Viên kim cương “khủng” được bán với giá 34 triệu USD
Một viên kim cương màu D, trong suốt, được chế tác một cách tinh xảo, đã được bán với giá 34 triệu USD, mức giá kỉ lục thế giới của loại kim cương này.
Sợi dây chuyền The Art of Grisogono (Ảnh: Reuters)
Viên kim cương 163.41 carat màu D được gắn trong một sợi dây chuyền ngọc lục bảo và kim cương có tên gọi “The Art of Grisogono”. Nó đã bán được với giá gần 34 triệu USD trong phiên đấu giá của hãng Christie’s tại Geneva (Thụy Sĩ) hôm qua. Đây là mức giá kỉ lục thế giới mới cho loại kim cương này.
“Đây là mức giá kỉ lục thế giới cho một viên kim cương màu D tại một phiên đấu giá”, ông Rahul Kadakia, người đứng đầu bộ phận trang sức quốc tế của Christie’s, chia sẻ.
Màu D là nhóm màu cao nhất của một viên kim cương, tức là viên kim cương hoàn toàn trắng và trong suốt. Vì vậy, viên kim cương dạng này rất hiếm gặp. Với giá khởi điểm khoảng 20 triệu USD, viên kim cương cuối cùng đã thuộc về một người đấu giá giấu danh tính thông qua điện thoại.
Video đang HOT
Từ trái qua phải: Viên kim cương thô ban đầu, viên kim cương sau khi được cắt gọt, và viên kim cương được chế tác với ngọc lục bảo. (Ảnh: Nhà đấu giá Christie)
Tuy nhiên, với một số chuyên gia, mức giá 34 triệu USD cho một “kiệt tác đẹp đẽ và tay nghề tinh xảo” là vẫn thấp hơn so với kỳ vọng. Ông Tobias Kormind, người đứng đầu công ty 77 Diamonds, tỏ rõ sự thất vọng vì ông dự đoán viên kim cương này phải có giá gần 50 triệu USD.
Viên kim cương trên được tách một cách hoàn hảo từ một viên kim cương thô 404.2 carat khai thác tại mỏ kim cương Lulo ở Angola. Đây là viên kim cương trắng lớn thứ 27 thế giới từng được phát hiện ra và cũng là viên kim cương lớn nhất từng được tìm thấy ở Angola.
Sau 6 tháng, đội ngũ chế tác từ công ty de Grisogono đã đặt viên kim cương vào một sợi dây chuyền. Ngoài ra, những người thợ này còn sử dụng 18 viên ngọc lục bảo trang trí làm tăng giá trị và sự sang trọng của món trang sức.
Trước khi được đưa ra bán đấu giá, viên kim cương đã được công ty de Grisogono mang đi trưng bày trên toàn thế giới. Tại các điểm dừng chân Hong Kong, London, Dubai and New York, nó đã gây ấn tượng mạnh cho người thăm quan về sự hoàn hảo và tuyệt mĩ.
Đức Hoàng
Theo Straits Times
Cách Triều Tiên kiếm hàng chục triệu USD từ châu Phi
Triều Tiên được cho là đang kiếm hàng chục triệu USD từ các dự án xây dựng ở nhiều quốc gia châu Phi, trong đó có nhiều nước là thành viên của Liên Hợp Quốc.
Các công nhân Triều Tiên (Ảnh: NK News)
Ông Hugh Griffiths, cán bộ điều phối của Nhóm chuyên gia về Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc - cơ quan giám sát việc thực thi các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên, cho biết Bình Nhưỡng kiếm được lượng tiền "rất lớn", lên tới hàng chục triệu USD, từ các dự án xây dựng ở nhiều nước châu Phi.
Công ty quốc doanh Mansudae thuộc quyền quản lý của chính phủ Triều Tiên đang thực hiện hàng loạt hợp đồng xây dựng tại các nước như Namibia, Botswana, Angola, Zimbabwe và Senegal.
"Chỉ riêng công ty Mansudae đã triển khai hàng loạt dự án xây dựng lớn tại 14 nước châu Phi là thành viên của Liên Hợp Quốc. Công ty này xây dựng mọi công trình, từ nhà máy chế tạo vũ khí cho tới dinh tổng thống hay nhà chung cư. Người Triều Tiên có thể kiếm tiền từ xa như vậy", ông Griffiths cho biết.
Tại Namibia, Mansudae xây dựng dinh tổng thống và tượng đài nhà lập quốc Sam Nujoma trước Bảo tàng Quốc gia ở thủ đô Windhoek. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Namibia Netumbo Nandi-Ndaitwah cho biết mọi công trình của Triều Tiên tại nước này hiện đã bị đình chỉ và tất cả các công nhân xây dựng Triều Tiên cũng bị yêu cầu rời khỏi Namibia theo lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
"Tất cả các hoạt động (xây dựng của Triều Tiên) đều được nhất trí triển khai từ trước khi Liên Hợp Quốc đưa ra lệnh trừng phạt. Nhưng khi có lệnh trừng phạt, chúng tôi phải thực thi và dừng tất cả các hợp đồng với Triều Tiên", Phó Thủ tướng Nandi-Ndaitwah cho biết thêm.
Tượng đài tổng thống đầu tiên của Namibia Sam Nujoma do Triều Tiên xây dựng tại Windhoek (Ảnh: Getty)
Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc từng áp lệnh trừng phạt đối với các hoạt động xây dựng tượng đài của công ty Mansudae, cũng như Tập đoàn Thương mại Phát triển Mỏ Triều Tiên (KOMID) vì hợp tác với Mansudae tại Namibia vào năm 2009.
Nghị quyết trừng phạt mới nhất do Hội đồng Bảo an thông qua ngày 11/9 đã cấm các quốc gia thuê lao động Triều Tiên ở nước ngoài. Hiện có khoảng 100.000 công dân Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài, mang về 5 tỷ USD mỗi năm cho Bình Nhưỡng.
Theo nghị quyết này, những người Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài có thể tiếp tục công việc của họ cho đến khi giấy phép làm việc hiện tại của họ ở nước đó hết hạn. Một số nguồn tin phương Tây cho biết số tiền do nguồn lao động ở nước ngoài mang về có thể được Triều Tiên sử dụng để nuôi chương trình vũ khí gây tranh cãi.
Hiện người lao động Triều Tiên tại khu vực Trung Đông cũng đang lần lượt hồi hương trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng sau một loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa. Triều Tiên bắt đầu đưa các công nhân tới làm việc tại các công trường xây dựng ở vùng Vịnh từ giữa thập niên 1990. Đây được xem là nguồn thu tài chính lớn cho chính quyền Triều Tiên trong những năm vừa qua.
Thành Đạt
Theo USA Today
Đào được viên kim cương vàng cực hiếm ở Nga Hiện giá bán của viên kim cương vàng vẫn chưa được công bố vì nó cần được các chuyên gia thẩm định thêm. Viên kim cương vàng trong suốt cực hiếm được tìm thấy ở Nga. Hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin, công ty Alrosa vừa khai thác được một viên kim cương màu vàng cực hiếm tại cộng hòa Sarkha....