Việt – Mỹ: Tương lai “không điều gì là không thể”
Chỉ riêng việc Tổng thống Mỹ lần đầu tiên mời và đón tiếp Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Đảng chính trị của một quốc gia, ở mức cao nhất cho thấy quan hệ Việt-Mỹ đã tiến triển nhanh chóng ra sao sau 20 năm bình thường hóa.
Tuần Việt Nam tiếp tục giới thiệu bài viết phần 2 của TS Hoàng Anh Tuấn trong loạt bài 20 năm quan hệ Việt-Mỹ.
Sự kiện đó còn cho thấy “lòng tin chiến lược” ở khu vực CA-TBD không chỉ là câu chuyện quan hệ giữa các nước lớn, mà cần và có thể dẫn dắt bởi quan hệ giữa nước lớn với nước nhỏ.
Trong vài thập kỷ gần đây, Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia trên thế giới tham gia khá nhiều cuộc thương lượng “siêu Marathon” với Mỹ. Đó là các cuộc đàm phán về Hiệp định hòa bình Paris từ 1968-1973, Bình thường hóa quan hệ từ 1992-1995, Hiệp định quan hệ thương mại song phương BTA từ 1996-2000, Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn PNTR từ 2003-2006 và gần đây nhất, Hiệp định thiết lập Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP từ năm 2011 đến nay.
Những sự kiện đó một mặt cho thấy còn khá nhiều khó khăn, phức tạp tồn tại trong quan hệ hai nước. Mặt khác nhờ có các “siêu đàm phán” này mà hai “cựu thù” hiểu thấu đáo hơn các điểm mạnh, điểm yếu, cũng như các rào cản để đưa quan hệ tiến về phía trước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Mỹ Barack Obama có cuộc gặp bên lề EAS. Ảnh: Getty images
“Bình thường” hóa quan hệ sau bình thường hóa
Khi Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ năm 1995, ngoài quan hệ ngoại giao, hai nước vẫn chưa thật sự “bình thường” theo đúng nghĩa của từ này. Xuất phát điểm của quan hệ khi đó rất thấp: thương mại hai chiều lẫn đầu tư trực tiếp FDI của Mỹ vào Việt Nam gần như bằng không. Hợp tác chính trị, quốc phòng-an ninh vẫn “như tờ giấy trắng”, trong lĩnh vực giáo dục mới có khoảng 200 sinh viên Việt Nam theo học tại các trường đại học của Mỹ.
Điểm “sáng” duy nhất lúc này là hợp tác tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA), nhưng lại xuất phát từ sự đáp ứng “đơn phương” của Việt Nam. Chưa hết, quá khứ và gánh nặng chiến tranh quá lớn khiến các sáng kiến mang tính “đột phá”, thúc đẩy quan hệ đều gặp không ít lực cản từ cả hai phía.
Tuy nhiên, chỉ sau 20 năm, diện mạo quan hệ hai nước đã thay đổi một cách căn bản.
Về chính trị-ngoại giao, các cuộc thăm viếng cấp cao giữa hai nước diễn ra thường xuyên như chuyến thăm chính thức Việt Nam của các Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Bush, các chuyến thăm Mỹ chính thức của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng, và sắp tới là của TBT Nguyễn Phú Trọng.
Video đang HOT
Chính nhờ tác động lan tỏa từ các chuyến viếng thăm cấp cao này, hàng loạt các văn kiện, thỏa thuận hợp tác từ kinh tế đến giáo dục, từ đầu tư đến giáo dục được ký kết, mở rộng nền tảng quan hệ. Đáng chú ý, hai nước hiện nay đã thiết lập trên 10 kênh đối thoại hiệu quả để vừa xây dựng lòng tin, vừa xử lý các thách thức nảy sinh từ kênh Đối thoại chính sách quốc phòng, Đối thoại Chính trị, An ninh, Quốc phòng, Đối thoại châu Á-TBD đến Đối thoại nhân quyền. Ngoài hợp tác song phương, hai bên có sự hợp tác tương đối hiệu quả trên các diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu như ARF, ADMM , Cấp cao Đông Á EAS, Liên hợp quốc.
Về kinh tế, quan hệ thương mại Mỹ-Việt có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất so với quan hệ thương mại của Mỹ và các đối tác khác, trong đó chủ yếu là nhập khẩu từ Việt Nam. Còn đối với Việt Nam, nếu như năm 1995 ta mới bắt đầu tiếp cận thị trường Mỹ, thì vào thời điểm hai nước ký BTA năm 2000 xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã tăng lên 800 triệu USD với hai mặt hàng chủ lực là cà phê và tôm.
Đến năm 2014, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với trên 30 tỷ USD, gồm các mặt hàng may mặc, đồ điện tử, giày dép, gạo, cá… Về đầu tư, tuy tiếp cận thị trường Việt Nam khá muộn, nhưng tính đến 6/2015, Mỹ đã vươn lên thứ 7 trong số các quốc gia và lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam với tổng FDI là 10,7 tỷ USD.
Về hợp tác quốc phòng, hai nước đã có bước tiến dài năm 2011. Việt Nam và Mỹ đã ký Bản ghi nhớ (MOU) giữa Bộ Quốc phòng hai nước về thúc đẩy hợp tác song phương, trong đó tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên.
Thứ nhất, thiết lập các cơ chế đối thoại thường xuyên cấp cao giữa Bộ quốc phòng Mỹ và Bộ quốc phòng Việt Nam. Thứ hai, An ninh biển. Ba là, tìm kiếm cứu nạn. Thứ tư, nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm về hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Năm là, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.
Một ví dụ trong khuôn khổ MOU này, hai nước đã hợp tác trong việc tìm kiếm máy bay MH-370 bị mất tích của Malaysia, Mỹ trợ giúp về kỹ thuật cho việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.
Tháng 6/2015, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Việt Nam và Mỹ đã ký Tuyên bố tầm nhìn chung thay cho MOU về hợp tác quốc phòng nhân dịp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thăm Việt Nam. Bao gồm 5 nội dung: tăng cường tham vấn chính sách; hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh như rà phá bom mìn và tẩy độc dioxin; hợp tác giữ gìn hòa bình của liên hợp quốc; khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu trợ; và hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển trên cơ sở luật pháp quốc tế và luật pháp mỗi bên.
Giáo dục-đào tạo và các lĩnh vực khác cũng có sự phát triển vượt bậc. Với trên 17.000 sinh viên hiện theo học tại Mỹ, Việt Nam hiện là nước có số lượng sinh đông thứ 5 tại châu Á và đây là nguồn cung cấp nhân lực chất lượng cao quan trọng cho tiến trình hội nhập và phát triển của Việt Nam.
Bước ngoặt quan trọng trong quan hệ Việt-Mỹ giai đoạn này là việc hai nước ký Thỏa thuận thiết lập quan hệ đối tác toàn diện khi Chủ tịch Trương Tấn Sang thăm Mỹ tháng 7/2013. Thỏa thuận này bao trùm toàn bộ các lĩnh vực từ thương mại-khoa học công nghệ đến giáo dục-đào tạo, từ chính trị-an ninh đến quốc phòng-an ninh, chính trị-ngoại giao thậm chí cả vấn đề nhạy cảm là nhân quyền. Tuy hình thức chỉ là đối tác toàn diện, nhưng về thực chất thì phạm vi và mức độ hợp tác còn sâu rộng hơn một số thỏa thuận của Việt Nam với các đối tác chiến lược khác.
Nền tảng cho tương lai
Nhận xét về sự phát triển quan hệ Việt-Mỹ sau 20 năm thiết lập quan hệ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định: “Không có hai nước nào nỗ lực hơn, làm được nhiều hơn, và làm được tốt hơn để cố gắng đến với nhau, thay đối lịch sử và thay đổi tương lai” như Việt Nam và Mỹ.
Mặc dù có những khác biệt về thể chế chính trị, cách tiếp cận trong vấn đề dân chủ, nhân quyền, nhưng điều quan trọng là thông qua đối thoại hai nước đã hiểu rõ hơn các khác biệt này, tìm cách giảm thiểu các mặt tiêu cực, trong khi thúc đẩy các mặt hai bên có sự song trùng lợi ích. Đã có nhiều bài bài học lớn trong thời gian qua đối với hai nước.
Một, đó là sự độc lập, tự chủ của cả hai phía trong việc hoạch định và triển khai quan hệ song phương, xuất phát từ lợi ích của hai nước chứ không phải do ảnh hưởng hay tác động từ bên thứ ba.
Hai, triệt để tôn trọng nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau và không ảnh hưởng đến quan hệ của mỗi nước với các nước khác. Đáng chú ý, trong các văn kiện hợp tác song phương phía Mỹ luôn nhấn mạnh đến việc tôn trọng thể chế chính trị, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam… Đây là những cơ sở quan trọng để xây dựng quan hệ tin cậy và điều này không thể đạt được nếu quan hệ hai nước chưa được bình thường hóa và phát triển bình thường.
Ba, trong khi hướng tới tương lai,nhưng hai nước vẫn quan tâm giải quyết các vấn đề do lịch sử để lại. Lịch sử hai nước đã trải qua những năm tháng đau thương, mất mát và đó là thực tế. Cách tốt nhất để thúc đẩy quan hệ là không ngoảnh mặt với quá khứ, nhưng đồng thời cũng không để quá khứ ảnh hưởng đến tương lai quan hệ.
Trên cơ sở đó, Mỹ đã tăng cường trợ giúp nhân đạo để Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, chất độc da cam, hỗ trợ việc tìm kiếm người hy sinh và mất tích trong cuộc chiến. Ngược lại, Việt Nam vẫn tích cực hợp tác, giúp Mỹ kiếm các quân nhân mất tích trong chiến tranh.
Tuy đã có những bước tiến vượt bậc, nhưng tiềm năng quan hệ Việt-Mỹ trong tương lai vẫn còn rất lớn. Đại sứ Mỹ Ted Osius cho rằng “không có điều gì là không thể”. Chắc chắn với những nền tảng và khuôn khổ đã được thiết lập, chúng ta có đủ cơ sở để tin rằng quan hệ Việt-Mỹ sẽ có những bước tiến xa hơn trong tương lai.
Theo Hoàng Anh Tuấn (Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao)
Vietnamnet
Muốn hiểu hòa bình hãy đến Việt Nam!
Đối với nhiều cựu chiến binh (CCB) Mỹ từng tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam, dù chiến tranh đã lùi xa 40 năm, song quá khứ vẫn là nỗi day dứt trong lòng họ.
Vì lẽ đó, trở lại Việt Nam, làm một việc gì đó có ý nghĩa cho đất nước này luôn là mong muốn của các CCB Mỹ. Mong muốn đó đến nay đã trở thành hiện thực của nhiều thành viên Tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình của Mỹ, trong đó có Frank Campbell và Peter Nguyễn (Nguyễn Thế Phương).
Chưa bao giờ nghĩ Việt Nam là kẻ thù
Cựu chiến binh Mỹ Frank Campbell
Trở lại Việt Nam sau hơn 40 năm, Frank Campbell , CCB Mỹ từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam, không giấu được xúc động. Bởi lẽ trong lòng CCB này vẫn còn những day dứt về chiến tranh, về những gì mà nhẽ ra ông không nên làm ở thời điểm đó.
Frank Campbell đến Việt Nam vào năm 1972. Khi đó, ông là Thuyền trưởng Hải quân Hoa Kỳ đóng trên Biển Đông và chỉ ở trên tàu không vào đất liền. Mặc dù vậy, ông cũng được tận mắt chứng kiến sự tàn phá mà quân đội Mỹ để lại trên mảnh đất hình chữ S này. "Tôi đã chứng kiến những chiếc B-52 rải bom ở khu vực miền Trung. Tôi không nhìn thấy cảnh tượng tàn phá lúc đó vì lúc đó tôi ở trên tàu, nhưng hậu quả của bom, mìn sau chiến tranh thì tôi biết rất rõ", ông Frank Campbell nói.
Đó là lý do vì sao sau khi nghỉ hưu năm 1988, ông Frank Campbell tiếp tục làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đồng thời tham gia vào Tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình của Mỹ. "Tôi đã tham gia vào VEP với mong muốn vận động những người từng tham gia chiến tranh nói lên tiếng nói của mình và phản đối chiến tranh. Chiến tranh không bao giờ là câu trả lời cho bất kỳ điều gì, cho cả người chiến thắng và người thua", ông Frank Campbell chia sẻ.
Ông Frank Campbell cho biết, kể từ khi rời Việt Nam năm 1974, ông luôn mong muốn trở lại đây vì như lời ông nói "chưa bao giờ ông nghĩ Việt Nam là kẻ thù của mình". Trở lại Việt Nam sau 40 năm, ông Frank Campbell hoàn toàn bất ngờ trước sự thay đổi ngoạn mục về mọi mặt của mảnh đất này. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng, do hậu quả chiến tranh không chỉ đối với người dân Việt Nam mà cả người Mỹ còn khá nặng nề, nên công việc trước mắt còn rất nhiều.
"Các CCB Mỹ cần phải làm nhiều hơn nữa để kêu gọi chính phủ hỗ trợ cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, nạn nhân bom, mìn Việt Nam cũng như làm sạch khu vực bom, mìn còn sót lại trong chiến tranh. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải khép lại quá khứ và nhìn về tương lai. Tôi hy vọng con cháu của chúng ta không phải trải qua chiến tranh", ông Frank Campbell bày tỏ.
Mỗi lần trở về lại thấy đất nước đổi thay mạnh mẽ
Cựu chiến binh Peter Nguyễn
Rời Việt Nam vào tối 29-4-1975, khi đó Peter Nguyễn mới 23 tuổi. Thế nhưng, trước đó Peter Nguyễn đã có 3 năm kinh nghiệm làm sĩ quan tình báo cho Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Đó là lý do vì sao khi biết chính quyền Sài Gòn sắp sụp đổ, Peter Nguyễn cùng gia đình di tản sang Mỹ.
Tại Mỹ, Peter Nguyễn theo học tại Trường Đại học Colorado ở TP Boulder, tiểu bang Colorado. "Lúc đó tin tức ở Việt Nam rất ít. Muốn hiểu cái gì về Việt Nam, tôi phải vào thư viện, tìm báo chí của Mỹ, Pháp và đọc một cách ngấu nghiến. Năm 1977, tôi cố gắng tiết kiệm tiền để mua một chiếc đài bắt sóng ngắn với giá hơn 300USD, trong khi tôi làm việc chỉ được 2USD/giờ. Nhờ có chiếc đài này, tôi đã bắt được sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và biết được thông tin từ quê nhà", Peter Nguyễn nói.
Ba năm sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ, năm 1998, lần đầu tiên Peter Nguyễn trở về Việt Nam. Từ đó đến nay, ông đã 10 lần trở về quê hương. Mỗi lần trở về, ông lại thấy đất nước đổi thay mạnh mẽ, từ xây dựng nhà cửa, đường sá, nhà máy đến phát triển kinh tế, văn hóa... Năm 2013, ông là một trong những kiều bào ra thăm Trường Sa. Sau lần đi đó, ông mang về Mỹ một ít nước, cát, san hô ở Trường Sa và để lên bàn thờ. Mỗi sáng, ông dậy sớm thắp nén hương thơm, đọc kinh, cầu mong Biển Đông không "dậy sóng".
Ông Peter Nguyễn chia sẻ: "Sau khi sang Mỹ, tôi mới hiểu được thế nào là hòa bình. Đó là nơi không có tiếng súng, không có lệnh giới nghiêm... Từ đó tôi tham gia vào Tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình. Cho đến nay, tôi vẫn nói với kiều bào ở Mỹ và ngay cả người Mỹ rằng, muốn hiểu hòa bình hãy đến Việt Nam. Bởi hòa bình có giá trị rất thiêng liêng, nhất là khi người Việt Nam phải trả giá rất đắt để có được nó".
Bài và ảnh theo Linh Oanh
Quân đội Nhân dân
BBC: Mỹ-Việt hoạt động hải quân chung Hải quân Việt Nam và Mỹ sẽ có đợt hoạt động chung lần thứ sáu bắt đầu từ ngày 6/4 tới, theo thông cáo của Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM. Đợt hoạt động này trùng kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước từng có thời chiến tranh với nhau. Theo thông cáo, lễ đón sẽ được...