Việt Nam 10 năm liên tiếp đứng đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều
Việt Nam duy trì vị trí xuất khẩu điều hàng đầu thế giới năm thứ 10 liên tiếp và hiện chiếm 50% tổng giá trị thương mại nhân điều toàn cầu.
Đây là thông tin vừa được Hiệp hội Điều Việt Nam đưa ra tại buổi họp về tình hình sản xuất kinh doanh điều quý 1/2016, tổ chức chiều 4/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhân điều là mặt hàng nông sản của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng . Năm 2015, Việt Nam xuất khẩu 330.000 tấn nhân điều, tổng kim ngạch đạt 2,5 triệu USD.
Chế biến hạt điều xuất khẩu. (Ảnh minh họa: Internet)
Việt Nam đã xuất khẩu nhân điều đến 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó Mỹ, Trung Quốc và châu Âu là những thị trường chủ lực.Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, trong năm nay và thời gian tới, Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm để giảm thấp nhất những rủi ro sản xuất, xuất khẩu nhân điều ra thế giới.
Bà Vũ Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty HD Cashew cho biết, hiện nay trên 40% các nhà máy sản xuất hạt điều không đảm bảo vệ sinh thực phẩm.
“Những nhà máy đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm thì khách lớn trên thế giới họ mới đồng ý mua. Còn những nhà máy nhỏ họ sẽ chỉ xuất đi những nước dễ tính hơn, như Trung Đông, Nga… nhưng rủi ro về tranh chấp thương mại rất lớn,” bà Hương nói./.
Video đang HOT
Xuất khẩu điều tăng cả lượng và giá trị
Ngọc Luân
Theo_VOV
Gạo Việt còn cửa thắng Campuchia: Chiều thị trường Trung Quốc
Doanh nghiệp Việt phải xuất khẩu nhiều gạo chất lượng cao vào Trung Quốc thay vì chỉ xuất khẩu gạo giá rẻ, trộn tùm lum để cạnh tranh như trước đây.
PGS.TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) trao đổi về nguy cơ gạo Việt thua xa gạo Thái Lan, Campuchia nếu không thay đổi cách làm.
PV: - Tham tán thương mại thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam qua Trung Quốc hiện chiếm tới 54% tổng số lượng gạo mà quốc gia này nhập khẩu, nhưng Việt Nam đang đối mặt với một đối thủ tiềm năng, đó là "hiện tượng" Campuchia. Tuy quốc gia này mới tiến hành xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc vài năm gần đây, nhưng tốc độ tăng trưởng rất cao, với khối lượng xuất khẩu năm 2015 là 116.000 tấn, tăng 138% so với năm 2014. Thưa ông, gạo Campuchia xuất sang Trung Quốc ở phân khúc nào và liệu có khả năng sẽ cạnh tranh gay gắt với gạo Việt Nam ở thị trường này không, vì sao? Và Trung Quốc sẽ tận dụng lợi thế đa dạng nguồn cung thế nào để ép lại gạo Việt Nam?
PGS.TS Dương Văn Chín: - Campuchia xuất khẩu phần lớn là gạo lúa mùa nên chất lượng cơm rất cao. Việt Nam bây giờ không thể quay trở lại trồng lúa mùa như Campuchia được vì diện tích đất trên đầu người của Việt Nam rất thấp so với Thái Lan và Campuchia, do đó phải lai tạo, chọn lọc ra những giống lúa cao sản ngắn ngày, một năm có thể trồng được 3 vụ, nhưng chất lượng gạo không thua kém gì lúa mùa của Campuchia. Chỉ có cách đó Việt Nam mới cạnh tranh thắng lợi với Campuchia mà thôi.
Tập đoàn Lộc Trời có giống Lộc Trời 18 là gạo dài trên 8mm, ăn ngon không thua kém gì gạo mùa của Campuchia và Thái Lan. Hiện nay Tập đoàn đang phát triển mạnh giống lúa này ở vụ đông xuân cũng như những vụ về sau. Ngoài ra, Tập đoàn còn có giống Lộc Trời số 1, tên cũ trước đây là AGPPS 103, được Tổ chức nghiên cứu lúa gạo thế giới (The Rice Trader) công nhận lọt vào top 3 gạo ngon nhất thế giới năm 2015. Đó cũng là một lợi thế cạnh tranh của gạo Việt Nam.
Hàng ngàn hecta lúa, hoa màu cùng đời sống người dân các tỉnh trong khu vực ĐBSCL bị thiệt hại, ảnh hưởng nghiêm trọng do tình trạng xâm nhập mặn. Ảnh: Tuổi trẻ
Từ trước đến nay, Việt Nam bán gạo cho Trung Quốc chủ yếu là gạo cấp thấp, giá rẻ nhưng người dân Trung Quốc ngày càng giàu, họ ăn ít cơm nhưng chất lượng gạo phải ngon, họ sẵn sàng chi tiền để ăn gạo ngon hơn. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải xuất khẩu nhiều gạo chất lượng cao vào Trung Quốc, thay vì chỉ xuất khẩu gạo giá rẻ, trộn tùm lum để cạnh tranh như trước đây bởi nếu làm theo cách cũ gạo Việt sẽ càng ngày càng thua mà thôi.
Doanh nghiệp Việt phải tính theo hai hướng: Thứ nhất, đối với nhóm dân ở miền bắc Trung Quốc ăn gạo Japonica có hạt tròn, cơm dẻo như kiểu Nhật Bản thì Việt Nam trồng các giống Japonia để xuất cho họ. Cái này Campuchia không thể cạnh tranh với Việt Nam được vì họ không biết trồng giống Japonica, trong khi Việt Nam rất có kinh nghiệm.
Thứ hai, đối với nhóm dân ở miền nam Trung Quốc ăn gạo hạt dài như người Việt, Việt Nam phải chọn những giống cao sản hạt dài đặc sắc như giống Lộc Trời 18 để đấu thắng lợi với gạo mùa của Campuchia.
Về khả năng Trung Quốc tận dụng lợi thế đa dạng nguồn cung thế nào để ép lại gạo Việt Nam, tôi không sợ chuyện này bởi dân Trung Quốc rất đông, biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt, có những năm hạn hán rất nặng nề ở Trung Quốc, mà để đảm bảo đủ lương thực cho 1,3 tỷ dân Trung Quốc là vô cùng khó khăn. Vấn đề là doanh nghiệp Việt phải tìm hiểu cho được thói quen, nhu cầu ăn gạo của từng dân tộc, từng địa phương Trung Quốc, nơi nào thích ăn loại gạo gì thì chào hàng với họ, thỏa mãn đúng nhu cầu của họ thì mới cạnh tranh được.
PV: - Ở một diễn biến khác, đối thủ xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam là Thái Lan dự kiến sẽ triển khai một chiến lược 20 năm về lúa gạo trong đó bao quát các giai đoạn quản lý từ trồng trọt đến thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, Thái Lan cũng đang nghiên cứu việc chuyển dòng cửa sông Loei, một nhánh của sông Mekong, để đưa nước đến các vùng nông nghiệp ở Đông Bắc nước này. Theo ông, những bước đi này sẽ mang lại những thay đổi gì cho ngành lúa gạo Thái Lan, đặc biệt là khả năng cạnh tranh của gạo Thái Lan trên trường quốc tế? Gạo Việt sẽ gặp khó khăn gì từ những bước chuyển mình này của Thái Lan?
PGS.TS Dương Văn Chín: - Nếu các nước trên thượng nguồn Mekong chặn dòng chỉ đơn thuần là để sản xuất thủy điện thì nó ít ảnh hưởng hơn tới Việt Nam bởi khi mùa mưa đến họ phải xả nước xuống bởi tích nước mãi sẽ dẫn đến bể đập. Còn mùa nắng họ cũng xả để sản xuất điện, điều hòa quanh năm. Tuy nhiên, nếu họ chặn dòng vừa để sản xuất điện vừa lấy nước để trồng trọt thì rất nguy hiểm do khi họ hút nước lên trồng trọt thì cây trồng hấp thụ nước, nước trên đồng ruộng sẽ bốc hơi lên, như vậy nước về hạ du càng ngày càng ít. Điều đó dẫn tới việc ĐBSCL bị xâm nhập mặn ngày càng nhiều, làm giảm sản lượng lúa gạo của Việt Nam.
Nguồn nước ngọt sẽ giúp Thái Lan trồng được nhiều lúa hơn, họ không chỉ trồng các giống lúa mùa năng suất thấp, chất lượng cao mà còn trồng các giống lúa cao sản chất lượng cao, trong khi đó Việt Nam bị nước mặn xâm nhập, diện tích trồng lúa giảm, đây là điều hết sức nguy hiểm cho cạnh tranh lúa gạo giữa Thái Lan và Việt Nam.
Chính vì thế, đối với vấn đề sử dụng nước sông Mekong, Ủy hội sông Mekong quốc tế mà Thái Lan và Việt Nam đều là thành viên phải tổ chức họp để bàn cách sử dụng nguồn nước tối ưu nhất, tránh mâu thuẫn. Ngoài ra, tôi được biết, trước đây Chính phủ Việt Nam và Thái Lan rất muốn bắt tay nhau để thống lĩnh gạo xuất khẩu trên thế giới. Nếu thành hiện thực, hai bên sẽ không còn là đối thủ cạnh tranh mà cùng sống chung để thống trị gạo xuất khẩu, đó là điều rất tốt.
PV: - Trong khi đó, việc chuyển nước của Thái Lan, hệ lụy nguy hại của các đập thủy điện trên sông Mekong cùng với hậu quả của biến đổi khí hậu đang gây khó khăn rất lớn cho ngành lúa gạo của Việt Nam. Ông đã hình dung ra nguy cơ gạo Việt thua xa gạo Thái, Campuchia như thế nào? Liệu điều đó có sớm thành hiện thực?
PGS.TS Dương Văn Chín: - Nguy cơ thì có nhưng Việt Nam phải khéo léo bởi bản thân biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nguồn nước thiếu... không phải một sớm một chiều giết chết ngành lúa gạo ở ĐBSCL mà nó chỉ ảnh hưởng đến vùng ven biển. Ngoài ra, điều đó không phải ảnh hưởng trong tất cả các mùa, mà chỉ ảnh hưởng trong mùa nắng. Việt Nam còn những diện tích đất rất rộng để trồng lúa nên phải cải tiến giống lúa của mình - như tôi đề cập ở trên - đó là những giống cao sản năng suất cao nhưng chất lượng không thua gì lúa mùa để có thể thích ứng với bất kỳ mùa vụ nào trong năm.
Ví dụ, nếu xâm nhập mặn ngày càng lấn sâu vào đất liền, bà con có thể trồng một vụ lúa trong mùa mưa, còn mùa nắng nuôi tôm. Cũng cần lưu ý, một vụ trong mùa mưa kia không phải chỉ trồng lúa mùa quang cảm mà có thể trồng lúa cao sản chất lượng cao. Rõ ràng chúng ta sẽ vẫn có cách để vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, vừa đảm bảo thắng lợi trong thị trường gạo xuất khẩu.
PV: - Chiến lược mua rẻ bán rẻ đã bộc lộ quá nhiều điểm hạn chế, sự độc quyền trong ngành lúa gạo cũng đã được các chuyên gia chỉ ra, theo ông, nếu Việt Nam không thay đổi thì tương lai ngành xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ như thế nào?
PGS.TS Dương Văn Chín: - Đương nhiên là Việt Nam sẽ bị thua thiệt. Nếu phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chỉ là đi mua gạo trôi nổi của thương lái, hàng xáo rồi đem về trà trộn, nghĩa là chỉ bán toàn gạo cấp thấp, giá rẻ thì tương lai gạo Việt sẽ bị khách hàng chê và không chấp nhận do chất lượng kém.
Trong số 140 doanh nghiệp kinh doanh lương thực thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam, chỉ cần 70 doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo, mỗi doanh nghiệp xây dựng một vùng nguyên liệu nhỏ khoảng 2.000-3.000ha mà họ kiểm soát từ đầu đến cuối các khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến thì Việt Nam cũng sẽ có một số lượng lúa rất lớn đảm bảo chất lượng.
Một khi doanh nghiệp biết chắc xuất khẩu ở chỗ nào được giá cao nhất, tức đảm bảo được đầu ra rồi mới trồng giống lúa khách hàng yêu cầu trong vùng nguyên liệu thì sẽ bán được gạo giá cao. Tới đây các công ty sẽ phải làm ngày càng chuyên nghiệp, gạo bán ra thị trường nội địa cũng phải đóng bao túi, có địa chỉ, nguồn gốc rõ ràng, mẫu mã đẹp.
Khi đã hội nhập, người ta không thể ăn mãi những loại gạo được người bán tạp hóa chất đầy trong bao 20kg, 50kg..., rồi trên đó cắm những tấm biển ghi giá. Những cái đó trong tương lai không xa sẽ biến mất, người dân ngày càng chuộng gạo có bao túi đẹp, địa chỉ người sản xuất, phân phối ghi rõ trên nhãn để khi ăn gạo có vấn đề gì người ta còn biết chỗ mà kiện.
Theo_Báo Đất Việt
Xuất khẩu gạo nước ta: Thuận lợi nhưng tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường Xuất khẩu gạo nước ta 2 tháng đầu năm nay tăng mạnh về lượng nhưng giảm về giá. Nhưng theo các chuyên gia, xuất khẩu gạo của Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường... Xuất khẩu gạo tăng mạnh về lượng nhưng giá giảm Số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, xuất...