Việt Hương đầu tư tiền tỷ, mang cả ‘ông nội’ lên web-drama
Xuất hiện trong trang phục tomboy, mái tóc ngắn bạch kim, dáng đi hiên ngang như đàn ông cùng lời cảnh báo: ‘Tao là ông nội của mày!’, Việt Hương một lần nữa gây tò mò với sự biến hoá của mình.
Đưa ‘Ông Nội’ từ phim điện ảnh lên web drama
Nhận được sự yêu mến với diễn xuất chân thật, vừa hài hước vừa ra dáng ‘giang hồ nghĩa hiệp’ thứ thiệt trong vai ‘Ông Nội’ của serie Giang hồ chợ Mới, phim điện ảnh Xóm trọ 3D, Việt Hương chiều lòng khán giả khi bắt tay đạo diễn Mr. Tô sản xuất hẳn một web drama bốn tập dành riêng cho nhân vật này. Đây là phần tiền truyện của serie Giang hồ chợ Mới.
Cách làm này theo xu hướng đưa các nhân vật được yêu thích trong các bộ phim lên phim riêng, có đời sống độc lập, câu chuyện có đầu-kết trọn vẹn. Phần nào cũng để khán giả có bức tranh toàn cảnh về tính cách, số phận của nhân vật, thay vì chỉ là những lát cắt đơn lẻ.
Lấy tên gọi Trật tự mới, tác phẩm mới của nghệ sĩ Việt Hương đưa đến những câu chuyện chưa từng được kể về ‘Ông Nội’, từ những ngày gian khó, chịu bao thị phi, vượt ngàn thử thách để có được chỗ đứng trong ‘xã đoàn’. Đây không phải là cuộc chiến của các bang phái thông thường mà còn là cuộc chiến nội bộ tranh giành quyền lực của những người ‘bằng mặt không bằng lòng’ với nhau.
Trailer của Trật tự mới
Ông Nội là ai? Lai lịch thế nào? Khét tiếng ra sao?
Khởi đầu dự án, những hình ảnh trong teaser được phát hành cách đây vài ngày. Trong đó, Việt Hương với tạo hình mới lạ: tóc tomboy, quần áo tối màu, dáng đi hùng hổ, giọng nói đanh thép và câu chào không thể ấn tượng hơn: ‘Tao là ông nội của mày!’
Kế đến, người xem như thót tim khi thấy cảnh ‘ông nội’ mặt không đổi sắc khi bị một nhân vật dùng nguyên bó nhang đang cháy đỏ rực dụi vào ngực. Những hình ảnh đầy chân thật và gợi mở, hứa hẹn một câu chuyện hấp dẫn với nhiều diễn biến ly kỳ xuyên suốt bộ phim.
Vậy Ông Nội của Việt Hương trong Trật tự mới là ai ? Tất cả những câu hỏi này sẽ lần lượt được trả lời trong tập đầu tiên của Trật tự mới.
Câu chuyện bắt đầu khi chiếc ghế chủ tịch xã đoàn Chợ Mới đang bị lung lay vì căn bệnh ung thư của Chị Đại đã đến thời kỳ cuối. Lão Nhị – em ruột của chị Đại – hớn hở ra mặt vì tin chắc thời của mình đã đến. Tuy nhiên, Chị Đại nhìn xa trông rộng lại có suy nghĩ khác khi quyết định nhường lại ngôi vị cao nhất cho Ông Nội – một đàn em thân tín và cũng là người đem của cải, đất đai, … về cho xã đoàn.
Bằng cái chĩa súng thẳng vào đầu giữa hai ‘đầu đảng’ là Ông Nội và Lão Nhị, cuộc tàn sát chính thức mở màn.
Tập đầu tiên giới thiệu đến khán giả một số nhân vật tiềm năng với nhiều câu chuyện hứa hẹn hấp dẫn như Tiểu Mã, Phương Cầy, Cindy, anh Vi Cá, anh Bảy gà, Tiểu thư… Và bí ẩn nhất vẫn là Ông Nội. Tại sao một người danh tiếng lẫy lừng lại cư xử vô cùng hoà nhã? Tại sao một giang hồ thứ thiệt lại mở cánh cửa cho đàn em hoàn lương, buôn bán nhỏ kiếm sống, thay vì tiếp tục lăn lộn trong xã đoàn? Và có ai nhận ra đó là tay anh chị khi nhìn cách Ông Nội yêu thương, chăm sóc A Phò – bà ngoại của Tiểu Mã?
Thế giới ngầm là đề tài không mới nhưng cách mà Việt Hương và đạo diễn Mr.Tô xây dựng Trật tự mớimang màu sắc đặc biệt. Câu chuyện về thế giới ngầm đan xen những tình huống hài hước, cười ra nước mắt và ẩn chứa nhiều thông điệp về tình anh em chân thành, trượng nghĩa, luôn giúp nhau trong cơn hoạn nạn.
Đó là điều đáng quý mà không tiền bạc, danh lợi nào đánh đổi được, nhất là trong thế giới ngầm đầy tranh đấu, hiểm hoạ phản chủ cầu danh luôn rình rập.
Khu chợ Mới và câu chuyện của nó giống như một thế giới thu nhỏ với những câu chuyện về tình người, có lúc cười ra nước mắt, có lúc đánh nhau nảy lửa, khi lại lắng đọng, sâu cay.
Đầu tư khủng, tự mình thực hiện cảnh khó
Con số cụ thể chưa được tiết lộ nhưng Việt Hương cho biết số tiền đầu tư cho Trật tự mới lên đến hàng tỷ. Với nữ danh hài, cái gì tâm huyết là phải làm cho ‘tới’, ‘cho đã’ vì không có gì hạnh phúc hơn sản phẩm làm chỉnh chu và được khán giả đón nhận. Nếu đã quen với hình ảnh Việt Hương trong những chiếc áo bà ba dịu dàng hay đầm dạ hội kiêu sa, khán giả sẽ bất ngờ với một Việt Hương ‘y như đàn ông’ từ dáng đi đứng đến từng động tác hình thể và cả giọng nói. Sự nhập vai trọn vẹn của Việt Hương là không có gì để bàn cãi và những nỗ lực của chị xứng đáng được ghi nhận.
Trong những cảnh quay đòi hỏi vận động mạnh và yêu cầu thể lực cao, Việt Hương vẫn xung phong tự mình đảm nhận, thay vì nhờ sự hỗ trợ của diễn viên đóng thế. Chính sự lăn xả, hết mình của Việt Hương trên trường quay đã ‘thổi lửa’ cho cả ekip để quyết tâm hoàn thành sản phẩm trong 15 ngày quay với nhiều phân cảnh cực kỳ đắt giá.
Bên cạnh Việt Hương, Trật tự mới quy tụ dàn sao hùng hậu với khả năng diễn xuất, hoá thân được bảo chứng như NSND Hồng Vân, Lê Quốc Nam, Hứa Minh Đạt, Hoàng Mèo, Mạc Văn Khoa, Quách Ngọc Tuyên, Puka, Lê Nam, Dương Cường, Hữu Tín, Lạc Hoàng Long, Huỳnh Phương, Thiên Kim, Phương Rock, Tuấn Voi.
Ngoài ra, dàn diễn viên quần chúng cũng rất hùng hậu, tạo nên những khung cảnh vô cùng hoành tráng khi những người cầm đầu dẫn dắt đàn em “đụng” nhau để nói chuyện ‘phải quấy’.
Theo tiin.vn
Diễn viên trẻ Võ Đăng Khoa: Quyết "tất tay" cho dự án phim đầu tay
Là học trò "ruột" của nghệ sĩ Hồng Vân, Võ Đăng Khoa - chàng diễn viên trẻ sở hữu vẻ ngoài bảnh bao đang gây sốt trên youtube với web drama "Tay buôn buông tay?" quy tụ dàn diễn viên hài "khủng". Đây cũng là dự án đầu tay mà Võ Đăng Khoa dồn hết tâm huyết, sức lực khi vừa đóng vai trò là diễn viên chính, vừa đóng vai trò là nhà sản xuất và biên kịch.
- Chào Võ Đăng Khoa, "Tay buôn buông tay?" đang thu hút được khá nhiều sự chú ý của khán giả trên Youtube. Tại sao Khoa lại chọn cái tên phim lạ vậy?
Sở dĩ Khoa chọn cái tên "Tay buôn buông tay?" một phần là vì Khoa muốn nhắn nhủ tới những người sau khi xem bộ phim này, những người dân đang làm nghề buôn bán, và phần nhiều là gửi tới mẹ Khoa cũng đang làm kinh doanh, rằng hãy buông tay đi, đừng có quá ham danh vọng, tiền bạc đến mức hao mòn thân thể, bởi đến một lúc nào đó sẽ không còn đủ sức để làm được nữa.
Dù có giàu hay nghèo thế nào thì một ngày cũng chỉ ăn, mặc đến thế, chẳng thể nào ăn hơn, ngủ hơn được. Khoa không muốn mẹ phải vất vả, cực lực quá bởi bây giờ đa số mọi người đều bán tuổi trẻ để lấy nhiều tiền, sau đó lao lực lại dùng chính số tiền đó để mua thuốc chữa bệnh cho mình.
Võ Đăng Khoa (phải) trong buổi ra mắt web drama của mình.
Khoa không thích cách sống như vậy. Nhưng nói như vậy không đồng nghĩa là phải buông bỏ hết tất cả để chơi bời, hưởng thụ. Mình làm mình phải biết hưởng thụ cuộc sống. Phần nữa Khoa để tên như vậy cũng là để tạo ấn tượng với khán giả mà thôi. Nhưng mọi người cũng cứ chờ đến hết phim sẽ hiểu được hết ý nghĩa của tên phim nhé.
- Khoa đã dồn tâm huyết, công sức như thế nào cho dự án này?
Khoa đã dồn hết công sức, dồn hết những gì mà Khoa có thể, từ tâm, tiền, cho tới sức lực của mình cho tác phẩm đầu tay này. Còn hay hay dở thì do khán giả đón nhận và cảm nhận như thế nào thôi.
- Vì sao, Khoa lại chọn 1 đề tài xã hội tưởng chừng như không có gì gay cấn, hấp dẫn, là cuộc sống của những người dân nơi bến phà Mỹ Thuận quê hương mình?
Chủ đề miền Tây khá gần gũi với Khoa vì đó là quê hương mình. Đơn giản là Khoa hiểu về chủ đề đó nhất thì Khoa sẽ làm được tốt nhất.
- Vừa sản xuất, viết kịch bản, vừa là diễn viên chính, Khoa nghĩ đó là lợi thế hay là một sự mạo hiểm? Bởi có khá nhiều bộ phim diễn viên chính vừa là nhà sản xuất, vừa là đạo diễn, vừa viết kịch bản không tạo được tiếng vang cho nghệ sĩ thậm chí còn tạo hiệu ứng ngược?
Khoa không rõ là có bộ phim nào mà diễn viên vừa là nhà sản xuất, vừa là đạo diễn, vừa là biên kịch lại tạo hiệu ứng ngược, riêng Khoa nhận thấy đó là một lợi thế. Bởi khi mình là biên kịch, mình viết ra vai đó thì mình sẽ là người hiểu tính cách nhân vật của mình nhất và tính cách từng nhân vật, để mình chọn diễn viên cho phù hợp với bộ phim. Còn để tạo nên sự thành công của một bộ phim cần rất nhiều lý do và Khoa thực sự thấy mình may mắn và hạnh phúc khi bộ phim được nhiều khán giả yêu thích đến vậy.
Tạo hình của Võ Đăng Khoa trong "Tay buôn buông tay?
- Việc mời các nghệ sĩ gạo cội như Hoài Linh, Ngân Quỳnh, các nghệ sĩ hài trẻ đang được khán giả yêu mến như Huỳnh Lập, Tuấn Dũng, Hoàng Long... có tốn nhiều công sức không? Nghệ sĩ Hoài Linh từng tuyên bố không giả gái nhưng cuối cùng lại quyết định giả gái trong phim của Khoa?
Trước đây Khoa hoạt động trong sân khấu kịch Hồng Vân, là học trò của thầy Hữu Châu, thầy Quốc Thảo, cô Hồng Vân, đó cũng là lợi thế của Khoa để mời các nghệ sĩ đó vào phim Khoa làm. Còn Nghệ sĩ Hoài Linh thì là cậu Tư của Khoa, là em kết nghĩa của mẹ Khoa. Kể chuyện này thì cũng phải nhắc đến mối nhân duyên, ngày xưa mẹ Khoa bán hàng ở bến phà, mẹ hay mang thức ăn tặng cậu, từ thưở còn hàn vi, nên mẹ và cậu đã là chị em kết nghĩa.
Sau này cậu coi Khoa như cháu ruột vậy. Nên việc mời cậu Hoài Linh tham gia phim của mình cũng dễ dàng hơn. Còn "má" Ngân Quỳnh thì quay chung phim với Khoa cũng coi Khoa như con rồi. Lạc Hoàng Long, Tuấn Dũng, Huỳnh Lập... như là anh em vì đứng chung sân khấu. Huỳnh Lập hay ghé nhà Khoa ăn cơm rồi rủ Khoa đi quay chung. Từ đó mà mấy anh em càng ngày càng thân hơn, việc mời họ cũng không có khó khăn gì.
Còn việc cậu Tư giả gái trong phim của Khoa thì ban đầu cậu cũng từ chối, vì lý do ngày càng tuổi già, sức yếu, ngoại hình không được xinh đẹp nữa, nhưng lần này Khoa năn nỉ là một vai gái già, một người phụ nữ buôn bán tảo tần nên ngoại hình không cần phải xuất sắc. Cậu Tư thấy hợp nhân vật nên cậu Tư nhận lời thôi.
- Chắc Khoa phải trả cát-xê cao lắm?
Khoa không thu lợi nhuận nhiều từ bộ phim nên mọi người không đành lòng lấy cát-xê cao. Như cậu Tư, Huỳnh Lập và một người bạn tập cuối mới xuất hiện thì không lấy một đồng nào luôn. Còn có người chỉ lấy một nửa cát-xê thôi.
- Khó khăn nhất của Khoa khi thực hiện dự án này là gì?
Khó khăn lớn nhất là việc quay phim và tiền thực hiện dự án. Lần này quả thực là Khoa "vung tay quá trán", chọn chủ đề khó làm nên không tìm được nhà tài trợ, vì thực sự mình cũng chưa có tiếng tăm gì để họ biết mình là ai mà tài trợ.
- Mới phát được 2 tập trên youtube nhưng "Tay buôn buông tay?" nhanh chóng thu hút được sự chú ý của khán giả. Thậm chí nhiều khán giả còn thắc mắc phim phát thời lượng ngắn, lâu ra tập mới để họ phải chờ đợi khiến phim không được liền mạch dễ bị lãng quên. Khoa nghĩ sao về điều này?
Khoa thực sự vui lắm, hạnh phúc lắm khi được nhiều người biết đến phim, ủng hộ phim. Đúng là nhiều người cũng nói phim ngắn quá, ra ít tập quá, nhưng cũng phải nói để mọi người hiểu, Khoa hoàn toàn có thể dựng phim 1 tập dài 30-40 phút, nếu như Khoa dựng theo kiểu phim Ấn Độ, tức là slow motion, quay chậm biểu cảm của từng người khi có tình huống kịch tính, hoặc dựng thêm nhiều tình huống để kéo dài phim, khi đó người có lợi là Khoa khi càng nhiều lượt xem trên youtube, Khoa càng thu được lợi nhuận nhiều. Nhưng Khoa không làm vậy được, Khoa muốn đảm bảo đúng nhịp phim.
Khi làm phim trên youtube, Khoa không muốn đặt nặng vấn đề tiền bạc, mà yếu tố đầu tiên là đảm bảo chất lượng phim, phim phải hay, dù ngắn nhưng ít nhất cũng có hai tình huống kịch cuốn hút người xem và nhịp phim rất chắc.
- Bước chân vào con đường nghệ thuật, bất kì một nghệ sĩ nào cũng tìm cho mình một hình tượng riêng để xây dựng và hướng đến? Còn Khoa thì sao?
Khoa vốn là một diễn viên chính kịch, nhưng Khoa không muốn đóng khung trong bất kì một vai diễn nào cả. Đầu tiên Khoa muốn thể hiện thế mạnh của mình và những cái mà Khoa ấn tượng nhất. Thứ 2 là Khoa muốn mình là một diễn viên thể hiện được nhiều tuyến nhân vật, vì Khoa thấy mình có khả năng và có thể làm được nhiều hơn những vai diễn mà mình thể hiện từ trước đến giờ.
- Ngoài đóng phim, Khoa còn khá bận rộn với công việc kinh doanh của gia đình. Ôm đồm một lúc nhiều công việc, Khoa có sợ chồng chéo, ảnh hưởng đến chất lượng công việc?
Thực sự công việc kinh doanh của gia đình khá là bận rộn, nhưng Khoa luôn sắp xếp vào một quỹ đạo nhất định, ổn định xong mới bắt tay vào làm việc khác. Như trước khi làm phim, Khoa phải bàn giao lại công việc kinh doanh ở nhà cho người mà mình tin tưởng để quyết tâm dồn tâm huyết, sự tập trung cho dự án phim của mình. Khi phim đã xong thì Khoa lại trở về tiếp tục những công việc còn dang dở. Khoa không cảm thấy đó là điều bất lợi mà thậm chí thấy đó là điều hạnh phúc khi mình có thể làm được nhiều nghề.
- Có khi nào Khoa phải đứng trước sự lựa chọn giữa công việc kinh doanh và đam mê nghệ thuật của mình?
Có một lần Khoa phải đứng trước sự lựa chọn không được tiếp tục theo đuổi đam mê của mình. Đó là lần mẹ Khoa bị bệnh, phải thay hai khớp gối. Khoảng thời gian đó, Khoa không được đứng trên sân khấu mà phải thay mẹ gánh vác công việc kinh doanh của gia đình, vì ngoài Khoa ra, không còn ai có thể thay mẹ lo được việc đó.
Lúc đó Khoa cũng nhớ nghề lắm, lâu lâu lại lôi đồ diễn ra để ngắm lại, xem lại những vai mình đã diễn, hoặc những vai diễn mới của bạn bè, anh em, vừa để đỡ nhớ, vừa để trau dồi thêm kinh nghiệm diễn xuất của mình. Niềm đam mê đã ăn vào máu rồi, không thể bỏ được. Hiện tại mẹ Khoa cũng đã khoẻ, công việc kinh doanh ổn định trở lại, Khoa lại trở về với công việc làm diễn viên của mình.
Theo cstc.cand.com.vn
Hậu trường "Vi Cá Tiền Truyện": Hoàng Mèo quá nhập vai, "mê trai" ngay cả trong lúc ngủ Không chỉ mang đến tiếng cười trong sản phẩm, hậu trường của "Vi Cá Tiền Truyện" cũng đầy hài hước. Ngày 7/11, fan Thập Tam Muội và Vi Cá Tiền Truyện được dịp phấn khích khi Quách Ngọc Tuyên đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình một hình ảnh kèm với dòng chú thích thú vị: "Tay Hoàng Mèo này ẩu...