Việt Nam bị lừa đảo trực tuyến cao nhất thế giới
Trong khảo sát mới nhất được thực hiện bởi Kaspersky Lab, năm 2012 có 37.3 triệu người dùng trên thế giới trở thành nạn nhân của hình thức lừa đảo trực tuyến (phishing), trong đó Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỷ lệ bị tấn công cao nhất hiện nay.
Người dùng Internet Việt Nam bị tin tặc tấn công thường xuyên.
Theo kết quả khảo sát “Sự phát triển của các cuộc tấn công lừa đảo từ 2011 đến 2013″ do Kaspersky Lab thực hiện, số lượng người dùng Internet đối diện với những cuộc tấn công kiểu này đã tăng 87%, từ 19,9 lên 37,3 triệu người trong 12 tháng qua. Facebook, Yahoo, Google và Amazon là những mục tiêu tấn công chính của tội phạm mạng. Nghiên cứu này được thực hiện trong tháng 6/2013 dựa trên dữ liệu từ dịch vụ đám mây Kaspersky Security Network, cho thấy từ một lượng nhỏ thư rác trước đây đã phát triển thành một sự đe dọa nhanh chóng.
Lừa đảo trực tuyến là cách thức tội phạm tạo ra những trang giả mạo các trang web nổi tiếng (dịch vụ email, trang web của ngân hàng, mạng xã hội…) và cố gắng dẫn dụ người dùng đến những trang này. Người dùng đăng nhập thông tin và mật khẩu của mình vào các trang web được ngụy trang tốt mà không chút nghi ngờ, và những thông tin này được chuyển đến tin tặc. Tội phạm mạng có thể dùng những thông tin cá nhân, ngân hàng hay mật khẩu đánh cắp được để trộm tiền của người dùng, phát tán thư rác và phần mềm độc hại thông qua các email bị xâm nhập hay tài khoản mạng xã hội, hoặc đơn giản hơn chúng có thể bán những mật khẩu đánh cắp được cho các tin tặc khác.
Suốt một thời gian dài, lừa đảo trực tuyến được xem là một hình thức khác của thư rác. Tuy nhiên, dữ liệu từ cuộc khảo sát khẳng định rằng quy mô của cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến đã đạt đến một mức độ đáng kể có thể được xem là một mối đe dọa nguy hiểm riêng biệt chứ không còn là một phần của nạn thư rác. Trong thực tế, email không còn là cơ chế phát tán thư lừa đảo phổ biến nhất nữa vì theo khảo sát chỉ 12% cuộc tấn công thực hiện qua email trong khi 88% trường hợp còn lại đến từ liên kết của những trang giả mạo mà người dùng thường click vào khi sử dụng trình duyệt web, hệ thống tin nhắn (Skype…) hay các tương tác khác với máy tính.
Theo Kaspersky, từ 2012 – 2013, các cuộc tấn công lừa đảo ảnh hưởng đến trung bình 102.100 người trên thế giới mỗi ngày – gấp đôi so với giai đoạn 2011-2012. Trong đó, người dùng ở các quốc gia Nga, Mỹ, Ấn Độ, Việt Nam và Anh là những đối tượng bị tấn công thường xuyên nhất. Kasperky nhận thấy năm 2012, Việt Nam, Mỹ, Ấn Độ và Đức có số lượng người bị tấn công tăng gấp đôi so với 2011.
Video đang HOT
Các dịch vụ của Yahoo!, Google, Facebook và Amazon bị tấn công lừa đảo thường xuyên nhất với 30% các phiên bản nhái theo những trang này được đăng ký. Ngoài ra, hơn 20% các cuộc tấn công lừa đảo bắt chước các ngân hàng hay những tổ chức tài chính, trong đó American Express, PayPal, Xbox live, Twitter… nằm trong top 30 trang web mục tiêu.
Theo Dantri
Máy mátxa giá 8 USD, lên truyền hình "hét" 2 triệu đồng
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) vừa phát đi thông điệp cảnh báo người tiêu dùng hãy cẩn trọng với hình thức mua bán hàng qua kênh truyền hình đang nở rộ.
Với những lời quảng cáo "có cánh", bán hàng trên kênh truyền hình đã thu hút được vô số khách hàng
Quảng cáo phóng đại
Thời gian gần đây, xu hướng quảng cáo và bán hàng trên các kênh truyền hình đang phát triển nở rộ cả về số lượng và tần suất phát sóng. Hầu như hãng truyền hình nào cũng có kênh truyền hình dành riêng cho chuyên mục quảng cáo và bán hàng.
Các mặt hàng được quảng cáo trên sóng truyền hình cũng rất đa dạng, từ vật dụng trong nhà, thực phẩm dinh dưỡng đến thiết bị điện tử, y tế, chăm sóc sức khỏe và đồ trang sức... Chất lượng của các mặt hàng này luôn được các nhà quảng cáo ca ngợi và đảm bảo ở mức độ tốt nhất, trong khi giá thành sản phẩm luôn được nhấn mạnh là "vô cùng hợp lý".
Đơn cử, đông trùng hạ thảo được quảng cáo có tác dụng tích cực với rối loạn tình dục, thận hư, đau lưng, hạ huyết áp... Trên kênh SCTV5, sản phẩm này được quảng cáo là chữa các bệnh đau lưng, mỏi gối, yếu sinh lý, ho hen... Tuy nhiên, một bác sĩ thuộc Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM khẳng định Đông trùng hạ thảo không có tác dụng chữa các bệnh nói trên mà chỉ có chức năng hỗ trợ.
Dù khẳng định không phải thuốc chữa bệnh nhưng công dụng của 1% tinh chất nhung hươu được nhấn mạnh là có tác dụng bổ sung các nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể, bổ khí huyết, tráng nguyên dương, cường gân cốt, trị các chứng tai ù, mờ mắt, đau lưng, liệt dương...Theo các chuyên gia, trong nhiều trường hợp DN thường lợi dụng một số thành phần trong sản phẩm để quảng cáo nhập nhèm với công dụng của sản phẩm.
Tương tự, nhiều mặt hàng hỗ trợ làm đẹp cũng đang được quảng cáo tràn lan với tác dụng làm đẹp siêu tốc, ngoài sức tưởng tượng. Một trong những trường hợp đó là sản phẩm áo ngực Wonderful của Công ty cổ phần mua sắm Hạnh Phúc.
Rất nhiều người tiêu dùng đã bị choáng ngợp trước các tính năng và vẻ đẹp long lanh của sản phẩm, lại thêm "giá hấp dẫn" đi kèm các hình thức giao hàng và chăm sóc khách hàng cực kỳ thuận tiện và chuyên nghiệp... nên đã nhanh chóng đặt mua sản phẩm mà bỏ qua giai đoạn tìm hiểu, so sánh giá cả và chất lượng của hàng hóa. Hệ lụy của những quyết định mau chóng này là nhiều trường hợp người mua phải ngậm ngùi tiếc nuối vì hàng kém chất lượng mà giá thì lại... trên trời.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, Cục này đã nhận nhiều ý kiến phản ánh của người tiêu dùng cho rằng họ bị lừa dối, thiệt hại khi mua các sản phẩm bán qua kênh truyền hình, tập trung vào một số hình thức: bán hàng kém chất lượng, không đúng quảng cáo; đơn vị bán hàng đề nghị người tiêu dùng đặt cọc tiền mua rồi không giao hàng hoặc giao hàng kém chất lượng; không thực hiện trách nhiệm bảo hành cho khách hàng; thổi phồng giá sản phẩm rồi quảng cáo bán hàng giảm giá đặc biệt. Ví dụ, có sản phẩm máy mát xa nhập từ Trung Quốc giá khoảng 8 USD (chưa đến 170.000 đồng), sau khi "thổi phồng" công hiệu trên các kênh truyền hình, chúng được bán ra gần 2 triệu đồng.
Nhiều người tiêu dùng tỏ ra thất vọng khi mua và sử dụng sản phẩm được quảng cáo "trên cả tuyệt vời"
Kiểm tra kỹ trước khi đặt mua
Cũng theo Cục Quản lý cạnh tranh, người tiêu dùng nên lưu ý trước một số vấn đề khi quyết định mua hàng qua kênh truyền hình. Đầu tiên là nên lựa chọn các kênh truyền hình uy tín thông qua việc tham khảo ý kiến bạn bè, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thứ hai là kiểm tra lại thông tin về hàng hóa, doanh nghiệp và các chính sách bán hàng trước khi quyết định đặt hàng. Thứ ba, cần kiểm tra kỹ thông tin về người bán, như gọi điện đến đài truyền hình để kiểm tra thông tin về người bán hay yêu cầu được đến trực tiếp cửa hàng để xem sản phẩm...
Thông qua các ý kiến phản ánh của người tiêu dùng, thời gian vừa qua, Cục Quản lý cạnh tranh đã bước đầu xem xét một số công ty chuyên quảng cáo và bán điện thoại di động có dấu hiệu không rõ nguồn gốc trên một số kênh truyền hình. Khi cố gắng liên hệ với các công ty này thông qua số điện thoại quảng cáo và đề nghị được đến cửa hàng để xem sản phẩm thì các công ty đều đưa ra lý do là cửa hàng chỉ bán hàng trực tuyến (online), khách không thể đến xem trực tiếp sản phẩm (?!). Vì vậy đây là những người bán không đáng tin cậy.
Mô hình bán hàng qua sóng truyền hình nhằm hướng tới đối tượng chính là các bà nội trợ. Đặc điểm của nhóm người tiêu dùng này là thời gian ở nhà nhiều, ít có điều kiện cập nhật thông tin về giá cả một số mặt hàng (ngoại trừ lương thực, thực phẩm là những thứ các bà, các chị mua bán hằng ngày) và thời gian tiếp xúc, xem ti vi khá nhiều. Các bà nội trợ vốn ít thời gian lựa chọn lại sẵn tâm lý tính toán mua hàng tiết kiệm, không muốn dành nhiều thời gian đi lại mua bán nên dễ dàng thực hiện giao dịch mua bán với các công ty bán hàng qua truyền hình. Do vậy, khi tiếp nhận một thông tin quảng cáo từ các kênh truyền hình, người tiêu dùng cần luôn cảnh giác và phải có sự đối chiếu, so sánh thông tin trước khi giao dịch, mua bán.
Theo Dantri
95% mẫu gà thải loại nhập lậu nhiễm dư lượng kháng sinh độc hại Ngày 31.1, báo cáo của Bộ NN-PTNT tại hội nghị trực tuyến về công tác ngăn chặn gà nhập lậu cho biết, có tới 20% mẫu gà giống và 58% mẫu gà loại thải nhập lậu lấy tại Hà Nội, Quảng Ninh và Lạng Sơn dương tính với vi rút cúm gia cầm H5N1. Nguy hại hơn, có tới 19/20 mẫu gà loại...