Việt Nam chống COVID-19: Cuộc ‘tấn công thần tốc’ của virus SARS-CoV-2
Trước tình hình cấp bách của dịch COVID-19, Việt Nam đã có hàng loạt các biện pháp để ngăn chặn bệnh dịch, được cộng đồng thế giới ghi nhận.
Khu vực cách ly tại “tâm dịch” xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnamplus)
Trong khoảng 20 năm trở lại đây, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm (gồm các dịch bệnh mới và tái xuất hiện) như Zika (2017), cúm đại dịch (2009), cúm gia cầm A/H5N1 (2004) và SARS (2003) đã làm thế giới “điên đảo.”
Cuối năm 2019, đầu năm 2020, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2 gây ra xuất phát từ Trung Quốc rồi lan rộng ra trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ một lần nữa khiến cả thế giới bàng hoàng. Số người nhiễm bệnh lên tới gần 80.000 người, người chết không ngừng gia tăng mỗi ngày khiến hàng loạt hoạt động bị đình trệ…
Trong một thế giới mở, sự dịch chuyển thương mại và mở rộng hợp tác thông thương về du lịch, lao động, sự giao lưu văn hóa… diễn ra thường nhật. Bởi thế, nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nếu chúng ta không có sự chuẩn bị ứng phó kịp thời. Đây là một nguy cơ cần phải được hết sức coi trọng và xem là nhiệm vụ sống còn trong phát triển kinh tế xã hội.
Trước tình hình cấp bách ấy, Việt Nam đã có hàng loạt các biện pháp để ngăn chặn bệnh dịch, được cộng đồng thế giới ghi nhận…
Bài 1: Cuộc “tấn công thần tốc” của virus SARS-CoV-2
Những ngày cuối tháng Một, đầu tháng Hai, đường phố ở “tâm dịch” Vũ Hán (Trung Quốc) vắng lặng. Truyền thông cho hay, mọi người chỉ ra đường khi có việc thật cần thiết. Nhiều quốc gia trên thế giới đang làm mọi cách để sơ tán công dân khỏi Vũ Hán trong bối cảnh số người tử vong và số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại khu vực này đang ngày càng tăng lên.
Chưa bao giờ một dịch mới lại có sự công phá ghê gớm như vậy…Và đã lâu lắm rồi, Tổng giám đốc WHO mới ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
“Quá nhanh, quá nguy hiểm”
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus SARS-CoV-2 (COVID-19) khởi phát tại thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019 vẫn đang tiếp tục lây nhiễm với tốc độ nhanh và khó lường.
Virus đã lây lan mạnh tại Vũ Hán vào cuối tháng Một vừa qua.. Ca bệnh đầu tiên được cho là một chủng, loại mới đã được công bố tại Vũ Hán vào tháng 12.
Với tốc độ chóng mặt, virus này đã lây lan nhanh chóng, cướp đi sinh mạng của 26 người vào ngày 22/1. Sau hơn hai tháng, đến nay, trên toàn thế giới đã có gần 80.000 người mắc bệnh, trong đó có hơn 2.400 người tử vong với tốc độ lây nhiễm ra hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo WHO, virus SARS-CoV-2 là một họ virus lớn được tìm thấy ở cả động vật và người. Một số virus có thể gây bệnh cho người từ cảm lạnh thông thường đến các bệnh nghiêm trọng hơn như Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS).
Bản đồ virus SARS-CoV-2 xuất hiện hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Giống như các bệnh về đường hô hấp khác, người nhiễm COVID-19 có thể gây ra các triệu chứng nhẹ bao gồm sổ mũi, đau họng, ho và sốt. Bệnh có thể nặng ở một số người và có thể dẫn đến viêm phổi hoặc khó thở. Hiếm gặp hơn, bệnh có thể gây tử vong. Người già và những người mắc bệnh mãn tính (như bệnh đái tháo đường và bệnh tim) dễ bị bệnh nặng hơn.
Chủng mới của virus SARS-CoV-2 là một loại virus đường hô hấp lây lan chủ yếu là tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh thông qua các giọt bắn tạo ra khi ho hoặc hắt hơi. Điều quan trọng là tất cả mọi người thực hành vệ sinh hô hấp tốt.
Những ca bệnh đầu tiên ở Việt Nam
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2 lây nhiễm rất nhanh, nghiêm trọng và đã ở mức rất cao tại Trung Quốc. WHO đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.
Việt Nam, nước láng giềng với Trung Quốc là nơi có nguy cơ rất cao bùng phát dịch do có đường biên giới dài, lưu lượng người qua lại, giao thương lớn. Ca bệnh COVID-19 đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam vào ngày 23/1 là trường hợp một du khách người Vũ Hán sang du lịch.
Tiếp đó, chiều 30/1, các mẫu xét nghiệm tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho kết quả thêm 3 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp do virus SARS-CoV-2 (nCoV) dương tính là công dân Việt Nam, trở về từ Vũ Hán.
Cả 3 bệnh nhân đều có chung tiền sử dịch tễ là cùng 5 người Việt Nam khác được Công ty Nihon Plast của Nhật Bản cử sang Trung Quốc tập huấn tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc và cùng trở về Việt Nam ngày 17/1 trên cùng chuyến bay CZ8315 của hãng Southern China.
Trong số hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ được “điểm danh,” Việt Nam ghi nhận 16 trường hợp mắc dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2. Tới nay, những người được xác nhận lây nhiễm cúm COVID-19 ở Việt Nam hầu hết xuất phát từ nhóm bệnh nhân là những người sang tập huấn tại Vũ Hán.
Bày binh “chống giặc” COVID-19 trên mọi mặt trận
Ngay sau khi ghi nhận trường hợp có biểu hiện bệnh, ngành y tế và Chính phủ đã có những động thái mạnh mẽ, chủ động ứng phó với dịch bệnh này.
Ngày 30 tháng Chạp, không khí Tết đã hiện diện mọi nơi, thế nhưng ngay trong buổi sáng, Bộ Y tế đã tổ chức họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì để đánh giá, thống nhất các biện pháp đáp ứng với dịch bệnh trong thời gian tới.
Bộ Y tế đã chỉ đạo tổ chức cách ly kịp thời, quản lý chặt chẽ, theo dõi điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, không để lây lan bệnh cho cán bộ y tế và người dân. Bộ Y tế cũng có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh thành phố nơi 2 trường hợp bệnh từng đến để điều tra, lập danh sách, theo dõi sức khỏe những người tiếp xúc gần…
Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, các cơ sở y tế đã cách ly, theo dõi nhiều trường hợp nghi nhiễm hoặc tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 nhập cảnh hoặc trở về từ vùng dịch.
Với tinh thần chống dịch như chống giặc, đã có hàng loạt Công văn, Chỉ thị, Quyết định của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, văn bản chỉ đạo của các bộ, ngành được ban hành ngay sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên nhằm ngăn dịch bệnh bùng phát và lây lan tại Việt Nam.
Ngày 1/2/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2 gây ra. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử Việt Nam và cũng là lần đầu tiên Việt Nam công bố dịch.
Như vậy, với hàng loạt sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền từ các cấp cao nhất Việt Nam đã chủ động ứng phó, bao vây không để dịch bệnh có cơ hội được lan rộng. Các cơ quan chức năng đã triển khai ngay các biện pháp kiểm soát y tế tại các cửa khẩu. Ngành y tế theo dõi sát sao sức khỏe công dân, lưu học sinh, khách du lịch từ Trung Quốc khi nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 15 ngày. Các cấp, các ngành liên quan, các địa phương thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch 2019-nCoV tại địa phương do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh làm trưởng ban trên tinh thần chủ động, “4 tại chỗ.”
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói về dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam:
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, ngành y tế liên tục cập nhật các phác đồ điều trị phù hợp và tiến bộ nhất trên thế giới như kinh nghiệm điều trị của Trung Quốc, Thái Lan, kể các phác đồ điều trị được coi là mới trên thế giới.
Bên cạnh khai thác tiền sử các trường hợp có triệu chứng ho, sốt, khó thở, ngành Y tế quyết định mở rộng diện theo dõi, giám sát với người có tiền sử không rõ ràng; kiểm soát chặt đường mòn, lối mở, đường biên giới (cả phía Bắc và phía Tây Nam) không để xảy ra tình trạng xuất nhập cảnh trái phép… nhằm hạn chế và cách ly người đi từ vùng có dịch trở về Việt Nam.
“Đây là biện pháp cực kỳ quan trọng trong vấn đề kiểm soát bệnh từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam. Những giải pháp này chúng ta đã thực hiện từ năm 2003 và chỉ có những giải pháp như thế mới ngăn chặn khống chế thành công dịch SARS trong cộng đồng. Trước đây, khi phòng chống đại dịch SARS xảy ra vào năm 2003, khi Việt Nam chữa khỏi bệnh SARS thì chúng ta cũng nước đầu tiên trên thế giới kiểm soát thành công bệnh SARS. Đây không chỉ niềm vui của Việt Nam mà cả thế giới. Vì vậy, những kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh được ngành y tế phát huy triệt để,” Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ rõ.
Trong công tác nghiên cứu, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương thông báo đã nuôi cấy và phân lập thành công SARS-CoV-2 mới trong phòng thí nghiệm. Đây được đánh giá là bước rất quan trọng trong công tác điều trị cho bệnh. Trước Việt Nam đã có Trung Quốc, Nhật Bản và Australia đã phân lập thành công chủng virus này./.
“Thiết quân luật” mọi mặt trận
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định: “Việt Nam đã chủ động, có chủ trương, biện pháp sớm và đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.”
Ngay sau những chỉ đạo từ Chính Phủ, nhiều bộ ngành đồng thời triển khai các biện pháp quyết liệt để phòng chống dịch bệnh COVID-19. Cụ thể Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Giám đốc đại học, học viện; Hiệu trưởng trường đại học, trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm; lãnh đạo các tỉnh xem xét quyết định cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học đến hết tháng 2/2020.
Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch thực hiện dừng, giảm quy mô, thời gian tổ chức lễ hội tại các địa phương; giảm các hoạt động trong lễ hội; hạn chế tổ chức các hoạt động hội tập trung đông người tham gia; đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Để thực hiện nghiêm việc cách ly người nghi nhiễm COVID-19 (nCoV), tránh việc tự ý rời khỏi nơi cách ly trái quy định về phòng, chống dịch, tại văn bản 1145/VPCP-KGVX ban hành ngày 14/2/2020, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tăng cường kiểm soát đối với đối tượng cách ly bảo đảm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo các địa phương kiên quyết rút Giấy phép lao động của công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc diện cách ly mà không thực hiện cách ly hoặc tự ý rời khỏi nơi cách ly.
Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh việc đưa tin lên án những trường hợp không chấp hành các giải pháp của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, nhất là tự ý rời khỏi nơi cách ly.
Bài 2: Việt Nam chống COVID-19: Bác sỹ, bệnh nhân kiên cường ‘vượt bão’
Thùy Giang
Theo Vietnamplus
Cách ly phòng dịch Covid-19: Chuyện từ Sơn Lôi
Ngày 25-2, đã là ngày thứ 13 người dân Sơn Lôi thực hiện quyết định cách ly. "Nội bất xuất-ngoại bất nhập", cuộc sống của người dân tuy có nhiều xáo trộn nhưng chính quyền địa phương cũng như ngành y tế đảm bảo mọi điều kiện thuận tiện nhất cho người dân từ sinh hoạt đến việc chăm sóc sức khỏe với các bệnh thông thường.
Chia sẻ tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ Y tế tổ chức ngày 25-2, đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc-nơi có xã Sơn Lôi là tâm dịch được cách ly đã nói về những kinh nghiệm mà địa phương thực hiện trong thời gian qua.
Theo đó, để thực hiện chặt chẽ việc khoanh vùng kiểm soát dịch bệnh quy mô toàn bộ xã Sơn Lôi, xã đã kiểm soát chặt chẽ người ra vào vùng có dịch; không cho người ở địa phương khác đến vùng có dịch-trừ trường hợp đặc biệt và phải có sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền.
Đồng thời, cũng hạn chế tối đa người trong xã có dịch ra ngoài trừ trường hợp thực sự cần thiết thì phải xin ý kiến và được sự đồng ý của tổ công tác. Tất cả các lối ra, vào xã được kiểm soát với 12 chốt. Xã cũng không tập trung đông người, không tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi và lễ hội. Các trường học trên địa bàn xã có dịch cho nghỉ học trong thời gian có dịch.
Cách ly xã Sơn Lôi là quyết định trách nhiệm, kịp thời và dũng cảm ngăn chặn được nguồn lây nhiễm. Ảnh: L.H
Về công tác chuyên môn kỹ thuật: Xã đã rà soát, lập danh sách với tất cả các trường hợp tiếp xúc với người nghi nhiễm hoặc xác định mắc bệnh. Tổ chức cách ly triệt để người tiếp xúc gần không được đi đâu ra khỏi địa điểm cách ly; cán bộ y tế theo dõi sức khỏe ngày 2 lần và báo cáo trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên. Nếu có kế hoạch cách ly, yêu cầu chính quyền cưỡng chế cách ly. Giám sát chặt chẽ hàng ngày tại tất cả các hộ gia đình trong ổ dịch. Phân công cán bộ đến từng hộ gia đình, lập danh sách từng người trong hộ gia đình trên toàn xã.
Theo vị đại diện này, cán bộ phụ trách 2 ngày đến đo thân nhiệt, kiểm tra tình hình sức khỏe của người được theo dõi và sự có mặt có những người này tại địa phương. Nếu phát hiện bất kỳ ai có biểu hiện sốt, ho hắt hơi, mệt mỏi, đau người, khó thở thì lập tức cho đi cách ly tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm ngay; xử lý môi trường, ổ dịch theo quy định. Công tác tuyên truyền cho cộng đồng về trách nhiệm công dân trong phòng dịch là để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng cũng được thực hiện thường xuyên.
Đặc biệt, bên cạnh việc đảm bảo cách ly, phòng ngừa người dân khỏi dịch Covid-19 thì vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn cũng được quan tâm. Ngành y tế Vĩnh Phúc đã thiết lập điểm khám điều trị tại xã. Nguyên tắc những người nghi nhiễm Covid-19 thì khám riêng tại trạm y tế khu vực xã Sơn Lôi, không được đi ra ngoài.
Trạm Y tế được trang bị máy móc thiết bị và cán bộ y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh tăng cường hỗ trợ trạm y tế. Vì vậy, việc khám chữa bệnh thông thường được thực hiện ngay tại trạm y tế, tương đương phòng khám đa khoa với đủ chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi.
Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện cách ly được triển khai theo hình thức mỗi thôn thành lập đội liên ngành đủ các cơ quan đoàn thể làm thành viên. Hàng ngày kiểm tra, đội liên ngành đi giám sát, đôn đốc, tuyên truyền về dịch bệnh tại các thôn, tổ xóm. Đồng thời, theo dõi sự vắng mặt di chuyển của những người trong ổ dịch, báo cáo hàng ngày cho UBND xã và tổ y tế.
Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia quyết liệt phòng dịch tại Sơn Lôi nên đến nay, qua 11 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới, công tác cách ly vẫn được tiếp tục.
Là người trực tiếp cắm chốt tại tâm dịch Sơn Lôi, PGS-TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương-Tổ trưởng Tổ công tác của Ban chỉ đạo quốc gia về dịch Covid-19 nhớ lại: Sơn Lôi 2 tuần trước là tâm điểm dịch, có biểu hiện lây lan trong cộng đồng. Điều này đặt ra vấn đề uy hiếp lớn lây lan dịch từ địa phương này ra các tỉnh xung quanh Vĩnh Phúc và các địa phương trong cả nước vì sự di chuyển, giao lưu của người từ vùng có dịch ra bên ngoài là rất phức tạp không kiểm soát được.
"Chúng tôi cho rằng quyết định thực hiện khoanh vùng cách ly y tế xã Sơn Lôi là trách nhiệm, kịp thời, dũng cảm. Việc cách ly không chỉ chống dịch riêng cho Vĩnh Phúc mà còn với cả các tỉnh khác trên cả nước. Chúng ta nên cảm ơn người dân Vĩnh Phúc, người dân Sơn Lôi", TS. Trần Như Dương bày tỏ.
Nhìn lại thời gian thực hiện cách ly vùng dịch Sơn Lôi đã qua, TS. Trần Như Dương cho biết: Để ngăn chặn phải phát hiện nguồn lây và cô lập. Việc giám sát ca nghi ngờ sớm nhất để cách ly là cực kỳ quan trọng. Hàng ngày nhóm cán bộ giám sát thực hiện đo thân nhiệt từng người, từng nhà. Khi phát hiện nghi mắc thì cho bệnh nhân đeo khẩu trang và và đưa đi cách ly ngay tại Phòng khám đa khoa Quang Hà ở một khu riêng biệt với khu điều trị bệnh nhân xác định dương tính.
Để chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân thì tổ công tác đã phân công cán bộ trung tâm kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh, huyện cắm chốt 24/24g nắm thông tin dịch bệnh; bố trí sẵn 2 xe cứu thương: 1 xe để chuyên chở người dân khi có vấn đề về sức khỏe; 1 xe chở bệnh nhân nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 và 2 xe này được sử dụng riêng biệt.
Phong Châu
Theo PL&XH
Người nhà bệnh nhân được chữa khỏi Covid-19: "Cảm ơn và xin lỗi" Chị Phạm Thị Th., vợ bệnh nhân N. V. V (bệnh nhân nhiễm COVID-19 cuối cùng của Việt Nam) cùng con gái (cũng là hai bệnh nhân dương tính đã khỏi bệnh) gửi lời xin lỗi cộng đồng vì đã làm ảnh hưởng, lây bệnh sang người khác. Bệnh nhân cuối cùng khỏi bệnh không chỉ là tin vui của cả nước và...