Việt kiều về nước “làm ruộng”: 7 năm trồng dâu tây mà giờ chưa lãi
Vợ chồng anh Nghiêm Văn Minh-Nguyễn Thị Bích Thủy (Việt kiều Pháp) trong 7 năm qua đã bỏ ra 30 tỷ đồng đầu tư trồng dâu tây giống Pháp. Mặc dù, doanh thu của trang trại 2ha trồng dâu tây của anh Minh, chị Thủy bình quân đạt 5,5 tỷ đồng/năm, nhưng tới nay vẫn chưa có được đồng lãi nào…
Trang trại trồng dâu tây Biofresh của vợ chồng anh Minh-chị Thủy nằm trong khu du lịch hồ Than Thở, ở phường 12, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Dâu tây được trồng trên giàn trong nhà kính theo tiêu chuẩn châu Âu, không sử dụng thuốc trừ sâu nên sản phẩm luôn “cháy” hàng.
Chị Nguyễn Thị Bích Thủy (trong ảnh), Phó Giám đốc Công ty TNHH Sinh học sạch (Biofresh Co. Ltd), là chủ trang trại dâu tây này cho biết, dâu được trồng ở đây có giống nhập từ châu Âu…
Biofresh Farm nằm trong khu du lịch hồ Than Thở, ở phường 12, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
Theo quy trình, cây dâu mẹ được nhập từ Pháp về sẽ được trồng trong nhà kính, sau đó lấy ngó từ cây mẹ này để tách trồng nhân ra cây con…
Cây con được ươm trồng khoảng hơn 1 tuần trước khi chuyển sang trồng trong chậu hoặc khay giá thể….
Anh Nguyễn Trung Hiếu (quê Tây Ninh), một trong các kỹ thuật viên tại trang trại đang chăm sóc cây con.
Video đang HOT
Cây con được trồng trong chậu đặt trên giàn cách mặt đất khoảng 1m… Trong ảnh là chị Phạm Như Quỳnh (36 tuổi, ngụ phường 10, TP Đà Lạt), công nhân tại đây cho biết, từ khi trồng cây con vào chậu đến khi có quả dâu cho thu hoạch chỉ mất khoảng hơn 1 tháng…
Chị Thủy cho biết, sau nhiều năm vừa làm vừa học hỏi và rút kinh nghiệm, giải pháp trồng dâu trên khay giá thể sẽ thuận lợi hơn cho chăm sóc và thu hoạch, đặc biệt giải pháp này tiết kiệm khoảng 30% chi phí sản xuất, riêng vận chuyển có thể tiết kiệm tới 50% chi phí…
Kinh nghiệm cho thấy, chỉ cần hệ thống dây căng (như dây màu trắng trong ảnh) cũng đóng vai trò quan trọng để giữ cho các chùm dâu xõa thống nhất về hai bên khay giá thể vừa giúp dễ chăm bón, thu hoạch…
Việc đặt các chậu cây trên giàn cũng phải có tiêu chuẩn về độ cao, khoảng cách. Trung bình mỗi sào đất, trang trại này đang trồng khoảng 8.000 cây dâu.
Xuất phát từ khát vọng giúp nền nông nghiệp Việt Nam bứt phá, giúp người nông dân Việt Nam có thể làm giàu trên mảnh đất của mình, đặc biệt là có sản phẩm sạch và giàu dinh dưỡng, anh Nghiêm Văn Minh (Giám đốc Công ty Biofresh Co. Ltd, Việt kiều Pháp, vốn là chuyên gia khoa học máy tính tại Pháp), sau khi kết hôn với chị Thủy năm 2010, đã quyết định về nước bắt đầu “làm ruộng” với cây dâu….
Anh Minh và chị Thủy cho hay, anh chị đã phải tốn rất nhiều công sức, tiền bạc tới Pháp, Hà Lan học hỏi, và huy động các mối quan hệ bạn bè ở Pháp và Việt Nam giúp đỡ mới có thể vượt qua hàng loạt trở ngại về pháp lý, kỹ thuật trồng dâu… , đặc biệt là mà mang được giống dâu tốt từ Pháp về Việt Nam.
Sau 7 năm kỳ công gắn bó với cây dâu, hiện tại, với 2ha dâu tại Biofresh Farm, đang sử dụng 15 lao động, cho thu hoạch 30 tấn trái/năm, doanh thu khoảng 240.000 USD/năm (khoảng 5,5 tỷ VNĐ). Nhưng tổng chi phí đầu tư đã lên đến khoảng 30 tỷ đồng (100% tiền vốn gia đình, không phải vay), và hiện vẫn chưa có lãi…
Hiện mỗi hộp dâu trọng lượng 0,5 kg được bán tại trang trại Biofresh với giá 125.000 đồng, đắt hơn giá nhiều loại dâu khác ngoài thị trường, nhưng vẫn luôn “cháy hàng”. Trang trại xuất bán tươi 80% sản lượng, còn lại khoảng 20% được chế biến làm mứt, sy-rô.
Đã có nhiều đối tác nước ngoài (Hàn Quốc, Nhật Bản…) tìm đến đặt hàng của Biofresh Farm với khối lượng lớn, nhưng chưa có sản phẩm đáp ứng vì diện tích canh tác 2ha quá bé nên sản lượng còn quá ít… Chủ trang trại này mong muốn có thêm đất để đầu tư mở rộng sản xuất lên tối thiểu khoảng 20 ha nữa… Nhưng dù rất nỗ lực mà “bài toán” thiếu đất này vẫn chưa giải được.
Để có sản phẩm đặc trưng như thế này, chị Thủy cho rằng, nếu không trường vốn và kiến thức để làm một cách khoa học thì không thể làm được. Theo chị Thủy khuyến cáo, giờ ai trước khi lao vào làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hãy sâu sát với thực tế hơn (cả về kiến thức, nguồn vốn…) chứ không nên chạy theo phong trào…
Ông Hoàng Sĩ Bích, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng đánh giá cao và ủng hộ hướng phát triển trồng dâu hữu cơ của Biofresh Farm vì đây là xu thế tất yếu để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn…. Sở sẽ hỗ trợ tối đa trong khả năng để công ty này mở rộng diện tích và phát triển sản xuất.
Hiện nay, trang trại dâu tây này còn trở thành một trong những điểm tham quan hấp dẫn du khách khi đến Đà Lạt./.
Theo Ngọc Thân (VOV)
Thu 8-9 tỷ đồng/ha từ rau, hoa: Có thể học tập Lâm Đồng những gì?
Ngày 14.8, Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội nghị "Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng, kinh nghiệm và giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao toàn quốc". Tại hội nghị này, nhiều câu hỏi được đặt ra là, các tỉnh có thể học hỏi được những gì từ cách làm của Lâm Đồng?
Nâng lợi thế cạnh tranh
Báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, với mục tiêu nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị đất sản xuất nông nghiệp, năm 2004 UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Chương trình hướng đến việc xây dựng thương hiệu và tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm đặc thù của Lâm Đồng trên thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Sau hơn 5 năm thực hiện chương trình, đến năm 2010, tổng diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh này là 6.407ha, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 76 triệu đồng/ha (tăng gấp 3,8 lần so với năm 2004), trong đó doanh thu đối với các mô hình điểm rau, hoa ứng dụng CNC đạt từ 500 - 1.000 triệu đồng/ha, chè từ 200 - 250 triệu đồng/ha.
Về phát triển NNCNC, định hướng đến năm 2025 của Lâm Đồng là giá trị sản xuất đạt trên 220 triệu đồng/ha/năm, có ít nhất 70% diện tích được sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn và bền vững...
Mô hình trồng rau thủy canh tại Đà Lạt (Lâm Đồng) cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm/ha. ảnh: D.H
Yêu cầu bức thiết
Mục tiêu từ nay đến cuối năm 2020 của tỉnh Lâm Đồng: - Nâng giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích đạt 170 triệu đồng/ha/năm
- Có 20% diện tích đất canh tác ứng dụng CNC theo tiêu chí mới.
- Đạt 35-40% giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp; sản phẩm đáp ứng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo Bộ NNPNT, sau hơn 30 năm đổi mới, nền nông nghiệp nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả to lớn, từ một đất nước thiếu ăn, chúng ta đã sản xuất đủ lương thực thực phẩm cho người dân và dành một phần xuất khẩu với doanh thu 30 tỷ USD, cung cấp sinh kế cho hơn 10 triệu hộ nông dân nông thôn, hơn 68% số dân, đóng góp khoảng 22% GDP cho nền kinh tế và 23-35% giá trị xuất khẩu, đời sống của nông dân được nâng cao và bộ mặt nông thôn Việt Nam đã từng bước thay đổi theo hướng ngày càng hiện đại.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp nước ta đang trên đà suy giảm, tốc độ tăng năng suất nông nghiệp đang chậm lại và chậm hơn so với hầu hết các nước có cùng trình độ phát triển trong khu vực. Nguyên nhân chính của tình trạng trên chính do sản xuất manh mún, dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ là chính, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến nông, lâm, thuỷ sản chưa cao, cả năng suất lao động lẫn thu nhập đều thấp, sản xuất bấp bênh và giá trị gia tăng còn hạn chế, tác động của sự cạnh tranh gay gắt do hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tiến sĩ Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, việc phát NNƯDCNC hiện nay đang trở thành nhu cầu bức thiết. Trong đó lấy doanh nghiệp là nòng cốt, nông dân làm chủ thể và khoa học công nghệ làm then chốt Thời gian qua, Chính phủ cũng đã rất quan tâm về vấn đề này. Để phát triển tốt ngành NNƯDCNC, theo ông Phạm S cần phải lấy doanh nghiệp làm nòng cốt, nông dân làm chủ thể và khoa học công nghệ là then chốt. Đồng thời trong thời gian tới, Chính phủ cũng như các bộ, ngành cần đưa ra các chính sách phù hợp nhất là trong lĩnh vực tín dụng và đất đai nhằm ưu tiên, khuyến khích cho các doanh nghiệp đầu tư vào NNƯDCNC.
Trồng dâu tây trong nhà kính ở Lâm Đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh khẳng định Lâm Đồng đã đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh cũng như những vướng mắc và từng bước triển khai phát triển NNƯDCNC thận trọng, bền vững, trở thành "hình mẫu" trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của cả nước. Thứ trưởng đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị tỉnh Lâm Đồng và những hình mẫu sản xuất NNCNC tại địa phương; công tác cải các hành chính tạo điều kiện cho mọi người dân và doanh nghiệp được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Doanh, từ những thành công và kinh nghiệm đầu tư vào NNƯDCNC tại Lâm Đồng, các tỉnh cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm và vận dụng ở địa phương mình để đảm bảo đầu tư hiệu quả, trên cơ sở đánh giá kỹ nhu cầu thị trường, xã hội hóa tối đa đầu tư, không bao cấp đầu tư, không chạy theo phong trào, thiếu bền vững. /.
Theo Danviet
Muốn làm nông nghiệp công nghệ cao 8-9 tỷ đồng/ha hãy đến Lâm Đồng Ngày 14.8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) đã phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị "Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ tại Lâm Đồng, kinh nghiệm và giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn quốc". Hội nghị thu hút hơn 250 đại biểu từ các Bộ,...