Viễn cảnh ớn lạnh trong cuộc chiến Syria
Đất nước Syria đang đối mặt với viễn cảnh ớn lạnh nhất khi lực lượng chiến binh nước ngoài có liên quan đến tổ chức khủng bố khét tiếng thế giới Al-Qaeda đang ngày một mạnh lên, giành vai trò thống trị trong cuộc nội chiến ở đất nước này.
Ảnh minh hoạ
Lực lượng chiến binh nói trên đang liên tiếp lao vào tranh giành lãnh thổ với các sư đoàn nổi dậy chính thống, chiếm giữ các thành phố, thay thế những cây thánh giá ở các nhà thờ bằng những lá cờ màu đen và tổ chức các lớp học dạy cho trẻ em Syria về tầm quan trọng của việc chiến đấu chống lại “những kẻ ngoại đạo”, ám chỉ đến bất kỳ người nào theo dòng Hồi giáo Sunni.
Chiến binh nước ngoài ồ ạt đổ vào Syria
Làn sóng chiến binh nước ngoài từ khắp thế giới Ả-rập và vượt ra ngoài cả khu vực này đang đóng một vai trò ngày càng áp đảo trong cuộc chiến nhằm giành quyền kiểm soát đất nước Syria. Lực lượng này đang nổi lên là một “thỏi nam châm” có sức hút rất mạnh đối với các chiến binh Hồi giáo nước ngoài hơn cả Iraq và Afghanistan trong suốt thập kỷ qua.
Số người Syria đang chiến đấu nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad hiện tại gần như bị “đè bẹp” bởi con số hàng nghìn chiến binh Hồi giáo nước ngoài đang ồ ạt tràn vào đất nước Syria trong vòng hơn 2 năm qua. Số chiến binh Hồi giáo nước ngoài cứ ngày một phình lên và lực lượng này bắt đầu dần chiếm lĩnh vị trí thống trị trong cuộc nội chiến ở đất nước Syria.
Các chiến binh nước ngoài đang đóng tại một loạt những chốt chặn an ninh, giữ vai trò là chỉ huy trên chiến trường và trên thực tế đang quản lý luôn cả các thành phố, thị trấn mà phe nổi dậy đang chiếm giữ. Thông tin này được chính người dân Syria và các nhà phân tích xác nhận.
Lực lượng chiến binh Hồi giáo đến từ Ả-rập Xê-út, Tunisia và Libya là những thành phần va chạm nhiều nhất với phe nổi dậy chính thống của Syria. Ngoài ra, cuộc nội chiến ở Syria còn chứng kiến sự tham chiến của các chiến binh đến từ Chechnya, Kuwait, Jordan, Iraq và Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất. Nhóm Taliban ở Pakistan hồi tháng 8 cũng tuyên bố, lực lượng này đã thiết lập sự hiện diện ở Syria. Trong số những người bị tiêu diệt trong các cuộc chiến của phe nổi dậy trong thời gian gần đây còn có cả một chỉ huy nguơif Ma-rốc từng nhiều năm bị giam trong nhà tù ở Vịnh Guantanamo của chính phủ Mỹ.
Video đang HOT
Ước tính, con số chiến binh nước ngoài đang chiến đấu ở Syria trong hơn hai năm qua lên tới từ 6.000 đến hơn 10.000 – một con số lớn hơn nhiều so với lực lượng chiến binh nước ngoài tình nguyện chiến đấu chống lại quân Mỹ ở chiến trường Iraq hay Afghanistan.
Al-Qaeda nhăm nhe ý định xây dựng nhà nước Hồi giáo ở Syria
Nổi lên trong những thành phần chiến binh Hồi giáo nước ngoài ngày càng có ảnh hưởng trong phe nổi dậy Syria là nhóm Quốc gia Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) – một chi nhánh của tổ chức Al-Qaeda. Nhóm này đang nỗ lực tìm cách giành quyền kiểm soát những khu vực rộng lớn mà phe nổi dậy chiếm được ở phía bắc Syria trong thời gian qua.
Kể từ khi ISIS thông báo về sự hiện diện của họ ở Syria trong năm nay, nhóm này đã nổi lên là một lực lượng hàng đầu trong thành phần các nhóm chiến binh Hồi giáo tràn vào Syria và đang lợi dụng tình hình hỗn loạn của cuộc nội chiến để đặt nền móng cho một quốc gia Hồi giáo ở đây.
“Họ muốn tạo dựng một quốc gia Hồi giáo hay một lãnh thổ Hồi giáo. Tôi không nghĩ họ có tham vọng giành quyền kiểm soát toàn bộ đất nước mặc dù họ rất vui nếu làm được điều đó”, ông Bruce Hoffman – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh của Trường Đại học Georgetown, đã nhận định như vậy.
Trong khi phe nổi dậy Syria ban đầu hoan nghênh nhóm ISIS như là một đồng minh hùng mạnh của mình trong cuộc nội chiến chống lại Tổng thống Assad thì hiện tại, nhiều người trong lực lượng nổi dậy chính thống đã bày tỏ sự phẫn nộ và phản đối trước việc ISIS đang đặt cuộc thánh chiến quốc tế lên trên cuộc chiến lật đổ chính quyền Syria. Các nhà hoạt động chống chính phủ cho biết, họ ghét cay ghét đắng sự tàn bạo của nhóm ISIS và việc nhóm này áp đặt những luật lệ hà khắc lên xã hội.
Những mâu thuẫn, bất mãn trên đã khiến các phe nhóm trong nội bộ phe nổi dậy lao vào xâu xé nhau và diễn biến đó đã làm phương hại đến nỗ lực chống chính quyền Assad của lực lượng này.
Sự nổi lên của các nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan ở Syria đã khiến tình hình nước này thêm nghiêm trọng. ISIS đã tấn công vào các căn cứ của phe nổi dậy để giành giật các nguồn hậu cần và hồi tháng trước đánh bạt phe nổi dậy để chiếm Azaz – một thành phố chiến lược gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Tuần trước, các chiến binh Al-Qaeda còn đột kích vào một ngôi làng ở tỉnh Idlib để bắt cóc một số chiến binh nổi dậy, gây ra cái chết cho 20 người ở cả hai bên, trong đó có chỉ huy người Libya của nhóm chiến binh nước ngoài.
Viễn cảnh lực lượng chiến binh Hồi giáo cực đoan lên nắm quyền ở đất nước Syria là điều đáng sợ nhất đối với các cường quốc phương Tây. Chính vì quá lo sợ và ám ảnh trước viễn cảnh này nên Mỹ và các đồng minh phương Tây chần chừ, do dự không muốn cung cấp sự giúp đỡ mang tính quyết định cho phe nổi dậy Syrira. Nhưng kết quả là, phương Tây đã đánh mất cơ hội để gây ảnh hưởng lên cuộc chiến ở Syria, giới phân tích chống khủng bố đã nhận định như vậy. Theo họ, ngay từ đầu, phương Tây nên giúp phe nổi dậy Syria triệt tiêu những thành phần cực đoan trong nội bộ lực lượng này.
Theo_VnMedia
Phe nổi dậy Syria đang "vỡ trận"
Thất bại liên tiếp trên chiến trường, mâu thuẫn nội bộ mỗi lúc một sâu sắc cùng với sự ủng hộ cầm chừng của phương Tây, phe nổi dậy Syria dường như đang "vỡ trận" trong cuộc chiến nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Cuộc nội chiến đẫm máu và ác liệt ở Syria kéo dài dai dẳng suốt hai năm mà không có dấu hiệu kết thúc.
Cách đây vài tháng, người ta liên tục nói đến viễn cảnh về sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Assad. Giới quan chức ngoại giao, quân sự và các nhà phân tích đã dùng đến những từ như "số phận ông Assad sắp được định đoạt" hay "sự ra đi của ông Assad là không thể tránh khỏi".... Tuy nhiên, một hai tháng trở lại đây, mọi thứ hoàn toàn đảo chiều. Thay vì nói đến sự sụp đổ của Tổng thống Assad, người ta lại nói đến sự sống sót lâu dài của ông này. Không ít các nhà phân tích thừa nhận, phe nổi dậy khó đánh bại được ông Assad và Nhà lãnh đạo Syria có thể sẽ còn cầm quyền trong vài năm tới. Thậm chí, một số người còn tin rằng, ông Assad sẽ giành chiến thắng và phe nổi dậy sẽ thất bại.
Nếu nhìn vào thực tế thời điểm này thì rõ ràng, những nhận định trên không phải là không có lý. Trong khi Tổng thống Assad liên tục gặt hái những thắng lợi cả trên mặt trận chính trị, ngoại giao và quân sự thì phe nổi dậy chao đảo, khốn đốn vì sự suy yếu ngay từ trong nội bộ của lực lượng này.
Phe nổi dậy "vỡ trận"
Có thể nói, phe nổi dậy đang khiến phương Tây và những người dân Syria ủng hộ họ đi từ thất vọng này đến thất vọng khác. Dù khởi động cuộc nổi dậy từ cách đây 2 năm nhưng cho đến tận thời điểm này, phe nổi dậy vẫn không thể nào xây dựng được một lực lượng thống nhất, đủ sức mạnh và đáng tin cậy để trở thành đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân Syria như phương Tây kỳ vọng.
Không những thế, thời gian trôi đi, mâu thuẫn, bất đồng trong phe nổi dậy dường như ngày một sâu sắc và nghiêm trọng hơn. Ngay trước thềm hội nghị hòa bình do Mỹ và Nga đề xuất, phe nổi dậy vẫn loay hoay, bế tắc trong việc tìm kiếm một mặt trận chung thống nhất khi đối diện với đại diện của phía chính quyền Tổng thống Assad.
Trong cuộc họp kéo dài liên tục 4 ngày ở thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ hồi tuần trước, phe nổi dậy đã không thể tìm được tiếng nói chung trong việc mở rộng thành viên và bầu ra một ban lãnh đạo mới. Liên minh tự do được phương Tây và Ả-rập ủng hộ chỉ nhận được sự ủng hộ mang tính tượng trưng trong Liên minh Quốc gia Syria được thống trị bởi người Hồi giáo.
Khỏi phải nói, các nước phương Tây và Ả-rập tham dự cuộc họp đã thất vọng thế nào khi Liên minh Quốc gia Syria gồm 60 thành viên đã không đạt được thống nhất trong việc công nhận một khối liên minh do nhà hoạt động đối lập Michel Kilo đứng đầu với 22 thành viên mới.
Nhóm của ông Kilo chỉ nhận được có 5 ghế trong Liên minh Quốc gia Syria. Như vậy, mong muốn của phương Tây và các nước Ả-rập trong việc giảm ảnh hưởng của lực lượng Hồi giáo trong phe nổi dậy Syria đã không đạt được. Sự thiếu đoàn kết, thống nhất của phe nổi dậy tiếp tục trở thành bước cản lớn nhất để phương Tây tiến thêm một bước quyết định trong việc ủng hộ lực lượng này và can thiệp vào cuộc nội chiến đẫm máu ở đất nước Trung Đông.
Mâu thuẫn trong nội bộ phe nổi dậy Syria còn được dịp phơi bày trong ngày hôm qua (29/5) khi các nhóm đối lập ở Syria cáo buộc những thành phần đối tác lưu vong của họ gây tổn hại đến cuộc nổi dậy ở trong nước và thiếu tính hợp pháp.
Sự thiếu đoàn kết, thống nhất của phe nổi dậy Syria thực sự đã khiến các nước ủng hộ họ, đặc biệt là phương Tây, chán ngán. Đó là lý do tại sao, các cường quốc lại tỏ ra hờ hững, thiếu mặn mà trong việc ủng hộ phe nổi dậy Syria. Rõ ràng, phương Tây khó lòng đặt niềm tin vào một lực lượng lỏng lẻo, vừa thiếu vừa yếu như vậy. Đặc biệt, khi nỗ lực của phương Tây nhằm cân bằng giữa lực lượng tự do với lực lượng Hồi giáo trong phe nổi dậy thất bại, các nước này càng có "cớ" để tranh can thiệp trực tiếp vào cuộc nội chiến ở đây. Phương Tây vốn cực kỳ e ngại trước sức ảnh hưởng của thành phần Hồi giáo cực đoan trong nội bộ phe nổi dậy Syria.
Trong bối cảnh khó khăn chồng chất trên mặt trận chính trị và ngoại giao, phe nổi dậy lại thêm chao đảo bởi những thất bại liên tiếp trên chiến trường. Tại một trong những chiến trường ác liệt nhất của Syria - thành phố chiến lược Qusair, quân đội trung thành với Tổng thống Assad liên tiếp giáng những đòn mạnh mẽ và quyết liệt xuống phe nổi dậy. Sau nhiều ngày giao tranh, quân chính phủ đã giành được quyền kiểm soát gần như toàn bộ Qusair - thành phố có vai trò cực kỳ quan trọng với cả chính quyền và phe nổi dậy.
Đối lập với tình trạng khốn đốn tứ bề của phe nổi dậy Syria, lực lượng của ông Assad tiếp tục đà thắng thế. Quân đội chuyên nghiệp và được vũ trang đầy đủ của chính phủ Syria liên tiếp "điền" thêm những chiến thắng mới vào chuỗi trận gần như bất bại của họ trong thời gian kéo dài nhiều tuần qua. Nhờ vào những bước ngoặt liên tiếp trên chiến trường, quân của ông Assad được khích lệ tinh thần rất nhiều, nhờ đó họ thêm tự tin và mạnh hơn.
Trong khi phe nổi dậy Syria nhận được sự ủng hộ cầm chừng của phương Tây thì chính quyền của Tổng thống Assad nhận được sự hậu thuẫn kiên định và vững chắc của các đồng minh như Nga, Iran và nhóm chiến binh Hezbollah ở Li-băng. Nếu như Nga liên tục cung cấp vũ khí hiện đại và tối tân cho quân đội Syria thì Iran và nhóm chiến binh Hezbollah sẵn sàng chiến đấu sát cánh bên lực lượng này.
Theo vietbao
Tin sốc: Phe nổi dậy Syria "tan đàn xẻ nghé" Hàng ngàn chiến nổi binh nổi dậy có vũ trang đã tách ra khỏi lực lượng đối lập chính được phương Tây hậu thuẫn để thành lập một liên minh mới dưới sự dẫn dắt của luật Hồi giáo sharia. Phe nổi dậy Syria đang bị "chia năm xẻ bảy" vì mâu thuẫn và đấu đá nội bộ. Diễn biến này cho thấy...