Việt Nam – Ấn Độ xúc tiến mở đường bay thẳng giữa 2 nước
Trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ – bà Sushma Swaraj mong muốn hai bên thúc đẩy quan hệ thương mại gấp 2 – 3 lần mức hiện nay, thúc đẩy để các hãng hàng không hai bên sớm mở đường bay thẳng giữa hai nước.
Sáng 25/8/2014, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp bà Sushma Swaraj, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Hoan nghênh chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ và đánh giá cao kết quả Hội đàm giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao hai nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng kết quả chuyến thăm sẽ đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Thủ tướng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là làm hết sức mình, cùng với Ấn Độ đưa quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp, lâu đời trên tinh thần đối tác chiến lược phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cảm ơn sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn của Ấn Độ đối với Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc ngày nay.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Sushma Swaraj cho biết Chính phủ mới của Ấn Độ khẳng định coi trọng hợp tác với Việt Nam và cho rằng Việt Nam có một vị thế ngày càng quan trọng trên thế giới. Bà Bộ trưởng cũng chuyển lời của Thủ tướng Narendra Modi mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ trong đầu tháng 10 tới để thảo luận về những phương hướng lớn trong quan hệ song phương.
Bà Sushma Swaraj cho biết, chuyến thăm lần này của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ tới Việt Nam vào tháng 9 tới và chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Việt Nam vào tháng 10 cho thấy tầm mức của mối quan hệ giữa hai nước và sự coi trọng của Ấn Độ đối với Việt Nam.
Video đang HOT
Cho rằng tiềm năng giữa hai nước còn rất lớn, bà Sushma Swaraj đề nghị hai bên nỗ lực để tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Ấn Độ đánh giá cao về vị thế an ninh – quốc phòng của Việt Nam và mong muốn Việt Nam trở thành đối tác của Ấn Độ trong lĩnh vực này. Về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, Bà Bộ trưởng mong muốn hai bên thúc đẩy để tăng khối lượng đầu tư và thương mại song phương gấp 2 đến 3 lần mức hiện nay. Hai bên cần đẩy nhanh tiến độ để sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Tự do (FTA) song phương; thúc đẩy để các hãng hàng không hai bên sớm mở đường bay thẳng giữa hai nước.
Bà Bộ trưởng cũng cho biết các doanh nghiệp hàng đầu của Ấn Độ rất quan tâm và mong muốn tham gia đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng lớn tại Việt Nam và Ấn Độ cũng mong muốn đạt được các thỏa thuận hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nuôi cá da trơn, sản xuất ngô và lúa gạo.
Bên cạnh đó, hai nước cũng cần thúc đẩy giao lưu, nhất là giao lưu thanh niên và giao lưu văn hóa nhằm tăng cường sự hiểu biết giữa người dân 2 nước.
Về vấn đề Biển Đông, bà Sushma Swaraj cho biết tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Myanmar vừa qua, Ấn Độ đã bày tỏ rõ ràng quan điểm phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng bạo lực trong các tranh chấp quốc tế, đồng thời lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp quốc về Luật biển 1982.
Hoan nghênh và đánh giá cao các ý kiến của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước trên các lĩnh vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhất trí với các đề xuất của Bộ trưởng Sushma Swaraj, đồng thời khằng định mong muốn của Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Đối tác chiến lược với Ấn Độ trên tất cả các lĩnh vực, như chính trị – ngoại giao; kinh tế, thương mại, đầu tư; an ninh – quốc phòng; giáo dục – đào tạo; khoa học – kỹ thuật; văn hóa; giao lưu nhân dân…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam nhiệt liệt chào đón Tổng thống Ấn Độ thăm Việt Nam vào tháng 9 tới, đồng cảm ơn Thủ tướng Narendra Modi mời Thủ tướng Việt Nam thăm chính thức Ấn Độ, cho đây là những sự kiện hết sức quan trọng để đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Ấn Độ tiếp tục phát triển lên những tầm cao mới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam ủng hộ chính sách Hướng Đông của Ấn Độ cũng như ủng hộ quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa Ấn Độ và các nước ASEAN. Thủ tướng cũng chúc mừng những thành tựu to lớn của nhân dân Ấn Độ và vị thế ngày càng lớn mạnh của Ấn Độ trên trường quốc tế, sự đóng góp của Ấn Độ vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
P.Thảo
Theo dantri
Chủ tịch EC: EU-Việt Nam cùng lạc quan hướng về phía trước
Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso sẽ thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 25-26/8.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso bên lề Hội nghị cấp cao An ninh Hạt nhân lần thứ ba tại La Haye (Hà Lan), tháng 3/2014. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai của ông Barroso với tư cách Chủ tịch EC, trong bối cảnh mối quan hệ giữa EU và Việt Nam đang phát triển tốt và phong phú, tạo cơ hội hợp tác mới trong nhiều lĩnh vực.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Bỉ đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Barroso về mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU).
Chủ tịch EC Barroso cho biết đây là lần thứ hai ông đến Việt Nam với tư cách Chủ tịch EC. Kể từ lần đầu tiên đến Việt Nam vào tháng 11/2007, quan hệ song phương của hai bên đã phát triển mạnh mẽ và toàn diện.
Việc ký kết Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) vào năm 2012, do ông Barroso và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khởi động đàm phán, là một mốc quan trọng trong quan hệ EU-Việt Nam. Vì vậy, mục đích chuyến thăm Việt Nam lần này là nhằm củng cố các kết quả đạt được, khởi động và hợp tác theo lĩnh vực, cũng như đạt tiến triển trong đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA), được khởi động từ năm 2012, mốc quan trọng thứ hai trong mối quan hệ Việt Nam-EU.
Nếu hoàn tất, FTA sẽ tăng cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, tạo nhiều ưu đãi cho hàng xuất khẩu Việt Nam sang EU, cũng như tạo cho Việt Nam nhiều triển vọng trong nền kinh tế toàn cầu.
Người đứng đầu EC nhấn mạnh trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và đứng thứ hai về đối tác thương mại song phương. Trao đổi thương mại song phương EU-Việt Nam tăng gần 20% mỗi năm, đạt 27 tỷ euro (37 tỷ USD) trong năm 2013. EC và các nước thành viên EU cũng là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất của Việt Nam.
Trong giai đoạn 2014-2020, EC đã cam kết viện trợ không hoàn lại 400 triệu euro cho Việt Nam để phát triển đất nước, nhiều hơn 100 triệu so với giai đoạn 2007-2013.
Về chính trị, ông Barroso đánh giá cao vai trò của Việt Nam như một điều phối viên trong quan hệ giữa EU và ASEAN.
Theo Chủ tịch Barroso, kể từ khi Việt Nam mở cửa ra thế giới với chính sách "Đổi mới" và kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đất nước đã có một sự phát triển kinh tế ngoạn mục. Mức sống của người dân được cải thiện đáng kể. Lạm phát và tỷ giá hối đoái đạt được bình ổn là những thành tựu quan trọng.
Tuy nhiên, thành công này lại mở ra những thách thức mới cho Việt Nam, nước mới được xếp loại quốc gia thu nhập trung bình. Việt Nam phải thực hiện một cam kết vững chắc theo hướng công nghiệp hóa. Điều này đòi hỏi không chỉ phát triển về số lượng mà còn về chất lượng, bao gồm cả tự do hóa và hiện đại hóa nền kinh tế hướng tới một nền kinh tế thị trường thực sự đã được tích hợp đầy đủ trong thế giới toàn cầu. Đây là nơi mà các Hiệp định Thương mại Tự do đóng vai trò quan trọng.
Về vấn đề Biển Đông, ông Barroso khẳng định EU coi trọng hòa bình và ổn định trong khu vực. EU đang khuyến khích tất cả các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình, thông qua đối thoại và hợp tác, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển và tiếp tục bảo đảm an toàn và tự do hàng hải.
Cuối cùng, ông Barroso cũng bày tỏ tin tưởng vào tiềm năng của Việt Nam và mối quan hệ song phương Việt Nam-EU, đồng thời hy vọng FTA EU-Việt Nam sớm được ký kết. Châu Âu và Việt Nam cùng lạc quan hướng về phía trước.
http://www.vietnamplus.vn/chu-tich-ec-euviet-nam-cung-lac-quan-huong-ve-phia-truoc/277677.vnp
Theo Vietnamplus
Chủ tịch Quốc hội Campuchia bắt đầu thăm Việt Nam Sáng 18/8, nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Đoàn đại biểu Cấp cao Quốc hội Vương quốc Campuchia do Chủ tịch Quốc hội Samdech Akka Moha Ponhea Chakrei HENG SAMRIN dẫn đầu đã tới Hà Nội, bắt đầu thăm chính thức Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Heng Samrin. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) Tháp tùng...