Viện binh người Kurd tới Kobani tham chiến
Các chiến binh Peshmerga có vũ trang hôm qua khởi hành từ căn cứ ở miền bắc Iraq tới hỗ trợ lực lượng người Kurd bảo vệ thị trấn biên giới Kobani, ngăn nơi này rơi vào tay phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Đoàn xe chở các chiến binh Peshmerga khởi hành từ thành phố Arbil, thủ phủ khu tự trị người Kurd tại Iraq, tới thị trấn Kobani. Ảnh: Reuters.
Hơn 30 phương tiện chở theo 80 chiến binh, súng máy và pháo, đi đường bộ tới Kobani, vượt qua biên giới vào Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua, AFP dẫn lời một sĩ quan người Kurd cho biết. Đoàn xe còn bao gồm hai khẩu pháo kéo cùng nhiều xe tải được che kín, trong số này có một số chiếc chở theo bệ phóng tên lửa. 72 chiến binh Peshmerga khác bay đến Thổ Nhĩ Kỳ vào sáng sớm nay.
Một phóng viên của hãng tin nói đoàn xe khởi hành từ căn cứ tại đông bắc Arbil, thủ phủ khu tự trị người Kurd ở Iraq, tới thị trấn Kobani. Người Kurd ở Kobani đã chờ đợi các chiến binh Peshmerga trong nhiều ngày qua, sau khi Ankara tuần trước cho phép lực lượng này đi qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ vào thị trấn.
“Hiện không có rắc rối chính trị nào. Không có rắc rối nào ở con đường lực lượng Peshmerga đi qua. Họ có thể đi qua bất cứ lúc nào”, hãng thông tấnAnatolia dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói. Ông cũng bác bỏ những thông tin cho rằng Ankara đang gây trì hoãn.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu hôm qua kêu gọi một “chiến thuật tích hợp” trong cuộc chiến với IS và hỗ trợ cho Quân đội Syria Tự do (FSA), lực lượng chống chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ông muốn FSA kiểm soát Kobani khi IS bị tiêu diệt, không phải lực lượng người Kurd bản địa hay Damascus.
Video đang HOT
Trong khi đó, Liên Hợp Quốc đề nghị tăng cường hỗ trợ các quốc gia đang chứa người tị nạn như Lebanon và Jordan, đồng thời cảnh báo thế giới đang đối mặt với “thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất” trong xung đột. Cao ủy Liên Hợp Quốc về Vấn đề Tị nạn, Antonio Guterres, nói tác động từ dòng người tị nạn trong khủng hoảng Syria đến các nước láng giềng là “rất lớn”.
“Kinh tế, dịch vụ công, cơ cấu xã hội của những cộng đồng và phúc lợi cho các gia đình đều bị ảnh hưởng, chưa kể tác động an ninh từ cuộc khủng hoảng Syria tới toàn khu vực”, ông Guterres phát biểu tại hội nghị quốc tế tổ chức ở Berlin, Đức. Ông kêu gọi “hỗ trợ tài chính mạnh mẽ hơn” tới những quốc gia chứa người tị nạn.
Giao tranh hôm qua tiếp tục xuất hiện ở Kobani. Phiến quân IS đốt lốp xe, tạo những cột khói đen để hạn chế bị chiến đấu cơ của liên quân quốc tế không kích. Quân đội Mỹ trong cùng ngày cho biết đã thực hiện thêm 4 đợt không kích nhằm vào IS ở Kobani và 9 đợt không kích ở Iraq trong hai ngày 27 và 28/10.
IS kiểm soát nhiều phần lãnh thổ Syria và Iraq kể từ đầu năm nay, tuyên bố thành lập “đế chế” Hồi giáo và có nhiều hành động tàn bạo. Sự gia tăng sức mạnh và ảnh hưởng của nhóm Hồi giáo làm dấy lên lo ngại toàn cầu nhưng Washington cùng các đồng minh vẫn từ chối cam kết điều bộ binh tham chiến.
Khu vực người Kurd đang kiểm soát ở thị trấn Kobani (màu vàng) và đường chiến tuyến với phiến quân IS (màu xanh) tính đến ngày 20/10. Đồ họa: BBC.
Như Tâm
Theo VNE
Mỹ thừa nhận vũ khí Mỹ rơi vào tay phiến quân Hồi giáo
Lầu Năm Góc hôm qua cho biết một bọc hàng mà Mỹ viện trợ cho lực lượng người Kurd ở Kobani có thể rơi vào tay phiến quân Nhà nước Hồi giáo, trong khi tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gọi hành động của Washington là "sai lầm".
Khói và bụi bốc lên ở thị trấn Kobani sau một cuộc không kích của Mỹ. Ảnh: Reuters.
"Hôm qua chúng tôi thông báo rằng một bọc hàng viện trợ rơi sai hướng và bị tiêu hủy", Reuters dẫn lời Đại tá Steve Warren, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, nói. "Chúng tôi đã xem xét lại và nhận thấy bọc hàng thứ hai cũng rơi nhầm hướng và có khả năng lọt vào tay kẻ địch".
Các phi cơ vận tải C-130 của Mỹ hôm 19/10 thả dù khoảng 27 bọc hàng gồm vũ khí, đạn dược và vật tư y tế cho người Kurd ở Kobani, lực lượng đang chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo (IS) trong hơn một tháng qua để ngăn thị trấn này rơi vào tay phiến quân. Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) ngày 21/10 cho biết ít nhất một bọc hàng đã rơi vào tay IS.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lên án việc thả hàng của Mỹ là "sai lầm". "Những gì diễn ra ở đây là sai lầm. Tại sao nó lại sai? Bởi vì một phần vũ khí họ thả xuống từ các phi cơ vận tải C-130 đã bị IS thu được", ông Erdogan phát biểu trong cuộc họp báo ở thủ đô Ankara.
Khi được hỏi về kế hoạch hỗ trợ lực lượng Peshmerga người Kurd vượt qua biên giới vào Kobani, ông Erdogan cho biết sẽ trao đổi vấn đề này với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc điện đàm vào cuối tuần. Ông cũng không hiểu tại sao Kobani lại có tính chiến lược với Washington đến thế bởi "thị trấn này không có dân thường, chỉ có khoảng 2.000 tay súng".
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục đàm phán cụ thể về cách lực lượng Peshmergas di chuyển qua nước này. Một nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua nói có khoảng 500 chiến binh Peshmergas sẽ qua biên giới tới Kobani vào cuối tuần.
Theo AFP, ông Erdogan còn chỉ ra rằng hành động của Mỹ cũng khiến Thổ Nhĩ Kỳ gặp rắc rối bởi vũ khí được viện trợ cho Đơn vị Bảo vệ Người dân (YPG), nhánh vũ trang của đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD). Ankara coi PYD cũng giống như đảng Công nhân người Kurd (PKK), lực lượng mở chiến dịch đòi tự trị ở miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ làm 40.000 người chết trong hơn ba thập niên qua.
"Bất kỳ hỗ trợ nào gửi cho PYD cũng sẽ có lợi cho PKK. Và Thổ Nhĩ Kỳ cần đấu tranh chống lại điều này", ông Erdogan tuyên bố.
Như Tâm
Theo VNE
Thổ Nhĩ Kỳ mở đường cho người Kurd ở Iraq vào Kobani Ankara đang hỗ trợ lực lượng người Kurd của Iraq vượt qua biên giới nước này, để tham gia cuộc chiến chống IS tại thị trấn Kobani, Syria. Lính Anh huấn luyện cho lực lượng người Kurd tại Iraq. Ảnh: Reuters "Chúng tôi đang hỗ trợ lực lượng Peshmerga vượt qua biên giới vào Kobani", AFP dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Thổ...