Việt Nam chia sẻ với những khó khăn của Ai Cập do tác động của đại dịch Covid-19
Chiều 8-6, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Xa-mét Su-cri (Sameh Shourky) để trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương trong bối cảnh Covid-19 và một số vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Tại buổi điện đàm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao vai trò đầu tàu của Ai Cập trong khu vực châu Phi và tại Liên minh châu Phi (AU), hoan nghênh đề xuất về việc tổ chức buổi điện đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao hai nước, nhấn mạnh đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Bộ trưởng Ngoại giao một nước châu Phi. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng chia sẻ về những khó khăn của Ai Cập do tác động của đại dịch Covid-19, khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm ứng phó dịch bệnh với Ai Cập.
Hai bên bày tỏ hài lòng về mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp đã đạt được nhiều bước phát triển tích cực trong thời gian gần đây, đặc biệt là qua các chuyến thăm cấp cao của Tổng thống Ai Cập El-Sisi tới Việt Nam tháng 9-2017 và Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Ai Cập tháng 8-2018. Thương mại song phương cũng tăng trưởng tốt và đạt xấp xỉ 500 triệu USD trong năm 2019.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shourky nhấn mạnh ưu tiên thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Hai bên nhất trí cần tiếp tục phát huy và triển khai có hiệu quả các văn bản, thỏa thuận hơp tác đã ký kết, tăng cường trao đổi, giao lưu để tìm kiếm các giải pháp đột phá giúp thúc đẩy hợp tác song phương, đặc biệt là sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.
Hai bên đề xuất ưu tiên thúc đẩy các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao, xúc tiến thương mại, đầu tư, tăng cường hợp tác giáo dục, du lịch… phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 1 tỷ USD như mục tiêu Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra.
Cũng trong buổi điện đàm, hai bên đã trao đổi về một số vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm. Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về giải quyết tranh chấp trong chia sẻ tài nguyên nước trên sông Nile. Hai Bộ trưởng cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế, đặc biệt tại Liên hợp quốc, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Chống "giặc" Covid -19: Vì sao dân tín nhiệm Chính phủ?
Người dân có tin tưởng, có ủng hộ Chính phủ thì mới sẵn sàng góp công, góp của, không nề hà, không do dự.
Một cuộc khảo sát có quy mô lớn nhất toàn cầu kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, công bố ngày 30/3 cho biết: "so với các nơi trên thế giới, Việt Nam có tỉ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của Chính phủ cao nhất thế giới". Cuộc khảo sát do tổ chức Dalia Research, có trụ sở tại Berlin (CHLB Đức), tiến hành tại 45 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 32.000 người được hỏi. Theo đó, 62% người Việt Nam cho rằng, Chính phủ đã thực thi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 phù hợp.
Các y bác sĩ tại tâm dịch Bạch Mai thể hiện quyết tâm chống dịch
Dù không bất ngờ nhưng kết quả khảo sát trên vẫn khiến không ít người Việt Nam "xúc động và tự hào". Nếu được hỏi, chắc chắn sẽ có nhiều người sẵn sàng dành cho Chính phủ một phiếu "tín nhiệm" khi nhìn lại chặng đường chống dịch đầy cam go, thử thách vừa qua. Dù "thời điểm quyết định" vẫn đang ở phía trước nhưng họ tin rằng, Chính phủ đã hành động đúng ...
Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam chưa từng có kinh nghiệm trong xử lý một đại dịch nguy hiểm và diễn biến khó lường như Covid-19. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Còn nhớ thời điểm dịch mới bùng phát, khi Chính phủ sử dụng các biện kiên quyết như đóng cửa trường học, siết chặt quản lý biên giới trên bộ với Trung Quốc... đã từng xuất hiện những băn khoăn, nghi ngại, liệu có cần thiết phải sử dụng các biện pháp mạnh như vậy hay không? Nhưng có lẽ, chính vì không xa "điểm nóng" Vũ Hán, chính vì có 7 tỉnh giáp biên giới Trung Quốc nên Chính phủ đã lựa chọn biện pháp mạnh ngay từ đầu. Nay, khi nhìn lại quãng thời gian khó khăn đó, ai cũng thấm thía, nếu không hành động sớm, không "phòng bệnh hơn chữa bệnh" thì không biết hậu quả sẽ khôn lường thế nào. Đó cũng là điểm cộng đầu tiên mà người dân ghi nhận, Chính phủ đã phản ứng mau lẹ, quyết đoán và hiệu quả.
Lắng nghe và đề cao ý kiến của các chuyên gia, tận dụng tối đa "thời điểm vàng" để khoanh vùng, dập dịch, kiên quyết cách ly và sàng lọc các đối tượng dù tốn kém biết bao công sức và tiền của... nhưng Chính phủ vẫn kiên quyết làm. Người dân được cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, minh bạch về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch, được hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, nâng cao ý thức, trách nhiệm tham gia phòng, chống dịch. Cả hệ thống chính trị chuyển động, từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất. Từ công an, quân đội, y tế cho đến dân phòng, thanh niên, phụ nữ... Đó chính là sức mạnh tập thể, là sự đồng lòng, nhất trí, muôn người như một, cùng hướng đến mục tiêu chung.
Người dân có tin tưởng, có ủng hộ Chính phủ thì mới sẵn sàng góp công, góp của, không nề hà, không do dự. Có ở đâu mà người già góp gạo, góp rau, con trẻ góp tiền mừng tuổi, giới văn nghệ sĩ đi đầu trong quyên góp chống dịch, người Việt ở hải ngoại cũng sẵn sàng chìa vai gánh vác cùng Chính phủ...
Nếu không hành động vì dân, không đặt mục tiêu tối thượng là tính mạng con người, chắc chắn Chính phủ đã không nhận được sự ủng hộ như vậy. Tuyên bố "chống dịch như chống giặc", sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ sức khỏe người dân, chăm lo người nghèo, người mất việc vì đại dịch, chuẩn bị phương án xấu nhất để có cách đối phó tốt nhất... Cách làm của Việt Nam không chỉ được người dân tin cậy mà còn được bạn bè quốc tế ngợi ca. Ngay ông Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cũng phải thừa nhận, Chính phủ Việt Nam đã rất giỏi khi đương đầu với đại dịch Covid-19.
Kể từ ca bệnh đầu tiên ngày 23/1 cho đến nay, khi có gần 240 ca nhiễm, Việt Nam chưa ghi nhận một trường hợp nào tử vong. Những ca nhiễm mới dường như không tăng theo quy luật, không tăng theo cấp số nhân. Những ca nhiễm cũ lần lượt ra viện. Đó là kết quả lớn nhất, rõ ràng nhất, trả lời câu hỏi vì sao dân tín nhiệm Chính phủ.
Trong lời kêu gọi toàn dân chống dịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã viết: "Tôi cảm ơn đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đã tin tưởng, ủng hộ và nhiệt tình hưởng ứng công tác phòng, chống dịch bệnh".
Trong lá thư gửi về từ châu Âu, một du học sinh chia sẻ:" Nếu không có đợt dịch này thì nhiều người, kể cả tôi không nhận ra Việt Nam mình đáng trở về như thế nào, dù ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới..."
Từng đi qua những năm tháng chiến tranh, từng đối mặt với thiên tai khắc nghiệt, nay trong trận chiến với "giặc" Covid-19, một loại giặc chưa từng có trong lịch sử, giữ được niềm tin và sự tín nhiệm trong dân, đó là sức mạnh để Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách./.
Giáng Hương
Hội đồng Bảo an lần đầu thông qua nghị quyết theo hình thức đặc biệt Các nghị quyết được thông qua theo hình thức bỏ phiếu văn bản do các nước thành viên không thể họp trực tiếp tại trụ sở Liên Hợp Quốc vì dịch Covid-19. Lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 30/3 đã thông qua các nghị quyết theo hình thức bỏ phiếu qua văn bản....