Việt Nam đăng cai Diễn đàn Liên Chính phủ về Giao thông vận tải bền vững khu vực châu Á
Chiều 27/10, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Diễn đàn Liên Chính phủ về Giao thông vận tải bền vững môi trường khu vực châu Á lần thứ 12 (Diễn đàn EST 12) sẽ được tổ chức từ ngày 28 – 30/10, tại Hà Nội.
Một đoạn cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Ảnh minh họa. (Nguồn: baodautu.vn)
Đây là diễn đàn do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, UBND Tp. Hà Nội, Bộ Môi trường Nhật Bản, Trung tâm Phát triển vùng Liên hợp quốc đồng tổ chức.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, số lượng đại biểu tham dự khoảng 335 đại biểu (trong đó có 213 đại biểu quốc tế đến từ 25 quốc gia châu Á và 122 đại biểu trong nước).
Tại Diễn đàn EST 12 lần này sẽ có 15 sự kiện chính và chương trình đi khảo sát kỹ thuật về thành phố thông minh tại tỉnh Quảng Ninh vào ngày 31/10/2019.
Việc Việt Nam đăng cai tổ chức Diễn đàn EST 12 năm 2019 với chủ đề “Tiến tới thành phố thông minh và có khả năng thích ứng thông qua hệ thống giao thông vận tải thông minh và các-bon thấp” thể hiện vai trò, trách nhiệm là thành viên của Liên hợp quốc trong nỗ lực chung phát triển giao thông vận tải bền vững về môi trường và cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế trong hợp tác giao thông vận tải …
Bên cạnh đó, Diễn đàn này cũng là cơ hội để truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về mục tiêu phát triển bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường và giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Các nội dung chính của Diễn đàn EST12 gồm: Thảo luận các chính sách về giao thông vận tải bền vững với môi trường; tích hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và phát triển đô thị; phát triển dịch vụ vận tải và kết cấu hạ tầng giao thông bền vững; ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến; các giải pháp về thể chế, cơ chế tài chính mới và mối quan hệ đối tác trong việc xây dựng các thành phố và cộng đồng an toàn, thông minh, thích ứng và phát triển bền vững…
Video đang HOT
Diễn đàn cũng là cơ hội để các đại biểu thảo luận cách thức để các quốc gia châu Á có thể đóng góp vào Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đặc biệt là Mục tiêu phát triển bền vững 11 (SDGs 11) thông qua việc thực hiện các giải pháp công nghệ tiên tiến như Trí tuệ Nhân tạo (AI), Mạng Internet vạn vật (IoT), Công nghệ thông tin truyền thông, Hệ thống giao thông thông minh (ITS), Hệ thống định vị toàn cầu (GPS), dữ liệu lớn (big data), các ứng dụng dịch tự động, các mạng lưới cảm biến và vận tải các-bon thấp.
Bên cạnh đó là nội dung điều phối thảo luận giữa Chính phủ, khối tư nhân và các đối tác tài trợ để khai thác các cơ hội đầu tư tiềm năng phát triển giao thông vận tải bền vững; rà soát, đánh giá tiến độ triển khai các chương trình, sáng kiến, đề xuất và thành tựu của các quốc gia, các bài học thực tiễn trong Tuyên bố Bangkok (2010-2020).
Ngoài ra, các đại biểu sẽ thảo luận về chiến lược tiếp tục triển khai Tuyên bố Bangkok 2020 cho đến năm 2030 song hành với việc thay đổi diện mạo giao thông đô thị tại châu Á và phù hợp với Chương trình Phát triển bền vững/ Mục tiêu Phát triển bền vững 2030.
Bộ Giao thông Vận tải thông tin, Diễn đàn Liên Chính phủ về Giao thông vận tải bền vững môi trường khu vực châu Á do Liên Hợp quốc thành lập từ năm 2005, là một phần quan trọng của sáng kiến Giao thông vận tải bền vững với môi trường.
Đây là điễn đàn thường niên với mục đích thúc đẩy nhận thức chung giữa các nước châu Á về bảo vệ môi trường trong giao thông vận tải; xây dựng đô thị và cộng đồng an toàn hơn, tốt đẹp hơn và bền vững hơn thông qua các chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển hiệu quả.
Bắt đầu với ASEAN 4 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Mông Cổ), Diễn đàn EST dần dần mở rộng lên đến 25 quốc gia thành viên gồm: Afganistan, Bangladesh, Bhutan, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Maldives, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Philippines, Pakistan, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Timor-Leste, Nga và Việt Nam.
Theo TG&VN
Cứu đô thị ô nhiễm: Cần Luật Không khí sạch
Theo khảo sát, nồng độ bụi biến động theo hoạt động giao thông, tăng rõ rệt từ 7-8h và 18-19h, thấp nhất vào giữa trưa 13-14h và ban đêm 23h-1h.
Đăng kiểm viên Trung tâm Đăng kiểm 29-06V Hà Nội chuẩn bị kiểm tra khí thải xe ô tô.
Vấn đề ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn sẽ là một trong những chủ đề của Diễn đàn Liên Chính phủ về GTVT bền vững môi trường khu vực châu Á lần thứ 12 sắp tới tại Hà Nội.
Chỉ số ô nhiễm vượt báo động đỏ
Thời gian gần đây, người dân ở một số khu vực tại Hà Nội cảm nhận rõ ràng về mức độ ô nhiễm không khí nặng nề, có những thời điểm mức độ ô nhiễm vượt báo động đỏ. Trong đó, ngày 29 và 30/9, hệ thống quan trắc không khí AirVisual quốc tế (và hệ thống quan trắc không khí độc lập PAMAir) ghi nhận một số điểm ở Hà Nội có chỉ số ô nhiễm hơn 200 AQI, vượt qua mức báo động đỏ, gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Theo ông Vũ Đăng Định, người phát ngôn UBND TP Hà Nội, có hàng loạt nguồn gây ô nhiễm không khí gồm: Khí xả thải từ ôtô, xe máy; bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Bên cạnh đó là việc người dân vùng nông thôn đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.
Báo cáo của Bộ TN&MT đầu tháng 10/2019 cho biết, môi trường không khí tại các đô thị chịu ảnh hưởng tổng hợp từ rất nhiều nguồn thải, gồm cả nguồn tại chỗ và phát tán đến từ hoạt động dân sinh, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, GTVT.
"Những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm như: Số lượng phương tiện tham gia giao thông quá lớn nhưng chưa kiểm soát được khí thải; hoạt động xây dựng tại các khu đô thị; thu gom, vận chuyển, xử lý, đốt chất thải sinh hoạt, sử dụng than tổ ong, bụi mịn do đốt nhiên liệu hóa thạch trong các ngành công nghiệp nặng phát tán đến đô thị", báo cáo của Bộ TN&MT nêu.
Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, quan trắc môi trường thời gian qua cho thấy diễn biến nồng độ bụi tại Thủ đô biến động theo hoạt động giao thông. "Vào giờ cao điểm buổi sáng, phương tiện tham gia giao thông nhiều, lượng phát thải ra cũng gây ô nhiễm không khí cao. Lượng bụi tăng cao rõ rệt vào khoảng thời gian từ 7-8h và 18-19h, giảm xuống thấp nhất vào giữa trưa 13-14h và ban đêm 23h-1h. Ô nhiễm bụi mịn PM2.5 ở Hà Nội chủ yếu tập trung ở những trục đường mật độ giao thông lớn như: Minh Khai, Phạm Văn Đồng... Nồng độ bụi tăng cao có tính tức thời, tại một thời điểm cụ thể, không phải suốt 24 giờ", ông Thái cho biết.
Đề cập nguyên nhân từ phương tiện GTVT, ông Trần Ánh Dương, Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT) cho biết, Hà Nội và TP HCM hiện là hai đô thị tập trung nhiều nhất xe máy, ô tô đang lưu hành và cũng là hai thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất.
"Những xe ô tô được phép tham gia giao thông đều được kiểm soát khí thải định kỳ, với tiêu chuẩn phát thải tương đương với các nước trong khu vực ASEAN. Còn với mô tô, xe gắn máy hiện mới chỉ kiểm soát khí thải đối với xe sản xuất mới, chưa kiểm soát định kỳ sau khi xe được cấp biển số lưu hành. Tình trạng gia tăng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP HCM có nguyên nhân do tập trung nhiều xe máy, ô tô, dẫn đến lượng phát thải tăng", ông Dương nói.
Hiện chưa có quy định kiểm soát định kỳ khí thải đối với mô tô, xe gắn máy đang lưu hành. Ảnh: T.T
Theo lãnh đạo Vụ Môi trường, việc kiểm soát khí thải phương tiện GTĐB đang được thực hiện từ khâu sản xuất và nhập khẩu phương tiện mới và kiểm soát trong quá trình lưu hành đối với xe ô tô, xe cơ giới đường bộ.
Một trong những giải pháp quan trọng là từ năm 2020 bắt đầu nâng cao hơn tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông được sản xuất từ sau năm 2008; năm 2021 áp dụng với xe sản xuất trong giai đoạn 1999 - 2008. Bên cạnh đó, từ năm 2022, xe ô tô sản xuất mới phải đạt tiêu chuẩn khí thải EURO 5 mới được bán ra thị trường, đưa vào lưu thông.
"Bộ GTVT đã đưa đề xuất quy định kiểm soát khí thải đối xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật GTĐB, nhằm kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm từ xe máy, nhất là tại các thành phố lớn", ông Trần Ánh Dương cho biết.
"Bộ GTVT đang triển khai công tác bảo vệ môi trường theo các quy định của luật chuyên ngành GTVT, công ước quốc tế và các nghị quyết, chương trình hành động chung về bảo vệ môi trường. Phương tiện GTVT chỉ là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, vì vậy về lâu dài cần có Luật Không khí sạch để có hành lang pháp lý tổng thể bảo vệ môi trường không khí", ông Dương cho biết thêm.
Được biết, năm 2017, tại hội thảo "Ô nhiễm không khí tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp" do Văn phòng Quốc hội tổ chức, khá nhiều ý kiến đề xuất xây dựng Luật Không khí sạch để kiểm soát chất lượng không khí tốt hơn. Khi có luật này, các bộ, ngành có kế hoạch quản lý không khí tốt hơn; các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nào thải ra nhiều khí thải phải trả tiền để khôi phục, làm sạch không khí. Vấn đề kiểm soát phát thải tàu bay, hạn chế ô nhiễm từ công nghiệp hàng không tại các đô thị có sân bay gần trung tâm cũng được đặt ra.
Theo GDTĐ
LHQ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội Sáng 15/10, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với LHQ tổ chức hội thảo về "Hệ thống phát triển LHQ và quan hệ với Việt Nam" dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung và Điều phối viên Thường trú tại Việt Nam, ông Kamal Malhotra. Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Bộ Ngoại giao Phát biểu...