Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm chống dịch Covid-19 với ASEAN và Mỹ
Ngày 30-4, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế, đã tham dự hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Bộ Y tế các nước ASEAN với Mỹ.
Các đại biểu đã cập nhật tình hình dịch bệnh Covid-19, những hoạt động mà các nước thành viên đang thực hiện, cũng như mong muốn hợp tác về y tế và công tác phòng chống dịch.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia trong công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam. Đó là vai trò lãnh đạo của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ với chiến lược: chủ động phòng ngừa – phát hiện sớm – cách ly và điều trị; kêu gọi sự vào cuộc của các cấp chính quyền và huy động mọi nguồn lực tại chỗ với phương châm: chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của Mỹ với các nước ASEAN, nhất là trong việc chia sẻ thông tin, các chiến lược ứng phó dịch bệnh, hợp tác nghiên cứu về vaccine, thuốc điều trị và xây dựng mô hình kiểm soát bệnh tật trong khu vực.
Trao đổi với báo chí mới đây về việc Việt Nam liên tiếp nhiều ngày không ghi nhận người mắc mới trong cộng đồng, TS Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, đánh giá, Việt Nam đang kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả bằng việc kích hoạt sớm hệ thống ứng phó và cách tiếp cận toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt từ cấp cao nhất. “Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã thành công trong công tác kiểm soát để làm phẳng đường cong biểu đồ dịch bệnh…”- TS Kidong Park khẳng định và cảnh báo nguy cơ lây nhiễm vẫn còn vì trên thế giới, Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên cần chuẩn bị ứng phó ngay với những tác động của dịch lên hệ thống y tế.
Video đang HOT
Liên quan tới một số thông tin về việc sai phạm trong đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế, hệ thống xét nghiệm RT-PCR phòng chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ Y tế đề nghị xử lý thật nghiêm đối với những đơn vị nâng giá mua sắm trang thiết bị này. Từ ngày 13-3, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị điều tra sai phạm trong quá trình mua sắm ở một số tỉnh thành.
Chiều tối 30-4, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày cả nước tiếp tục không ghi nhận thêm người mắc Covid-19 và là ngày thứ 14 liên tiếp không có ca bệnh mới trong cộng đồng. Số người mắc Covid-19 vẫn là 270, trong đó có 130 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 34.836 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện 316 người, còn lại cách ly tập trung tại cơ sở khác, tại nhà và nơi lưu trú. Trong ngày, cả nước có thêm 1 ca được công bố khỏi bệnh là bệnh nhân thứ 268 (nữ 16 tuổi, dân tộc Mông ở thôn Pín Tủng, xã Phố Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang). Đồng thời ghi nhận 1 ca dương tính trở lại (bệnh nhân thứ 92, du học sinh từ Pháp về, đã được Bệnh viện dã chiến Củ Chi, TPHCM, công bố khỏi bệnh ngày 14-4). Tới tối 30-4, Việt Nam đã có 219/270 ca được công bố khỏi bệnh.
* Thông tin từ Sở Y tế TPHCM, đến cuối ngày 30-4, TP ghi nhận 54 ca mắc Covid-19, trong đó có 49 ca đã xuất viện, 5 ca đang điều trị (gồm 4 ca tái dương tính sau xuất viện và ca thứ 91 – phi công người Anh). Ngành y tế TP tăng cường rà soát, xét nghiệm kiểm tra đối với bệnh nhân sau khi xuất viện.
5 bệnh nhân tái dương tính chỉ mang 'virus bất hoạt'
Các viện nghiên cứu lấy mẫu của 5 trong 8 bệnh nhân Covid-19 tái dương tính để nuôi cấy, nhưng chúng không nhân lên bởi có thể chỉ là virus bất hoạt.
Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế, chiều 28/4 cho biết, 8 trường hợp dương tính lại đang được cách ly, theo dõi tiếp tại các cơ sở y tế. Giới nghiên cứu đã thực hiện việc nuôi cấy 5 mẫu virus từ họ, nhưng virus không phát triển.
Các nhà chuyên môn nhận định chúng có thể là virus bất hoạt.
"Về lý thuyết, khả năng lây nhiễm của các ca tái dương tính này rất thấp", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Ông Long từng chỉ ra ba nguyên nhân có thể khiến bệnh nhân Covid-19 tái dương tính sau nhiều lần âm tính. Thứ nhất, người bệnh chưa khỏi bệnh hoàn toàn, chưa đào thải hết mầm bệnh, virus vẫn tồn tại trong cơ thể, đặc biệt trong tế bào niêm mạc phổi.
Thứ hai, người bệnh đã khỏi bệnh, đang trong quá trình đào thải virus bất hoạt (xác virus). Người bệnh thải ra vật chất giống mầm bệnh nhưng không có khả năng gây hại.
Thứ ba, bệnh nhân là người lành mang trùng, xảy ra khi cơ thể người mang virus chưa sản xuất đủ kháng thể để khống chế, kiểm soát, tiêu diệt virus.
Bộ Y tế chỉ đạo nghiên cứu sâu các trường hợp tái dương tính, giao cho hai phòng thí nghiệm có mức độ an toàn sinh học cấp 3 thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP HCM nuôi cấy virus thu được. Nếu virus đó sống, phát triển thì chứng tỏ cơ thể người đó chưa khỏi bệnh. Nếu virus không phát triển nhân lên, đó chỉ là dạng bất hoạt không gây hại.
8 ca tái dương tính gồm các bệnh nhân 188, 137, 74 ở Hà Nội; 52 và 149 ở Quảng Ninh; bệnh nhân 36 ở Bình Thuận; 207 và 224 ở TP HCM. Ông Long không cho biết 5 ca có virus bất hoạt là bệnh nhân nào.
Một nghiên cứu tại Hàn Quốc trên 268 ca tái dương tính cho thấy nCoV thu được từ những người này đem nuôi cấy đều không phát triển, cũng không ghi nhận tình trạng lây nhiễm xuất phát từ những người tái dương tính.
Lê Nga
Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc chăm lo nhân dân Thời gian qua, UBMTTQVN huyện Châu Thành (An Giang) cùng các tổ chức thành viên luôn tích cực triển khai những nhiệm vụ cụ thể, bám sát nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần...