Việt Nam có nên mua hàng không mẫu hạm của Mỹ?
Hàng không mẫu hạm là một trong những phương tiện vũ khí quân sự cực kỳ tối tân. Khi Mỹ nới lỏng cấm vận, Việt Nam có nên mua món hàng này?
Xung quanh sự kiện Mỹ tuyên bố nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, Chuẩn Đô đốc Hải quân Việt Nam – Lê Kế Lâm đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện.
Vũ khí hiện có vẫn thừa sức phòng thủ
Thưa ông, Việt Nam đánh thắng Mỹ năm 1975 và bị Mỹ cấm vận vũ khí suốt 40 năm nay. Vậy trước năm 1975, nói riêng về tiềm lực quân sự trên biển Đông, Việt Nam như thế nào?
Trước năm 1975, quyền làm chủ trên bầu trời và trên biển hầu như ở trong tay kẻ thù chúng ta. Có thể nói, quân sự trên biển của Việt Nam lúc đó gần như từ con số 0 mới xây dựng lên. Lực lượng hải quân cũng như trang thiết bị quân sự của Việt Nam trên biển Đông trước năm 1975 rất yếu. Việt Nam không thể thực hiện trận đánh nào trên biển.
Việt Nam chủ yếu chỉ hoạt động du kích, bí mật trên biển. Ví dụ như đoàn tàu không số đưa cán bộ và vũ khí vào miền Nam rất bí mật. Đoàn đặc công hải quân ở ven biển miền Nam cũng bí mật.
Cụ thể trang thiết bị, vũ khí của Việt Nam trên biển trước năm 1975 có những gì?
Việt Nam chỉ có một ít phương tiên vận tải, vũ khí bảo vệ bờ biển gần chứ không thể tấn công tầm xa vài trăm kilomet. Hiện đại nhất của Việt Nam lúc đó là 2 tàu tên lửa 183R. Mỗi tàu chỉ có 2 quả tên lửa T15 thế hệ thứ nhất với sức tấn công yếu. Chúng ta có một ít tàu pháo nhưng tối đa là cỡ 37 li (bắn tầm ngắn) và tàu phóng ngư lôi bắn thẳng khoảng 4 – 5km.
Ngoài ra, Việt Nam có một số tàu phục vụ bổ trợ như vận tải tiếp dầu, tiếp nước. Nhưng nhìn chung, số lượng tàu không nhiều lắm.
Vậy sau năm 1975 đến nay, suốt thời gian dài bị Mỹ cấm vận, phương tiện vũ khí trên biển của Việt Nam do đâu mà có?
Video đang HOT
Sau năm 1975, tình hình đã khác. Việt Nam có thêm một số nguồn trang thiết bị vũ khí. Ví dụ những tàu chiến lợi phẩm Việt Nam thu được từ hải quân Việt Nam Cộng hòa. Đây là tàu chiến mà Việt Nam Cộng hòa được Mỹ trang bị.
Thực ra, những tàu này khá lạc hậu. Tàu đáng kể nhất của Việt Nam Cộng hòa lúc đó là HQ01 – Trần Hưng Đạo, có pháo một nòng 127 li (bắn hơn 20km). So với Anh, Pháp, Mỹ, các loại tàu này chỉ thuộc dạng hàng thải loại.
Một nguồn vũ khí khác là từ Liên Xô. Lúc đó, Liên Xô trang bị cho Việt Nam một số phương tiện, tàu chiến nhưng cũng chỉ nhỏ giọt. Vũ khí Liên Xô cung cấp cũng không thể tấn công tầm xa. Đó cũng là chiến lược của bất kỳ nước lớn nào đối với nước bé.
Một số nước khác cũng sẵn sàng bán vũ khí nhưng lúc đó Việt Nam không có tiền để mua.
Hàng không mẫu hạm là một trong những phương tiện vũ khí quân sự cực kỳ tối tân
Xin ông so sánh phương tiện, vũ khí của Việt Nam với Trung Quốc cũng như các nước trong khu vực và các nước trên thế giới lâu nay?
Mọi sự so sánh quân sự đều khập khiễng. Nhưng tôi cho rằng, trang bị của hải quân Việt Nam cũng như các lực lượng bảo vệ bờ biển so với cách đây 15 năm đã phát triển lên gấp rất nhiều, ít nhất là 5 – 6 lần.
Tình trạng phụ thuộc về vũ khí như trên tuy kéo dài nhưng đã chấm dứt khi kinh tế đất nước thay đổi, sau năm 1986. Từ khoảng giữa thập kỷ 90 thế kỷ trước, Việt Nam đã có nguồn lực tài chính và tự bỏ tiền trang bị vũ khí quân sự. Đến nay, trang thiết bị của hải quân, không quân đánh biển và các lực lượng bảo vệ biển đã khác hẳn.
Hiện Việt Nam thừa sức bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đương nhiên, Việt Nam vẫn có khó khăn là phải đi mua của nước khác.
Việt Nam có “tàu sân bay” không bao giờ chìm
Với việc Mỹ nới lỏng cấm vận, ông thấy, những loại vũ khí nào của Mỹ mà Việt Nam cần nhất và có khả năng trang bị trước mắt?
Phải thừa nhận, vũ khí sát thương của Mỹ đứng số 1 thế giới. Vũ khí của Mỹ đã lên đến thế hệ thứ 5 và đang dần phổ biến. Đó là những loại phương tiện, vũ khí chiến tranh không cần người điều khiển. Chẳng hạn như máy bay, xe tăng, chiến hạm không người lái. Rõ ràng Mỹ đang đi trước thế giới về phát triển vũ khí.
Nhưng tôi xin nhấn mạnh: Mua vũ khí rất tốn kém. Tôi biết, vũ khí của Mỹ có giá không rẻ chút nào. Việt Nam phải mua thêm những vũ khí hiện đại nhưng vẫn khó có thể hiện đại như của Mỹ và Nga.
Chưa kể, chúng ta sắm phương tiện và vũ khí hiện đại nhưng còn vấn đề con người. Điều khiển vũ khí hiện đại cần người có trình độ hiện đại. Chúng ta lại phải cử người đi học. Đầu tư cho việc này rất tốn kém. Để mua được vũ khí từ Mỹ, Việt Nam sẽ còn phải tính toán thời gian dài.
Các trận đánh trên biển thường sử dụng đa dạng nhất về phương tiện, vũ khí. Loại nào chúng ta cũng phải sắm. Tất nhiên, chúng ta phải đặc biệt lưu ý phát triển lực lực lượng không quân đánh biển.
Hiện nay, Việt Nam chưa có hàng không mẫu hạm (tàu sân bay). Nếu Mỹ mở cửa, theo ông, Việt Nam có nên trang bị phương tiện này?
Tôi cho rằng Việt Nam chưa nên nghĩ đến tàu sân bay. Đầu tư cho tàu sân bay cực kỳ tốn kém. Có thể thấy điều đó từ chiếc hàng không mẫu hạm có tên Washington của Mỹ. Để đóng một chiếc tàu sân bay tốn ít nhất 5 – 7 tỷ USD. Để duy trì hoạt động của tàu sân bay, mỗi năm cũng tốn dễ đến cả 1 tỷ USD.
Việt Nam có rất nhiều sân bay ven biển. Đó chính là những tàu sân bay không bao giờ chìm. Việt Nam cũng chỉ chủ trương phòng thủ, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nhiều nước có nền trang bị vũ khí quân sự hiện đại cũng không sắm tàu sân bay.
Xin cảm ơn ông!
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm từng là Phó Tham mưu trưởng kiêm Trưởng phòng tác chiến và nhiều vị trí quan trọng của Hải quân Việt Nam, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam. Ông học qua nhiều trường lớp ở nước ngoài trong đó có Học viện Hải quân A.A. Grechco, Học viện quân sự cấp cao ở Liên Xô. Ông cũng có thời gian dài nghiên cứu cải tiến vũ khí, phương tiện của hải quân Việt Nam.
Theo Khampha
Binh chủng Thông tin liên lạc: Tập huấn cán bộ ngành xe-máy năm 2014
Từ ngày 8 đến ngày 11-9, Binh chủng Thông tin liên lạc (TTLL) đã tổ chức tập huấn cho các đồng chí phụ trách xe-máy, trạm nguồn điện của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bảo đảm tính chính quy, thống nhất, đồng bộ trong tổ chức triển khai thực hiện ở binh chủng.
Trong đợt tập huấn này, các học viên đã được nghe giới thiệu các chuyên đề về: Thực trạng công tác bảo đảm kỹ thuật xe-máy trong binh chủng hiện nay; công tác bảo quản, bảo dưỡng trang thiết bị thông tin trên xe chuyên dùng; xây dựng kế hoạch "Công tác đào tạo, huấn luyện kỹ thuật và xây dựng ngành xe-máy"; niêm cất xe-máy, lập kế hoạch đưa xe-máy vào sửa chữa tại các nhà máy của Tổng cục Kỹ thuật; phân loại, phân nhóm, trạng thái sử dụng và quy định về phân cấp chất lượng xe-máy; bảo dưỡng, sửa chữa và đồng bộ xe-máy, trạm nguồn điện.
Lớp tập huấn tham quan đội mẫu thực hành "Ngày Kỹ thuật" tại Đại đội 8 vận tải, Cục Hậu cần Binh chủng Thông tin liên lạc.
Điểm mới trong đợt tập huấn này là ngoài các nội dung lý thuyết, các học viên còn được giới thiệu, hướng dẫn quy định, cách sử dụng hệ thống văn kiện, sổ sách, mẫu biểu chính quy của ngành xe -máy; giới thiệu "Sổ tay lái xe Quân sự" và thống nhất quản lý sử dụng; giới thiệu tính năng kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng một số xe thế hệ mới của binh chủng; hướng dẫn cài đặt, khai thác các phần mềm quản lý ô tô, trạm nguồn điện, quản lý lái xe, giấy phép lái xe; quản lý cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật ngành; tham quan đội mẫu thực hành "Ngày kỹ thuật", giao nhiệm vụ cho lái xe trước khi thực hiện nhiệm vụ và triển khai công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm 2014.
Sau tập huấn, Đại tá Nguyễn Chí Kiên, Phó Tư lệnh Binh chủng trực tiếp kiểm tra nhận thức của học viên về các nội dung đã được giới thiệu, qua đó đánh giá 100% học viên nắm chắc các nội dung lý thuyết, thành thạo các nội dung thực hành, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.
Theo Quân Đội Nhân Dân
New York Times viết về sự bạo tàn của TQ trong chiến tranh biên giới 1979 Chiến tranh biên giới 1979 bạo tàn làm tối đi cái nhìn của Việt Nam về quan hệ với Trung Quốc (Shadow of Brutal '79 War Darkens Vietnam's View of China Relations) là một bài phóng sự của báo Mỹ New York Times, viết từ Lạng Sơn. Ảnh: Bà Hiền chưa bao giờ có thể quên hết nỗi kinh hoàng của cuộc chiến...