‘Việt Nam có những cảnh đẹp khiến phim ảnh bất lực’
Theo quay phim Lý Thái Dũng, máy quay chỉ có thể đưa những cảnh đẹp lên phim, còn những cảnh quá đẹp thì đến điện ảnh cũng phải… bất lực.
Là một trong những nhà quay phim hàng đầu của điện ảnh Việt Nam, Lý Thái Dũng đã “tung hoành” từ Nam ra Bắc tìm bối cảnh cho nhiều bộ phim suốt những năm 90. Theo anh, điện ảnh Việt xưa nay luôn tôn vinh hình ảnh đất nước với những vẻ đẹp khác nhau theo từng thời đại.
Điện ảnh Cách mạng với những Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng 10, Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm… mang đến một Việt Nam vừa mạnh mẽ, kiên cường vừa giản dị, gần gũi.
Điện ảnh thời hiện đại ngày càng ý thức hơn về việc quảng bá vẻ đẹp đất nước. Người xem có thể bắt gặp những đồng lúa thẳng cánh cò bay ngập sắc vàng trong Cánh đồng bất tận (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình), có thể choáng ngợp trước núi non hùng vĩ trong Thiên mệnh anh hùng (đạo diễn Victor Vũ), có thể đắm chìm trong sắc vàng hoa cải cheo leo nơi sườn núi Tây Bắc trong Chuyện của Pao (đạo diễn Ngô Quang Hải), và gần đây nhất, khán giả đã phải choáng ngợp trước cảnh sắc tuyệt đẹp của tỉnh Phú Yên trên những thước phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn Victor Vũ).
Nhiều bối cảnh quay phim Chuyện của Pao đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng sau khi phim công chiếu.
Trước những thước phim đẹp, quay phim Lý Thái Dũng chia sẻ quan điểm: “Sau bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, phim Việt sẽ đẹp theo một cách khác. Từ đây, nhu cầu thưởng thức về mặt hình ảnh của khán giả sẽ khác đi, và việc chăm chút hình ảnh – cảnh quay cho các nhà làm phim sẽ tăng lên. Như tôi biết, sau bộ phim, rất nhiều khách du lịch đã đến Phú Yên. Đó là một tín hiệu đáng mừng. Điện ảnh chắc chắn là một kênh quảng bá du lịch hiệu quả”.
Quay phim Lý Thái Dũng lấy ví dụ về điện ảnh Hàn Quốc đã từng là sự cứu cánh ngoạn mục cho du lịch xứ kim chi. Từ những bộ phim Hàn, một làn sóng hâm mộ văn hóa, ẩm thực, thời trang Hàn đã phủ khắp châu Á. Người dân các nước đổ xô đến Hàn Quốc để thưởng mùa lá đỏ, ăn kim chi, uống rượu Soju… Hàn Quốc nhanh chóng trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất châu Á, chỉ bằng những bộ phim truyền hình dài tập.
Anh cho rằng, “Việt Nam còn có những cảnh đẹp khiến các nhà quay phim bất lực. Điện ảnh chỉ có thể tác động đến 2 giác quan là nghe và nhìn của khán giả. Trong khi đứng trước thiên nhiên, chúng ta có đến 5 giác quan để cảm nhận. Chính vì thế, có những cảnh đẹp đến mức, không một quay phim nào có thể lột tả được. Tôi cho rằng, đất nước ta đẹp vô cùng, trải dài từ Bắc vào Nam. Các nhà làm phim Việt có thể thỏa sức quay, thỏa sức sáng tạo”.
Video đang HOT
Những thước phim đẹp của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
Trước thông tin, đoàn làm phim King Kong 2 sẽ đến quay tại Ninh Bình (Việt Nam) vào đầu năm 2016, quay phim Lý Thái Dũng khẳng định đó là một cơ hội tuyệt vời để chúng ta quảng bá hình ảnh đất nước với thế giới. Rất nhiều nơi đã trở thành điểm đến của đông đảo khách du lịch sau khi trở thành bối cảnh một phim bom tấn Hollywood.
Đã có nhiều đoàn làm phim nước ngoài đến Việt Nam quay, có thể kể đến:Đông Dương, Người Mỹ trầm lặng, Người tình (Pháp), Cô con gái ông chủ vườn thuốc (Trung Quốc), gần đây nhất là Pan (Mỹ) và sắp tới là Kong: Skull Island (King Kong 2).
Nhưng, việc quảng bá được hình ảnh đất nước đến đâu, việc để lại ấn tượng với các bạn nước ngoài như thế nào, việc có thể khiến du lịch có những bước tiến nhảy vọt hay không lại phải đợi vào câu trả lời của ngành Du lịch.
Theo Zing
Sau phim tấu hài dung tục, điện ảnh Việt cần hơn sự tử tế
Sau hàng loạt bộ phim bị chê bai là tấu hài vô nghĩa, phản cảm, dung tục, mì ăn liền, điện ảnh Việt đang cần nhiều hơn những bộ phim tử tế như "Yêu"...
Bộ phim đồng tính nữ Yêu dù vẫn gây tranh cãi, có người thích người không, nhưng nhiều phản hồi thiện cảm dành cho Yêu là một bằng chứng cho thấy với một tư duy tử tế, các nhà làm phim hoàn toàn có thể xử lý những đề tài bị xem là nhạy cảm một cách hiệu quả và thành công.
Chi Pu và Gil Lê (vai Nhi và Tú) trong phim Yêu - Ảnh: ĐPCC
Trước Yêu đã có rất nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam đụng đến đề tài người đồng tính và tình yêu đồng tính. Có những phim gây ấn tượng, được khán giả ủng hộ, nhưng cũng có không ít phim bị chê là phản cảm, nhố nhăng.
Không phải là đề tài, trên thực tế, thành công hay thất bại của bộ phim phụ thuộc vào tư duy nghệ thuật và trách nhiệm của người làm phim ngay ở thời điểm ban đầu.
Như nhân vật chị Hội của đạo diễn Charlie Nguyễn. Trong Để Mai tính, Hội bóng từ đầu đến chân, nhưng cái cách đạo diễn kể chuyện về chị lại là yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công cho bộ phim.
Đơn giản bởi đạo diễn với tư duy nghiêm túc nên xây dựng hình tượng Hội có đầy đủ máu thịt và cảm xúc, vì thế nên gần gũi, thú vị và được cảm thông. Trong khi đó, Để Hội tính (tức Để Mai tính 2) thực chất chỉ là hành động rang cơm nguội của đạo diễn Charlie Nguyễn.
Ăn theo thành công cũ một cách dễ dãi nên bộ phim chỉ là một màn tấu hài vô nghĩa. Nhân vật Hội từng được yêu mến bỗng trở thành một trò hề lố lăng, kệch cỡm, thậm chí còn bị cộng đồng LGBT ở Việt Nam lên án là xúc phạm người đồng tính.
Tương tự là phản ứng trái chiều của giới truyền thông và khán giả đối với hai bộ phim của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng là Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt và Con ma nhà họ Vương.
Hotboy nổi loạn lồng ghép tình yêu đồng tính vào bối cảnh cuộc sống xã hội hiện thực, kể câu chuyện cuộc đời của những người bị gạt ra bên lề nên đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với khán giả.
Ngược lại, Con ma nhà họ Vương sử dụng yếu tố đồng tính để chơi nổi, gây sốc nhằm lôi kéo khán giả đến rạp. Vì vậy trong phim có vô số cảnh trai đẹp cường tráng khoe da thịt hoàn toàn không có tác dụng gì đối với nội dung phim.
"Cởi trần, khoe thân triệt để nhưng vẫn ngấy" - có ý kiến phê bình như vậy cũng không phải là quá lời.
Một cảnh đáng yêu trong phim Yêu
Từ đó có thể thấy sự lựa chọn của êkip làm phim quyết định chất lượng của tác phẩm, kể cả khi chạm vào đề tài bị xem là nhạy cảm như đồng tính.
Nghiêm túc sẽ có phim hay, dễ dãi sẽ dẫn tới sự phản cảm. Với phim Yêu, nhóm làm phim hoàn toàn có đủ điều kiện để chạy theo con đường thứ hai hòng kiếm tiền.
Đã từ lâu báo lá cải và cư dân mạng xôn xao về quan hệ bí ẩn của Chi Pu và Gil Lê, hai cô gái nổi tiếng của giới showbiz Việt. Các nhà làm phim Yêu hoàn toàn có thể lợi dụng sự xôn xao đó để mở chiến dịch PR kích động sự tò mò của khán giả và đưa vào phim những cảnh yêu đương đồng tính mùi mẫn, khoe da hở thịt.
Nhưng Yêu không đi theo con đường tối đó. Tư duy tử tế được thể hiện rõ trong từng thước phim. Không vội vàng đẩy hai nhân vật Nhi và Tú vào cuộc tình kích động sự tò mò, đạo diễn Việt Max đòi hỏi sự kiên nhẫn của khán giả khi từ tốn kể câu chuyện hai người bạn thân thiết từ thuở nhỏ, vì hoàn cảnh bất ngờ nên phải cách xa nhau.
Mối quan hệ của Nhi và Tú được lý giải một cách thấu đáo, cụ thể và chân thực. Vì thế khoảnh khắc Tú và Nhi nắm tay nhau, hôn nhau dưới mưa trong ngõ vắng đến một cách nhẹ nhàng và tự nhiên.
Đồng tính hay không, tình yêu của họ cũng giống như bất kỳ cảm xúc lứa đôi của bất kỳ cặp đôi yêu nhau nào trên đời. Không chỉ xoay quanh chuyện tình đồng tính, Yêu còn là câu chuyện về tình cảm gia đình, bạn bè gợi xúc động.
Chính vì sự tử tế trong tư duy của người làm phim nên Yêu trở thành một tác phẩm sạch, đẹp. Một vài hạt sạn là không đủ để phủ nhận những thành công thật sự của Yêu.
Sau hàng loạt bộ phim bị chê bai là tấu hài vô nghĩa, phản cảm, dung tục, mì ăn liền, điện ảnh Việt đang cần nhiều hơn những bộ phim tử tế như Yêu, hay trước đó là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh...
Theo Hiếu Trung/Báo Tuổi Trẻ
Những gương mặt sáng giá nhất tại LHP Việt Nam 2015 Vai Bác Hồ của NSND Bùi Bài Bình, hình ảnh cậu bé Tường do Thịnh Vinh đảm nhận... đều được đánh giá cao và có khả năng tạo tiếng vang tại Liên hoan phim (LHP) Việt Nam 2015. NSND Bùi Bài Bình - Nhà tiên tri Hình ảnh của Bùi Bài Bình khi hóa thân thành Bác Hồ trong phim Nhà tiên tri....