Việt Nam cần cho Trung Quốc thấy họ không thể thao túng
Trao đổi bên lề Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng ngày 28/8, GS. Carl Thayer nhận định: VN cần đặt mình ở vị trí trung tâm trong quan hệ với TQ và các quốc gia lớn khác.
Diễn biến tích cực
- Ông nhìn nhận thế nào về chuyến thăm vừa rồi của đặc phái viên Tổng bí thư, Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh, đến TQ, và trong các cuộc tiếp kiến, phía TQ đều nói muốn phục hồi quan hệ song phương?
Đây là một diễn biến tích cực sau sự việc giàn khoan Hải Dương 981 hồi tháng 5. Tôi nghĩ hai bên đều nhận thấy không thể có diễn biến gì mang tính xây dựng nếu cứ tiếp tục đối đầu. Sau khi TQ rút giàn khoan, tình hình đã bớt căng thẳng, và bây giờ là thời điểm thích hợp.
GS. Carl Thayer
TQ đã quyết định chọn cách giải quyết giữa hai Đảng để tránh sự đối đầu giữa hai Nhà nước. Tôi hy vọng sau chuyến thăm của đặc phái viên sẽ là một chuyến thăm của đích thân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh. Chúng ta đều biết là đối với vấn đề biên giới trên đất liền, hay phân định vịnh Bắc Bộ, các lãnh đạo cao nhất đã đạt được thỏa thuận và đặt ra thời hạn, tất cả đều tuân thủ.
Chuyến thăm có thể không giải quyết được vấn đề trên Biển Đông nhưng phải tìm giải pháp cho hai việc: Liệu TQ có đưa giàn khoan trở lại vào năm tới? Và VN có tiếp tục theo đuổi việc đấu tranh pháp pháp lý?
Đây mới chỉ là những bước trù bị, nhưng với tôi đó là những dấu hiệu tích cực.
- Cũng trong tháng 8, VN đón các quan chức cao cấp như Ngoại trưởng Nhật Bản, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ và Ngoại trưởng Ấn Độ. Theo ông, các chuyến thăm này cho thấy điều gì?
Điều này cho thấy sự tiếp tục đường lối đối ngoại đa phương của Việt Nam được đánh dấu từ năm 1991.
Video đang HOT
Việc này chỉ có thể thực hiện được khi tất cả các bên đều hợp tác với VN. Khi căng thẳng gia tăng xung quanh giàn khoan, chính sách đó không tránh khỏi bị đặt câu hỏi. Nay khi căng thẳng đã hạ nhiệt, cùng với việc tăng cường quan hệ song phương với TQ, VN cũng theo đuổi quan hệ đa phương với các quốc gia khác.
Việc VN đặt mình ở vị trí trung tâm sẽ khiến các nước phải tự hỏi nếu không hợp tác với VN, họ có thể bị lỡ tàu, cũng như để TQ nhận ra họ không thể thao túng. VN cho thấy mình không về phe nào mà đang cố gắng hợp tác, trở thành một người bạn đáng tin cậy, chừng nào các nước còn hợp tác với VN.
Vì vậy, việc VN mời các quan chức Ấn Độ, Hoa Kỳ và nhiều nước khác đến cùng lúc là một việc tốt.
- Ông có dự đoán nào về những giàn khoan mà TQ đang tiếp tục xây dựng, liệu họ có tiếp tục chiến lược lãnh thổ di động không?
Đây là một vấn đề khá mâu thuẫn. Các giàn khoan rất lớn, được làm là để tham gia các hoạt động hợp tác thương mại. Nhưng nếu chính quyền yêu cầu các giàn khoan này tham gia các mục đích chính trị và chủ quyền, chúng sẽ không phục vụ đúng mục đích.
Thế nên TQ cần quyết định sẽ triển khai các giàn khoan này đến những nơi giàu dầu khí có thể khai thác để làm giàu cho kinh tế TQ, hay đến đặt ở những vùng biển tranh chấp để tiếp tục gây ra những căng thẳng và đối đầu.
Còn quá sớm để nói, họ có thể quay lại, có thể đến một vùng khác, gần Philippines chẳng hạn, chờ xem TQ sẽ thể hiện thế nào. Nhưng khi VN phản ứng lại TQ, một điều tôi cho là bất ngờ, thì cả hai bên, nhất là TQ, cần nhìn lại liệu họ có muốn đưa giàn khoan quay lại và gây thêm căng thẳng không.
Tại diễn đàn này, các đại biểu dù không đề cập trực tiếp cũng cho thấy sự quan ngại về vụ việc giàn khoan Hải Dương 981. Không ai thích và đều sợ các va chạm trên biển, tàu cá bị đâm chìm… Thế nên mọi chuyện phụ thuộc vào TQ.
Con đường Tơ lụa trên biển không phải là cơ hội duy nhất
- Chủ đề của các diễn đàn Biển ASEAN và mở rộng là về hợp tác biển. Thời gian gần đây, một số tỉnh miền Nam TQ như Quảng Đông, cũng nói đến việc thiết lập Con đường Tơ lụa trên biển để tăng cường giao thương với ASEAN. Theo ông dự án này có hứa hẹn?
Hội nhập kinh tế phải mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Con đường Tơ lụa trên biển cũng nằm trong bối cảnh chung của việc liên kết kinh tế giữa miền Nam TQ với khu vực ASEAN thông qua VN. Còn nhớ trong chuyến thăm VN tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường cũng nói về việc tạo điều kiện hạ tầng cho sự liên kết này.
Việc các nước liên quan đều muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế là một yếu tố hữu ích, nhưng không thể tự nó giải quyết tất cả các vấn đề an ninh. Nhưng hợp tác kinh tế là tốt, vì ví dụ, nhiều nhà đầu tư TQ có nhà máy sinh lời ở VN, họ cũng muốn các nhà máy đó nhanh chóng trở lại hoạt động. Khi VN tham gia Hiện định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), các nhà máy đó có thể xuất khẩu sang Mỹ với giá thành rẻ hơn là xuất khẩu trực tiếp từ TQ. Thế nên đó là một quan hệ các bên đều có lợi.
Nhưng Con đường Tơ lụa trên biển không phải là cơ hội duy nhất. VN cũng đang đàm phán gia nhập TPP với Mỹ. VN có thể có cả hai, có thể có tất cả các cơ hội hợp tác song phương với các nước hay đa phương trong khu vực.
Theo Vietnamnet
Thông báo về chuyến thăm Trung Quốc của ông Lê Hồng Anh
Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 28/8, tại Hà Nội, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã thông báo về hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới và trả lời các câu hỏi của phóng viên Việt Nam và quốc tế về các vấn đề báo chí quan tâm.
Trả lời câu hỏi liên quan đến chuyến thăm Trung Quốc của ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ 3 nội dung quan trọng của chuyến thăm:
Một là, lãnh đạo hai Đảng, hai nước Việt Nam-Trung Quốc tăng cường hơn nữa việc chỉ đạo trực tiếp đối với quan hệ hai Đảng, hai nước, thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển lành mạnh, ổn định.
Hai là, hai bên tăng cường giao lưu giữa hai Đảng, hai nước, khôi phục và tăng cường hợp tác giữa hai bên trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, quốc phòng an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, pháp luật...
Ba là, hai bên tuân thủ các nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển, sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình phát biểu tại buổi họp báo.
Đồng thời, hai bên tiếp tục nghiên cứu và bàn bạc các giải pháp mang tính quá độ, không ảnh hưởng đến lập trường, chủ trương của hai bên, kể cả vấn đề hợp tác và phát triển, kiểm soát tốt các vấn đề bất đồng trên biển và không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, duy trì quan hệ Việt Nam-Trung Quốc hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về phản ứng của Việt Nam về thỏa thuận ngừng bắn giữa Palestine và Israel ngày 26/8 vừa qua, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nói: "Việt Nam hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn ngày 26/8/2014 giữa Israel và Palestine. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được, tiếp tục thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm đi đến một thỏa thuận hòa bình toàn diện và bền vững vì hòa bình và ổn định ở khu vực".
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước những hoạt động bạo lực leo thang của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Iraq, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ: "Việt Nam hết sức quan ngại trước tình trạng bạo lực leo thang tại Iraq; đồng thời, lên án những hành động dã man, vô nhân đạo nhằm vào những thường dân vô tội. Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực của cộng đồng quốc tế và của Chính quyền Iraq nhằm sớm khôi phục ổn định, đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq vì hòa bình và ổn định ở khu vực".
Về sáng kiến của Việt Nam tại Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN ngày 27/8 tại Bangkok, Thái Lan về việc tăng cường vai trò của Hải quân ASEAN sau năm 2015 nhằm đối phó với những thách thức trong tương lai, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết, Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN nói chung đang tích cực đóng góp để thúc đẩy quá trình triển khai Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015.
Các sáng kiến mà Việt Nam vừa nêu ra là một trong những đóng góp cụ thể mà Việt Nam đóng góp vào tiến trình này. Hiện nay, ASEAN đang triển khai cụ thể các sáng kiến này để đưa vào thực hiện. Việc triển khai các sáng kiến này cũng là đóng góp cụ thể của Việt Nam cũng như nỗ lực chung của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở khu vực.
Trả lời câu hỏi về việc Campuchia đang điều tra dân số người Việt Nam sinh sống tại quốc gia này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết, vừa qua đoàn công tác của Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã triển khai công tác kê khai các giấy tờ liên quan đến hộ tịch, quốc tịch nhằm đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng Việt Nam tại nước này.
Liên quan đến tình hình cộng đồng người Việt tại các quốc gia có dịch bệnh Ebola, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định, đến nay công dân Việt Nam tại một số quốc gia có dịch bệnh Ebola như Nigeria, Sierra Leone và Liberia vẫn được đảm bảo an toàn trước dịch bệnh này.
Các cơ quan đại diện Việt Nam tại các quốc gia này vẫn đang giữ liên lạc chặt chẽ với cộng đồng người Việt tại đây; đồng thời khuyến cáo các công dân Việt Nam tránh xa các khu vực đang có dịch bệnh và liên lạc trực tiếp với các cơ quan đại diện Việt Nam tại các quốc gia này để được giúp đỡ và hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc một số người Việt Nam mang quốc tịch Ukraine bị chính quyền nước sở tại gọi lệnh nhập ngũ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói: "Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine cho biết, vừa qua Ukraine đã thông qua lệnh tổng động viên đợt hai, trong đó huy động các công dân nam từ 18-60 tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự".
Theo thống kê của Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine, tại Ukraine hiện nay có 270 người Ukraine gốc Việt Nam nằm trong độ tuổi động viên. Tuy nhiên, hầu hết các thanh niên quốc tịch Ukraine gốc Việt Nam đều được miễn trừ nghĩa vụ quân sự bởi vì họ đang là học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài Ukraine. Những trường hợp có giấy báo nhập ngũ, sau khi đến trình diện và chứng minh đang là học sinh, sinh viên hoặc chứng minh có vấn đề về sức khỏe đều được miễn trừ lệnh gọi này.
Tại cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cũng đã cập nhật thông tin về 12 ngư dân tàu cá Việt Nam từ Philippines sẽ về nước vào ngày 30/8 tới và việc Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan cũng như các cơ quan đại diện liên quan của Việt Nam tại nước ngoài đang tích cực làm việc với phía Hà Lan xác minh, xác định thi thể của ba nạn nhân người Việt Nam trong vụ tai nạn máy bay MH17 để sớm đưa về nước.
Theo TTXVN
Việt - Trung nhất trí không làm phức tạp tình hình ở Biển Đông Ủy viên Bộ Chính trị Lê Hồng Anh hôm nay cùng lãnh đạo TQ nhất trí cùng tuân thủ các nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển, không mở rộng tranh chấp ở Biển Đông. Việt - Trung nhất trí không làm phức tạp tình hình ở Biển Đông Ông Lê Hồng Anh và ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên Thường vụ...