Việt Hưng, chén cơm nguội của bầu Đức là nỗi thèm khát của bầu Hoàn
Đội bóng của bầu Đức đã quá chật chội những tài năng và những người thừa được gả bán, được cho mượn.
Thật trớ trêu những lính đánh thuê kia lại đang rực sáng.
HỘI CHỨNG “CHÁN BÓNG” VÀ NHỮNG DẤU HỎI CHO KIATISAK
Với vị thế một ứng cử viên vô địch, HAGL đang có sự khởi đầu đáng thất vọng tại V.League 2022 khi chỉ mới có 2 trận hòa và không ghi được bàn thắng nào. Văn Toàn không ngại nói thẳng, anh và các đồng đội đang mất đi sự tự tin ở chính bản thân. Còn Kiatisak lý giải, các học trò của ông đang “chán bóng”, họ cần thời gian để tìm lại nguồn cảm hứng của mình. Nhưng mất bao lâu để họ tìm lại cái xúc cảm ấy thì không thể biết?.
Với 8 tuyển thủ QG trong đội hình gồm Hữu Tuấn, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn, Công Phượng, Hồng Duy, Văn Thanh và Minh Vương, nỗi lo của Kiatisak đã hiện hữu trước khi ông vừa trở lại Việt Nam hồi cuối tháng 12 năm 2021. Trong cuộc gặp gỡ với giới truyền thông tại Hội sở của HAGL (TP.HCM), sau một nụ cười tươi rói, Kiatisak đã phải nhún vai khi nhắc đến những cầu thủ của HAGL đang khoác áo ĐTQG.
“Đấy là một câu hỏi quá khó với tôi. Bản thân tôi rất đau đầu về chuyện này. Họ đã thi đấu liên tục thời gian qua. Họ chắc chắn sẽ mệt mỏi, chán chường, thậm chí…chán bóng đá. Vì thế, họ cần thời gian để phục hồi. Tuy nhiên, muốn vô địch, các cầu thủ cần phải biết cách vượt qua những chuyện này, tập trung, tập luyện, phải khát khao vô địch. Tất cả phải nghĩ đến mục tiêu của bản thân”, Kiatisak cho biết.
Có một điều nhạy cảm mà Kiatisak không nhắc đến, nguyên do “chán bóng” của các cầu thủ HAGL một phần họ phải tập trung hơn 4 tháng chuyển chuẩn bị cho AFF Cup và vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Trong màu áo ĐTQG, đa số các cầu thủ của HAGL đều không thể hiện được những phẩm chất của mình và họ phải chịu không ít áp lực từ khách quan đến chủ quan.
Đến đây, cần phải đặt một câu hỏi: Kiatisak sẽ đã làm gì để giúp các cầu thủ thoát khỏi tình trạng “chán bóng” và nhà cầm quân người Thái đã chuẩn bị như thế nào nếu như “chán bóng” trở thành một… căn bệnh?.
Thật khó trả lời vào lúc này, bởi 2 trận hòa với HAGL không phải là thảm họa. Tuy nhiên, ít nhiều người ta thấy, Kiatisak đã hơi tự tin với những sự lựa chọn của mình. Hoặc Zico Thái đã thiếu đi một “tổ tư vấn” đủ sức nặng trong việc sàng lọc lực lượng. Cho nên khi Tuấn Anh, Xuân Trường, Minh Vương “chán bóng”, HAGL đã không còn nhiều sự lựa chọn ở khu trung tuyến, bởi những “người thừa” như Châu Ngọc Quang, Triệu Việt Hưng, Dụng Quang Nho đã được cho Hải Phòng mượn.
Hay nói vui như một số CĐV phố Núi, chén “cơm nguội” mà bầu Đức ngó lơ giờ đang trở thành cảm hứng kéo CLB Hải Phòng đến với những bến bờ của những niềm vui.
TRIỆU VIỆT HƯNG, ANH LÀ AI?
Đấy là câu hỏi mà nhiều người từng nhắc tới khi Việt Hưng xuất hiện ở mùa giải 2016. Phải, ngay cả những người quan tâm đến HAGL cũng khó biết đến vì Việt Hưng là sản phẩm của lò Năng khiếu HAGL, vốn được đào tạo song song với lò JMG.
Năm 2015, khi lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn… nổi đình nổi đám rồi được nhấc lên đội 1 HAGL thì Triệu Việt Hưng và những đồng đội ở lứa “lọt sàng xuống nia” phải run rẩy trước tương lai khi mà phố Núi vốn quá chật chội những sao mai.
Cùng với HLV Đinh Hồng Vinh (Giám đốc Học viện Juventus bây giờ), Triệu Việt Hưng, Châu Ngọc Ngọc Quang, Lê Phạm Thành Long, Nguyễn Kiên Quyết… được biệt phái xuống Phú Yên để chơi tại giải hạng Nhì, rồi sau đó là giải hạng Nhất 2015. Kết thúc mùa bóng năm ấy, đội bóng vùng sông Cầu đã trụ hạng thành công nhưng khi nụ cười chưa khép lại, họ nhận được “tiếng sét ngang tai”, các cầu thủ HAGL sẽ không được gia hạn hợp đồng.
Cũng như các đồng đội, Triệu Việt Hưng dự cảm một tương lai mịt mờ trong ngày trở lại vì anh hiểu, bản thân khó lòng cạnh tranh với những “cầu thủ quốc dân” của HAGL lúc bấy giờ. Sự thật, Triệu Việt Hưng cũng như các đồng nghiệp ở đội Năng khiếu của anh phải mài đũng quần trên băng ghế dự bị dưới triều đại HLV Guillaume Graechen.
Một năm sau đó, HAGL có những biến động trên băng ghế huấn luyện khi Guillaume Grachen phải ra đi, trợ lý Nguyễn Quốc Tuấn lên cầm sa bàn. Ông Tuấn lên ngồi cabin đã mở ra sự bình đẳng cho tất cả các cầu thủ HAGL, thay vì phân biệt là người của Năng khiếu hay JMG. Triệu Việt Hưng nằm trong số này và tiền vệ người Hải Dương đã có những bước tiến dài trong sự nghiệp của mình.
Triệu Việt Hưng là thành viên của U19 Việt Nam dưới triều đại của HLV Hoàng Anh Tuấn. Anh góp mặt ở vòng loại châu Á nhưng lại bị gạch tên trong danh sách cuối cùng tham dự giải U20 World Cup 2017. Cho đến bây giờ, những dấu hỏi “to tướng” vẫn nằm trong đầu Triệu Việt Hưng bởi anh không hiểu tại sao mình lại không được chọn đến Hàn Quốc năm ấy?.
Cuộc đời không lấy đi của ai cái gì bao giờ cả, Triệu Việt Hưng đã có những bước đại nhảy vọt về chuyên môn. Khi Xuân Trường xuất ngoại, khi Tuấn Anh vật lộn với chấn thương, Việt Hưng đã có những màn trình diễn sáng chói tại V.League. Chàng trai họ Triệu là chủ nhân của danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải U21 Quốc tế 2017. Một năm sau đó, Việt Hưng là mắt xích quan trọng nhất của HAGL với 20 trận đá chính và đóng góp 2 bàn thắng.
Rồi Xuân Trường trở lại, Tuấn Anh bình phục chấn thương, những người như Ngọc Quang, Việt Hưng trở lại vị trí quen thuộc của mình trên băng ghế dự bị. Hai mùa giải gần đây, Việt Hưng chẳng khác gì một chén “cơm nguội”, sự góp mặt của anh trên băng ghế dự bị có cũng như… không.
Chén “cơm nguội” mà HAGL chê không dùng lại trở thành nỗi thèm khát của rất nhiều đội bóng tại V.League và giải hạng Nhất. CLB TP.HCM đã từng đặt vấn đề chuyển nhượng Hưng và nghe đâu cái giá dăm tỷ đã được đặt lên bàn đàm phán. Hải Phòng cũng ve vãn, đưa vấn đề với bầu Đức nhưng tất cả đều bị từ chối. Đầu mùa giải năm nay, Việt Hưng mới được nhả và mới được ngược ra đất Cảng. Ngày xách ba lô lên máy bay ra Bắc, Hưng như chú chim non hót líu lo như thể vừa được sổ lồng.
TUỔI THANH XUÂN NHƯ GIÓ NHƯ MÂY
Nhà cầm quân người Thái lý giải: “Hầu hết các cầu thủ trụ cột của HAGL hiện tại đã ăn tập tại Hàm Rồng khi chỉ mới 10-11 tuổi. Chúng tôi không thể chọn hết tất cả để điền tên vào danh sách thi đấu. Tôi chỉ đưa ra ý kiến của mình rồi trình lên bầu Đức và chờ ông ấy quyết định. HAGL bây giờ có sự xen kẻ của những cầu thủ trưởng thành và những cầu thủ trẻ triển vọng. Với những người được cho mượn, đấy là cơ hội tốt để họ phát triển nghề nghiệp”.
Rồi đây những cầu thủ được HAGL cho Hải Phòng mượn như Việt Hưng, Ngọc Quang, Quang Nho sẽ đứng bên bờ chiến tuyến để chống lại đội bóng chủ quản. Kiatisak nói rằng, nếu gặp lại nhau, chắc chắc những cầu thủ này sẽ thể hiện hết mình chứ không có chuyện khoan nhượng. Dĩ nhiên, đấy là câu chuyện ở thì tương lai, còn ở thời hiện tại, hẳn rất nhiều CĐV HAGL đang cảm thấy tiếc khi chứng kiến “gà nhà” của mình tỏa sáng trong màu áo Hải Phòng.
Trái ngược với các ngôi sao tại HAGL, Triệu Việt Hưng đã và đang có sự khởi đầu có thể nói là hoàn hảo trong màu áo mới. Ở trận đấu mở hàng với Hà Tĩnh, cầu thủ người Hải Dương vào sân từ băng ghế dự bị để thay cho Ngọc Quang. Chỉ 14 phút có mặt, Hưng đã làm nên sự khác biệt với một pha kiến tạo giúp Rimario đánh bại chủ nhà bằng bàn thắng duy nhất.
Ở trận đấu với Nam Định trên sân Lạch Tray ở vòng 2, chính Triệu Việt Hưng đã có cú đánh đầu ngược làm tung lưới đối thủ ngay ở phút thứ 4. Chính Hưng là người kiến tạo để Rimario dứt điểm hiểm hóc, nhưng cột dọc lại từ chối bàn thắng này. Cũng chính Hưng là người lao vào đá bồi làm tung lưới Nam Định. Tiếc thay, trọng tài Trịnh Đình Thịnh lại không công nhận bàn thắng này với một pha bẻ còi có “1-0-2″ trong lịch sử bóng đá Việt Nam, sau khi quan sát từ màn hình quay chậm.
Nhìn Triệu Việt Hưng chơi bóng bây giờ, có cảm tưởng, anh đang quay lại mùa giải 2018, đấy là một năm tiền vệ người Hải Dương thăng hoa và rạo rực tuổi thanh xuân. Bây giờ những gì đẹp nhất, những gì hào hoa nhất đã quay về với Hưng. Dám chắc, nếu HAGL “đòi” Hải Phòng trả người, chính Triệu Việt Hưng sẽ gọi điện trực tiếp để xin bầu Đức ở lại.
Đúng, khi đang vui, đang cao hứng thì chẳng ai muốn trì hoãn sự sung sướng ấy, Triệu Việt Hưng cũng như thế. Ở tuổi 25, chàng trai Hải Dương muốn được ra sân thi đấu, muốn được thỏa chí tang bồng của tuổi trẻ thay vì giam mình trên băng ghế dự bị. Thẳng thắn mà nói, Triệu Việt Hưng không có quyền quyết định chuyện đi ở của mình. Cho nên, được đến Hải Phòng như là một “đặc ân” mà bầu Đức dành cho anh.
Cái “đặc ân” ấy có thể giúp một ngôi sao lẫn khuất trong bóng tối bước ra ánh sáng. Cái “đặc ân” ấy có thể giúp một tiền vệ từng bị HLV Park Hang Seo “ngó lơ” một cách khó hiểu tại VCK U23 châu Á 2020 khẳng định được đẳng cấp của mình. Và cái “đặc ân” ấy cũng sẽ giúp HAGL biết thêm giá trị, nếu họ triệu hồi Triệu Việt Hưng trở về phố Núi.
Chén “cơm nguội” của bầu Đức đang giúp đội bóng của bầu Hoàn “pháo” khởi đầu như mơ tại V.League. Có khi, giờ này Hải Phòng đã bắt đầu nghĩ suy, hay là mua đứt chén “cơm nguội” của bầu Đức thay vì phải mượn nợ như thế này!?.
Đến lúc V.League dừng hy sinh cho các đội tuyển Việt Nam
Chất lượng đi xuống của V.League 2022 có nguyên nhân trực tiếp tới từ việc phải nhường đất cho tuyển Việt Nam và U23 trong thời gian qua.
Hai trận liên tiếp, HAGL phải rời sân với tỷ số hòa không bàn thắng dù đối thủ chỉ là Nam Định hay Hà Tĩnh. Đó là điều chỉ diễn ra đúng một lần sau 12 vòng mùa trước. Điều đáng nói là HAGL vẫn ra sân với đội hình mạnh nhất, vẫn có Kiatisuk Senamuang trên băng ghế huấn luyện. Họ là đội hiếm hoi ổn định cả nhóm nội, ngoại binh, các tuyển thủ vừa có cảm hứng từ chiến thắng Trung Quốc, triết lý đội bóng được duy trì xuyên suốt. Vậy mà họ vẫn không giành nổi 1 chiến thắng, thậm chí không ghi nổi một bàn.
Hai trận của HAGL đều đã diễn ra theo cùng một kịch bản thiếu chất lượng chuyên môn. Chúng nhạt nhòa từ thế trận tới con người, thiếu điểm nhấn và đương nhiên chẳng thể hấp dẫn người hâm mộ.
Những sự thể hiện của HAGL sau 2 vòng là điển hình cho bức tranh V.League kém hấp dẫn mùa này.
V.League 2022 hiện có trung bình 1,5 bàn/trận trong khi con số mùa trước là 3,14 bàn/trận. Ảnh: Minh Chiến.
V.League kém hấp dẫn
Sau 10 trận, giải đấu đã 3 lần phải chứng kiến kết quả hòa không bàn, 3 trận khác kết thúc với chỉ một lần lập công. 10 trận đã qua, V.League chỉ có 15 bàn, trung bình 1,5 bàn mỗi trận. Đây là thống kê đáng báo động nếu biết mùa trước, giải đấu có trung bình 3,14 bàn/trận. Nếu coi bàn thắng là thông số định lượng rõ ràng, dễ nhận biết nhất để đánh giá thì V.League 2022 hiện đã mất đi một nửa hấp dẫn so với mùa trước.
Hai vòng đã qua, tình huống đáng chú ý nhất của giải đấu chỉ là pha bẻ còi của trọng tài tại Lạch Tray. V.League thiếu những bàn thắng đẹp, không có những ngôi sao tỏa sáng và chưa cho thấy dấu hiệu cải thiện tình hình trước vòng 3 khi HAGL phải gặp SLNA cứng cựa ở sân Vinh, CLB Viettel mới đá một trận còn đội Hà Nội sẽ tiếp tục nghỉ thi đấu vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Điều gì đã khiến V.League vốn khá kịch tính ở mùa 2021 trở nên sa sút đến vậy trong năm 2022?
Chia sẻ trong nhiều phòng họp báo, các HLV đều đồng quan điểm cho rằng quãng nghỉ quá dài của hệ thống giải quốc nội đã gây ảnh hưởng lớn tới chuyên môn. Tính từ lúc V.League mùa trước dừng lại vào tháng 5/2021, gần một năm đã qua. Thời gian nghỉ quá dài cộng thêm giai đoạn chuẩn bị mùa giải bị cắt đôi bởi Tết Nguyên Đán đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới phong độ cầu thủ. Họ sẽ cần 3 tới 5 vòng để "nóng máy" trở lại. Nhưng khi vừa kịp làm nóng, V.League sẽ tiếp tục dừng lại nhường chỗ cho nhiệm vụ của tuyển quốc gia và U23.
Lần dừng lại này cũng rất dài với gần 4 tháng.
Sự gián đoạn ấy là tin không vui cho một V.League còn chưa kịp hồi sinh trở lại. Nếu giải đấu cứ kém hấp dẫn, cứ gián đoạn liên tục như vậy, VPF sẽ bán tài trợ bằng cách nào? Họ sẽ phát triển, sẽ thu hút nhãn hàng, sẽ kiếm thêm tiền ra sao. Còn nhớ năm ngoái, VPF đã lo lắng thế nào khi V.League buộc phải dừng lại. Lãnh đạo VPF từng chia sẻ họ đã phải "rất khó khăn và may mắn" khi vẫn có thể kiếm được nhà tài trợ cho mùa 2022. Vấn đề là VPF sẽ gồng mình lên được tới bao giờ nếu V.League liên tục bị gián đoạn như thế này?
Với những cầu thủ không thi đấu ở đội tuyển như Hữu Tuấn, thời gian vắng bóng đá là gần một năm. Ảnh: Minh Chiến.
V.League cần được bảo vệ
Nguyên nhân quan trọng khiến V.League liên tục bị gián đoạn đến từ lịch hoạt động của các đội tuyển quốc gia và U23.
Mâu thuẫn về thời gian giữa hai hệ thống này đã tồn tại trong nhiều năm qua và ngày càng lớn hơn khi tuyển Việt Nam và U23 ngày càng có nhiều giải đấu quốc tế. Cộng thêm áp lực từ dịch bệnh, việc sắp xếp lịch thi đấu đang trở thành bài toán nan giải của những nhà quản lý bóng đá.
Năm ngoái, khi V.League bị dừng lại, đã có tranh luận gay gắt từ phía các CLB về việc có hay không nên tiếp tục giải đấu. Nhiều đội bóng tin rằng việc hủy giải sẽ tạo ra hàng loạt vấn đề cho các CLB. Họ kiến nghị rút ngắn thời gian tập trung tuyển, tạo điều kiện cho V.League tiếp tục và kết thúc giải bằng mọi giá.
Đương nhiên, ý kiến ấy không thành hiện thực nên giải đấu năm ngoái bị hủy bỏ. Năm nay, V.League tiếp tục gặp khó khi chuẩn bị bước vào gần 4 tháng nghỉ.
Thực tế đó cho thấy cần một giải pháp hợp lý hơn, hài hòa được cả quyền lợi đôi bên, vừa đảm bảo sức mạnh cho tuyển Việt Nam, vừa duy trì được sự phát triển của V.League. Đây là hai gương mặt trên cùng một thân thể, là hai phần không thể tách rời, tương hỗ cho nhau của bóng đá Việt Nam. Đội tuyển là sự thể hiện đỉnh cao nhưng V.League mới là nền móng vững chắc. Và nó cần được bảo vệ.
Bóng đá Việt Nam mất quá nhiều thời gian cho các đội tuyển vì hai nhẽ: số lần tập trung quá nhiều và thời gian tập trung quá dài.
Thực tế cho thấy nhiều cầu thủ U23 chưa được đá V.League nên giải đấu không cần dừng lại trong thời gian U23 Việt Nam thi đấu. Ảnh: Nguyên Khang.
Lấy năm 2022 làm ví dụ, V.League nghỉ 4 lần cho các sự kiện cấp U23 gồm giải Đông Nam Á, SEA Games, U23 châu Á và Asian Games. Nhìn sang người hàng xóm Thai Lan, Thai League 1 vẫn đá bình thường. Chuyện thời gian tập trung cũng tương tự khi tuyển Việt Nam cần tới gần 3 tuần trước AFF Cup trong khi nhà vô địch sau đấy là Thái Lan chỉ có chưa đầy 7 ngày.
Đã đến lúc, V.League phải được đặt ở một vị trí cao hơn trong các nấc thang ưu tiên của bóng đá Việt Nam, chí ít là cao hơn các giải khu vực. Danh hiệu U23 Đông Nam Á vừa qua đã giúp bóng đá Việt Nam hoàn tất bộ sưu tập ở sân chơi khu vực. Chúng ta không còn thiếu danh hiệu nào ở Đông Nam Á và lẽ ra phải dành sự quan tâm nhiều hơn cho mặt trận châu Á giống như cách người hàng xóm Thái Lan đã làm.
VFF, VPF cần tính lại xem khi nào thì nên dừng V.League, khi nào thì giải đấu cần tiếp tục. Các giải quốc nội hoàn toàn có thể diễn ra song song với những trận của U23, thậm chí của tuyển quốc gia. Các CLB cũng nên được trao nhiều quyền lực hơn trong việc trả người về đội tuyển, thậm chí có thể hướng tới việc chỉ đồng ý trả cầu thủ trong các đợt FIFA Day, điều mà các đội châu Á và thế giới đã làm từ lâu.
Những trận vòng loại World Cup vừa qua đã phần nào cho thấy giới hạn của tuyển Việt Nam ở châu Á. Muốn tiếp tục tiến bước, chúng ta phải tiếp tục vun cao gốc rễ ở giải quốc nội. Sự phát triển của giải quốc nội mới là con đường đúng đắn lâu dài, là chân lý đã được chứng minh ở mọi nền bóng đá.
Bóng đá Việt Nam không phải và không thể là ngoại lệ.
Highlights U23 Việt Nam 1-0 U23 Thái Lan Trần Bảo Toàn ghi bàn duy nhất, giúp U23 Việt Nam hạ Thái Lan ở trận chung kết U23 Đông Nam Á diễn ra vào tối 26/2 (giờ Hà Nội).
U23 Việt Nam: Ai lọt vào mắt HLV Park Hang-seo? Trong số 37 cầu thủ đã làm nên chức vô địch giải U23 Đông Nam Á vừa qua có ít nhất 4 cái tên xứng đáng có mặt tại SEA Games 31. Dụng Quang Nho là cái tên nổi bật nhất trong đoàn quân HLV Đinh Thế Nam ở giải U23 Đông Nam Á vừa qua. Ảnh HAFC. Mang sang Campuchia các cầu...