‘Việt Nam đã mạnh tay hơn với mạng xã hội nước ngoài’
“Chúng ta đã mạnh tay hơn với các mạng xã hội nước ngoài nên 10 tháng vừa qua, tỷ lệ gỡ bỏ theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước đã tăng 500%”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.
Tại phiên chất vấn dành cho Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sáng 6/6, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) chất vấn về giải pháp để đối phó, ngăn chặn, xử lý tội phạm lợi dụng mạng xã hội để xâm hại trẻ em.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên làm việc đã yêu cầu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời câu hỏi này.
“Sự chuyển dịch vĩ đại” từ đời thực vào không gian mạng
Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông thừa nhận tình trạng lợi dụng không gian mạng để gây hại đang ngày một gia tăng.
“Trong thế giới thực có gì thì cũng có điều đó trên không gian mạng”, ông Hùng nói và nhìn nhận đang có sự “chuyển dịch vĩ đại” của toàn bộ thế giới thực vào thế giới ảo.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời đại biểu Quốc hội về vấn đề quản lý mạng xã hội. Ảnh: Minh Quân .
Trong thế giới thực chúng ta có hệ thống pháp luật, có chính quyền Trung ương, địa phương, có lực lượng để duy trì sự lành mạnh của xã hội. Tuy nhiên, trên không gian mạng chưa được như vậy và đã gây ra những hệ lụy.
“Giải pháp của chúng ta lúc này là hệ thống pháp luật, chính quyền phải nhanh chóng đi vào không gian mạng để duy trì sự lành mạnh của môi trường này”, ông Hùng nhấn mạnh.
Video đang HOT
Về giải pháp về lâu dài, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chúng ta phải đưa giáo dục kỹ năng sống trên không gian mạng vào giáo dục phổ thông. Đây là giải pháp căn cơ nhất.
Phân tích thêm mối tương quan, Bộ trưởng Hùng nói đời sống thực con người thở bằng không khí, còn không gian mạng lại “thở” bằng tin tức, nội dung. Đời thực có hàng nghìn đống rác, nếu không dọn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong không gian mạng cũng có rác, nếu chúng ta không dọn thì ảnh hưởng não người.
Do vậy, theo Bộ trưởng, vấn đề trước mắt là phải quét rác. Đầu tiên là từng người tham gia mạng xã hội không xả rác và hãy dọn rác của chính mình. Ông cũng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông đang soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng để ban hành.
Buộc phải thực thi pháp luật Việt Nam
Về phía nhà mạng, Bộ trưởng yêu cầu phải có bộ lọc. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ra yêu cầu cụ thể về vấn đề này. Các cơ quan, các bộ, ngành cũng phải thực hiện. “Đầu tiên phải định nghĩa rác của mình, phải giám sát, phát hiện và tuyên bố đây là rác”, ông Hùng nhấn mạnh.
Hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia và cơ bản có sự phân tích, đánh giá. Sau khi các bộ, ngành xác định được rác thì thông báo với Bộ để yêu cầu gỡ bỏ, kể cả với các mạng xã hội nước ngoài.
Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh các mạng xã hội nước ngoài bắt buộc phải thực thi luật pháp của Việt Nam vì Việt Nam là một nước có chủ quyền.
“Chúng ta đã mạnh tay hơn với các mạng xã hội nước ngoài nên 10 tháng vừa qua, tỷ lệ gỡ bỏ theo yêu cầu của các cơ quan Nhà nước đã tăng 500%”, ông Hùng thông tin.
“Nhà mạng có công cụ chọn lọc, chính quyền mạnh mẽ hơn, mạnh tay hơn, hoàn thiện được hệ thống pháp luật thì tôi tin tới đây không gian mạng của chúng ta sẽ lành mạnh hơn”, ông Hùng kỳ vọng.
Theo Zing.vn
Phó Thủ tướng: Kinh tế tư nhân đóng góp quan trọng cho tăng trưởng
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh (ảnh Như Ý)
Hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo
Sáng 6/5, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã báo cáo giải trình thêm các vấn đề mà đại biểu đặt ra trong phần chất vấn các bộ trưởng.
Theo Phó Thủ tướng, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm phát triển khu vực kinh tế quan trọng này. Tuy nhiên, năng lực, hiệu quả của khu vực doanh nghiệp tư nhân nhìn chung còn yếu, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trình độ quản trị, năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ, khả năng liên kết và tham gia chuỗi giá trị còn hạn chế.
Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khẩn trương sửa đổi Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp theo hướng thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường, đừng kỳ thị kinh tế tư nhân như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã phát biểu; đồng thời tăng khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng, vốn, đất đai, tài nguyên và nguồn nhân lực...
Cùng với đó, hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ, hội nhập sâu rộng, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Chú trọng phát triển đội ngũ doanh nhân có trình độ, kỹ năng quản lý, đạo đức kinh doanh, tính chuyên nghiệp, đề cao trách nhiệm xã hội, đóng góp nhiều hơn cho phát triển KTXH của đất nước.
Xử lý nghiêm vi phạm thi cử
Đề cập đến giải pháp khắc phục bất cập trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, nhất là tình trạng gian lận thi cử, Phó Thủ tướng cho biết, trong đó, kỳ thi năm 2018 vừa qua, tại Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình có trên 500 bài thi được nâng điểm.
Ngay sau khi có thông tin về hiện tượng gian lận trong kỳ thi, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm, kiên quyết không chấp nhận gian lận, bảo đảm công bằng trong thi cử.
Chính phủ nghiêm khắc phê bình các địa phương đã để xảy ra sai phạm; yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh liên quan chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý nghiêm theo đúng quy định. Chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với những trường hợp thí sinh bị ảnh hưởng.
"Hiện nay, các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến sai phạm thi cử và tiếp tục điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đối với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2019 và thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan để chấn chỉnh các bất cập, tồn tại; giám sát chặt chẽ các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.
Tăng cường thanh tra đất đai, BOT, cổ phần hóa
Về công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua các cơ quan chức năng đã điều tra phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, như các vụ: AVG; "Vũ nhôm"; "Út trọc", Thép Thái Nguyên...
Tập trung thanh tra, kiểm toán một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao; khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý kỷ luật nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm, trong đó có các dự án thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm như PVTex, Ethanol Phú Thọ, Cảng Quy Nhơn; các dự án BOT, BT giao thông; Công ty VN Pharma; Khu đô thị mới Thủ Thiêm....
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Các quy định của pháp luật vẫn còn sơ hở, bất cập. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng vặt trong giải quyết công việc của một bộ phận cán bộ, công chức chưa được ngăn chặn hiệu quả. Công tác tự kiểm tra, phát hiện vi phạm trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ thu hồi, xử lý về tiền, tài sản, đất đai trong các vụ tham nhũng còn thấp. Sự gương mẫu, tính quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng của một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị còn thấp.
Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm như đầu tư công, đất đai, dự án BT, BOT, cổ phần hóa,... Khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng; thu hồi triệt để tài sản thất thoát.
Theo TPO
Sáng nay, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh lần đầu ngồi "ghế nóng" trả lời chất vấn Sáng nay 6-6, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh lần đầu tiên thay mặt Chính phủ tham gia làm rõ các vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Sáng nay 6-6, lần đầu tiên, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ...