Viện Kiểm sát kháng nghị vụ sổ đỏ có tên đường… “chưa đặt tên”
Xét thấy Bản án số 16/2019/DS-ST ngày 26/6/2019, của TAND thị xã Buôn Hồ tuyên xử bác đơn khởi kiện của nguyên đơn là không có căn cứ.
Viện trưởng VKSND thị xã Buôn Hồ đã quyết định kháng nghị, đề nghị TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng sửa án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Từ sai sót khi xác nhận tên đường
Theo hồ sơ vụ án, vợ chồng ông Phạm Văn Phúc và bà Nguyễn Thị Nghi (trú tại tổ dân phố 8, phường An Bình, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) là chủ sử dụng lô đất thửa số 84, tờ bản đồ số 01, diện tích 370m2 tại tổ dân phố 14, thị trấn Buôn Hồ (nay là tổ dân phố 9, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) được UBND huyện Krông Búk (nay là UBND thị xã Buôn Hồ cấp GCNQSDĐ số AĐ 780312 ngày 3/7/2006.
Ngày 13/8/2018, vợ chồng ông Phúc và bà Nghi thỏa thuận chuyển nhượng diện tích 272,5m2, chiều rộng theo mặt đường Nơ Trang Long 12m, chiều dài dọc theo đường bê tông đến hết đất 22,66m, trong đó có 180m2 đất ở cho ông Lê Bá Thùy và bà Ngô Thị Hoa (trú tại phường An Bình, thị xã Buôn Hồ) với tổng số tiền 3.240.000.000 đồng.
Sau đó, ông Thùy, bà Hoa được UBND thị xã Buôn Hồ cấp GCNQSDĐ số CM 456199 ngày 18/9/2018. Theo GCNQSDĐ này, ông Thùy được UBND thị xã Buôn Hồ công nhận diện tích đất là 272,5m2. Tuy nhiên, tại sơ đồ thửa đất, cơ quan Tài nguyên và môi trường thị xã Buôn Hồ vẽ thửa đất số 133 mà ông Thùy, bà Hoa nhận chuyển nhượng có cạnh phía Đông giáp với đường Nguyễn Trung Trực (quy hoạch 15m), ông Thùy cho rằng chiều rộng của lô đất chỉ còn 10m ngang nên chỉ trả cho vợ chồng ông Phúc 2.740.000.000 đồng. Số tiền còn lại, ông Thùy cho rằng đất quy hoạch nên không trả cho vợ chồng ông Phúc.
Sau đó, vợ chồng ông Phúc phát hiện lô đất chuyển nhượng cho ông Thùy, bà Hoa có cạnh phía Đông không phải giáp với đường Nguyễn Trung Trực như cơ quan Tài nguyên và Môi trương đo vẽ nên đã khiếu nại đến cơ quan chức năng. Tại biên bản làm việc ngày 15/10/2018 với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Buôn Hồ đã xác định: Việc cấp GCNQSDĐ số CM 456199 cho ông Thùy, bà Hoa có nhầm lẫn, sai sót khi xác định tên đường (Nguyễn Trung Trực quy hoạch rộng 15m), thực tế con đường này đúng theo quy định là: đường bê tông (chưa đặt tên), chỉ giới quy hoạch 12m. Sau đó, cơ quan chức năng đã ra quyết định thu hồi, hủy bỏ GCNQSDĐ sai sót này và cấp lại GCNQSDĐ mới số CM 655430 ngày 9/10/2018 cho ông Thuỳ, bà Hoa, diện tích đất vẫn giữ nguyên 272,5m2 (đường bê tông quy hoạch 12m).
Trên cơ sở đó, vợ chồng ông Phúc khởi kiện, đề nghị Tòa án buộc ông Thùy, bà Hoa phải thanh toán số tiền còn thiếu là 500 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Thùy và bà Hoa không đồng ý yêu cầu của nguyên đơn.
Tại Bản án số 16/2019/DS-ST ngày 26/6/2019, HĐXX TAND thị xã Buôn Hồ tuyên xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông Phúc về việc yêu cầu ông Thùy và bà Hoa phải có nghĩa vụ trả cho ông số tiền 500 triệu đồng còn lại theo thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Video đang HOT
Trụ sở TAND thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.
Viện Kiểm sát kháng nghị
Kiểm sát bản án nêu trên, VKSND thị xã Buôn Hồ xét thấy, theo hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa vợ chồng ông Phúc với ông Thùy, bà Hoa, diện tích chuyển nhượng là 272,5m2, có chiều ngang theo mặt đường Nơ Trang Long 12m, chiều dài dọc theo đường bê tông đến hết đất 22,6m. Trong đó, có 180m2 đất ở và 92,5m2 đất trồng cây hàng năm khác, giá trị chuyển nhượng thửa đất là 3.240.000.000 đồng là đúng với thực tế, phù hợp với hiện trạng của thửa đất như đã cam kết, thỏa thuận chuyển nhượng giữa hai bên. Việc chuyển nhượng được công chứng, chứng thực theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi chuyển nhượng, vợ chồng ông Phúc đã bàn giao đầy đủ thửa đất cho ông Thùy, bà Hoa. Đồng thời, ông Thùy, bà Hoa đã được cấp GCNQSDĐ theo quy định của pháp luật.
VKSND thị xã Buôn Hồ cũng cho rằng, việc Bản án căn cứ vào biên bản xác minh ngày 14/6/2019 tại Phòng quản lý đô thị, thị xã Buôn Hồ (biên bản xác định, thửa đất 133, tờ bản đồ số 43, GCNQSDĐ số CM 655430 cấp ngày 9/10/2018 mang tên ông Thùy, bà Hoa thì phần chỉ giới quy hoạch trong thửa đất này không được phép xây dựng) để nhận định và làm căn cứ bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là thiếu căn cứ, không đúng quy định của pháp luật. Bởi vì, Phòng quản lý đô thị là cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND thị xã Buôn Hồ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực trật tự đô thị và xây dựng, không có thẩm quyền về quản lý đất đai.
Do vậy, có đủ căn cứ xác định vợ chồng ông Phúc đã chuyển nhượng cho ông Thùy, bà Hoa diện tích 272,5m2, tổng giá trị chuyển nhượng là 3.240.000.000 đồng; ông Thùy, bà Hoa đã trả cho vợ chồng ông Phúc 2.740.000.000 đồng, số tiền còn lại chưa trả là 500 triệu đồng. Chính vì vậy, việc vợ chồng ông Phúc khởi kiện yêu cầu ông Thùy, bà Hoa trả số tiền 500 triệu đồng là có căn cứ, cần được chấp nhận.
Từ những phân tích nêu trên, ngày 5/7/2019, Viện trưởng VKSND thị xã Buôn Hồ đã ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 16/2018/DS-ST ngày 26/6/2019 của TAND cùng cấp, về phần vợ chồng ông Phúc yêu cầu ông Thùy, bà Hoa trả số tiền 500 triệu đồng theo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 13/8/2018. Đề nghị TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm, theo hướng sửa án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Chính Cương
Theo baovephapluat
CSGT kiện lãnh đạo xã vì bị nhận xét 'hách dịch'
Vụ kiện hy hữu đang được Tòa phúc thẩm TAND TP.HCM thụ lý, sau khi nguyên đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm bác đơn khởi kiện.
Minh họa: DAD
Theo lịch xét xử, ngày 20.6, TAND TP.HCM đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án "yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa nguyên đơn là ông N.T.P (35 tuổi, ngụ xã Bình Mỹ, H.Củ Chi) đối với 2 bị đơn là Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ và bà N.T.K.L, tổ trưởng tổ 9, ấp 4A, xã Bình Mỹ, H.Củ Chi (TP.HCM). Tuy nhiên, phiên tòa phải tạm hoãn do 2 bị đơn cùng vắng mặt. Dù tòa đã triệu tập hợp lệ, nhưng để đảm bảo quyền lợi các bên, HĐXX sẽ mở lại phiên tòa vào chiều 28.6.
Theo hồ sơ vụ việc, ông N.T.P công tác tại đội CSGT Bến Thành, thuộc Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08, Công an TP.HCM). Năm 2017, thực hiện chủ trương của Ban giám đốc Công an TP.HCM về việc lấy ý kiến góp ý và nhận xét của địa phương nơi cư trú đối với cán bộ, chiến sĩ trong ngành công an, ông P. đã nộp phiếu góp ý kiến cho địa phương, nơi ông đang cư trú để nhận xét.
Tháng 10.2017, khi nhận lại phiếu, ông P. bất ngờ thấy phần đánh giá ghi "ông P. quan hệ với quần chúng chưa tốt, lãng phí, bản thân ông P. không tham gia sinh hoạt tổ nhân dân, có thái độ hách dịch, ỷ quyền, xem thường mọi người xung quanh...".
Cho rằng những nội dung đánh giá trên của Tổ trưởng và Chủ tịch UBND xã không đúng, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của bản thân và gia đình; ngoài ra, từ bản nhận xét trên, ông bị hạ bậc thi đua năm 2017 nên ông P. đã nộp đơn khởi kiện ra tòa yêu cầu bị đơn xin lỗi, bồi thường tổn thất tinh thần cho ông bằng 10 tháng lương cơ bản, tương đương 13 triệu đồng.
Anh làm, em chịu ?
Quá trình giải quyết sơ thẩm vụ án, Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ trình bày, việc nhận xét của chủ tịch xã dựa vào ý kiến đóng góp của bà con nơi ông P. và gia đình ông này đang cư trú, không phải ý kiến chủ quan của bản thân chủ tịch xã. Trong khi đó, bà N.T.K.L cũng trình bày, với trách nhiệm là tổ trưởng, sau khi nhận được yêu cầu góp ý vào phiếu góp ý, bà đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của nhân dân trong tổ. Bản thân bà và người dân trong tổ nhận thấy ông P. và gia đình không tham gia các cuộc họp tại địa phương, trong quan hệ quần chúng thì không tốt; khi có đám giỗ, gia đình ông P. mở nhạc ồn ào khiến việc học tập của trường học gần đó bị ảnh hưởng; anh ruột ông P. đã xây nhà không phép, không tự nguyện tháo dỡ mà phải cưỡng chế. Từ đó, bà L. cho rằng việc bà nhận xét vào phiếu là đúng, khách quan.
Tại tòa sơ thẩm, ông P. cho biết cán bộ địa phương trình bày chủ yếu những vi phạm của anh ruột ông, và vi phạm này không thể bắt ông phải chịu trách nhiệm, trong khi phiếu góp ý dành cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng công an nhân dân có nội dung chủ yếu nhận xét về bản thân của cán bộ, chiến sĩ đó. Ngoài ra, trong năm 2017, gia đình ông có một lần đám giỗ và mở nhạc làm ồn chỉ 1 lần. Trong năm 2017, gia đình ông cũng chỉ được mời đi họp tổ dân phố có một lần và đã tham dự đầy đủ.
Nhận xét cá nhân hay nhận xét gia đình ?
Ông Lê Tấn Đạt, Chủ tịch UBND P.Phạm Ngũ Lão (Q.1, TP.HCM), cho biết đối với việc đánh giá, nhận xét cán bộ ngành công an sinh hoạt tại địa phương, thì hằng năm sẽ có phiếu góp ý kiến của Công an TP.HCM gửi về để đại diện tổ khu phố trả lời theo mẫu do Công an TP.HCM ban hành. Việc trả lời nhận xét này sẽ do cá nhân tổ trưởng thực hiện dựa vào kết quả hoạt động trong năm của cán bộ tại địa phương. Sau khi tổ trưởng nhận xét, ký thì sẽ chuyển lên cho chính quyền địa phương xác nhận.
Theo một cán bộ phòng tổ chức Công an TP.HCM, phiếu góp ý kiến sẽ là nhận xét của địa phương về đạo đức lối sống, quan hệ với quần chúng nơi cư trú, thực hiện tiết kiệm trong sinh hoạt, cuộc sống, tiết kiệm, mê tín dị đoan của chính cá nhân cán bộ, chiến sĩ tại địa phương, không phải phiếu góp ý chung về tập thể, gia đình. Tương tự, luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, cũng cho rằng việc đánh giá, nhận xét cán bộ tại địa phương tốt hay xấu phải dựa vào hành vi của chính cá nhân cán bộ đó. "Từ việc suy diễn cho rằng gia đình có hành vi vi phạm, dẫn đến nhận xét cán bộ không tốt thì đó là ý kiến chủ quan của người nhận xét. Việc nhận xét tốt hay xấu phải định lượng rõ ràng", luật sư Nghiêm nói.
Vì sao tòa sơ thẩm bác đơn ?
Cuối năm 2018, TAND H.Củ Chi đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Theo tòa, ông P. khởi kiện vì cho rằng phiếu góp ý đã gây thiệt hại cho ông cả về danh dự, nhân phẩm lẫn uy tín bị xâm phạm. Tuy nhiên, theo bộ luật Dân sự, thì căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là phải có thiệt hại xảy ra. Trong quá trình giải quyết vụ án, ông P. không xuất trình được những căn cứ chứng minh thu nhập, lương thực tế của ông bị thay đổi trước và sau khi có phiếu góp ý kiến của địa phương. Tòa cho rằng thu nhập thực tế của ông P. không bị giảm sút. Ngoài ra, ông P. cho rằng phiếu góp ý kiến làm ông bị hạ bậc thi đua; tuy nhiên, căn cứ vào công văn của PC08 (Công an TP.HCM) thì ông P. đang được đề nghị bổ sung danh hiệu chiến sĩ tiên tiến và chưa có kết quả xét thi đua.
Theo HĐXX cấp sơ thẩm, do thiệt hại thực tế chưa xảy ra, ông P. chưa chứng minh được thiệt hại của mình nên TAND H.Củ Chi đã bác yêu cầu khởi kiện của ông. Đồng thời, vì không có thiệt hại thực tế nên HĐXX không xét đến các yếu tố lỗi, mối quan hệ nhân quả và hành vi trái pháp luật.
Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, ông P. kháng cáo toàn bộ bản án lên cấp phúc thẩm, vì cho rằng việc xét xử không đúng, chưa khách quan, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông. Ông P. cũng đã nộp cho tòa phúc thẩm một số chứng cứ mới, chẳng hạn: xác nhận của người dân trong tổ về việc gia đình ông đi họp khi có giấy mời của tổ trưởng...
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông N.T.P chia sẻ đơn khởi kiện ông yêu cầu tòa án giải quyết hai vấn đề. Thứ nhất, nội dung đánh giá của chính quyền địa phương là sai, từ đó tổ trưởng và chủ tịch xã phải đứng ra xin lỗi ông. Thứ hai, vì những đóng góp không khách quan, đã gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của ông nên ông yêu cầu được bồi thường tổn thất tinh thần theo luật định.
"Tôi không yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất nên việc tòa sơ thẩm cho rằng tôi không chứng minh được thiệt hại thực tế để bác yêu cầu khởi kiện của tôi là không đúng", ông P. nói.
Theo TNO
Chết cười 2 tên trộm ô tô ban đêm nhưng không biết bật đèn pha Vì chưa có bằng lái xe ô tô nên sau khi trộm được xe, cả hai không biết bật đèn xe nên Y Lich chay xe may đi phia trươc đê roi đương. Con Y Qang điêu khiên xe ô tô chay theo sau đi đươc khoang 5km thi găp đoan đương xâu và gặp môt xe ô tô đang đi ngươc chiêu...