Việt Nam đã chủ động cải cách thể chế trước khi ký kết Hiệp định TPP
Những thay đổi trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cho thấy Việt Nam đã chủ động trong cải cách thể chế, ngay trước khi ký kết Hiệp định TPP.
Sự chủ động của Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), với tinh thần sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh, cho thấy tư duy sắc bén và tầm nhìn xa trông rộng của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Nhưng tự thân TPP không mang đến cho Việt Nam tất cả những thành quả như mong muốn nếu Việt Nam không chủ động và không hành động để thích ứng với TPP trong điều kiện trình độ phát triển của nền kinh tế thấp và còn nhiều khó khăn.
Trong bài viết đầu xuân Bính Thân của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thay đổi, nâng cao chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh được nhấn mạnh như một yếu tố quyết định để thành công với TPP. Theo đó, Nhà nước sẽ phải chủ động để có những cải cách, thay đổi nhiều nhất, từ đó tạo ra thể chế kinh tế chất lượng, đảm bảo có một nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, nguồn lực được phân bổ công bằng.
Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã nêu rõ: Người dân được quyền làm mọi việc mà pháp luật không cấm, còn Nhà nước muốn cấm, hạn chế quyền của người dân phải thể hiện được điều đó trong luật. Tất cả những thay đổi đó cho thấy Việt Nam đã chủ động trong cải cách thể chế, ngay cả trước khi ký kết TPP. Hệ thống pháp luật đã và đang tiếp tục được điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường hiện đại, phù hợp với các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các Hiệp định thế hệ mới. Hội nhập kinh tế quốc tế cũng có nghĩa là hợp tác, làm ăn với nhiều bạn hàng, đối tác trên thế giới. Bởi vậy, hiểu và nắm rõ các quy định pháp luật, đồng thời điều chỉnh lại các quy định được coi là không thích ứng với yêu cầu hội nhập là vấn đề đáng quan tâm lúc này.
Video đang HOT
Nhiều nghiên cứu và từ thực tiễn các nước đều khẳng định rằng, thể chế quản trị quốc gia là yếu tố quyết định nhất đến sức cạnh tranh vĩ mô và sự phát triển của một nền kinh tế. Phát triển nhanh và bền vững hay trì trệ, tụt hậu chủ yếu là do chất lượng thể chế. Thể chế tốt, bảo đảm Nhà nước pháp quyền, quyền dân chủ của người dân và phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại sẽ khơi dậy được cao nhất sức mạnh tổng hợp và các nguồn lực cho sự phát triển. Và như vậy, thể chế có vai trò quyết định đến hiệu quả và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Vai trò kiến tạo phát triển của Nhà nước trong giai đoạn mới này là rất quan trọng. Vậy muốn thay đổi, việc đầu tiên là phải bắt đầu định vị được mối quan hệ Nhà nước, thị trường và doanh nghiệp.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do với EU sẽ tạo thêm xung lực mới cho sự phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là trong việc thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu với các nền kinh tế lớn nhất thế giới; trong đó, EU với GDP trên 18.000 tỷ USD và TPP với GDP trên 20.000 tỷ USD. Nhưng khó khăn và thách thức đối với Việt Nam cũng không nhỏ. Nhà nước sẽ phải là chủ thể đưa ra những cải cách, thay đổi, để từ đó tạo ra thể chế kinh tế chất lượng.
Hiệp định TPP sẽ mở ra một sân chơi mới với người tham gia là nhiều quốc gia phát triển, với những bộ máy năng động. Chính trong sân chơi này, không chỉ doanh nghiệp, người dân mà Nhà nước cũng sẽ phải có sự cạnh tranh. Vì chỉ với những nền tảng thể chế cởi mở, minh bạch, những lợi ích từ TPP từ dự báo mới có thể được hiện thực hóa.
Theo_NDH
Năm 2035: Thu nhập bình quân tăng lên 7.000 USD/người
Xây dựng khu vực tư nhân có khả năng cạnh tranh, thực hiện quá trình đô thị hóa một cách hiệu quả, khuyến khích sáng tạo và tận dụng các cơ hội thương mại mới mở ra nhằm thực hiện cải cách trên quy mô lớn. Đây là những khuyến nghị được đưa ra tại Báo cáo Việt Nam 2035 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Thế giới công bố sáng qua (23-2).
Một trong những giải pháp được nêu ra tại Báo cáo Việt Nam 2035 là cần xây dựng khu vực tư nhân có khả năng cạnh tranh
Lộ trình tiến tới nước thu nhập trung bình cao
Báo cáo Việt Nam 2035, do Chính phủ Việt Nam và Nhóm Ngân hàng Thế giới cùng thực hiện, đề ra những biện pháp cải cách chủ yếu nhằm giúp Việt Nam - một nước thu nhập trung bình thấp, phát triển kinh tế, nâng cao công bằng xã hội và xây dựng được một nền quản trị hiện đại trong vòng 2 thập kỷ tới.
Theo gợi ý tại báo cáo nêu trên, để Việt Nam trở thành một nước thu nhập trung bình cao, cần xây dựng khu vực tư nhân có khả năng cạnh tranh, thực hiện quá trình đô thị hóa một cách hiệu quả, khuyến khích sáng tạo và tận dụng các cơ hội thương mại mới mở ra nhằm thực hiện cải cách trên quy mô lớn. Cùng với đó, Việt Nam cần duy trì mức tăng trưởng tối thiểu 7% mỗi năm, nâng mức thu nhập trung bình lên trên 7.000 USD/đầu người vào năm 2035 (khoảng 18.000 USD nếu tính theo sức mua tương đương) so với 2.052 USD năm 2014 (khoảng 5.370 USD tính theo sức mua tương đương).
Đánh giá cao về sự thành công của Việt Nam trong 30 năm qua, ông Jim Yong Kim - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cho rằng, Báo cáo Việt Nam 2035 thể hiện rõ nét mong muốn của lãnh đạo Việt Nam muốn đưa đất nước trở thành một quốc gia hiện đại, công nghiệp hoá sau một thế hệ. Báo cáo cũng gợi ý Việt Nam cần xây dựng thể chế hiện đại và minh bạch, là những bước có thể giúp Việt Nam đạt được mục tiêu của mình. "Tăng năng suất lao động nhanh, bảo vệ môi trường và đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh tế sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh. Phá bỏ rào cản đối với các đối tượng thiệt thòi, cung cấp dịch vụ tốt hơn cho nhóm trung lưu đô thị đang già nhanh sẽ giúp Việt Nam giữ vững được thành tích ấn tượng về bình đẳng và hòa nhập xã hội", ông Jim Yong Kim nói.
Lựa chọn duy nhất là cải cách
Nhìn nhận về cơ hội của Việt Nam trong giai đoạn mới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng: "Nước ta đang đứng trước bước ngoặt của cải cách và phát triển. Thời cơ và thuận lợi rất lớn, nhưng thách thức và khó khăn cũng không hề nhỏ. Để đạt được khát vọng hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, lựa chọn duy nhất của chúng ta là thực hiện cải cách. Nếu không, chúng ta không thể khai thác được cơ hội, cũng không thể vượt qua thách thức và nguy cơ tụt hậu xa hơn, rơi vào bẫy thu nhập trung bình sẽ khó có thể tránh khỏi".
Báo cáo tập trung vào 3 trụ cột là nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy công bằng và hoà nhập xã hội và nâng cao hiệu quả khu vực công. Cụ thể, báo cáo đề xuất một số biện pháp tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế và khu vực tài chính, trong đó tập trung vào nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ quyền sở hữu tài sản và thực thi chính sách cạnh tranh.
Cùng với đó, cần có các chính sách và đầu tư để hỗ trợ tăng trưởng các ngành công nghiệp có liên quan đến các chuỗi cung ứng toàn cầu, sử dụng khôn ngoan hơn các hiệp định thương mại tự do, kể cả Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP.
Ngoài ra, báo cáo cũng đề xuất cải tiến ngành nông nghiệp - khu vực chiếm gần một nửa lực lượng lao động của cả nước - tăng cường bảo vệ môi trường và tăng cường quy hoạch phát triển sản xuất năng lượng sạch.
Theo_An ninh thủ đô
Thu nhập bình quân của người Việt sẽ đạt 7000 USD vào năm 2035 Đến năm 2035 Việt Nam phấn đấu sẽ đạt thu nhập bình quân đầu người hơn 7.000 USD, tương đương 18.000 USD (tính theo sức mua tương đương 2011). Thông tin trên báo Pháp luật TPHCM, sáng 23/2 tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) và Bộ KH&ĐT chính thức công bố báo cáo "Việt Nam 2035: Hướng tới...