Viện phí tăng, ảnh hưởng không đáng kể
Hơn 1.900 dịch vụ y tế vừa được điều chỉnh tăng giá theo mức lương cơ sở mới từ ngày 15/12/2018; với mức tăng nhẹ, lần điều chỉnh này không tác động nhiều đến người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).
Mức tăng nhẹ
Đi khám ung thư vú tại Bệnh viện K (cơ sở Quán Sứ, Hà Nội), trong lúc ngồi chờ kết quả chị Phạm Thanh Thủy (45 tuổi, ở Hải Phòng) cho biết: “Tôi bị nghi ngờ ung thư vú ở tuyến dưới nên được chuyển lên đây để khám và chẩn đoán lại, phải khám và làm sinh thiết vú, làm thêm một số xét nghiệm nên nộp hơn 100.000 đồng, còn lại được bảo hiểm chi trả”.
Đợt tăng giá dịch vụ y tế này ảnh hưởng không nhiều đến quyền lợi của người dân. Ảnh: Tạ Nguyên
Chị Thủy cũng cho biết, chị cũng như nhiều bệnh nhân khác chưa nắm được thông tin mới tăng giá dịch vụ y tế, nhưng phần phải chi trả cũng không đáng kể nên không thấy ảnh hưởng gì nhiều.
“Rất may mấy năm nay tôi đều tham gia BHYT nên những lúc bị bệnh thế này đỡ được rất nhiều chi phí khám, chữa bệnh”, chị Thủy chia sẻ.
Còn bà Nguyễn Thị Hưng (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) đi khám bệnh tiểu đường định kỳ hàng tháng tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng cho biết: “Tháng này số tiền tôi phải đồng chi trả tăng thêm chưa đến 10.000 đồng so với tháng trước, có thể là do tăng giá dịch vụ y tế. Tôi cũng đã nghe thông tin mới tăng viện phí nhưng chúng tôi có thẻ BHYT nên chỉ phải chi trả thêm rất ít. Nếu chỉ phải chi trả thêm một chút mà bệnh viện nâng cấp chất lượng khám chữa bệnh hơn, thì tính ra người bệnh lại có lợi nhiều”.
Từ ngày 15/12, đã có hơn 1.900 dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng theo mức lương cơ sở mới theo Thông tư 39/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp, vừa được Bộ Y tế ban hành. Thông tư 39 sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2019, tuy nhiên phần tăng giá dịch vụ y tế theo mức lương cơ sở mới sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 15/12.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện K cho biết: Theo kế hoạch chung, Bệnh viện K đã triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế điều chỉnh trong hoạt động khám chữa bệnh. Hiện việc triển khai vẫn rất thuận lợi, chưa có vấn đề gì phát sinh hay thắc mắc từ người bệnh. Việc tăng giá dịch vụ y tế của Bộ Y tế là theo lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.
Theo đó, chi phí tiền lương đã được tính vào giá dịch vụ y tế, do mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1.150.000 đồng tăng lên 1.390.000 đồng nên mức giá các dịch vụ y tế cũng được điều chỉnh tăng trung bình 3,2%, bình quân giá khám bệnh, ngày giường tăng 11%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 3%.
Cụ thể đối với giá khám bệnh ở bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 được điều chỉnh từ 33.100 đồng/lượt khám lên 37.000 đồng/lượt; ở bệnh viện hạng 2 là từ 29.600 lên 33.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng 3 từ 26.600 đồng/lượt lên 29.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng 4 và trạm y tế xã từ 23.300 đồng lên 26.000 đồng/lượt khám.
Giá giường bệnh cũng tăng ở từng hạng bệnh viện như: Ở bệnh viện hạng đặc biệt, giá giường điều trị hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tế bào gốc… điều chỉnh từ 678.100 đồng/ngày lên 753.000/ngày; giường bệnh hồi sức cấp cứu từ 401.000 đồng lên 441.000 đồng/ngày; giường bệnh ở các khoa Truyền nhiễm, hô hấp, ung thư, tim mạch… điều chỉnh từ 208.000 đồng lên 232.000 đồng/ngày… Đối với bệnh viện hạng 1, dịch vụ giường hồi sức được điều chỉnh từ 615.000 đồng lên 678.000 đồng/ngày; với các dịch vụ khác giá giường bệnh cũng được điều chỉnh tăng thêm từ 20.000 – 40.000 đồng/ngày/giường…
Các mức giá trên được BHYT chi trả cho quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế theo mức hưởng.
Người bệnh không ảnh hưởng nhiều
Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế), mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh cho đối tượng thanh toán BHYT được điều chỉnh theo Thông tư 39 bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương theo mức lương cơ sở; chưa tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản. Do đó mức tăng này chỉ cập nhật mức tăng lương cơ sở vào giá dịch vụ y tế.
Cũng theo ông Nguyễn Nam Liên, ở lần điều chỉnh này, giá các dịch vụ y tế tăng không nhiều, lại áp dụng trong đối tượng được BHYT thanh toán nên có tác động không đáng kể đến người bệnh khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT.
Đặc biệt, đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế, xã hội khó khăn…, các đối tượng chính sách xã hội thuộc diện được ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi khám, chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% sẽ không bị ảnh hưởng. Còn đối với BHYT của người cận nghèo, chỉ phải đồng chi trả 5%, thậm chí các đối tượng phải đồng chi trả 20% chi phí khám, chữa bệnh BHYT thì có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều vì phần đồng chi trả cũng chỉ tăng bình quân 3,23%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư 39, người bệnh không chỉ không bị tác động nhiều mà còn được hưởng lợi nhiều hơn. Thông tư 39 ngoài việc quy định tăng giá một số dịch vụ y tế còn có các quy định về số lượt khám trong ngày/bàn khám, định mức số lần sử dụng thiết bị y tế… nên các bệnh viện sẽ phải có sự sắp xếp phù hợp góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm tải số bệnh nhân/bàn khám.
“Theo quy định mới, đối với các bàn khám khám trên 65 lượt khám/ngày, BHYT chỉ thanh toán bằng 50% mức giá khám bệnh nên bệnh viện phải điều phối, bố trí nhân lực, số bàn khám theo yêu cầu để bảo đảm chất lượng khám bệnh. Tại bệnh viện K hiện có 25- 37 bàn khám, với số lượng bệnh nhân đông và ngày càng tăng, nếu áp quy định mới, bệnh viện sẽ phải tăng cường bố trí thêm số bàn khám, huy động bác sĩ từ các khoa lên ngồi bàn khám để đảm bảo đủ định mức như quy định. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng phải tăng cường số lượng máy móc, trang thiết bị để đảm bảo định mức sử dụng các dịch vụ kỹ thuật”, ông Nguyễn Bá Tĩnh cho biết.
Đại diện Bệnh viện Bạch Mai cũng đánh giá, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này giúp các cơ sở khám, chữa bệnh giảm khó khăn và Nhà nước bớt phải bù lỗ. Còn về vấn đề chất lượng khám, chữa bệnh thì không chỉ khi tăng giá dịch vụ y tế mà để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, bệnh viện cũng luôn phải chú trọng nâng cao chất lượng để thu hút người bệnh. Vì bên cạnh các dịch vụ tăng giá, cũng có một số kỹ thuật giảm giá ảnh hưởng đến nguồn thu của các bệnh viện.
Bộ Y tế cũng cho biết, đối với đối tượng không thanh toán BHYT thì giá dịch vụ y tế vẫn tính theo Thông tư số 37/TT-BYT. Đối với người bệnh đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trước thời điểm thực hiện mức giá theo quy định tại Thông tư này và ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú sau thời điểm thực hiện mức giá quy định tại Thông tư này thì tiếp tục được áp dụng mức giá theo quy định của cấp có thẩm quyền trước thời điểm thực hiện mức giá theo quy định tại Thông tư này cho đến khi ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú.
Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Theo Tintuc
Điều chỉnh giá dịch vụ y tế không tác động nhiều đến người có thẻ bảo hiểm y tế
Theo Thông tư số 39/2018/TT-BYT của Bộ Y tế, bắt đầu từ hôm nay (15-12) giá dịch vụ y tế có sự điều chỉnh tăng theo mức tăng của lương cơ sở. Tuy nhiên lần điều chỉnh này, giá các dịch vụ y tế tăng không nhiều, tác động không đáng kể đến người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).
Khu vực làm thủ tục khám và cấp phát thuốc bảo hiểm y tế của Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn luôn trong tình trạng đông đúc. Ảnh: MỸ HÀ
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết: Hiện nay, mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh cho đối tượng thanh toán BHYT (quy định tại Thông tư số 15/2018/TT-BYT) và đối tượng không thanh toán BHYT (Thông tư số 02/2017/TT-BYT) bao gồm: chi phí trực tiếp và tiền lương theo mức lương cơ sở; chưa tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản. Thông tư số 39/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc không thay đổi các yếu tố cấu thành giá khám, chữa bệnh như nêu trên mà điều chỉnh do thay đổi mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng lên 1.390.000 đồng. Do vậy, mức giá điều chỉnh tăng bình quân 3,23%, trong đó giá khám bệnh, ngày giường tăng bình quân 11,1%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 3,01%.
Cụ thể, giá dịch vụ lượt khám bệnh ở bệnh viện hạng đặc biệt và hạng một tăng từ 33.100 đồng lên 37.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng hai tăng từ 29.600 đồng lên 33.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng ba tăng từ 26.600 đồng lên 29.000 đồng/ lượt; bệnh viện hạng bốn và trạm y tế xã tăng từ 23.300 đồng lên 26.000 đồng/lượt. Cùng với giá khám bệnh, giá một số dịch vụ khác cũng điều chỉnh tăng, như giá giường điều trị hồi sức tích cực, ghép tạng; giường bệnh hồi sức cấp cứu; giường bệnh ở các khoa: truyền nhiễm, hô hấp, huyết học, ung thư, tim mạch, tâm thần, thần kinh, nhi, tiêu hóa, nội tiết, dị ứng, cơ - xương - khớp, da liễu, tai - mũi - họng...
Để bảo đảm chất lượng khám bệnh, tại Thông tư số 39/2018/TT-BYT, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế phải điều phối, bố trí nhân lực, số bàn khám theo yêu cầu. Đối với các bàn khám thực hiện khám hơn 65 lượt khám/ngày thì cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) chỉ thanh toán bằng 50% mức giá khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên của bàn khám đó. Trong thời gian tối đa một quý, cơ sở y tế vẫn duy trì bàn khám thực hiện khám hơn 65 lượt/ngày thì cơ quan BHXH không thanh toán tiền khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên của bàn khám đó.
Đại diện Bộ Y tế cho biết, việc điều chỉnh lần này tác động không nhiều đến những người đã có thẻ BHYT. Đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế, xã hội khó khăn, người sinh sống ở vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới sáu tuổi, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo; người có công với cách mạng, thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội thuộc diện được ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi khám, chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% sẽ không bị ảnh hưởng. Đối với người cận nghèo, chỉ phải đồng chi trả 5% (tỷ lệ điều chỉnh giá tăng bình quân 3,23%) cho nên mức độ tác động không đáng kể. Riêng các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám, chữa bệnh BHYT thì có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều vì phần đồng chi trả chỉ tăng bình quân 3,23%. Đối với người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên, khi đi khám, chữa bệnh đúng tuyến, số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn sáu tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa sáu tháng lương cơ sở. Do đó, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo mức lương cơ sở lần này tạo điều kiện cho các trường hợp này được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT cao hơn so mức giá trước đây.
Theo số liệu đánh giá của Tổng cục Thống kê về chỉ số giá tiêu dùng, việc điều chỉnh giá khám, chữa bệnh theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng từ ngày 15-12 sẽ tác động đến CPI tháng 12-2018 tăng khoảng 0,28%. Với mức tác động này thì vẫn bảo đảm mức tăng CPI dưới mục tiêu Quốc hội đề ra. Về khả năng cân đối quỹ BHYT, ông Nguyễn Tá Tỉnh, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, do mức đóng BHYT đã thực hiện theo mức lương mới từ tháng 7 vừa qua, cho nên việc quỹ BHYT thanh toán giá dịch vụ y tế theo mức mới không bị ảnh hưởng.
Về tác động đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho hay, việc điều chỉnh giá dịch vụ góp phần bảo đảm nguồn thu cho các cơ sở y tế; các bệnh viện để triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế và trả lương, thu nhập cho cán bộ. Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền cho biết, đến nay, khoảng 85% số người bệnh điều trị nội trú tại Bệnh viện Bạch Mai đã có BHYT chi trả (15% còn lại do người bệnh tự chi trả), nhưng việc điều chỉnh lần này không ảnh hưởng nhiều đến người bệnh. Các cơ sở khám, chữa bệnh cũng giảm khó khăn và Nhà nước bớt phải bù lỗ. Trả lời băn khoăn của người bệnh về chất lượng dịch vụ y tế khi tăng giá, ông Nguyễn Ngọc Hiền khẳng định, dù tăng giá hay không tăng giá thì bệnh viện luôn cải tiến chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Hiện nay, chất lượng dịch vụ là vấn đề sống còn của các bệnh viện.
Bộ Y tế cũng cho biết, đối với đối tượng không thanh toán BHYT thì giá dịch vụ y tế thực hiện theo Thông tư số 37/TT-BYT. Căn cứ mức giá tối đa của thông tư này, Bộ trưởng Y tế quyết định mức giá cụ thể của các dịch vụ khám, chữa bệnh thực hiện tại các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế và các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng một thuộc các bộ, cơ quan trung ương; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức giá cụ thể đối với dịch vụ khám, chữa bệnh thực hiện tại các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc địa phương quản lý.
MINH HOÀNG
Theo Nhandan
40 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh trong tháng 5 Các dịch vụ được điều chỉnh là dịch vụ có tần suất sử dụng cao trong khám chữa bệnh như giá khám bệnh, giá ngày giường điều trị, Xquang, MRI, nội soi tai mũi họng, siêu âm, CT, y tế cổ truyền... Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ tại buổi làm việc với Phó...