Việt Nam chủ động tham gia “cuộc chơi” TPP một cách sòng phẳng
Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, khi các cam kết hội nhập được thực thi sẽ giúp tăng cường năng lực sản xuất nội địa để giảm bớt phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu cũng như sản phẩm nhập khẩu đầu vào từ thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác.
Việt Nam bắt buộc phải tính đến yếu tố chủ động hơn nữa sự đa dạng của thị trường thông qua tái cơ cấu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cùng hàng loạt các chính sách vĩ mô của Nhà nước.
“Hụt hẫng” vì Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, nửa đầu năm 2015, tăng trưởng xuất khẩu có những bước chưa đạt được kì vọng. Tình trạng tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn dưới 9% kéo dài suốt trong những tháng đầu năm 2015 đã khiến 6 tháng đầu năm chưa đạt được cả về mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu và cả mục tiêu xuất siêu.
“Chúng ta đã chứng kiến những nỗ lực rất lớn của nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh thương mại toàn cầu và thương mại khu vực đang phải chịu đựng những ốm yếu do nền kinh tế thế giới. Nhiều nền kinh tế trên thế giới đang có những vấn đề nội tại cũng như trong quan hệ chung với kinh tế toàn cầu. Thương mại toàn cầu không đạt được tăng trưởng cao và rất nhiều quốc gia xuất khẩu có độ mở lớn, trong đó tại các quốc gia đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á và Châu Á đều thấy tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu ở mức độ rất thấp, thậm chí là âm”, Thứ trưởng nói.
Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, tăng trưởng của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm có được cải thiện và tháng sau cũng tốt hơn tháng trước. Tuy nhiên, trong tháng 8, Trung Quốc đã đột ngột thay đổi tỷ giá của đồng Nhân dân tệ không chỉ một lần gây ra không ít những hụt hẫng, bất ngờ và những tác động bước đầu tạo ra những bất lợi lớn cho các ngành hàng, sản phẩm của Việt Nam.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, cơ quan điều hành đã có sự phản ứng rất linh hoạt, nhanh nhạy để đối phó với biến động trên thế giới, đặc biệt là sự chỉ đạo của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều chỉnh tỷ giá đồng ngoại tệ đối với đồng USD.
“Điều chỉnh này cũng đã giúp cho doanh nghiệp thuận lợi hơn trong khắc phục những thách thức cũng như khó khăn nhất thời do vấn đề tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ tác động vào thị trường tiền tệ thế giới, cũng như tác động vào thị trường thương mại thế giới, trong đó có những thị trường có liên quan đến những ngành hàng lớn của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản như thị trường Nhật Bản, châu Âu, Mỹ…”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Mục tiêu cân bằng thương mại với Trung Quốc
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, phản ứng linh hoạt trong điều hành kinh tế vĩ mô thông qua điều chỉnh tỷ giá nội tệ đã giúp cho các doanh nghiệp trước mắt khắc phục khó khăn. Trước mắt và trong ngắn hạn thì những thay đổi về mặt tỉ giá của đồng Nhân dân tệ và USD đã không tác động nhiều đến cạnh tranh sản phẩm của Việt Nam.
Video đang HOT
Tuy nhiên, xét về lâu dài thì do nền kinh tế và các sản phẩm Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu, đặc biệt là các sản phẩm của công nghiệp hỗ trợ như dệt may, da giày và một số ngành công nghiệp khác phụ thuộc vào nguồn cung cấp trang thiết bị, máy móc, công nghệ từ Trung Quốc. Do vậy, trong ngắn hạn và trung hạn, Việt Nam chưa thể thay đổi ngay được mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa thị trường Việt Nam và thị trường Trung Quốc, trong đó phần nhập siêu sẽ nghiêng về phía Việt Nam.
“Và rõ ràng nếu Việt Nam chưa phát triển một cách lành mạnh công nghiệp hỗ trợ và đồng bộ cùng với đó là các ngành sản xuất và công nghiệp khác, đồng thời chưa nâng cao được trình độ công nghệ, hiệu quả về đầu tư đặc biệt liên quan đến năng suất lao động, thì Việt Nam sẽ còn phụ thuộc tương đối lớn vào thị trường Trung Quốc trong nhập khẩu các sản phẩm phục vụ cho ngành sản xuất, xuất khẩu và cả những mặt hàng sản xuất phục vụ thị trường nội địa cũng hàng tiêu dùng”, Thứ trưởng Tuấn cho hay.
Vì vậy, Thứ trưởng cho rằng, chiến lược đa dạng hóa thị trường cùng các chiến lược thị trường của Việt Nam đến năm 2020 càng có ý nghĩa khi xác định được nhiệm vụ, yêu cầu và cả những biện pháp, giải pháp đã làm trước đó và lâu dài. Trong đó, Việt Nam phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách không chỉ trong thương mại mà trong cả đầu tư sản xuất, trong công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng,… mới có thể tính đến cải thiện thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc, tiến tới cân bằng cán cân thương mại này.
“Trong khuôn khổ các FTA mà đã kí kết với nhiều quốc gia thì cũng cần phải hiểu với mức độ toàn cầu hóa ngày càng nhanh và sâu rộng và trong những nội dung hội nhập mà Việt Nam đã và đang đàm phán đã đặt ra những yêu cầu rất cao thì lợi thế về nguồn nguyên liệu, sản phẩm công nghiệp phụ trợ từ thị trường truyền thống khá thuận lợi như Trung Quốc chắc cũng sẽ không tồn tại lâu dài”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông cũng dẫn giải thêm rằng, do những quy tắc xuất xứ trong FTA đã nêu ra rất chặt chẽ và có những đòi hỏi cao. Chính vì vậy, Việt Nam bắt buộc phải tính đến yếu tố chủ động hơn nữa sự đa dạng của thị trường thông qua tái cơ cấu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cùng hàng loạt các chính sách vĩ mô của Nhà nước.
“Ở đây chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới, chúng ta sẽ chứng kiến có thể có những thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, thuận lợi hơn khi chúng ta thực thi các cam kết hội nhập. Đồng thời, cũng sẽ tăng cường năng lực sản xuất nội địa để giảm bớt phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu cũng như sản phẩm nhập khẩu đầu vào từ thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác”, lãnh đạo ngành công thương lạc quan nhìn nhận.
Phương Dung
Theo Dantri
Đầu tư từ Hàn Quốc: Vừa mừng, vừa lo!
Do công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, chúng ta không tận dụng được lợi thế của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào lĩnh vực sản xuất. Hàn Quốc là một ví dụ điển hình.
Sự xuất hiện của dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao đã tác động rất tích cực tới kinh tế - xã hội Việt Nam
Rầm rộ trở thành nhà đầu tư đứng đầu, nhưng Hàn Quốc lại khá lặng lẽ khi trở thành thị trường nhập siêu lớn thứ hai của Việt Nam. Lợi thì có lợi, nhưng hệ lụy không phải là không có. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không tận dụng được, chênh lệch cán cân thương mại sẽ càng lớn, người được hưởng lợi chỉ là các nhà đầu tư nước ngoài.
Rầm rộ trở thành người số 1
Hồi đầu tháng 8/2015, Samsung Display đã chính thức nhận giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh để tăng vốn đầu tư thêm 3 tỷ USD nữa tại Bắc Ninh. Và một cách nhanh chóng, khoản vốn đầu tư lớn này đã đưa tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 8 tháng qua "quay ngoắt" 180 độ. Không còn giảm nữa, với 13,3 tỷ USD, tổng vốn FDI cam kết vào Việt Nam từ đầu năm tới nay, bao gồm cả vốn cấp mới và tăng thêm đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Và cũng đương nhiên, khoản vốn đầu tư đăng ký nói trên của Samsung Display cũng đã giúp Hàn Quốc giữ vững vị trí dẫn đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Nếu như năm trước, vị trí số 1 này là khá bấp bênh, nhất là khi đặt trong thế tương quan với Nhật Bản thì nay, vị trí này là khá chắc chắn. Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 8 tháng đầu năm, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,26 tỷ USD, chiếm 39,5% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam, vượt xa vị trí thứ hai của Vương quốc Anh - với 1,25 tỷ USD.
Còn nếu tính lũy kế, gần như khó nhà đầu tư nào có "cửa" vượt Hàn Quốc trong tương lai gần. Hiện tại, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã cam kết đầu tư gần 43 tỷ USD vào Việt Nam, trong khi đó sau một thời gian trầm lắng đến bất ngờ, con số này đối với các nhà đầu tư Nhật Bản chỉ đứng ở mức xấp xỉ 38 tỷ USD. Khoảng cách 5 tỷ USD là khó xóa nhòa trong khi chưa dấu hiệu nào cho thấy, có dự án nào đủ lớn để giúp Nhật Bản vượt mặt Hàn Quốc trong thời tương lai gần.
Ngay cả khi hai dự án lớn của nhà đầu tư Nhật Bản là Nhiệt điện Vân Phong 1 và Nhiệt điện Nghi Sơn được cấp giấy chứng nhận đầu tư, thì vẫn còn "đối trọng" rất lớn từ Hàn Quốc. Đó là kế hoạch đầu tư tới 20 tỷ USD tại Việt Nam của Samsung, trong khi hiện thời con số mới là hơn 14,2 tỷ USD. Chưa kể, còn là Lotte với kế hoạch bành trướng hệ thống các trung tâm thương mại ra khắp cả nước, cũng như một khu phức hợp thông minh quy mô 2,2 tỷ USD tại TP.HCM. Trong khi đó, khoảng cách với Singapore lại càng xa hơn nữa, khi hiện tại mới chỉ có 33,35 tỷ USD được các nhà đầu tư từ đảo quốc sư tử cam kết đổ vào Việt Nam.
"Tôi tin là Hàn Quốc sẽ tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam trong thời gian tới", GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI bảy tỏ. Thực tế, nhìn vào động thái gần đây của nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc, không có lý do gì để nghi ngờ về làn sóng Hàn trên đất Việt. Thậm chí, dòng vốn này sẽ cấp tập theo Samsung, LG, Lotte, Hyundai, Posco... đổ vào Việt Nam ngày một nhanh, mạnh hơn. Rất nhanh, rất rầm rộ, Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư số 1.
Lặng lẽ ở vị trí thứ hai
Với 22,3 tỷ USD chênh lệch cán cân xuất nhập khẩu chỉ trong 8 tháng đầu năm, Trung Quốc cho đến nay tiếp tục giữ vững vị trí là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam. Theo dự báo, năm nay tổng nhập siêu từ Trung Quốc có thể lên tới 35 tỷ USD. Cái bóng quá lớn của Trung Quốc khiến tất cả sự ảnh hưởng của các thị trường khác đều trở nên mờ nhạt. Bởi thế, có một ngày, dư luận không khỏi bất ngờ khi hay rằng, bằng một cách nào đó Hàn Quốc đã lặng lẽ trở thành thị trường nhập siêu lớn thứ hai của Việt Nam.
Số liệu của Tổng cục Thống kê, ước 8 tháng Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc 18,8 tỷ USD các sản phẩm điện thoại và linh kiện, máy móc, thiết bị, sắt thép, chất dẻo... Với mức xuất khẩu chỉ là 5,1 tỷ USD thì có nghĩa trong 8 tháng qua Việt Nam đã nhập siêu từ Hàn Quốc tới 13,7 tỷ USD.
Tất nhiên, con số này thấp hơn đáng kể so với mức nhập siêu 22,3 tỷ USD từ Trung Quốc, nhưng lại là một con số rất lớn. Nó gấp tới gần 2,7 lần tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc. Thực tế thì chuyện Việt Nam nhập siêu lớn từ Hàn Quốc đã bắt đầu được nhắc tới vào năm 2011, khi nhà máy của Samsung bắt đầu hoạt động ổn định tại Việt Nam. Sẽ là phiến diện khi "đổ tội" cho Samsung, nhưng thực tế là, kể từ khi tập đoàn này đầu tư mạnh và nhanh chưa từng có ở Việt Nam, nhập siêu từ Hàn Quốc đã tăng mạnh.
Trong 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu từ Hàn Quốc 3,89 tỷ USD các sản phẩm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, tăng 38,9% so với cùng kỳ. Con số này với máy móc, thiết bị là 3,21 tỷ USD, tăng 81%. Trong khi đó, nhập khẩu điện thoại và các loại linh kiện từ Hàn Quốc cũng lên tới 1,48 tỷ USD, tăng 57,6% so với cùng kỳ năm 2014.
Không khó để lý giải điều này. Quyết định mở rộng đầu tư của Samsung, LG và hàng loạt nhà đầu tư Hàn Quốc khác đã đẩy nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Tốc độ tăng nhập khẩu và qua đó là nhập siêu từ Hàn Quốc là khá nhanh. Bởi, năm 2011 Việt Nam mới chỉ nhập siêu từ Hàn Quốc 8,46 tỷ USD. Khi ấy, Hàn Quốc cũng đã leo lên vị trí thứ hai, sau Trung Quốc, trong danh sách các thị trường nhập siêu lớn của Việt Nam.
Cân đong lợi ích
Một điều hiển nhiên, sự xuất hiện của dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao đã tác động rất tích cực tới kinh tế - xã hội Việt Nam. Khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực vào đầu năm 2016, dự báo vốn FDI từ Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh.
"Chúng tôi nhìn thấy nhiều cơ hội khi FTA Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực và đó là một trong những lý do vì sao chúng tôi chọn Việt Nam để xây dựng thêm nhà máy của mình", ông Kim Duk Yong, Chủ tịch HĐQT Công ty KMW Hàn Quốc đã nói như vậy tại lễ khởi công dự án 100 triệu USD, chuyên sản xuất thiết bị viễn thông và đèn LED chiếu sáng của KMW tại Hà Nam hôm 13/5/2015.
Còn ông Hong Sun, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng, FTA Hàn Quốc - Việt Nam có hiệu lực, nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ tới Việt Nam đặt nhà máy rồi xuất khẩu trở lại Hàn Quốc. "Nếu chỉ sản xuất và hướng vào thị trường Việt Nam thì không đủ, nên các nhà đầu tư sẽ hướng tới việc sản xuất để xuất ngược trở lại Hàn Quốc, khi được hưởng lợi từ thuế suất thấp theo cam kết FTA", ông Hong Sun nói.
Câu chuyện nằm ở chỗ, khi vốn đầu tư vào, nhu cầu nhập nguyên vật liệu đầu vào, máy móc thiết bị cũng sẽ lớn và đó có thể là lý do khiến nhập siêu từ Hàn Quốc tiếp tục tăng mạnh. Lợi ích chỉ được cân bằng khi doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có cả các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam, cũng thúc đẩy được xuất khẩu sang Hàn Quốc, cũng như khi Việt Nam phát triển được công nghiệp hỗ trợ để thu được giá trị gia tăng cao hơn từ phần xuất khẩu của các nhà đầu tư Hàn Quốc. "Tôi chỉ lo rằng, người được hưởng lợi chỉ là các nhà đầu tư nước ngoài", GS. Nguyễn Mại trăn trở.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thẳng thắn chỉ ra những con số cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam mới tận dụng được rất ít những lợi thế do các FTA mang lại. Nếu doanh nghiệp Việt không tận dụng được, chênh lệch cán cân thương mại sẽ càng lớn.
Hiện tại, có thể chưa phải đáng lo ngại khi việc Việt Nam nhập siêu từ Hàn Quốc chủ yếu là do nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc phục vụ sản xuất. Nhưng nếu cứ đà này, nhất là khi ngày càng nhiều người Việt Nam mê phim, thực phẩm và hàng tiêu dùng Hàn Quốc..., thì có thể đến một ngày, thị trường này sẽ trở thành một mối lo ngại thực sự đối với chúng ta giống như Trung Quốc hiện tại.
Cẩn trọng không bao giờ là thừa!
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Tăng cường chất lượng dịch vụ Ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc NH HSBC Việt Nam nhìn nhận, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, ngành NH đòi hỏi phải tái cơ cấu một cách mạnh mẽ, quyết liệt để xây dựng một hệ thống uy tín ngày càng cao, có năng lực cạnh tranh và hoạt động tín dụng an toàn. Việt Nam đang ngày càng...