“Việt Nam chắc thắng khi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế”
Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Trần Công Trục cho rằng, Việt Nam cầm chắc thắng nếu kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế. Vì giàn khoan HD-981, tàu Trung Quốc hoạt động nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Ngày 9/5, tại buổi tuyên bố của Hội Luật gia về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ông Trần Công Trục – nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ đã trả lời báo chí nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề này.
Ông Trần Công Trục – nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ
Dù đặt giàn khoan HD-981 trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nhưng mới đây Trung Quốc có “gợi ý” đề nghị Việt Nam rút tàu ra khỏi khu vực họ mới “đàm phán”, ông có bình luận gì về động thái này?
Theo tôi đề nghị này có thể nói là không bình thường, nếu không muốn nói là buồn cười. Vì vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Khu vực này không dính dáng gì đến vùng mà họ gọi là vùng biển thuộc quần đảo họ đã “ăn cướp” của chúng ta.
Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Do vậy, các lực lượng của Việt Nam làm nhiệm vụ ở đó là việc hết sức bình thường và đương nhiên không thể nào rút trước khi ngồi “đàm phán”. Hành động đó của Trung Quốc là thái độ có tính chất gây sức ép và không bình thường. Chắc chắn không bao giờ Việt Nam làm một việc vô lý như vậy!
Khi kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép và có những hành động ngang ngược ở vùng biển của Việt Nam ra Tòa án quốc tế, chúng ta có cơ hội giành chiến thắng hay không?
Nói thực sự khách quan và với tư cách người nghiên cứu nhiều năm, tôi cho rằng nếu ta đưa vụ kiện lên các cơ quan Trọng tài, Tài phán quốc tế thì chắc chắn Việt Nam sẽ thắng lợi. Vì chúng ta có đầy đủ căn cứ pháp lý, có đầy đủ cơ sở để kiện. Chúng ta cũng chỉ làm những điều có quyền làm và đúng thủ tục. Nếu làm được điều đó chúng ta có nhiều thuận lợi và chắc chắn sẽ thành công.
Làm được điều đó chúng ta thể nói với thế giời rằng Việt Nam có niềm tin với chân lý. Việt Nam có trách nhiệm của mình trong việc sử dụng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 với tư cách là thành quả của nhân loại để có nó và nhân loại phải dựa vào nó để giải quyết tranh chấp vì lợi ích của các dân tộc, vì hòa bình và ổn định.
Video đang HOT
Theo ông việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam trong thời điểm này là ngẫu nhiên hay họ đã có tính toán những bước đi cụ thể từ trước?
Tôi cho rằng họ có tính toán rất kỹ khi bước thêm một bước mới. Họ lựa chọn thời điểm quốc tế đang có nhiều vấn đề, nhất là các nước phương Tây như Nga, Mỹ đang có quan tâm rất lớn ở Ukraine. Và nhân loại cũng đang hồi hộp trông chờ điều gì sẽ diễn ra ở khu vực này. Vì vậy, khu vực biển Đông không phải quan tâm số một nữa.
Ngoài ra, họ còn lợi dụng trong khu vực dù đã có tiếng nói thống nhất nhưng vẫn còn ý kiến chia rẽ. Họ cũng dựa vào thái độ của các quốc gia mà thời gian qua họ đã thăm dò. Rồi họ dựa vào việc thăm dò các nước có lợi ích trực tiếp, gián tiếp vì vậy họ đã đặt giàn khoan vào thời điểm này. Đó là những tính toán hết sức cụ thể của Trung Quốc mà chúng ta phải chú ý.
Trước khi đặt giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam, Trung Quốc đã có nhiều hành động tương tự. Ông cho rằng liệu bước đi của họ chỉ dừng ở việc đặt giàn khoan HD-981 hay còn leo thang hơn nữa?
Đúng là trước khi Trung Quốc đưa giàn khoan ra vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam lần này, họ đã có rất nhiều hoạt động trên các mặt như chính trị, ngoại giao, pháp lý, thông tin truyền thông và đặc biệt là hoạt động trên thực tế từng bước, từng bước một. Với động cơ khác nhau, họ thăm dò, đe dọa, rồi tính thời điểm làm việc này – đây là một bước mới, bước tiến rất nguy hiểm của phía Trung Quốc.
Chúng ta đều biết điều đó, đây là “kết quả” mà Trung Quốc đã bày binh bố trận từ rất lâu rồi. Do vậy, với “quyết tâm”, chắc chắn họ không dừng lại ở lần này. Tôi nghĩ họ sẽ bước tiếp, tính toán để thực hiện ý đồ mà họ đã công bố công khai: đường lưỡi bò, chiếm tới 85% diện tích biển Đông. Đó là điều mà tôi nghĩ họ sẽ quyết tâm làm bằng được; thế nhưng họ có làm được hay không còn phụ thuộc vào hành động của chúng ta để ngăn cả bước tiến đó.
Xin cảm ơn ông!
Theo Dantri
Tàu cá Việt Nam liên tục bị tàu TQ rượt đuổi
Ngày 9/5, hơn 500 ngư dân và 800 đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá đảo Lý Sơn đã mít tinh phản đối việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam. Ngư dân cũng thông tin về việc những ngày qua liên tục bị tàu TQ rượt đuổi.
Hơn 500 ngư dân Hoàng Sa và 800 đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá của huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã tụ họp về Trung tâm Văn hoá Thể thao huyện, phản đối việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam.
Ngư dân Lý Sơn mít tinh phản đối việc TQ đặt giàn khoan trái phép.
Ông Nguyễn Quốc Chinh, đại điện cho ngư dân khẳng định: Ngư dân Lý Sơn kiên quyết lên án và phản đối hành động khiêu khích của Trung Quốc sau khi dùng tàu to súng lớn gây hấn với lực lượng tuần tra kiểm soát trên biển và tàu đánh cá của ngư dân đang đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa trong những ngày qua.
"Đây là việc làm sai trái, ngang ngược, trái với Luật Biển quốc tế. Trung Quốc đã có thái độ và hành động ngăn cản, uy hiếp tính mạng và tài sản ngư dân Việt Nam" - ông Chính nói.
Đại diện hai nghiệp đoàn nghề cá kêu gọi ngư dân tiếp tục phát huy truyền thống của Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải kiên định bám sát ngư trường để tiếp tục khai thác, đánh bắt hải sản, bảo vệ ngư trường truyền thống, góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam
Ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, Lý Sơn khẳng định: "Chủ quyền về Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là không thể chối cãi. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng, rút phương tiện, tàu và máy móc ra khỏi vùng biển Việt Nam".
Được biết, suốt trong những ngày qua, trên vùng biển Hoàng Sa, tàu đánh bắt của bà con ngư dân Lý Sơn và xã Bình Châu, Quảng Ngãi liên tục bị tàu Trung Quốc rượt đuổi và đâm gây hư hỏng.
Tàu cá của ngư dân Lý Sơn bị tàu TQ đâm.
Tại lễ mít tinh, hơn 1.300 ngư dân đã chứng kiến cảnh tàu đánh cá QNg 96416 của ông Nguyễn Lộc, ở xã An Vĩnh, Lý Sơn vừa cập cảng sau khi bị tàu Trung Quốc đâm vỡ mạn.
Tàu ông Lộc bị hỏng mạn tàu, ca bin buồng lái và các thiết bị liên lạc cũng hỏng nặng.
Ông Nguyễn Lộc đã lên án việc các tàu Trung Quốc ngăn cản, truy đuổi tàu cá của mình đang đánh bắt trên vùng biển chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa.
Ngư dân Nguyễn Lộc cũng thẳng thắn lên tiếng: "Dù Trung Quốc cậy tàu to, súng lớn, nhưng tất cả người dân Lý Sơn nói riêng và ngư dân Việt Nam nói chung không hề run sợ và nản lòng bỏ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Mặc dù phải đối mặc với hiểm nguy, nhưng bà con ngư dân chúng tôi vẫn kiên quyết vươn khơi bám biển, bất chấp sự hung bạo của Trung Quốc".
Ông Lộc cho biết thêm, khi phát hiện tàu sơn màu trắng của Trung Quốc rượt đuổi đã cho tàu bỏ chạy.
"Nhưng họ vẫn dùng vòi rồng phun vào tàu, rồi dùng búa ném sang làm bể kính. Sau đó, tàu TQ đã đâm thẳng vào tàu cá ngư dân khiến tàu suýt bị chìm" - ông Nguyễn Thanh Triết, đi trên tàu cá QNg 96416 cho biết.
Vũ Trung - Nguyễn Hùng
Theo_VietNamNet
'Đề nghị đàm phán của Trung Quốc quá buồn cười' Nguyên Phó trưởng ban Biên giới Quốc gia Trần Công Trục khẳng định việc Trung Quốc đang đề nghị phía Việt Nam rút hết tàu thuyền trên vùng biển sau đó mới ngồi đàm phán là "không bình thường, không muốn nói là buồn cười". Luật gia Trần Công Trục, nguyên Phó trưởng ban Biên giới Quốc gia tại cuộc họp báo do...