Viện trợ nhân đạo tại Syria bị đình trệ do chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ
Những người phải đi sơ tán do chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ đang phải gặp thêm nhiều khó khăn, do mọi hoạt động viện trợ nhân đạo đều bị gián đoạn và tất cả các tổ chức quốc tế đều đã ngừng hoạt động
Người dân sơ tán tránh chiến sự ở thị trấn Ras al-Ain. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chính quyền người Kurd ở Đông Bắc Syria ngày 15/10 ra tuyên bố cáo buộc chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd đã khiến tất cả các tổ chức nhân đạo quốc tế buộc phải rời khỏi khu vực này.
Tuyên bố trên khẳng định, những người phải đi sơ tán do chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ đang phải gặp thêm nhiều khó khăn, do mọi hoạt động viện trợ nhân đạo đều bị gián đoạn và tất cả các tổ chức quốc tế đều đã ngừng hoạt động. Chính quyền người Kurd cũng cho biết, hơn 275.000 người đã phải đi sơ tán vì chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có hơn 70.000 trẻ em.
Trên thực địa, quân đội Chính phủ Syria đã tiến vào thị trấn Manbij ở miền Bắc nước này, gần thị trấn Kobani vốn đang nằm dưới sự kiểm soát của Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd đứng đầu. Việc triển khai quân nói trên được tiến hành sau khi Damascus và chính quyền người Kurd đạt thỏa thuận về hỗ trợ đối phó với chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ.
Video đang HOT
Trong một diễn biến liên quan, Trung Quốc cùng ngày đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng chiến dịch quân sự tại Syria và đưa mọi thứ “trở lại đúng hướng”. Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh: “Chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria cần được tôn trọng và duy trì.”
Tuy nhiên, trong phản ứng trái chiều, Ngoại trưởng Qatar Jassim Al-Thani đã lên tiếng bảo vệ đồng minh thân cận Thổ Nhĩ Kỳ, khi cho rằng Ankara đã buộc phải đáp trả “mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia. Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Toàn cầu ở Doha, ông Al-Thani nêu rõ: “Chúng tôi không thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang chống lại người Kurd. Họ chỉ đang chống lại một nhóm người (trong cộng đồng người) Kurd.”
Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định chiến dịch quân sự tại Syria sẽ tiếp tục “cho đến khi đạt mục đích”. Phát biểu trên truyền hình, ông Erdogan khẳng định quân đội nước này sẽ nhanh chóng đảm bảo an ninh cho khu vực trải dài từ Manbij đến biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Iraq, đồng thời đảm bảo rằng hàng triệu người tị nạn sẽ được trở về nhà theo ý nguyện của họ.
Trước đó, trong một bài xã luận đăng trên nhật báo Wall Street Journal (Mỹ), ông Erdogan cam kết sẽ không để bất cứ tay súng nào thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trốn khỏi miền Bắc Syria. Đáp lại những lo ngại của các nước phương Tây về chiến dịch trên, ông Erdogan cho rằng những nước này đã lo lắng vô cớ khi cho rằng chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến các tay súng thánh chiến trốn thoát hàng loạt./.
Theo Bích Liên (TTXVN/Vietnam )
Quân Chính phủ Syria kiểm soát Manbij
Ngày 15/10, Nga thông báo các lực lượng Chính phủ Syria đã kiểm soát hoàn toàn thành phố Manbij, sau khi Damascus triển khai quân đến miền Bắc để kiềm chế chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ.
Binh sĩ quân đội Syria tại thị trấn Nassib, tỉnh Daraa. Ảnh: AFP/TTXVN
Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ quân đội Chính phủ Syria đã kiểm soát toàn bộ thành phố Manbij và các khu định cư lân cận. Việc triển khai quân nói trên được tiến hành sau khi Damascus và chính quyền người Kurd đạt thỏa thuận tương hỗ.
Hãng tin RIA dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ lực lượng quân cảnh nước này đang tuần tra đường tiếp xúc giữa các lực lượng Syria và Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc quốc gia Trung Đông này.
Về phần mình, người phát ngôn của liên quân do Mỹ đứng đầu ở Syria xác nhận lực lượng này đang tiến hành rút khỏi Đông Bắc Syria và đã rút toàn bộ binh sĩ khỏi thành phố Manbij.
Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ được tiến hành từ ngày 9/10 vừa qua, sau khi các lực lượng Mỹ rút khỏi một phần khu vực biên giới, mở ra một giai đoạn mới trong cuộc chiến kéo dài hơn 8 năm tại Syria.
Chiến dịch này là một phần trong mục tiêu dài hạn của Ankara nhằm xóa bỏ sự hiện diện của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và lực lượng người Kurd ở Syria, tổ chức mà Ankara coi là khủng bố. Chiến dịch tấn công đã làm dấy lên lo ngại về những nguy cơ mới trong cuộc khủng hoảng nhân đạo trong khu vực, cũng như ảnh hưởng tới các nỗ lực trong cuộc chiến chống khủng bố.
Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) đã lên án hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Bắc Syria, cho rằng chiến dịch này làm suy yếu nghiêm trọng sự ổn định và an ninh của khu vực.
Sau cuộc họp ở Luxembourg, Ngoại trưởng các nước thành viên EU đã ra tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ càng gây thêm khó khăn cho tiến trình chính trị do Liên hợp quốc (LHQ) đứng đầu nhằm đạt được hòa bình ở Syria. EU nêu rõ những nỗ lực liên tiếp của cộng đồng quốc tế, trong đó có Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, để chấm dứt hành động quân sự đơn phương này là vô cùng cần thiết.
Trong khi đó, Thủ tướng Pháp Eduard Philippe cảnh báo sự trỗi dậy của IS tại Đông Bắc Syria và Tây Bắc Iraq là không thể tránh khỏi sau các quyết định rút quân của Mỹ và triển khai tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo các nguồn tin ngoại giao, HĐBA LHQ sẽ nhóm họp vào ngày 16/10 về thảo luận chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Cuộc họp này do các nước thành viên châu Âu trong HĐBA đề xuất.
Trước đó, trong phiên họp đầu tiên vào ngày 10/10 vừa qua, chỉ có các thành viên châu Âu trong HĐBA LHQ là ra tuyên bố kêu gọi chấm dứt chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria.
Theo Đặng Ánh (TTXVN)
Infographic : "Siêu rắn hổ mang" AH-1 Thổ Nhĩ Kỳ bị người Kurd dùng tên lửa Nga bắn cháy Sức cơ động cao, hỏa lực mạnh, những chiếc trực thăng tấn công AH-1W Super Cobra do Mỹ sản xuất trong tay không quân Thổ Nhĩ Kỳ từng là nỗi khiếp sợ của lực lượng dân quân người Kurd lẫn quân đội Syria. Tuy nhiên mới đây, một chiếc AH-1W đã bị người Kurd bắn hạ bằng tên lửa vác vai. Những chiếc...