Việt Nam có bao nhiêu ca khúc được sử dụng miễn phí?
Ca khúc “ Happy Birthday” quen thuộc đến mức ít ai trên thế giới lại không biết.
Theo sách Kỷ lục Guinness, Happy Birthday là bài hát tiếng Anh phổ biến nhất trên thế giới và đã được dịch sang 18 thứ tiếng. Mới đây, Tòa án Tối cao bang California (Mỹ) ra phán quyết ca khúc này trở thành tài sản của nhân loại sau 80 năm và bác đơn kiện đòi tiền tác quyền của Công ty Warner Music.
Những ca khúc của Đặng Thế Phong đã trở thành tài sản của nhân loại.
Thực tế, thế giới luôn có một danh sách những ca khúc thuộc về tài sản của nhân loại, theo thời hạn bảo hộ của Công ước Berne là suốt cuộc đời của tác giả và 50 năm sau khi tác giả qua đời. Đối với những tác phẩm khuyết danh hay bút danh, thời hạn bảo hộ do công ước này quy định chấm dứt là 50 năm sau khi tác phẩm được phổ cập đến công chúng một cách hợp pháp. Theo Songwriters Hall of Fame, Happy Birthday là một trong những ca khúc được hát nhiều nhất trong lịch sử, cùng với những bài của nhóm 3B: Beethoven, Bach và The Beatles. Bài hát được cho là do một giáo viên, cô Patty Hill và chị mình Mildred, một nhạc công piano, sáng tác được phổ biến với tên ban đầu là Good morning to all khoảng trước năm 1893. Vậy nên, phán quyết của Tòa án Tối cao bang California về quyền tài sản của ca khúc Happy Birthday là hoàn toàn hợp lý.
Video đang HOT
Ở Việt Nam, hiện có bao nhiêu ca khúc thuộc diện không còn được pháp luật bảo hộ quyền tài sản theo Luật Sở hữu trí tuệ, nghĩa là trở thành tài sản của xã hội, người sử dụng không có nghĩa vụ chi trả tiền tác quyền?
Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tại TP HCM cho biết họ chưa thống kê. Ông Đinh Trung Cẩn, giám đốc trung tâm, cho rằng: “Làm sao có thể biết được những ca khúc nào thuộc diện hết thu tác quyền? Chỉ có thể tính những tác giả đã qua đời trên dưới 50 năm mà thôi, còn danh sách ca khúc gần như bất khả thi khi không thể xác định được mỗi tác giả có bao nhiêu ca khúc”.
Tính đến nay, trung tâm có danh sách các tác giả quá thời hạn bảo hộ của Việt Nam, gồm 4 nhạc sĩ và cũng là các tác giả thường có tác phẩm được sử dụng nhiều nhất: La Hối (mất năm 1945), Đặng Thế Phong (mất năm 1942), Đinh Nhu (mất năm 1945) và Hoàng Quý (mất năm 1946).
50 năm sau khi tác giả qua đời là thời hạn bảo hộ ca khúc nhưng theo quy định của Công ước Berne, các nước thành viên liên hiệp có quyền quy định một thời hạn bảo hộ dài hơn các thời hạn quy định. Vậy nên, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ quy định thời hạn bảo hộ tác phẩm là suốt đời tác giả và 75 năm tiếp theo sau khi tác giả qua đời.
Không công khai thì chẳng ai biết. Hầu hết các đơn vị tổ chức biểu diễn đều cho rằng họ không nắm rõ những ca khúc nào còn trong giai đoạn bảo hộ theo luật định và ca khúc nào đã thuộc về sở hữu nhân loại, kể cả ca khúc của tác giả Việt Nam và nước ngoài.
Trách nhiệm thống kê và công khai những tác phẩm không phải trả phí tác quyền là của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc chứ không ai khác. Thông tin này chắc chắn sẽ giúp người sử dụng tác phẩm hiểu biết đầy đủ để thực thi nghĩa vụ tác quyền theo luật định hợp lý nhất, công bằng nhất.
Theo Thùy Trang/Người Lao Động
Bản quyền của 'Happy birthday' bị bác bỏ
Công ty hiện thu tiền tác quyền bài hát "Happy birthday to you" không sở hữu bản quyền thật sự của bài hát này. Đó là phán quyết mà Tòa án liên bang Mỹ vừa tuyên bố.
Theo BBC, Tập đoàn Warner/Chappell là đơn vị mua lại bản quyền bài hát với giá 25 triệu USD vào năm 1988. Tuy nhiên thẩm phán George King khẳng định bản quyền ban đầu của bài hát (vốn đăng ký năm 1935) chỉ được cấp cho bản hòa âm chứ không phải bài hát.
Giai điệu bản nhạc ban đầu do hai chị em Mildred và Patty Hill ở bang Kentucky sáng tác vào năm 1893. Họ gọi đó là bản nhạc Good morning to all.Tuy nhiên sau đó nó được biến đổi trở thành bài hát Happy birthday to you vốn rất phổ biến trong các bữa tiệc sinh nhật trên thế giới.
Bài hát "Happy Birthday to you" được toàn thế giới hát lên để chúc mừng sinh nhật - Ảnh: Shutterstock
Vụ kiện Công ty Warner/Chappell liên quan đến bài hát Happy birthday to you do hai nhà làm phim Rupa Marya và Robert Siegel khởi xướng năm 2013 khi họ làm một bộ phim về bài hát này. Lúc đó, Tập đoàn Warner/Chappell đòi họ phải trả 1.500 USD tiền tác quyền để sử dụng bài hát trong phim. Tuy nhiên bà Marya và bà Siegel cho rằng bài hát này đã thuộc quyền sử dụng chung của cộng đồng và không thể đòi tiền tác quyền nữa.
Theo thẩm phán King, Công ty Summy (công ty sở hữu bản quyền từ năm 1935 trước khi chuyển lại cho công ty kế nhiệm) chưa bao giờ có được tác quyền với phần lời bài hát. Ông nói: "Hai chị em bà Hill đã trao cho Công ty Summy bản quyền phần hòa âm, và bản quyền phần chuyển soạn cho piano dựa trên giai điệu đó, nhưng chưa bao giờ trao cho họ bản quyền phần ca từ".
Lâu nay, Tập đoàn Warner/Chappell đã kiếm được khoảng 2 triệu USD mỗi năm từ tiền tác quyền bài hát này.
Theo Zing