Việt Nam đặc biệt lo ngại tình trạng quân sự hóa Biển Đông
Trong buổi họp báo chiều 25/2 của Bộ Ngoại giao, báo chí đã đặt câu hỏi về phản ứng của Việt Nam nếu Mỹ đề nghị cùng tuần tra trên Biển Đông.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc điều máy bay chiến đấu ra đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa và đặt hệ thống radar ở một số cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh:
“Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi.
Bất chấp sự phản đối và quan ngại của Việt Nam cũng như của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông mà còn đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực và an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Chúng tôi kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc có những lời nói, hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC”.
Ông Lê Hải Bình – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. ảnh: TTXVN.
Tại họp báo, trả lời câu hỏi liên quan đến việc truyền thông Hoa Kỳ đưa tin nước này có thể sẽ triển khai dàn pháo di động tới Biển Đông, Người phát ngôn Lê Hải Bình nêu rõ: “Việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại Biển Đông là lợi ích chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực.
Chúng tôi mong muốn các bên có hành động trách nhiệm, mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông cũng như tại khu vực trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982.”
Trả lời phóng viên về quan điểm của Việt Nam nếu được đề nghị tham gia cùng tuần tra tại Biển Đông cùng với Hoa Kỳ và các nước đồng minh của Hoa Kỳ, Người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết: “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiến hành các hoạt động bình thường của mình tại các khu vực này phù hợp với luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Chúng tôi cũng khẳng định, các hoạt động này của các lực lượng chức năng Việt Nam luôn đóng góp cho hòa bình, ổn định tại khu vực cũng như trên thế giới.
Chúng tôi cũng đã nhiều lần nêu rõ quan điểm của mình là Việt Nam tôn trọng quyền đi lại vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Video đang HOT
Đồng thời chúng tôi cũng đề nghị các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Đông tôn trọng luật pháp quốc tế. Đường lối đối ngoại độc lập tự chủ của Việt Nam đã được các nước trong và ngoài khu vực đánh giá cao và đã góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực”.
Cũng tại họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về những diễn biến căng thẳng đang diễn ra tại Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Những diễn biến gần đây ở khu vực, đặc biệt là tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho thấy nguyên trạng của khu vực đang bị phá vỡ, đặc biệt đáng lo ngại hơn là tình trạng quân sự hóa ở Biển Đông.
Chúng tôi cho rằng, đây là hai diễn biến hết sức đáng lo ngại, ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại khu vực”.
Theo TTXVN
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: Ta không mất điểm đóng quân nào tại Trường Sa
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Phùng Quang Thanh: "Các điểm đóng quân của ta ở quần đảo Trường Sa vẫn được đảm bảo, không mất điểm nào".
Chiến tranh, đất nước sẽ hỗn loạn
Theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, trong suốt 5 năm qua, dù thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, Việt Nam cũng đã phải đối diện với những vấn đề ở Biển Đông và một loạt hoạt động diễn biến hòa bình, gây bạo loạn lật đổ cũng diễn biến phức tạp.
"Riêng vụ giàn khoan thì Bộ Chính trị họp đã họp 12 phiên để xử lý, dành rất nhiều thời gian, công sức. Chúng ta đặt ra mục tiêu phải bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc... Đây là mục tiêu mà chúng ta đặt ra, điểm lại có đạt được không? Trong 5 năm qua, chúng ta đã đạt được.
Về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý vẫn bảo vệ tốt, không ai xâm phạm được, các điểm đóng quân của ta ở quần đảo Trường Sa vẫn được đảm bảo, không mất điểm nào", ông Thanh cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tại khu vực thềm lục địa, chúng ta có các nhà giàn dầu khí, vẫn đảm bảm tốt. Có sửa chữa, nâng cấp, cải tạo mới thêm một số nhà giàn góp phần đảm bảo giữ chủ quyền, không để cho nước ngoài đến đóng xen kẽ vào. Mấy chục giếng khoan dầu vẫn hoạt động tốt, không giếng nào bị ngừng hoạt động.
Đồng thời, khai thác nghề cá của ngư dân trong 200 hải lý vẫn diễn ra bình thường, kết hợp hiệu quả với các hoạt động bảo vệ chủ quyền. Đảo Song Tử Tây cũng có âu tàu, và đang triển khai tiếp ở đảo Đá Tây, đảo Sinh Tồn, Trường Sa Lớn và tiến tới sẽ triển khai một số đảo khác. Tất cả các hoạt động này đều diễn ra hoàn toàn trong vùng lãnh thổ của Việt Nam.
"Nếu không giữ được hòa bình ổn định trên biển thì không thể có tình hình như thế này được. Kinh tế của chúng ta là kinh tế mở, chủ yếu xuất khẩu mỗi năm 150 tỉ đô, nhập khẩu cũng 150 tỉ đô, tổng là 300 tỷ, nếu xảy ra xung đột trên biển thì không thể nào tàu bè nào đi lại được, trên không không thể có máy bay nào đi lại được, làm sao có đóng góp du lịch một năm như thế. Đất nước sẽ hỗn loạn.
Chiến tranh mà xảy ra thì việc di cư ở Việt Nam cũng không kém các nước đâu, nên phải giữ hòa bình ổn định trên biển", Bộ trưởng Thanh nhấn mạnh.
Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. ảnh: Ngọc Quang.
Đối với công tác đối ngoại quân sự và hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn giữ vững đường lối đối ngoại độc lập tự chủ. Đó là nguyên tắc vô cùng quan trọng, nếu nhận thức lệch lạc, đứng về phía nước lớn này mà quay lưng vào nước lớn khác sẽ dẫn đến những hệ quả phức tạp quốc gia, dân tộc.
"Trong quan hệ, cần hết sức coi trọng quan hệ với các nước láng giềng có chung biên giới, nhất là quan hệ với Lào, Campuchia. Chúng tôi phải quán triệt cho anh em phải tôn trọng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của bạn. Bạn cũng phải đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ và chúng ta tin tưởng, không nghi ngờ trong quan hệ với nhau.
Cần xác định không thể dùng tư tưởng nước lớn, tư tưởng ban ơn mà chúng ta xác định, giúp bạn là tự giúp mình, mong cho bạn phát triển và tạo điều kiện để giúp bạn trong đào tạo nguồn nhân lực hợp tác biên giới, khắc phục hậu quả chiến tranh, quy tập hài cốt liệt sĩ", Bộ trưởng Thanh cho hay.
Bảo vệ nghiêm ngặt vùng trời của tổ quốc
Theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, vùng trời của Việt Nam đang được bảo vệ tốt với hàng nghìn chuyến bay quốc tế qua đây. Bộ Quốc phòng cũng đã chủ động báo cáo Thủ tướng cho phép điều chỉnh 23 đường bay.
"Trước đây để tránh các khu vực không quân huấn luyện thì các chuyến bay dân sự phải bay dài hơn, tốn kém hơn, nay điều chỉnh lại giúp bay ngắn hơn. Tiết kiệm mỗi năm 40.000 giờ bay cho các chuyến bay dân dụng nói chung. Chúng tôi cũng chủ động báo cáo với Thủ tướng có ba sân bay dùng chung là sân bay Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Đà Nẵng, mỗi sân bay có một sư đoàn không quân, nay điều chỉnh đi chỗ khác để dùng cho dân sự", ông Thanh thông tin.
Về tình hình biên giới Việt - Trung, theo ông Thanh, hai bên đã cắm mốc; phối hợp tuần tra bảo vệ chủ quyền của mỗi bên, bảo vệ an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, chống vượt biên trái phép.
Quan hệ biên giới là rất tốt, thật sự hòa bình, hữu nghị, ổn định hợp tác, cùng nhau phát triển chung", ông Thanh cho biết.
Đối với biên giới Việt - Lào, các cột mốc đã tăng dày hơn và ổn định. Tuy nhiên, biên giới Việt Nam - Campuchia thì hiện còn 7 điểm nữa mới hoàn thành phân mốc cắm giới.
Ông Thanh cho hay: "Hiện 7 điểm này có ý kiến khác nhau, Bộ Chính trị đã giao cho Chính phủ, đoàn đàm phán cấp Chính phủ đẩy nhanh tiến độ đàm phán để tiến hành phân giới, cắm mốc trên thực địa để trở thành biên giới hữu nghị ổn định. Sau sẽ tiến tới đàm phán để phân định trên biển. Ta và Campuchia chưa phân định biên giới biển.
Ta và Campuchia khi đàm phán đều trên cơ sở luật pháp quốc tế, những hiệp định mà hai bên đã ký kết, và cũng phải dùng bản đồ Bonne mà hai bên đã thống nhất. Vừa rồi đảng đối lập ở Campuchia đã tố cáo Chính phủ dùng bản đồ không đúng, vì Chính phủ Campuchia đã mượn bản đồ của Pháp, của Liên Hiệp Quốc về đối chiếu thì thấy khớp 100%. Campuchia đã xử lý vấn đề theo luật pháp Campuchia.
Trên vịnh Bắc bộ, hải quân và cảnh sát biển của ta và Trung Quốc thường xuyên tuần tra chung để đảm bảo an ninh trật tự. Chúng ta cũng đã tuần tra chung với Campuchia và Thái Lan, tới đây đang đàm phán để tuần tra chung với Malaysia, Philippines...".
Về công nghiệp quốc phòng, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết, cơ bản sản xuất được các loại vũ khí, trang thiết bị cho cấp sư đoàn bộ binh trở xuống. Nhà nước đã đầu tư và chỉ đạo xây dựng công nghiệp quốc phòng tiến tới sản xuất được các loại trang bị, vũ khí cho quân đội. Đóng được các loại tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu pháo, tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư, tàu tuần tiễu; sản xuất được các loại thuốc phóng, thuốc nổ, các loại súng bộ binh, súng chống tăng...
Ông Thanh nói rằng, nếu phụ thuộc vào bên ngoài thì khi có diễn biến xấu dù có tiền cũng không mua được, đồng thời dẫn ra thí dụ: "Nga và Ukraine có trục trặc thì ảnh hưởng đến chúng ta. Vì có những mặt hàng ta đặt mua của Nga, nhưng không phải Nga làm trọn gói mà có những cái đặt ở Ukraine, cho nên nếu Ukraine không cung cấp cho Nga nữa thì ảnh hưởng đến ta".
Trong quan hệ hợp tác, theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, phải hết sức chú ý quan hệ với các nước lớn, đặc biệt là xử lý quan hệ với Trung Quốc và Mỹ.
Ông Thanh nêu quan điểm: "Về an ninh của nước ta, quan hệ với Trung Quốc, Hoa Kỳ là hết sức quan trọng, nếu mà quan hệ hữu nghị tốt với cả hai nước thì chúng ta sẽ giữ được thế cân bằng, giữ quan hệ độc lập, tự chủ, không đi với nước lớn này để chống lại nước lớn khác. Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc lợi dụng lãnh thổ địa bàn của chúng ta để làm phương hại đến láng giềng an ninh trong khu vực
Chúng ta phải giữ được trong ấm ngoài êm. Bên trong mà ổn định, đoàn kết, thống nhất, không để xảy ra điểm nóng, không có biểu tình, không có bạo loạn, không có ly khai, không có khủng bố, không có xảy ra những xung đột sắc tộc, tôn giáo, không phải dùng đến lực lượng chức năng để giải quyết thì bên ngoài không có cớ gì để can thiệp vào.
Nếu nội bộ đất nước để xảy ra bạo loạn, biểu tình, ly khai, xảy ra tổ chức đối lập, để xảy ra lực lượng vũ trang đối lập, mà lại phải dùng lực lượng chức năng trấn áp, để xảy ra thương vong, đổ máu thì bên ngoài sẽ lấy cớ vi phạm dân chủ, nhân quyền, dùng biện pháp này, biện pháp khác chia rẽ nội bộ, thừa cơ đó lật đổ chế độ. Nếu mất Đảng, mất chế độ thì biển đảo cũng mất".
Ngọc Quang
Theo giaoduc
Đại tướng Phạm Văn Trà nói về vụ tàu chiến Trung Quốc đe doạ tàu Việt Nam "Việt Nam phải nói hết các vấn đề để dư luận thế giới hiểu quan điểm của Việt Nam và cũng biết được "tâm địa" của Trung Quốc", Đại tướng Phạm Văn Trà - nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phân tích về hành động của tàu chiến Trung Quốc vây ép, mở bạt che súng, dàn quân chĩa vũ khí đe doạ...