Viện trưởng khảo cổ học: ‘Việt Nam đang chảy máu cổ vật’
Phó giáo sư Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, nạn ăn cắp cổ vật từ những con tàu đắm và phá hoại di sản văn hóa biển đang diễn ra nghiêm trọng.
Quang cảnh hội thảo khoa học quốc tế ” Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam và Đông Nam Á: Hợp tác để phát triển” sáng ngày 15/10 tại Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín.
Tại Hội thảo Khoa học quốc tế về khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam và Đông Nam Á sáng 15/10, Phó giáo sư Nguyễn Giang Hải cho biết, tình trạng chảy máu cổ vật ngày càng lo ngại. Mặc dù là quốc gia giàu tiềm năng về di sản văn hóa dưới nước nhưng Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc bảo vệ, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa này.
“Nạn ăn cắp cổ vật từ những con tàu đắm và phá hoại di sản văn hóa biển vẫn còn kéo dài, diễn biến phức tạp, chưa có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu. Hầu hết những con tàu cổ đắm đều do ngư dân địa phương phát hiện nên họ thường lấy đi cổ vật trước khi báo cho cơ quan chức năng”, ông Hải nói.
Viện trưởng Khảo cổ học Việt Nam dẫn chứng, trước khi tàu cổ đắm ở vùng biển Cà Mau được tiến hành khai quật, hơn 130.000 hiện vật bị ngư dân đánh cắp. Hay nạn trục vớt trái phép cổ vật ở tàu đắm vùng biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Bình Châu (Quảng Ngãi) gây vỡ nát, thất thoát nhiều cổ vật quý giá.
Mặt khác, do thiếu kinh phí điều tra, nghiên cứu, khảo sát, khai quật nên phần lớn việc này diễn ra dưới hình thức xã hội hóa, bằng cách kết hợp giữa cơ quan nhà nước với các công ty tư nhân trong và ngoài nước. Kết thúc khai quật, số lượng lớn cổ vật được phân chia cho công ty tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài gây ra nạn “chảy máu cổ vật”.
Hàng trăm người dân đổ xô trục vớt cổ vật trái phép từ con tàu đắm ở vùng biển Bình Châu (Quảng Ngãi) giữa năm 2013. Ảnh: Trí Tín.
Theo ông Hải, Việt Nam đang thiếu đội ngũ chuyên gia nghiên cứu về khảo cổ học biển. Trong quá trình khai quật di tích tàu đắm, các nhà khảo cổ học trong nước không trực tiếp tham gia mà chỉ theo dõi qua màn hình điều khiển, tham gia chỉnh lý di tích, di vật sau khai quật.
Video đang HOT
Để khắc phục tình trạng này, ông Hải đề xuất, trước mắt cần tập trung đào tạo nhà khảo cổ học theo mô hình của các nước Mỹ, Anh, Australia. Xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản để điều tra, khảo sát, tiến tới khai quật bảo tồn, lập bản đồ trữ lượng di tích khảo cổ học biển trên phạm vi cả nước.
Người đứng đầu Viện Khảo cổ học Việt Nam cũng cho rằng cần áp dụng chế tài xử phạt nghiêm, ngăn chặn tình trạng trộm cắp, buôn bán cổ vật, xâm hại di tích; đồng thời có chính sách đãi ngộ đối với những người có công bảo vệ, phát huy giá trị di sản…
Phó giáo sư Mark Staniforth, trường Đại học Monash (Australia), Chuyên gia khảo cổ di sản văn hóa dưới nước chia sẻ, để ngăn chặn tình trạng trộm cắp cổ vật, trước hết cần đào tạo lực lượng chức năng nêu cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa đặc biệt này.
Vị chuyên gia đề nghị, các nhà khoa học, nhà khảo cổ cần giúp người dân hiểu được giá trị di sản gắn với bảo tồn, khai thác du lịch cải thiện thu nhập cho họ thì mới bền vững lâu dài. Việc quản lý di sản văn hóa dưới nước cần gắn với giáo dục, tăng cường sự tham gia của cộng đồng, đánh giá nguy cơ đe dọa đối với di sản để có giải pháp bảo tồn cho phù hợp.
Con tàu cổ đắm 700 năm tuổi được các chuyên gia khảo cổ học đánh giá là ” tàu cổ hiếm hoi thế giới”. Ảnh: Trí Tín.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến, nguyên phó giám đốc Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam cũng thừa nhận, hầu hết các con tàu cổ đắm do ngư dân phát hiện nên việc thất thoát cổ vật ở các vùng biển cả nước là khó tránh khỏi. Họ tranh giành, trục vớt trái phép nên cổ vật bị vỡ, hư hỏng như trường hợp người dân đổ xô lấy cắp cổ vật ở vùng biển Bình Châu (Quảng Ngãi) hồi năm ngoái.
Để ngăn chặn tình trạng bán cổ vật trái phép ra nước ngoài, theo ông Chiến, nhà nước cần đào tạo, trang bị máy móc cho lực lượng cảnh sát, biên phòng và hải quan kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu. Đẩy mạnh tuyên truyền, gắn lợi ích kinh tế của người dân địa phương ở vùng có di sản văn hóa dưới nước thì việc bảo tồn sẽ khả thi.
Còn Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhấn mạnh, di sản văn hóa của từng quốc gia đang đối mặt với thách thức lớn trước tình hình thế giới thay đổi nhanh, nhất là biến đổi về môi trường, thảm họa thiên tai và những bất ổn khu vực kéo dài.
Ông Thắng nhìn nhận, ngành khảo cổ học dưới nước vừa hình thành, bắt đầu những hoạt động nghiên cứu đầu tiên nên đối mặt với nhiều khó khăn. Do vậy cần sự giúp đỡ của các tổ chức, nhà khoa học quốc tế chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn lẫn hỗ trợ thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực.
Hiện Viện Khảo cổ học đang xây dựng đề án phát triển khảo cổ học dưới nước trình Thủ tướng phê duyệt nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dưới nước trong vùng biển, vùng lãnh thổ Việt Nam.
Trí Tín
Theo VNE
"Gặp lại" không gian sống của gia đình trung lưu phố cổ Hà Nội xưa
Hòa chung không khí chào mừng 60 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014), một không gian sống của gia đình trung lưu phố cổ Hà Nội xưa đã được tái hiện trong ngôi nhà số 87 Mã Mây.
Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây, Hoàn Kiếm, Hà Nội được xây dựng từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 1890, với kiến trúc truyền thống, được chia thành nhiều gian bởi các sân. Ngôi nhà được cải tạo theo lối kiến trúc truyền thống nhà 2 tầng, hình ống và có nhiều lớp, giữa các lớp nhà có sân để lấy ánh sáng và không khí. Kết cấu chủ yếu của ngôi nhà là gỗ, mái lợp ngói âm dương với hệ thống vì kèo gỗ và có nhiều họa tiết trang trí.
Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây từ lâu được coi như một di sản đô thị, di sản sống tại đất kinh kỳ Thăng Long. Giống như một bảo tàng, bao gồm những hình ảnh quá khứ, hôm nay và ngày mai của khu phố cố, của Hà Nội 36 phố phường.
Không gian phòng khách tại ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây
Vào những ngày này, hòa chung không khí chào mừng 60 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014), một không gian sống của gia đình trung lưu phố cổ Hà Nội xưa đã được tái hiện lại trong ngôi nhà số 87 Mã Mây.
Tại đây, nếp sống, nếp sinh hoạt của gia đình trung lưu Hà Nội trước 1954 với 3 thế hệ: Ông bà, người con trai làm nghề giáo học, người vợ tiểu thương và các cháu... đang được tái hiện. Khách tham quan sẽ có cơ hội hiểu thêm về văn hóa, lối sống, sản xuất, buôn bán giao tiếp và cách ứng xử của gia đình người Hà Nội.
Đặc biệt, tại gian bếp của ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây ngày nào cũng sẽ nấu ăn, du khách có thể đặt cơm để ăn theo "kiểu Hà Nội".
Cùng ngắm những hình ảnh tái hiện đời sống thường nhật của một gia đình trung lưu Hà Nội xưa:
Tin &ảnh: Nhữ Trang
Theo Dantri
Hacker TQ ăn cắp dữ liệu điều tra MH370 mất tích Hôm 20/8, Malaysia cho hay máy tính của các quan chức nước này tham gia điều tra vụ máy bay MH370 mất tích đã bị hacker tấn công và ăn cắp dữ liệu 1 ngày sau khi phi cơ biến mất. Tờ "The Star" dẫn thông báo của Cục Hàng không dân dụng và Hội đồng An ninh Quốc gia Malaysia cho biết...