Việt Nam đăng cai tổ chức SEA GAMES trước lượt luân phiên
Chiều ngày 9/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ cho ý kiến về chủ trương đăng cai tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11 vào năm 2021.
Thủ tướng chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc đăng cai tổ chức SEA GAMES 31
Nếu theo thứ tự luân phiên, Campuchia sẽ tổ chức SEA Games 31 vào năm 2021 và Việt Nam sẽ đến lượt đăng cai SEA Games vào năm 2023. Tuy nhiên, do chưa có đủ điều kiện nên Campuchia đã đề nghị và được Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) chấp thuận cho đăng cai tổ chức SEA Games 32 vào năm 2023. SEAGF đã gửi thư cho phía Việt Nam thông báo về việc SEAGF dự kiến trao quyền đăng cai tổ chức SEA Games 31 vào năm 2021 cho Việt Nam.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc đăng cai tổ chức SEA Games 31 theo đề nghị của SEAGF là thích hợp. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc tổ chức SEA Games 31 năm 2021 tại Việt Nam, đồng thời giao UBND TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11 trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo ý kiến của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND TP. Hà Nội, TP. Hà Nội cơ bản đáp ứng về cơ sở vật chất để tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11. Các cơ sở vật chất tại Hà Nội hiện nay cũng đã được bảo dưỡng, nâng cấp một bước để chuẩn bị tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII trong năm nay. TP. Hà Nội có nhiều kinh nghiệm và đủ nguồn nhân lực để tổ chức sự kiện này vì đã từng tổ chức SEA Games 22 năm 2003, Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á năm 2009 cùng nhiều sự kiện thể thao quốc tế lớn khác.
Ý kiến phát biểu của Thường trực Chính phủ thể hiện nhất trí việc Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11, giao TP.Hà Nội chủ trì tổ chức.
Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao & Du lịch phát biểu tại phiên họp
Video đang HOT
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao quyết tâm của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của Hà Nội và các bộ, ngành, địa phương liên quan; cho rằng đây vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự của Việt Nam, một thành viên tích cực của ASEAN, đồng thời là dịp để quảng bá hình ảnh đất nước.
Nhất trí giao Hà Nội chủ trì tổ chức sự kiện này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Ban cán sự Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng tờ trình báo cáo Bộ Chính trị về việc đăng cai tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11 tại Hà Nội.
Nhấn mạnh tinh thần tổ chức an toàn, tiết kiệm, tạo được dấu ấn, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Hà Nội tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, có phương án chi tiết để triển khai; xã hội hóa nguồn lực tối đa. “Hà Nội cần tận dụng cơ sở vật chất hiện có, hạn chế việc xây, mua sắm mới và đặc biệt, xây dựng phương án kinh phí thực sự tiết kiệm, hiệu quả”, Thủ tướng nêu rõ.
Ngành thể dục thể thao cần tích cực chuẩn bị về chuyên môn để làm sao đạt được thành tích cao nhất tại Đại hội thể thao quan trọng của khu vực này.
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian tổ chức SEA Games 31 (khoảng 17 ngày) và Para Games 11 (khoảng 11 ngày) từ tháng 10 đến tháng 12/2021. SEA Games 31 sẽ có khoảng 16.000 người tham dự, trong đó huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài khoảng 11.000 người và Para Games khoảng 4.000 người, trong đó huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài khoảng 2.100 người.
Tính đến năm 2019, SEA Games sẽ được tổ chức 30 lần, trong đó, Thái Lan và Malaysia mỗi nước đã tổ chức 6 lần; Singapore, Indonesia và Philippines mỗi nước đã tổ chức 4 lần; Myanmar đã tổ chức 3 lần; Brunei, Việt Nam và Lào mỗi nước đã tổ chức 1 lần.
Theo Dantri
Lấn chiếm lòng đường, mở nhạc quá to không được công nhận "Gia đình văn hoá"
Nếu có hành vi lấn chiếm lòng đường, hè phố gây cản trở hành lang an toàn giao thông; mở nhạc quá độ ồn theo quy định và trước 6 giờ sáng, sau 22 giờ đêm; rắc vàng mã, rải tiền trên đường đưa tang sẽ không được công nhận "Gia đình văn hoá".
Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định dự thảo Nghị định Quy định tiêu chuẩn, quy trình công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa"; "Thôn văn hóa", "Làng văn hóa", "Ấp văn hóa", "Bản văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa".
Cơ quan chủ trì xây dựng - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho rằng, tiêu chuẩn các danh hiệu này được quy định tại Điều 29, Điều 30 của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003. Tuy nhiên, tại các văn bản hướng dẫn của Chính phủ lại không quy định chi tiết tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ cho việc xét tặng các danh hiệu thi đua này.
Trong khi đó, các quy định về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xét tặng các danh hiệu thi đua tại Thông tư số 12/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã không còn phù hợp, bộc lộ nhiều bất cập.
Việc tổ chức thực hiện bình xét, công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Thôn văn hóa", "Làng văn hóa", "Ấp văn hóa", "Bản văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa" ở cơ sở có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ, dễ dãi, chạy theo thành tích làm giảm ý nghĩa, giá trị của các danh hiệu. Các cuộc vận động được phát động còn chồng chéo, chưa nhất quán. Sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể thiếu chặt chẽ, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng xã hội tham gia thực hiện phong trào, còn coi phong trào là của ngành văn hóa.
(Ảnh minh hoạ)
Muốn là "Gia đình văn hoá" phải đáp ứng hàng chục tiêu chuẩn
Điều 6 dự thảo nghị định đề ra hàng chục tiêu chuẩn chấm điểm của Danh hiệu "Gia đình văn hóa. Trong đó phải chấp hành quy định của pháp luật, của địa phương; thực hiện đúng hương ước, quy ước; treo Quốc kỳ trong những ngày lễ, sự kiện chính trị của đất nước theo quy định; tham gia góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn dân cư; tham gia các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; các hoạt động ngăn chặn và bài trừ tệ nạn xã hội.
Để đáp ưng tiêu chuẩn, gia đình phải không thả gia súc, gia cầm, vật nuôi ở nơi công cộng làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân; tham dự các cuộc họp, sinh hoạt ở cộng đồng. Tự nguyện đóng góp, ủng hộ xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngoài ra, gia đình phải hoà thuận, hạnh phúc, tiến bộ; tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng. Các thành viên trong gia đình có lối sống lành mạnh, văn minh, ứng xử có văn hóa; tối thiểu có từ 50% thành viên trong gia đình thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao; tương trợ, giúp đỡ xóm giềng khi gặp khó khăn, hoạn nạn.
Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả. Người trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động có việc làm và thu nhập bình quân đầu người bằng mức thu nhập bình quân chung của địa phương (cấp xã, phường); tuân thủ các quy định của pháp luật về sử dụng giống cây trồng, giống vật nuôi; tuân thủ quy định về kiểm dịch, vệ sinh thú y trong giết mổ động vật; trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, chăm ngoan, hiếu học...
Hồ sơ công nhận "Gia đình văn hóa" hàng năm gồm văn bản đề nghị công nhận "Gia đình văn hóa" của Trưởng khu dân cư; Bản đăng ký xây dựng "Gia đình văn hóa" của hộ gia đình và Biên bản họp bình xét ở khu dân cư.
Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định công nhận "Gia đình văn hóa".
Mở nhạc quá to không được công nhận "Gia đình văn hoá"
Dự thảo nghị định đang được Bộ Tư pháp thẩm định cũng đưa ra hàng loạt tiêu chuẩn làm cơ sở không công nhận "Gia đình văn hóa". Đơn cử như gia đình có thành viên bị truy cứu trách nhiệm hình sự; có thành viên hành nghề mê tín dị đoan; tàng trữ hoặc sử dụng ma túy; hoạt động hoặc tổ chức hoạt động mại dâm; đánh bạc hoặc tổ chức đánh bạc; không tố giác các loại tội phạm.
Hành vi lấn chiếm lòng đường, hè phố gây cản trở hành lang an toàn giao thông, mở nhạc quá độ ồn theo quy định và trước 6 giờ sáng, sau 22 giờ đêm, rắc vàng mã, rải tiền trên đường đưa tang; có bạo lực gia đình đến mức độ cộng đồng, chính quyền và các tổ chức xã hội tại địa phương phải can thiệp hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính; mất đoàn kết gây hậu quả nghiêm trọng trong làng xóm, khu phố cũng bị "tuýt còi".
Việc bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông cũng sẽ không được công nhận "Gia đình văn hoá".
Thế Kha
Theo Dantri
Công trình dịch vụ "bất ngờ" xuất hiện tại khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng Hai khối nhà, nhiều bàn bi-a, khu trò chơi trẻ em... "mọc" lên chềnh ềnh tại khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng mà người có trách nhiệm quản lý lại nói "không biết gì". Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng (xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia...