Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định 2 năm qua không có tham nhũng
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cần nghiên cứu, phân tích rõ tình hình, thông tin cụ thể, chính xác, việc gì chưa làm tốt nghiêm túc cần nhìn nhận, rút kinh nghiệm và không bảo thủ đối với những dư luận xung quanh việc đào tạo tiến sĩ.
Ông Đặng Công Huẩn – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ trong buổi làm việc với lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (Ảnh: T.L)
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn vừa có buổi làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam để nắm bắt tình hình thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành của đơn vị.
Thông tin từ Thanh tra Chính phủ cho biết, báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khẳng định, trong 2 năm qua (2014-2015) đã tiến hành thanh tra, kiểm tra kỷ cương hành chính tại 7 đơn vị trực thuộc. Nhìn chung, các đơn vị không có khiếu nại, tố cáo phải giải quyết và không phát hiện tham nhũng. Chấp hành kỷ cương, kỷ luật lao động tốt và đã được xây dựng các quy chế chi tiêu, mua sắm tài sản và quản lý tài sản công.
Ngoài ra, trong quý 1/2016, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã lập và triển khai 2 kế hoạch thanh tra, kiểm tra về công tác tổ chức cán bộ và đào tạo tại 9 đơn vị; kế hoạch Thanh tra nhân dân tại 12 đơn vị trực thuộc.
Đánh giá cao những nỗ lực của cơ quan này, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đề nghị Viện cần nghiên cứu ban hành quy chế mới về hoạt động nghiên cứu khoa học, chế độ phụ cấp, lương và sắp xếp lại một số đơn vị cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đảm bảo hoạt động hiệu quả, chuyên sân.
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cần đặt hàng với các nhà khoa học một đề tài cấp nhà nước hoặc cấp bộ, đánh giá về nhu cầu, yêu cầu của việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ giai đoạn hiện nay; trong đó, đưa ra các kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho công tác đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ từ nay đến năm 2020.
Đối với thông tin dư luận trong thời gian qua phản ánh về công tác đào tạo tiến sĩ, theo thông tin từ Thanh tra Chính phủ, ông Đặng Công Huẩn cho rằng, lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cần nghiên cứu, phân tích rõ tình hình, thông tin cụ thể, chính xác, việc gì chưa làm tốt nghiêm túc cần nhìn nhận, rút kinh nghiệm và không bảo thủ.
Ông Huẩn cho biết sau buổi làm việc, Thanh tra Chính phủ sẽ xem xét có văn bản hướng dẫn riêng cho hoạt động thanh tra trong lĩnh vực nghiên cứu đặc thù như của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam để thực hiện.
Thế Kha
Theo dantri
Đào tạo tiến sĩ ở các nước khó hơn Việt Nam thế nào?
Đào tạo tiến sĩ ở các nước tiên tiến khắt khe hơn tại Việt Nam rất nhiều. Trong đó, một số khác biệt là đề cao lý thuyết, học tập trung và yêu cầu nghiên cứu sinh công bố quốc tế.
Tiến sĩ - Doctor of Philosophy hay PhD [1] là bậc học cao nhất tại hầu hết các nước trên thế giới. Người có bằng tiến sĩ, dù ở bất kỳ nước nào, xã hội nào cũng được tôn trọng và đánh giá cao.
Việc tổ chức và đào tạo ở bậc học này trên thế giới được thực hiện như thế nào để đảm bảo chất lượng?
Video đang HOT
Mô hình Mỹ và Tây Âu
Có nhiều cách phân loại mô hình đào tạo tiến sĩ, nhưng có thể tạm chia thành 2 mô hình chủ yếu, với đại diện một bên là Mỹ và một bên là các nước Tây Âu, điển hình là Anh.
Trong mô hình Mỹ, nghiên cứu sinh tiến sĩ thường học trong 4-8 năm. Mô hình Tây Âu, nghiên cứu sinh học 3-6 năm.
Nghiên cứu sinh ở Mỹ dài hơn bởi trong 1,5-2 năm đầu của chương trình, họ phải theo học một số tín chỉ bắt buộc trên lớp (gọi là học coursework).
Các lớp học này có thể được tổ chức riêng chỉ dành cho nghiên cứu sinh hoặc tích hợp chung với sinh viên ở bậc thạc sĩ, tuỳ điều kiện từng trường.
Trong giai đoạn này, nghiên cứu sinh phải học tất cả các môn tương tự sinh viên ở bậc thạc sĩ nhưng ở mức độ chuyên sâu và khó hơn nhiều. Kết thúc giai đoạn, nghiên cứu sinh phải thi chất lượng (qualification examination).
Đây là bài thi rất khó, kiểm tra toàn bộ kiến thức chuyên ngành của nghiên cứu sinh. Chỉ khi vượt qua bài thi này, họ mới được chuyển qua giai đoạn nghiên cứu và làm luận án.
Thực tế, khá nhiều nghiên cứu sinh trượt ở kỳ thi này và phải thi lại lần hai, thậm chí lần ba mới đỗ. Trong trường hợp thi trượt, việc học của nghiên cứu sinh kéo dài hơn một vài năm là bình thường.
Ngoài Mỹ, các nước áp dụng mô hình này có thể kể đến Canada và các nước Châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Nhật...
Mô hình Tây Âu, nghiên cứu sinh có thể bắt đầu làm nghiên cứu và luận văn ngay sau khi nhập học. Nếu thấy bị hổng hoặc cần bổ sung kiến thức, giáo sư hướng dẫn có thể yêu cầu người nghiên cứu học thêm bằng cách gửi đi học cùng các lớp thạc sĩ, hoặc tham dự các seminar của các giáo sư, nhà nghiên cứu khác.
Tuy vậy, điều này không bắt buộc và nhiều trường hợp, giáo sư sẽ đưa sách hoặc giới thiệu bài báo để nghiên cứu sinh tự học thêm. Vì không phải học thêm coursework nên chương trình tiến sĩ theo mô hình Tây Âu thường ngắn hơn.
Các nước áp dụng mô hình Tây Âu có thể kể đến Anh, Australia, New Zealand và một phần nào đó là Pháp, Tây Ban Nha....
Nghiên cứu sinh tại lễ nhận bằng tiến sĩ ở Mỹ. Ảnh: Fem.
Những nguyên tắc chung
Các trường đại học tiên tiến trên thế giới, dù theo mô hình Mỹ hay Tây Âu, cũng đều có những nguyên tắc trong quá trình vận hành để đảm bảo chất lượng đầu ra của nghiên cứu sinh sau khi tốt nghiệp. Xin liệt kê ở đây một số nguyên tắc quan trọng:
Hội đồng chấm luận án: Thường từ 5-7 người, trong đó bắt buộc phải có một vài giáo sư đến từ trường khác (thậm chí nước khác). Việc này tăng tính khách quan trong đánh giá luận văn, đồng thời tăng cường giao lưu với các đồng nghiệp từ trường khác.
Học bổng/lương dành cho nghiên cứu sinh: Để đảm bảo cho nghiên cứu sinh yên tâm tập trung làm việc, phần lớn các trường đều có chính sách học bổng hoặc lương dành cho nghiên cứu sinh.
Thậm chí, nhiều trường hợp, nếu không có đảm bảo về học bổng/lương, nghiên cứu sinh sẽ không được chấp nhận vào học. Nguồn học bổng/lương có thể đến từ các quỹ học bổng, ngân sách của trường/khoa hoặc từ chính nguồn đề tài, dự án của giáo sư.
Học toàn thời gian: Xu hướng chung của các trường đại học tiên tiến ngày nay là ưa thích nghiên cứu sinh toàn thời gian. Họ vừa học vừa làm (một công việc khác) nếu có cũng chỉ ở một số ngành nhất định và thường là tỷ lệ rất thấp.
Việc này nhằm đảm bảo nghiên cứu sinh có thể toàn tâm toàn ý cho luận văn và không bị xao nhãng.
Tiêu đề và nội dung luận án: Tiêu đề và nội dung luận án do giáo sư hướng dẫn và nghiên cứu sinh xác định, sau đó sẽ được một hội đồng xét duyệt đề cương thông qua. Thời điểm tổ chức hội đồng này tuỳ từng trường quy định.
Các trường áp dụng mô hình Mỹ thường tổ chức hội đồng này sau khi nghiên cứu sinh đã vượt qua kỳ thi chất lượng (tức là khoảng năm 2 hoặc năm 3 của thời gian làm nghiên cứu sinh). Các trường áp dụng mô hình Tây Âu thường tổ chức hội đồng này sớm hơn.
Dù khác nhau về thời điểm, tiêu đề và nội dung của luận án tại các nước theo mô hình Mỹ hay Tây Âu đều cần dựa trên các nền tảng lý thuyết cập nhật và do vậy thường sẽ phải trích dẫn từ các nghiên cứu mới nhất (trong vòng 5 năm trở lại).
Đây có lẽ là điểm khác biệt trong nhận thức chung của Việt Nam so với thế giới. Chúng ta vẫn thường thấy yêu cầu luận án tiến sĩ phải có tính thực tiễn và khả năng áp dụng nhiều hơn là yêu cầu phải dựa trên các nền tảng lý thuyết cập nhật.
'Lò sản xuất tiến sĩ' gây xôn xao mạng xã hội Mấy ngày qua, dân mạng chia sẻ thông tin về "lò sản xuất tiến sĩ" với những đề tài nghiên cứu như "Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã".
Yêu cầu đầu ra: Công bố quốc tế
Một vấn đề thường thấy khi nói về đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài là việc có hay không yêu cầu nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế như là một điều kiện để tốt nghiệp. Nói cách khác, công bố quốc tế có phải là chỉ dấu đảm bảo chất lượng của một luận án tiến sĩ hay không?
Về mặt truyền thống (tại các nước có nền học thuật phát triển cả ở Mỹ và ở các nước Tây Âu), câu trả lời cho câu hỏi này là: Không. Việc tốt nghiệp hay không có thể hoàn toàn do giáo sư hướng dẫn và hội đồng thẩm định quyết định.
Bản thân các giáo sư từ các trường đại học hàng đầu, để giữ uy tín cá nhân và vì đạo đức nghề nghiệp, chắc chắn cũng không có chuyện "xuề xoà" bỏ qua vấn đề chất lượng mà để lọt tiến sĩ "dỏm".
Tuy vậy, xu hướng gần đây cho thấy, việc yêu cầu có công bố quốc tế ngày càng trở nên chiếm ưu thế. Việc này bắt nguồn từ một số nguyên nhân sau:
Có thể quy định không bắt buộc nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế nhưng giáo sư hướng dẫn lại có sức ép phải công bố. Vì vậy, các giáo sư ngày nay thường có xu hướng đặt ra quy định riêng với nghiên cứu sinh của mình về số lượng công bố tối thiểu để được tốt nghiệp.
Trong nhiều trường hợp, đề tài tài trợ cho nghiên cứu của nghiên cứu sinh và giáo sư hướng dẫn yêu cầu công bố quốc tế nên nghiên cứu sinh cũng lại có sức ép phải công bố trong quá trình làm luận văn.
Việc làm trong môi trường học thuật ngày càng khó khăn và cạnh tranh cao vì vậy, nhiều nghiên cứu sinh tự muốn có công bố quốc tế nhằm làm đẹp hồ sơ xin việc của mình sau này.
Riêng tại một số trường đại học tại Châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), việc công bố quốc tế ngày nay đã trở thành điều kiện bắt buộc [2].
Điều này lại xuất phát từ một số nguyên nhân:
Với tư cách là "những kẻ đi sau" trong sân chơi giáo dục đại học quốc tế, các nước này có lẽ không tự tin trong việc đưa ra hệ thống đánh giá khoa học theo chuẩn của riêng mình. Vì vậy, để không mất thời gian xây dựng lại, họ áp dụng luôn những tiêu chuẩn đánh giá (dựa vào công bố quốc tế) đang được các nước phương Tây áp dụng như ISI, SCOPUS.
Với đặc thù văn hoá cộng đồng (collectivism) mà trong đó nhiều khi các quan hệ cá nhân lại có sức mạnh chi phối, thậm chí phá vỡ các tiêu chuẩn, quy định chung, việc áp dụng chuẩn của phương Tây sẽ giúp các nước Châu Á mới nổi kể trên tránh được những tiêu cực tiềm ẩn.
Nhà khoa học nói chung và nghiên cứu sinh nói riêng muốn được công nhận thì buộc phải có bài báo khoa học đăng trên những tạp chí quốc tế, theo các chuẩn mực do người phương Tây đã xác định.
Với việc chính phủ từ các nước châu Á kể trên đầu tư mạnh mẽ trong thời gian gần đây nhằm xây dựng thành công các đại học nghiên cứu lọt vào các top 100, 200 tại các bảng xếp hạng đại học trên thế giới (mà một trong các tiêu chí là số lượng bài báo quốc tế), các nhà khoa học nói chung và nghiên cứu sinh nói riêng tại các nước này đang phải chịu sức ép ngày càng tăng trong việc công bố quốc tế càng nhiều càng tốt.
[1] Một số chương trình tiến sĩ nhưng có thiên hướng nghề nghiệp như Doctor of Education hay Doctor of Business Administration (không có từ Philosophy - hàm ý thiên hướng hàn lâm, lý thuyết) nằm ngoài phạm vi bài viết này.
[2] Các nguyên nhân này cũng đã được tác giả nêu trong bài: "Có cần "sống chết" chạy theo bài báo khoa học?" đăng trên Vietnamnet ngày 16/12/2013.
Theo Zing
Tuyên bố cải cách "lịch sử" giải thưởng Oscar Hôm qua (22-1), Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh, nhà sáng lập giải thưởng Oscar, đã đưa ra cam kết tăng gấp đôi số thành viên hội đồng là phụ nữ và người da màu vào năm 2020 thông qua một kế hoạch hành động táo bạo, đồng thời tước bỏ quyền bình chọn của một số thành viên...