‘Viện X’ – Nơi sản sinh các nhà khoa học trẻ hàng đầu thế giới của Trung Quốc
Viện khoa học ở Thâm Quyến ( Trung Quốc) đang kết nối những học sinh, sinh viên tài năng với các nhà khoa học hàng đầu, mang đến cho các nhà nghiên cứu tương lai cơ hội học tập hiếm có ngoài hệ thống giáo dục truyền thống.
Viện X khuyến khích học viên theo đuổi sở thích khoa học cá nhân với sự hỗ trợ của giáo viên. Ảnh: Viện X
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, được biết đến với tên gọi Viện X, cơ sở đào tạo này khuyến khích học sinh, sinh viên ham học hỏi và nghiên cứu những vấn đề họ quan tâm nhất, với sự giúp đỡ của các giáo viên tại trường trong suốt quá trình học tập.
Các học sinh từ 14 tuổi trở lên sẽ được thử thách với loạt câu hỏi – như con người nên làm gì trên Sao Hỏa và được khuyến khích đưa ra các câu trả lời mới mẻ, đột phá.
Với sự hướng dẫn của các cố vấn khoa học tại khoá học mùa hè năm ngoái, các học viên đã thực hiện nhiều hình thức nghiên cứu khoa học như đề xuất những phương pháp mới để chế tạo máy bay không người lái, xe tự hành và robot cũng như các công cụ lấy mẫu đất, xây dựng căn cứ trên Sao Hỏa bằng máy in 3D và tạo ra thực phẩm, năng lượng, vật liệu xây dựng từ vi sinh vật.
Người sáng lập Viện X, ông Zheng Quanshui chia sẻ: “Khoá học mùa hè của chúng tôi là cơ hội giúp các bạn trẻ khám phá những phương pháp mới trong vài tuần. Học sinh cấp 2 miệt mài dành cả ngày lẫn đêm để tìm kiếm những ý tưởng mới cho việc khám phá Sao Hỏa, một chủ đề nâng cao thường được các nhà nghiên cứu có uy tín hướng dẫn”.
Học viên cũng được thử thách trong các lĩnh vực nghiên cứu – như thiết kế thiết bị kẹp robot mới, phát triển trò chơi vận hành dựa trên các quá trình sinh học và xem xét chi tiết ở cấp độ nano khi chất rắn và chất lỏng gặp nhau.
“Chúng tôi đang tạo ra một trải nghiệm học tập chưa từng có. Các chương trình học mùa hè và mùa đông ngắn hạn cho thấy rằng giáo dục đổi mới rất thú vị”, ông Zheng nói.
Mô hình học tập nhằm mục đích nuôi dưỡng các nhà khoa học hàng đầu trong tương lai. Ảnh: Viện X
Mô hình hướng tới học viên của Viện X giúp học viên tìm thấy niềm đam mê, tận dụng các nhà khoa học trong và ngoài nước để cố vấn cho họ trong các nhiệm vụ khoa học, sau đó, khai thác các kỹ năng để giúp giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Video đang HOT
Yuan Bo, tốt nghiệp Lớp Tsien Elite năm 2016, hiện là Phó giáo sư tại Đại học Beihang ở Bắc Kinh, cho biết các nghiên cứu tại Viện X đã đặt nền móng và trở thành động lực cho nghiên cứu về kim loại lỏng của mình. Năm ngoái, Yuan đã công bố nghiên cứu mà cô là tác giả chính về quy trình đổi mới để biến origami hoặc giấy thành thiết bị đeo được và chế tạo robot mềm từ kim loại lỏng.
“Khóa học tập trung vào việc trau dồi sự nhạy bén của học viên trong nghiên cứu khoa học ngay từ đầu. Chúng tôi được tham dự các buổi nói chuyện về các công nghệ tiên tiến và được các nhà nghiên cứu của trường đại học hướng dẫn trực tiếp. Ngoài trang bị những kiến thức khoa học cơ bản, Viện X cũng khuyến khích chúng tôi đến phòng thí nghiệm để được đào tạo thực hành. Việc thực hành này đã giúp tôi thực hiện nghiên cứu của mình trong giai đoạn tiến sĩ”, cô nói.
Hệ thống giáo dục Trung Quốc từ lâu đã đề cao giá trị của việc xác định sớm nhân tài trong quá trình học tập. Năm 1978, khi bắt đầu cải cách giáo dục đại học, Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã thành lập Khoa Năng khiếu Thanh niên. Sáng kiến này đã nuôi dưỡng những tài năng khoa học và công nghệ, những người sẵn sàng học đại học ở độ tuổi trẻ hơn so với bạn bè cùng trang lứa.
Đối với giáo dục trung học cơ sở, Bắc Kinh đã tổ chức một lớp học thực nghiệm dành cho trẻ em có năng khiếu ở thủ đô từ năm 1985. Khóa học tập trung vào việc bồi dưỡng học sinh có tiềm năng về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Học sinh được tuyển vào khoảng 10 tuổi sẽ hoàn thành chương trình giáo dục trung học sớm hơn 4 năm so với bạn bè cùng trang lứa và sau đó bắt đầu học đại học ở tuổi 14 hoặc 15.
Và vào tháng 5/2023, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết nước này nên nâng cấp hệ thống giáo dục để đạt được khả năng tự chủ về khoa học và công nghệ cao hơn, vì Trung Quốc đã coi việc nuôi dưỡng tài năng khoa học và công nghệ là một chính sách lớn.
Đối với giáo dục đại học, ông Tập Cận Bình cho biết ưu tiên hàng đầu là tăng tốc độ phát triển của các trường đại học đẳng cấp thế giới. Điều này liên quan đến việc hình thành các ngành cơ bản mới nổi mạnh mẽ và thúc đẩy nghiên cứu liên ngành, nhắm vào các lĩnh vực khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới cũng như các nhu cầu chiến lược quốc gia lớn.
Và mô hình của Viện X tập trung vào việc thực hiện điều đó. Tại đây, giáo viên đang thay đổi lớp học để cá nhân hóa hoạt động giáo dục cho học sinh.
Ông Zheng nói rằng trong giáo dục truyền thống, giáo viên thường dẫn dắt một nhóm lớn học sinh làm bất cứ điều gì được dạy. Nhưng ở Viện X, học sinh là trung tâm của quá trình học tập để phát triển thành những tài năng đổi mới hàng đầu, những người có khả năng giải quyết những thách thức lớn toàn cầu. Học sinh sẽ chủ động tìm kiếm những giáo viên có thể hướng dẫn các em khám phá các vấn đề mà các em quan tâm và có thể liên quan đến các ngành khoa học khác nhau.
Học sinh cũng được tiếp cận với các nhà nghiên cứu, doanh nhân và học giả với tư cách là người cố vấn trong các dự án cũng như các nhà khoa học đoạt giải Nobel là diễn giả tại các diễn đàn.
Theo ông Zheng, học sinh có thể bắt đầu nghiên cứu với nền tảng kiến thức khoa học cốt lõi vững chắc, thay vì cố gắng tiếp thu và thu thập kiến thức chuyên môn về một số chủ đề nhất định.
“Việc trau dồi kiến thức cũng giống như việc trồng một cái cây. Khi học sinh đam mê tìm hiểu thêm kiến thức đằng sau các nghiên cứu của mình, quá trình đó sẽ giúp họ phát triển sâu rộng hơn. Không cần phải có rễ sâu 100 mét thì cây mới trưởng thành được”, ông lập luận.
Trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc bỏ yêu cầu sinh viên thi môn tiếng Anh
Một trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc đã loại bỏ bài kiểm tra tiếng Anh khỏi yêu cầu cấp bằng tốt nghiệp trong bối cảnh cuộc tranh luận ngày càng gia tăng về lợi ích thực tế của môn học này đối với nhiều người.
Áp phích ở Thượng Hải quảng cáo các lớp học tiếng Anh. Môn học là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp. Ảnh: Shutterstock
Đại học Xian Jiaotong, một trường đại học nghiên cứu công lập ở tỉnh Thiểm Tây (Tây Bắc Trung Quốc), xác nhận rằng trường không còn yêu cầu sinh viên phải hoàn thành bài kiểm tra tiếng Anh đại học (CET) để vào đại học hoặc tốt nghiệp.
CET là kỳ thi hàng năm dành cho sinh viên đại học và sau đại học, những người thường phải vượt qua hai cấp độ - Band 4 để được nhận vào một trường đại học và Band 6 để tốt nghiệp.
Theo văn phòng công tác học thuật của trường đại học, sự thay đổi này là biện pháp bình thường được nhà trường thực hiện theo những diễn biến hiện tại. Đại diện văn phòng cũng nói thêm rằng các khóa học tiếng Anh cấp đại học dựa trên CET vẫn sẽ được giảng dạy.
Trường đại học Xian Jiaotong nằm trong danh sách Đại học hạng nhất, một danh sách chính thức gồm 5% trường đại học hàng đầu Trung Quốc. Đây là trường đại học đầu tiên trong danh sách thực hiện thay đổi như vậy.
Yu Xiaoyu, nhà nghiên cứu ngôn ngữ, học tiến sĩ tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc), cho biết mặc dù việc loại bỏ yêu cầu bằng cấp về CET sẽ không làm giảm tầm quan trọng của tiếng Anh trong hệ thống giáo dục Trung Quốc nói chung, nhưng sinh viên có thể giảm động lực học ngôn ngữ này hơn.
"Điều không thay đổi là phần lớn thị trường việc làm dành cho sinh viên tốt nghiệp đại học vẫn coi tiếng Anh là có lợi. Vì vậy có nhiều khả năng những sinh viên có trình độ tiếng Anh cao hơn, đặc biệt là những người có khả năng ngôn ngữ cao sẽ có nhiều cơ hội hơn", ông Yu Xiaoyu nói.
Ông Yu Xiaoyu gợi ý rằng một số công ty và hầu hết các trường đại học ở Trung Quốc có thể yêu cầu trình độ tiếng Anh vì những tác động tích cực liên quan đến việc có trải nghiệm học ngôn ngữ thứ hai, chẳng hạn như trí nhớ tốt và khả năng học các khái niệm mới.
Nhà nghiên cứu ngôn ngữ này cũng cho biết, quan điểm rằng học ngôn ngữ thứ hai sẽ ảnh hưởng đến kỹ năng ngôn ngữ mẹ đẻ của người học là sai lầm. Ông nói: "Trẻ em có khả năng sử dụng song ngữ hoặc thậm chí đa ngôn ngữ khi chúng được tiếp xúc với nhiều hơn một ngôn ngữ".
"Sinh viên đại học, hầu hết là người lớn, đã đạt đến trình độ thông thạo tiếng mẹ đẻ và cho dù họ có học bao nhiêu ngôn ngữ mới, họ sẽ luôn có thể sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình", ông Yu Xiaoyu nhấn mạnh.
Đại học Xian Jiaotong là trường học ưu tú đầu tiên của Trung Quốc bỏ bài kiểm tra tiếng Anh.
Ảnh: Weibo
Ông Yu Xiaoyu cũng cho biết tính chất phi thực tế của các khóa học CET có nghĩa là những sinh viên đạt điểm cao trong kỳ thi vẫn có thể gặp khó khăn trong việc giao tiếp bằng tiếng Anh.
Tuy nhiên, ông cho rằng hệ thống này nên được cải cách thay vì bãi bỏ. "Chúng ta không nên hiểu quyết định của trường đại học là dấu hiệu cho thấy họ đang ít coi trọng tiếng Anh hơn. Thay vào đó, điều này có thể hàm ý rằng, các hệ thống giáo dục đại học của Trung Quốc hiện tìm cách cải cách các kỳ thi tiếng Anh cấp đại học để phù hợp với nhu cầu giáo dục và nghề nghiệp của sinh viên hiện tại".
Cùng với tiếng Trung và Toán, tiếng Anh là một trong ba môn bắt buộc trong kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia hay còn gọi là gaokao. Mỗi môn học bắt buộc chiếm 150 điểm, với điểm tổng thể khác nhau tùy trường hợp.
Kế hoạch giảm bớt gánh nặng môn tiếng Anh trong khi tăng cường cho tiếng Trung đã được thảo luận trong khoảng một thập kỷ qua. Trong đó, các trường đại học cũng được khuyến khích hạ thấp tiêu chuẩn để giảm bớt áp lực cho sinh viên, đặc biệt là những sinh viên ở khu vực nông thôn, nơi hiếm khi sử dụng tiếng Anh.
Nhà lập pháp Tuo Qingming đã thu hút thêm sự chú ý trong cuộc tranh luận tại phiên họp lập pháp thường niên ở Bắc Kinh vào tháng 3. Ông nói rằng môn học này có giá trị thực tế rất hạn chế đối với nhiều người.
"Đối với một số lượng đáng kể người dân, việc học ngoại ngữ chỉ để được vào học ở bậc đại học. Những gì họ học thực sự mang tính định hướng cho kỳ thi. Họ sẽ hiếm khi hoặc không bao giờ sử dụng ngoại ngữ trong công việc hoặc cuộc sống của mình", ông Tuo Qingming nói.
Giới khoa học cảnh báo nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 0,2 độ C mỗi thập niên Trong bản báo cáo khoa học về khí hậu cập nhật, 50 nhà khoa học hàng đầu thế giới đã cảnh báo lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã đạt mức "cao nhất mọi thời đại" và đang đẩy nhanh quá trình nóng lên toàn cầu với tốc độ chưa từng thấy. Công nhân làm việc dưới tiết trời nắng nóng...