Viện Kiểm sát: Ông Đinh La Thăng có vai trò chủ mưu, xuyên suốt
Đối đáp lại ý kiến của các luật sư, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) khẳng định, trong vụ án này, đóng vai trò chủ mưu xuyên suốt là bị cáo Đinh La Thăng, khởi nguồn từ chỉ định thầu. Vai trò của các bị cáo sau là biết nhưng vẫn thực hiện. Đó là hành vi cố ý làm trái.
Ý kiến luật sư không có gì mới
Chiều 16/1, đại diện Viện Kiểm sát đã đối đáp lại ý kiến của các luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm.
Theo địa diện VKS, về tham ô tài sản, VKS đã đưa ra ý kiến phân tích đánh giá chứng cứ một cách khách quan, phù hợp hồ sơ chứng cứ có trong vụ án. Quan điểm của Viện là vấn đề đã được phân tích đánh giá đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội tham ô tài sản của Trịnh Xuân Thanh nên không có ý kiến gì thêm.
Đại diện Viện Kiểm sát đối đáp chiều 16/1.
Đối với ý kiến luật sư đối đáp về hành vi của bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Tổng Giám đốc PVC) và Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó TGĐ PVN), đại diện VKS cho rằng không có vấn đề gì mới, chỉ là quan điểm đánh giá chứng cứ của VKS và của luật sư khác nhau. Từ đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX căn cứ tài liệu được thẩm tra, tranh luận công khai tại phiên tòa để xem xét quyết định.
Đại diện VKS trình bày, những ngày qua, phiên toà diễn ra dân chủ. Qua đối đáp, VKS cơ bản trả lời hầu hết các vấn đề luật sư nêu ra. Cùng một vấn đề, cùng hệ thống chứng cứ, có cách đặt vấn đề, quan điểm nhận định khác nhau cũng là bình thường.
“Luật sư nói nhiều đến tư tưởng Bộ luật Hình sự mới, từ giai đoạn điều tra đến truy tố, xét xử, VKS hiểu rõ và đánh giá trên cơ sở cả hai hướng. Với hệ thống chứng cứ, tài liệu mới bổ sung của luật sư tại tòa, trên cơ sở xem xét, VKS đánh giá chứ không phải chỉ nhằm vào một hướng buộc tội bị cáo. Cơ sở pháp lý, hành vi, chứng cứ đủ cơ sở để buộc bị cáo có hành vi vi phạm là có cơ sở, khách quan.
Video đang HOT
Luật sư nói nhiều đến năng lực, kinh nghiệm của Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC). Vụ án xuất phát điểm và xuyên suốt, bao trùm là chỉ định PVC làm tổng thầu. Ngay trong cáo trạng, hồ sơ và lời khai bị cáo tại tòa, các bị cáo đều thừa nhận việc PVN chỉ định PVC làm tổng thầu là không đúng Nghị quyết của HĐTV vì Nghị quyết là liên doanh tổng thầu, như vậy sai từ đầu.
Về năng lực tài chính, kinh nghiệm của PVC, VKS đưa ra rất cụ thể. “Tôi thấy lạ một điều, chính PVC, các bị cáo đều thừa nhận việc ký hợp đồng là không đủ năng lực theo quy định đối với dự án NMNĐ Thái Bình 2 vì là dự án rất quan trọng và vốn rất lớn. Khi dự án kéo dài, chậm tiến độ thì trong báo cáo mới nhất PVC thừa nhận là chưa có nhiều thực hiện dự án lớn như Thái Bình 2 nên chưa lường hết khó khăn. Người ta trong cuộc bảo không đủ năng lực mà mình cứ nói đủ rồi.” – đại diện VKS nói.
Đối với ý kiến luật sư đưa ra về việc ưu tiên phát huy nội lực, VKS cho rằng, đưa một dự án quá sức thì dễ đem lại hậu quả và thực tế đã cho thấy điều ấy.
“Luật sư dẫn ví dụ cầu Chương Dương, thuỷ điện, giàn khoan… nhưng nếu các vị có nêu dự án Ethanol Phú Thọ thì thấy xót xa, thất thoát lớn thế nào!” – đại diện VKS đối đáp.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh tranh luận.
Về thiệt hại, xác định có hay không và mức độ thế nào, đại diện VKS cho rằng đã trình bày, có phương pháp tính xác định, chỉ có sự khác nhau ở mức độ. Còn phương pháp, cách tính, qua xem xét, đánh giá, lập luận mà cơ quan giám định đưa ra, VKS thấy rằng hợp lý, đúng nguyên tắc mà có cơ sở. Thiệt hại đã xảy ra chứ không phải thiệt hại dự báo trong tương lai.
Một vấn đề nữa mà các luật sư, trong đó có luật sư Nguyễn Chiến, đưa ra là luật mới không còn tội “Cố ý làm trái”. Theo đại diện VKS, việc áp dụng Bộ luật Hình sự 2015, quan điểm áp dụng có Nghị quyết 41, quy định ở điểm e Điều 2 của Nghị quyết có một số tội, trong đó có tội “Cố ý làm trái”, đang điều tra, truy tố, xét xử thì áp dụng Bộ luật Hình sự 1999. Quốc hội vẫn yêu cầu xử lý tội danh này theo luật cũ.
Ông Thăng có vai trò chủ mưu, xuyên suốt
Về cá thể hoá trách nhiệm các bị cáo, theo đại diện VKS, cơ quan này đã xem xét, đánh giá hành vi sai phạm trong vụ án, xâu chuỗi, xác định vai trò của từng bị cáo. Cùng một hành vi, tính chất sai phạm thì người có trách nhiệm cao hơn đương nhiên chịu trách nhiệm cao hơn. Người có trách nhiệm cao hơn nhưng tham gia phạm tội thấp hơn thì mức án thấp hơn, ví dụ như Trương Quốc Dũng.
“Rõ ràng có phân hoá, đánh giá mức độ vai trò của từng bị cáo chứ không phải “xem xét theo bảng lương” như lời luật sư.” – đại diện VKS trình bày.
Theo đại diện VKS, trong vụ án này, đóng vai trò chủ mưu xuyên suốt là bị cáo Đinh La Thăng, khởi nguồn từ chỉ định thầu. Vai trò của các bị cáo sau là biết nhưng vẫn thực hiện, đó là hành vi cố ý làm trái.
“Các bị cáo nói do sức ép tiến độ, nhưng thử hỏi từ ngày tạm ứng đến ngày PVC thực hiện các hạng mục là bao nhiêu thời gian? Thực chất việc ký các hợp đồng này để nhằm hợp thức chuyển tiền cho PVC.” – VKS nêu quan điểm khi đánh giá xâu chuỗi nội dung vụ án.
“Một quan điểm đánh giá chứng cứ là không đặt vấn đề chứng cứ riêng biệt trong một mối liên quan. Với tất cả lập luận cơ sở và phân tích, VKS thấy rằng đủ cơ sở buộc tội đối với các bị cáo.” – đại diện VKS nói.
Đối đáp lại quan điểm của đại diện VKS, luật sư Đào Hữu Đăng (bào chữa cho ông Đinh La Thăng) cho rằng, xét trách nhiệm hình sự phải căn cứ hành vi cụ thể, không phải chức cao thì hình phạt cao, không phải cứ ông Thăng đứng đầu là chủ mưu. “Trong cả chuỗi hành vi này, hành vi nào nghiêm trọng nhất phải chịu hình phạt cao nhất.” – luật sư Đăng nêu quan điểm.
Đánh giá vai trò các bị cáo trong vụ án, luật sư Đăng nhấn mạnh rằng phải xem xét trách nhiệm hình sự căn cứ hành vi cụ thể của từng người. Nếu không có sử dụng trái phép thì không có hậu quả xảy ra. “VKS kết luận nặng nề hơn và cho rằng ông Thăng là chủ mưu trong tội cố ý làm trái, đó là cách đánh giá không có cơ sở, không có chứng cứ cho rằng ông Thăng là chủ mưu. Không phải cứ người đứng đầu là chủ mưu, đề nghị đánh giá đúng vấn đề, không đánh giá cảm tính, khi chưa có chứng cứ mà quy chụp ngay là chủ mưu.” – luật sư Đăng lập luận và đề nghị đại diện VKS có cách đánh giá thoả đáng.
Tiến Nguyên
Theo Dantri
Ông Đinh La Thăng xin được tại ngoại
Theo trình bày của cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), một số bị cáo bị truy tố về tội danh "Cố ý làm trái..." đã được tại ngoại. Các bị cáo còn lại, trong đó có bản thân ông Thăng, không còn gây nguy hiểm cho xã hội nữa nên đề nghị HĐXX xem xét cho được tại ngoại.
Ông Đinh La Thăng xin được tại ngoại
Đầu buổi làm việc chiều 16/1, được tiếp tục trình bày, bị cáo Đinh La Thăng đề nghị HĐXX, các cơ quan tố tụng xem xét cho các bị cáo bị khởi tố về tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" trong vụ án này được thay đổi biện pháp ngăn chặn.
Theo trình bày của cựu Chủ tịch HĐTV PVN, một số bị cáo bị truy tố về tội danh này đã được tại ngoại. Các bị cáo còn lại, trong đó có bản thân ông Thăng, không còn gây nguy hiểm cho xã hội nữa nên đề nghị HĐXX xem xét cho được tại ngoại.
Bên cạnh đó, ông Đinh La Thăng cũng đề nghị đại diện VKS nói rõ về kết quả giám định. Ông Thăng cho rằng, trước đó, giám định viên Bộ Tài chính khi được luật sư hỏi đã xác nhận, nếu không có việc sử dụng tiền sai mục đích thì không có thiệt hại cho PVN.
Trong phần tranh luận sáng cùng ngày 16/1, ông Thăng phản bác lại ý kiến đối đáp của đại diện Viện Kiểm sát cho rằng có lợi ích nhóm từ việc ông Đinh La Thăng ký bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận.
"Tất cả những anh ngồi đây, từ anh Thực (bị cáo Phùng Đình Thực - PV) trở xuống đều do bị cáo ký bổ nhiệm. Bản thân bị cáo cũng là người được bổ nhiệm. Không phải cứ ký bổ nhiệm là có lợi ích nhóm được. Đề nghị HĐXX xem xét lại." - ông Thăng trình bày.
Tiến Nguyên
Theo Dantri
Vụ VNCB: Sau BIDV, nhiều lãnh đạo của TPBank cũng vắng mặt Tòa tiến hành xét hỏi làm rõ khoản tiền 1.700 tỉ đồng mà ông Phạm Công Danh chỉ đạo thuộc cấp làm hồ sơ khống đề vay tại ngân hàng Tiên phong (TPBank). Tuy nhiên, lãnh đạo TPBank vắng mặt. Ngày 15/1, TAND TPHCM tiếp tục phiên xử bị cáo Phạm Công Danh (sinh năm 1965, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB,...