Việt Nam chủ trì họp trực tuyến 10 nước ủy viên không thường trực HĐBA
Các nước E10 đều đánh giá cao Tổng thư ký và Ban Thư ký Liên hợp quốc đã dành nhiều công sức cho việc hỗ trợ các quốc gia ứng phó với đại dịch COVID-19.
Một cuộc họp của HĐBA LHQ tại New York. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Với vai trò Điều phối viên của nhóm 10 nước ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (E10) trong tháng 5/2020, ngày 21/5, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Đình Quý đã chủ trì buổi trao đổi không chính thức trực tuyến đầu tiên giữa Đại sứ các nước E10 với Tổng Thư ký Antonio Guterres.
Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, các nước và Tổng Thư ký đã chia sẻ ý kiến về nhiều vấn đề trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó có đại dịch COVID-19.
Tổng thư ký Guterres khẳng định đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục tác động sâu sắc tới hầu hết các quốc gia, đặc biệt là tại những khu vực xung đột.
Ông Guterres cho biết trong thời gian đại diện Liên hợp quốc tại các nước và phái bộ gìn giữ hòa bình đã có nhiều điều chỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ, chuyển sang ưu tiên hỗ trợ các nước ứng phó với đại dịch.
Các phái bộ đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể để trực tiếp giúp đỡ những cộng đồng cư dân sở tại. Tổng Thư ký Guterres cũng đề cập đến nhiều biện pháp tổng thể mà ông cùng Ban Thư ký đã đề ra gần đây.
Ông Guterres cho biết đã có nhiều quốc gia, nhiều bên tham gia xung đột hưởng ứng lời kêu gọi về ngừng bắn vô điều kiện trên toàn cầu. Tuy nhiên, tình hình một số cuộc xung đột trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp.
Theo Tổng Thư ký Guterres, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, các nước E10 có vai trò quan trọng, có thể giúp thúc đẩy những biện pháp cụ thể nhằm góp phần duy trì hòa bình, an ninh quốc tế. Trên thực tế trong thời gian qua, các nước E10 khi làm Chủ tịch Hội đồng bảo an luân phiên hàng tháng đều đã có những sáng kiến rất thiết thực, phong phú.
Video đang HOT
Các nước E10 đều đánh giá cao Tổng thư ký và Ban Thư ký Liên hợp quốc đã dành nhiều công sức cho việc hỗ trợ các quốc gia ứng phó với đại dịch COVID-19.
Các Đại sứ cho rằng nhiều đề xuất, sáng kiến của Tổng Thư ký đã có tác dụng thiết thực, góp phần điều phối hợp tác quốc tế, nâng cao nhận thức của công chúng đối với những tác động của đại dịch, đồng thời huy động được những nguồn lực quý giá, nhất là đối với những khu vực bị tác động nặng nề nhất, góp phần hỗ trợ hàng triệu người đang phải trải qua khủng hoảng nhân đạo.
Đại sứ các nước E10 cho rằng sáng kiến kêu gọi ngừng bắn toàn cầu có nhiều tác dụng tích cực, góp phần tạo điều kiện tập trung nguồn lực chống hiểm họa lớn nhất hiện nay là đại dịch COVID-19.
Chia sẻ ý kiến của các nước E10, Đại sứ Đặng Đình Quý hoan nghênh những nỗ lực của Tổng Thư ký những tháng vừa qua trong ứng phó với đại dịch, cho rằng những nỗ lực đó vừa có ý nghĩa thiết thực nhằm ngăn chặn dịch lan rộng, vừa giúp khẳng định hình ảnh, vai trò tích cực của Liên hợp quốc với tư cách tổ chức quc tế lớn nhất thế giới và có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của cộng đồng.
Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định Việt Nam sẽ cùng các nước E10 và những nước thành viên Hội đồng bảo an khác phối hợp chặt chẽ, ủng hộ các nỗ lực của Tổng Thư ký nhằm duy trì hòa bình an ninh, quốc tế, ứng phó đại dịch, thúc đẩy phát triển bền vững.
Theo thông lệ, hằng tháng 10 nước ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc sẽ có buổi ăn trưa làm việc không chính thức với Tổng Thư ký Liên hợp quốc để trao đổi về các vấn đề cần được quan tâm cấp bách trong tháng.
Từ khi Liên hợp quốc phải ngừng hoạt động tại trụ sở vì đại dịch COVID-19, các nước đã không tổ chức hoạt động này. Với tư cách Điều phối viên của E10 trong tháng 5/2020, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy tổ chức hoạt động này trên nền tảng trực tuyến để bảo đảm duy trì các hoạt động của Hội đồng bảo an./.
Việt Nam kêu gọi hợp tác quốc tế về thanh niên tại phiên họp của HĐBA
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Đại diện Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế về thanh niên và phát huy vai trò của các tổ chức khu vực.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. (Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN)
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 27/4 tổ chức phiên họp trực tuyến công khai về chủ đề Thanh niên, Hòa bình, An ninh do Cộng hòa Dominicana, Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng Tư chủ trì.
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Đại diện Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế về thanh niên và phát huy vai trò của các tổ chức khu vực.
Đây là phiên họp kỷ niệm 5 năm chương trình này được Hội đồng Bảo an chính thức đưa vào thảo luận theo Nghị quyết 2250 (2015).
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres điểm lại tình hình triển khai chương trình Thanh niên, Hòa bình, An ninh trong năm năm qua, với nhiều kết quả tích cực về tăng cường sự tham gia và đóng góp của thanh niên nói chung và đặc biệt, vai trò dẫn dắt và tiên phong của thanh niên trong các lĩnh vực ngăn ngừa và giải quyết xung đột, xây dựng hòa bình cũng như ứng phó với các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 hiện nay.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh vẫn còn nhiều thách thức đang đặt ra hạn chế sự tham gia của thanh niên, nhất là thiếu sự quan tâm và đầu tư cho sự tham gia của thanh niên.
Ông cho biết 25% thanh niên bị ảnh hưởng bởi xung đột và bạo lực và 20% thanh niên không có việc làm, không có cơ hội học tập hay tiếp cận y tế. Những khó khăn này càng trầm trọng hơn trong bối cảnh dịch COVID-19.
Trước thực trạng này, Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh cần tăng cường đầu tư nguồn lực cho sự tham gia của các tổ chức và sáng kiến của thanh niên, kêu gọi đóng góp cho Quỹ Xây dựng Hòa bình, tập trung nâng cao năng lực cho thanh niên để triển khai các mục tiêu phát triển bền vững.
Chia sẻ các quan điểm và khuyến nghị của Tổng Thư ký về chương trình Thanh niên, Hòa bình, An ninh, Đại diện của Tổng Thư ký về Thanh niên và hai đại diện thanh niên từ Nam Sudan và Yemen kêu gọi các quốc gia tạo điều kiện cho thanh niên tham gia vào các tiến trình hòa bình cũng như các quá trình ra quyết định, tăng cường phối hợp giữa thanh niên, các cơ quan chính phủ và các tổ chức xã hội triển khai hiệu quả chương trình này.
Các nước thành viên Hội đồng Bảo an đánh giá cao kết quả triển khai chương trình Thanh niên, Hòa bình, An ninh, khẳng định thanh niên có vai trò, tiềm năng, sự sáng tạo và năng động để đóng góp vào hòa bình, an ninh và phát triển ở cả cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Các nước cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm và đề xuất nhằm thúc đẩy chương trình này như đầu tư cho giáo dục, việc làm, y tế, nâng cao vai trò và đóng góp của các nữ thanh niên, thể chế hóa sự tham gia của thanh niên trong các tiến trình hòa bình.
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Đại diện Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc chia sẻ tầm quan trọng của chương trình Thanh niên, Hòa bình, An ninh, khẳng định Việt Nam ủng hộ triển khai hiệu quả chương trình này; nhấn mạnh mặc dù đạt được nhiều kết quả, song ở nhiều nơi, hạn chế về nhận thức, nguồn lực và hiệu quả của các chính sách thanh niên cản trở thanh niên phát huy khả năng và đóng góp của mình.
Đại sứ đề nghị tăng cường nỗ lực nâng cao nhận thức chung về vai trò của thanh niên, đặc biệt là các nữ thanh niên, đầu tư xây dựng và triển khai chiến lược toàn diện về thanh niên với trọng tâm là giáo dục và phát huy văn hóa hòa bình để lan tỏa các giá trị hòa bình, ôn hòa và khoan dung, tạo nền tảng vững chắc cho thành công của các sáng kiến về ngăn ngừa và giải quyết xung đột và hòa giải dân tộc.
Đại sứ kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế về thanh niên, phát huy vai trò của các tổ chức khu vực, trong đó chia sẻ kinh nghiệm của ASEAN về thiết lập các cơ chế hợp tác về thanh niên, tổ chức đối thoại thường niên giữa lãnh đạo các nước ASEAN với các đại diện thanh niên.
Nghị quyết 2250 (2015) về Thanh niên, Hòa bình, An ninh được Hội đồng Bảo an thông qua tháng 12/2015 gồm 5 trụ cột: sự tham gia của thanh niên; ngăn ngừa xung đột; bảo vệ thanh niên; quan hệ đối tác triển khai chương trình; và tái hòa nhập cho thanh niên từng tham gia nhóm vũ trang, khủng bố.
Năm 2018, Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết 2419 (2018), yêu cầu Tổng Thư ký có báo cáo về triển khai chương trình này.
Tháng 3/2020, Tổng Thư ký đệ trình báo cáo đầu tiên, làm cơ sở để thảo luận tại phiên họp kỷ niệm 5 năm chương trình này./.
Hải Vân-Vũ Hiếu
HĐBA thảo luận tình hình tại lãnh thổ Palestine bị Israel chiếm đóng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 20/5 họp trực tuyến thảo luận về tình hình tại vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng và tiến trình hòa bình Trung Đông Đa số các nước thành viên HĐBA bày tỏ quan ngại sâu sắc về căng thẳng trên thực địa và việc Israel tiếp tục mở rộng các khu định cư trái...