Viễn cảnh Chiến tranh Lạnh Mỹ – Trung thế kỷ 21
Trung Quốc, theo Trump, là bên phải chịu trách nhiệm khiến Covid-19 bùng phát toàn cầu. Để trừng phạt, ông đang tính đến việc rút lại lời hứa không tăng thuế.
“Việc Tổng thống rút khỏi thỏa thuận mà không cho Trung Quốc cơ hội thực hiện các cam kết của họ sẽ tạo ra bất ổn vô cùng lớn”, Craig Allen, chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc, tổ chức đại diện cho lợi ích của các công ty đa quốc gia lớn đang hoạt động ở Trung Quốc, nhận xét.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP.
Hôm 15/5, Trump công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei. Bộ Thương mại Mỹ đã tiến hành các kế hoạch nhằm ngăn chặn Huawei có được chất bán dẫn sản xuất ở nước ngoài nhưng dựa trên công nghệ Mỹ.
“Có một lỗ hổng kỹ thuật rất lớn mà qua đó Huawei có thể sử dụng công nghệ Mỹ nhờ dựa vào những nhà sản xuất nước ngoài. Chúng ta sẽ không bao giờ để lỗ hổng đó tồn tại”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tuần trước tuyên bố. Ông đồng thời thêm rằng chính phủ đã chi một tỷ USD để giúp các tháp viễn thông vùng nông thôn loại bỏ thiết bị Huawei.
“Ngày càng nhiều công ty nhận ra đại dịch đang làm tê liệt hoạt động kinh doanh của họ và suy tính đến chuyện đa dạng hóa chuỗi cung ứng”, John Scannapieco, một luật sư doanh nghiệp ở Nashville, nhận định. “Họ muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng vì lo sợ một cuộc khủng hoảng tương tự sẽ xảy ra và hẳn nhiên là nó sẽ xảy ra… Họ đang tìm đến các nước khác ở châu Á và Mexico. Họ giảm hiện diện ở Trung Quốc và phân bổ nguồn lực ra những nơi khác nhằm tránh bị mắc kẹt khi một đại dịch khác bùng phát hoặc vì lý do chính trị nào đó”.
Rời khỏi Trung Quốc đầu tiên sẽ là những ngành nghề có liên quan tới an ninh quốc gia. Trong quá khứ, đó là thép, còn trong tương lai gần có thể là bất cứ thứ gì liên quan tới y tế, giới chuyên gia nhận định.
Trong những giai đoạn căng thẳng địa chính trị hoặc thế giới phải đối mặt với đại dịch toàn cầu như hiện nay, sự phụ thuộc vào các nguồn cung từ nước ngoài có thể trở thành mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, theo một nghiên cứu dài 52 trang của Hiệp hội Henry Jackson ở London công bố hồi tháng trước.
Điều này đặc biệt đúng với Mỹ nếu nhà cung cấp quan trọng lại chính là một đối thủ địa chính trị như Trung Quốc. Sự phụ thuộc thậm chí có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi đối thủ lại là nước dẫn đầu về công nghệ liên quan đến một ngành công nghiệp cụ thể nào đó bởi việc mua hàng ở nơi khác dường như là không thể, báo cáo nhấn mạnh.
Video đang HOT
Mỹ hiện phụ thuộc vào Trung Quốc ở 16 mặt hàng dàn trải trên 5 lĩnh vực, từ những thứ người ta ít nghĩ đến như nguyên liệu đất hiếm cho tới những thứ phổ biến hơn như các viên thuốc vitamin C, vitamin D sử dụng trong gia đình hay phòng y tế trường học.
Với Mỹ, câu chuyện được lưu truyền thịnh hành là Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành một cường quốc công nghệ nhờ ăn cắp tài sản sở hữu trí tuệ.
Với Trung Quốc, câu chuyện của họ là họ có những nhân công thông minh và chăm chỉ nên không cần ăn trộm bất kỳ đoạn mã máy tính nào từ Mỹ.
Nhưng như hầu hết phần còn lại của thế giới, Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào công nghệ Mỹ, từ chất bán dẫn tới hệ điều hành cho điện thoại di động.
Theo Apjit Walia, giám đốc điều hành Deutsche Bank, hậu Covid-19, kịch bản mà nhiều người dễ dàng nghĩ tới là một cuộc Chiến tranh Lạnh công nghệ toàn cầu.
“Cuộc Chiến tranh Lạnh thế kỷ 21 này tiềm ẩn nguy cơ dựng lên một ‘bức tường công nghệ’ chia cắt thế giới thành hai nửa, hai nền công nghệ song song, một trụ cột ở Mỹ và một trụ cột ở Trung Quốc với rất ít hoặc hầu như không có tương tác”, ông nói. Khi đó, các đối tác buộc phải chọn phe, giống như chọn giữa Apple và Microsoft. Thiết bị Apple không thể chạy phần mềm Word và thiết bị sử dụng hệ điều hành Windows không thể download phần mềm từ hệ thống Mac.
Tác động của cuộc Chiến tranh Lạnh công nghệ lên mọi mặt đời sống toàn cầu có thể kéo dài hàng thập kỷ, thậm chí qua nhiều thế hệ. Đó là thứ mà mọi nhà lập pháp, tổ chức hay tập đoàn đều phải ghi nhớ khi họ lên kế hoạch cho hoạt động hậu Covid-19, Walia nhận định trong một bài viết gần đây với tiêu đề “The Coming Tech Wall”.
Theo dbDig, một nền tảng dữ liệu lớn của Deutsche Bank, Trung Quốc có khả năng tiếp cận dễ dàng tới thị trường vốn toàn cầu và thực sự nắm giữ nhiều bộ óc tài năng, vì thế họ được dự đoán đạt tới điểm cân bằng về công nghệ với Mỹ trong khoảng thời gian từ năm 2025 đến 2030.
Tuy nhiên, chiến lược của Trump nhằm làm chậm chân Trung Quốc dường như đang phát huy tác dụng. “Điều này có thể gây ngạc nhiên cho một số người lâu nay tin rằng chiến lược với Trung Quốc mà Tổng thống Trump theo đuổi là sai lầm”, Walia nói. Chúng không sai nhưng không thể duy trì mãi mãi, ông lưu ý.
Trump có thể phải rời Nhà Trắng trong 8 tháng nữa. Đảng Dân chủ có thể sẽ tìm cách quay trở lại chiến lược thời Obama là đấu tranh với Trung Quốc thông qua các hiệp định về lao động và thương mại công nghệ, như Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
“ Đối đầu với Trung Quốc mà không có đồng minh không phải là cách làm đúng đắn và tôi tin rằng (Joe) Biden sẽ quay trở lại cách tiếp cận ngoại giao cũ (thời Obama)“, Nicole Lamb-Hale, giám đốc điều hành tại Kroll, chi nhánh của công ty tư vấn tài chính Duff & Phelps, trụ sở ở Washington, nhận định, đề cập tới ứng viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ. “Nếu làm một mình, chúng ta sẽ không có bất kỳ đòn bẩy nào. Đây chính là điều mà TPP thực sự hướng tới. Họ có thể kiềm chế Trung Quốc khi tất cả các nước Đông Nam Á cùng nhau thiết lập một tiêu chuẩn mới. Điều đó có thể buộc Trung Quốc phải thay đổi. Chúng ta đã từ bỏ cách tiếp cận này khi Trump lên nắm quyền và tôi tin phe Dân chủ sẽ quay lại hướng đi đó”.
Trong lúc đó, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh năng lực phát triển công nghệ nội địa. Khu vực Vịnh Lớn (Greater Bay Area), dự án kết nối Hong Kong, Macau và 9 thành phố phía nam Trung Quốc, được đánh giá sẽ là một đối thủ thực thụ của Thung lũng Silicon, Mỹ.
Những người ủng hộ tách rời khỏi Trung Quốc cho rằng cách duy nhất khiến họ “tuân thủ luật chơi” là trừng phạt về kinh tế. Song nhiều người lo ngại các biện pháp trừng phạt tài chính nhằm vào những ngân hàng nhà nước Trung Quốc sẽ đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ Mỹ – Trung.
Ngay cả Adam Smith, “cha đẻ của thương mại tự do”, cũng đã nêu rõ rằng việc một quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung những sản phẩm thiết yếu từ nước khác là điều không mong muốn bởi nếu khủng hoảng nổ ra, họ không thể tự bảo vệ mình. Tình trạng thiếu máy thở và khẩu trang ở phương Tây giữa Covid-19 là một ví dụ điển hình.
Theo báo cáo từ Hiệp hội Henry Jackson, quá trình rời xa Trung Quốc có thể được thực hiện theo hai cách tích cực và tiêu cực. Hệ quả tiêu cực sẽ xuất hiện khi Mỹ và các đồng minh quyết định thực hiện những động thái như thông qua các cơ chế, điều luật ngăn các thực thể Trung Quốc kiểm soát những ngành công nghiệp chiến lược; cùng hợp sức trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc có hành vi giao dịch không công bằng hay ban hành những điều luật ở cấp quốc gia nhằm giảm thiểu phụ thuộc nhập khẩu vào Trung Quốc.
Trái lại, các tác giả của báo cáo nhấn mạnh những kết quả tích cực sẽ xuất hiện nếu Mỹ và đồng minh không tìm cách “trù dập” Trung Quốc mà thay vào đó sử dụng những bước đi căn bản hơn như áp dụng một chiến lược kinh tế quốc gia nhằm đảm bảo quyền tiếp cận an toàn với những hàng hóa cần thiết đáp ứng các nhu cầu công nghiệp quan trọng, trong đó nội địa hóa những hàng hòa này là ưu tiên. Mặt khác, Mỹ cũng cần tăng cường tài trợ cho nghiên cứu và phát triển nhằm giữ vững và khôi phục vị thế lãnh đạo công nghệ trước Trung Quốc.
Bộ trưởng Wilbur Ross: Virus corona ở TQ sẽ mang việc làm trở lại Mỹ
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross ngày 30/1 nhận định đợt bùng phát dịch viêm phổi do chủng virus corona mới có thể mang lại lợi ích ngoài dự kiến cho nền kinh tế Mỹ.
"Tôi nghĩ tình hình này sẽ giúp tăng tốc mang việc làm trở lại Bắc Mỹ. Một số sẽ trở về với nước Mỹ, một số sẽ quay lại Mexico", Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross nhận định các ngành công nghiệp chế tạo có thể chuyển dịch từ Trung Quốc sang thị trường lao động tại Mỹ .
Đợt bùng phát dịch do chủng virus corona mới, khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, từ tháng 12/2019 đang gây ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời sống ở cả Trung Quốc và nhiều nước khác trên thế giới. Vũ Hán và nhiều thành phố được xem như trung tâm công nghiệp quốc gia đang trong tình trạng cô lập để khống chế dịch bệnh lây lan. Tới ngày 2/2, Trung Quốc đã ghi nhận hơn 14.000 ca nhiễm và hơn 300 trường hợp tử vong.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross. Ảnh: AP.
Dù đề cập về cơ hội việc làm trở lại Mỹ, Bộ trưởng Wilbur Ross nhấn mạnh ông không muốn tỏ thái độ đắc thắng trước sự việc đáng tiếc đang diễn ra tại Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cho rằng "việc các doanh nghiệp có thêm lý do để cân nhắc lại chuỗi cung ứng" là một thực tế khá rõ.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng các công ty Mỹ đã gắn kết quá sâu vào sản xuất tại Trung Quốc nên việc từ bỏ dây chuyền cung cấp vì đợt bùng phát dịch vẫn khó xảy ra. Chưa ai dự đoán được dịch bệnh sẽ kéo dài bao lâu và có thể gây nên thiệt hại đến mức nào. Trong khi trước mắt, việc tìm kiếm địa điểm xây nhà máy mới và đối tác cung cấp sẽ khiến các công ty Mỹ tốn rất nhiều thời gian.
Dịch bệnh do chủng virus corona mới tiếp tục lan rộng tại Trung Quốc với số ca nhiễm đã gần 9.700 người. Ảnh: AP.
Sau đại dịch Sars (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) năm 2003, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Mỹ vào Trung Quốc thậm chí tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, giá nhân công tại Mỹ vẫn cao hơn tại Trung Quốc và nhiều quốc gia khác ở châu Á, theo AP.
Sau khi bình luận của ông Ross vấp phải chỉ trích, Bộ Thương mại Mỹ cùng ngày phải ra thông cáo làm rõ lại ý của vị bộ trưởng.
"Bộ trưởng Ross đã nói rõ ưu tiên hàng đầu là khống chế virus và giúp đỡ những người mắc bệnh. Tuy nhiên, việc đánh giá lại hợp tác làm ăn với một quốc gia vốn nhiều lần che đậy rủi ro, với chính người dân của họ và thế giới, cũng là vấn đề rất quan trọng", thông cáo nhấn mạnh.
Theo news.zing.vn
Trung Quốc xác nhận sang Mỹ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào tuần tới Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 9/1 thông báo Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He) sẽ tới Washington vào tuần tới để ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ. Phát biểu tại họp báo, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong (Gao Feng) nói ông Lưu Hạc sẽ đến Washington từ ngày 13-15/1. Ông...