay đêm vì chỉ toàn ánh đèn. Hai tuần ở một mình tại nơi như vậy, tâm lý không vững vàng là căng lắm" - BS Phong chia sẻ.
Nhờ tuân thủ điều trị tốt, không có bệnh nền, từ chỗ được cho thở ôxy khi mới vào viện, hiện tại ông K. đã hoàn toàn ổn định. "Không chỉ thuốc, chế độ dinh dưỡng, mà yếu tố tâm lý cũng góp phần quan trọng giúp bệnh nhân đẩy lùi bệnh tật" - BS Phong nhìn nhận.
Bệnh nhân Việt kiều Mỹ đang sinh hoạt trong phòng bệnh. Ảnh chụp qua camera
BS Nguyễn Thanh Phong đang trò chuyện với bệnh nhân Việt kiều Mỹ. Ảnh: HL
Bệnh nhân đặt niềm tin vào ngành y tế
Ngoài tập trung chữa trị cho bệnh nhân xác định nhiễm bệnh, các bác sĩ cũng vừa phải giải thích, trấn an những người có biểu hiện nghi nhiễm bệnh được đưa đến BV kiểm tra. Ở cùng khách sạn với ông K. có ba mẹ con. Trong thời gian chưa đủ 14 ngày được cách ly, có một em bé có triệu chứng sốt, ho, không loại trừ nhiễm loại virus này. Tuy nhiên, khi được đưa đến BV kiểm tra, người mẹ ban đầu không muốn hợp tác và thắc mắc vì dù ở chung khách sạn nhưng không biết mặt người Việt kiều, không nói chuyện sao mà lây.
"Sau một hồi được giải thích các cơ chế của bệnh thì người mẹ yên tâm và không thắc mắc nữa, đồng ý lấy mẫu đi xét nghiệm. Xét nghiệm lại có kết quả rất nhanh chỉ sau bốn tiếng đồng hồ, ba mẹ con đều âm tính nên cả chúng tôi và người mẹ đều cảm thấy nhẹ nhõm và bớt đi phần lo lắng" - BS Phong kể.
Gọi điện thoại thông báo với ông K. sắp đến giờ cơm, điều dưỡng Hà Mai Thanh Hiền cho biết: "Hôm nay ngoài bữa ăn chính, thực đơn có trái cây gồm chuối, nước cam, thanh long. Mấy ngày trước chú ăn táo rồi nên hôm nay không thích ăn táo nữa". Ngoài ra, khi cần bệnh nhân chỉ nhấn chuông trong phòng sẽ được đáp ứng các yêu cầu.
Chị Hiền chia sẻ từ trước tết đến giờ, tập trung chống dịch, chị chỉ quẩn quanh ở nhà, cố gắng không nghĩ đến việc đi chơi tết và đến BV làm việc theo khuyến cáo không đến nơi tập trung đông người của Bộ Y tế.
Khi biết chị phải thường xuyên tiếp xúc với người nhiễm virus COVID-19 và những thông tin thất thiệt về đợt dịch này, người thân của chị cũng mất ăn mất ngủ cùng chị. Tuy nhiên, thấy bệnh nhân mình góp phần chăm sóc hồi phục, đặt niềm tin vào ngành y tế, chị cảm thấy được an ủi rất lớn.
"Những ngày mới vào đây, bệnh nhân rất sợ khi biết bệnh. Ngoài chăm sóc, chúng tôi phải thường xuyên vào trấn an, giải thích bệnh để tiếp thêm động lực cho ông. Ông chia sẻ về quê ăn tết nhưng không có người thân nên rất thích nhân viên y tế và cởi mở chia sẻ về gia đình, đặt niềm tin vào ngành y tế sẽ giúp ông chữa khỏi bệnh" - chị Hiền kể.
Từng gây lo sợ cho 18 người khác
Vào ngày 15-1, bệnh nhân THK (73 tuổi) nhập cảnh vào Việt Nam sau khi quá cảnh tại sân bay ở Vũ Hán (Trung Quốc) và lưu trú tại một khách sạn ở phường 5, quận 3, TP.HCM.
Đến 31-1, bệnh nhân được nhập BV Bệnh nhiệt đới, lấy mẫu xét nghiệm và được xác định mắc COVID-19. Tất cả 18 người bao gồm nhân viên và khách lưu trú cùng khách sạn với bệnh nhân K. đều được cách ly tại chỗ. Sau 14 ngày, tất cả đều được xét nghiệm âm tính với COVID-19 và được ngưng theo dõi, cách ly.
Trở thành bệnh nhân đặc biệt
Là bệnh nhân thứ ba nhiễm virus COVID-19 ở TP.HCM và là bệnh nhân nhiễm loại virus này duy nhất của Khoa nhiễm D BV Bệnh nhiệt đới, ông THK không muốn đặc biệt cũng trở thành bệnh nhân đặc biệt của khoa.
GIA NGHI
Thep PLO
Thứ trưởng Bộ Y tế trò chuyện qua bộ đàm với Việt kiều nhiễm virus corona Qua bộ đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã thăm hỏi sức khỏe ông T.H.K. (73 tuổi, Việt kiều Mỹ), bị nhiễm virus corona đang điều tại Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM. Chiều 9-2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do...