Viêm ruột thừa cấp – Một cấp cứu ngoại khoa dễ bị nhầm lẫn
Viêm ruột thừa cấp là một cấp cứu ngoại khoa khá thường gặp. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn tới biến chứng viêm phúc mạc đe dọa tới tính mạng bệnh nhân.
Viêm ruột thừa thường xảy ra ở nam giới, đặc biệt vào tuổi dậy thì. Tỷ lệ nam/nữ khoảng 1,3:1. Tỷ lệ phẫu thuật chiếm 30- 40% tổng số phẫu thuật cấp cứu bụng.
Vì sao bị viêm ruột thừa?
Tắc nghẽn lòng ruột thừa là yếu tố gây bệnh nổi bật nhất trong viêm ruột thừa cấp. Sỏi phân là nguyên nhân gây tắc ruột thừa hay gặp. Ít gặp hơn là do phì đại mô bạch huyết, có thể do rau và quả hạt, do giun đũa…
Diễn tiến của viêm ruột thừa
Đám quánh ruột thừa: Ruột thừa viêm được các cấu trúc xung quanh đến bao bọc, không có hoặc có rất ít mủ. Diễn tiến có thể tạo thành ổ áp- xe, hay phản ứng viêm giảm dần và bệnh nhân bớt đau.
Áp-xe ruột thừa: Thời gian hình thành ổ áp xe thường từ 4- 5 ngày.
Viêm ruột thừa cấp vỡ mủ được các tạng lân cận như mạc nối lớn, ruột non đến bao xung quanh, cô lập tạo thành ổ áp xe ruột thừa.
Viêm phúc mạc: Có thể khu trú ở hố chậu phải hoặc nửa bụng dưới hoặc viêm phúc mạc toàn thể.
Viêm phúc mạc ruột thừa thường do bệnh nhân đến muộn hoặc được chẩn đoán muộn.
Bệnh viêm ruột thừa cần được phát hiện kịp thời.
Triệu chứng của viêm ruột thừa
Đau bụng: Là triệu chứng xuất hiện đầu tiên và luôn có. Tính chất cơn đau rất đa dạng. Dù vậy, đau bụng do viêm ruột thừa thể điển hình có tính chất như sau: Cơn đau khởi đầu ở vùng quanh rốn hoặc trên rốn. Sau khoảng 2-12 giờ, đau tăng dần và di chuyển xuống vùng hố chậu phải, đau âm ỉ liên tục, tăng lên khi ho hoặc khi thay đổi tư thế… Đây là triệu chứng đáng tin cậy nhất để nhận biết một trường hợp viêm ruột thừa cấp.
Video đang HOT
Ngoài ra, do vị trí của ruột thừa rất đa dạng, tùy vào vị trí của ruột thừa mà người bệnh sẽ có cảm nhận rất khác nhau về vị trí đau: Đau hông lưng (ruột thừa sau manh tràng), đau hạ vị (ruột thừa thể tiểu khung), đau dưới sườn phải (ruột thừa dưới gan)…
Ngoài ra, tính chất của cơn đau bụng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác: Thuốc đang sử dụng, sức chịu đựng, sức đề kháng của người bệnh, tình trạng bệnh lý của người bệnh …
Sốt: Thường sốt nhẹ khoảng 38 độ C do tình trạng viêm nhiễm của ruột thừa. Nếu có biến chứng viêm phúc mạc thì tình trạng nhiễm trùng nặng, gây triệu chứng sốt cao.
Rối loạn tiêu hóa: Người bệnh có thể có các triệu chứng khác như: chán ăn/ăn không ngon, nôn/buồn nôn, tiêu chảy, hiếm khi có táo bón. Điều đáng lưu ý là triệu chứng chán ăn/ăn không ngon tuy không khẳng định, nhưng gần như luôn xuất hiện trong viêm ruột thừa cấp.
Thứ tự xuất hiện của các triệu chứng thường là: Chán ăn – Đau bụng – Nôn ói. Nếu nôn ói xuất hiện trước đau thì cần xem xét cẩn trọng.
Chẩn đoán
Do tính chất đa dạng của đau ruột thừa, nên bệnh lý viêm ruột thừa có thể rất dễ hoặc rất khó chẩn đoán. Thực tế, hiện nay không có một triệu chứng, dấu hiệu lâm sàng hay xét nghiệm nào chẩn đoán chính xác viêm ruột thừa trong tất cả các trường hợp. Việc chẩn đoán thường được kết hợp dựa trên bệnh cảnh lâm sàng, thăm khám và các xét nghiệm.
Mặc dù hiện nay đã có những phát triển vượt bậc của các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh và nội soi ổ bụng, tỷ lệ chẩn đoán nhầm viêm ruột thừa vẫn còn hay gặp, nhất là ở các tuyến cơ sở.
Đau vùng hố chậu phải là một dấu hiệu thường thấy của viêm ruột thừa.
Điều trị viêm ruột thừa
Nguyên tắc điều trị viêm ruột thừa cấp là phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa. Phẫu thuật nên được tiến hành càng sớm càng tốt, ngay khi có chẩn đoán. Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng dù chẩn đoán viêm ruột thừa chưa xác định nhưng nếu người bệnh có cơn đau giống viêm ruột thừa và đang diễn tiến nặng thì vẫn có khuyến cáo phẫu thuật để tránh các biến chứng đáng ngại của viêm ruột thừa.
Điều trị kháng sinh có thể áp dụng cho các trường hợp viêm ruột thừa cấp không biến chứng ở những vùng xa xôi, những bệnh nhân có nhiều nguy cơ cho cuộc mổ hay từ chối mổ. Cần lưu ý, điều trị kháng sinh có tỷ lệ thất bại phải chuyển phẫu thuật, đồng thời đòi hỏi quá trình theo dõi chặt chẽ và kéo dài hơn và hiệu quả giảm dần theo thời gian.
Viêm ruột thừa ở phụ nữ có thai
Chẩn đoán viêm ruột thừa ở phụ nữ có thai là một thử thách vì các triệu chứng của viêm ruột thừa tương đối giống các rắc rối thường gặp trong thai kỳ bình thường. Mặt khác, vì ruột thừa bị đẩy lên cao và ra ngoài trong thai kỳ nên vị trí của viêm ruột thừa cũng sẽ có sự thay đổi.
Trên khía cạnh chẩn đoán, việc sử dụng CT-Scan cũng là một vấn đề nan giải. Người bệnh sẽ phải tiếp xúc với tia xạ (thường gấp 400 lần phim Xquang phổi) và thường dùng chất cản quang nên không thích hợp cho phụ nữ có thai, dẫn đến khó khăn trong việc chẩn đoán.
Phụ nữ có thai nghi ngờ viêm ruột thừa được khuyến cáo phẫu thuật sớm dù nguy cơ cắt “nhầm” ruột thừa bình thường tương đối cao, vì viêm ruột thừa nếu diễn tiến thành viêm ruột thừa hoại tử gây viêm phúc mạc sẽ làm tăng tỷ lệ mất thai lên 4 lần.
Khối u ruột thừa
Là bệnh lý rất hiếm gặp. Có thể gặp u lành tính hoặc ác tính.
Biểu hiện của bệnh: Các khối u trên ruột thừa tiết các chất hóa học làm cho ruột thừa sưng viêm, gây nên tình trạng viêm ruột thừa và tiêu chảy. Viêm ruột thừa do u thường có biểu hiện nhẹ hơn và diễn tiến chậm.
Tóm lại, viêm ruột thừa là biểu hiện tình trạng bệnh lý bất thường của ruột thừa. Triệu chứng có tính chất rất đa dạng, do đó rất khó nhận biết và chẩn đoán chính xác. Dù vậy, cần phải đưa người bệnh đến ngay các trung tâm y tế để thăm khám và chẩn đoán khi nghi ngờ người bệnh đang có dấu hiệu của viêm ruột thừa.
Vỡ ruột thừa vì mẹ cho đi chữa mẹo, dấu hiệu nào cần cho con vào viện ngay
Đau bụng ở trẻ có nhiều nguyên nhân như nhiễm khuẩn, ăn uống quá độ, dị ứng thức ăn, ngộ độc thực phẩm hay độc chất hoặc các nguyên nhân lớn hơn như viêm ruột thừa, tắc ruột...vì vậy cần theo dõi thật sát để cấp cứu kịp thời.
Vỡ ruột thừa vì mẹ cho đi chữa mẹo
Chị Nguyễn Thị Huế (Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết con trai chị vừa phẫu thuật viêm ruột thừa vỡ gây nhiễm trùng nặng.
Theo chị Huế, con trai chị 11 tuổi, bé thường xuyên kêu đau bụng, chị cho con uống thuốc không đỡ. Chị được một người quen giới thiệu sang nhà ông lang xã bên cạnh chuyên trị các chứng đau bụng nên chị cho con sang bên đó để chữa mẹo.
Kết quả, ngày hôm sau bé đi học bình thường nhưng đến chiều tình trạng đau bụng tăng lên không đỡ. Chị Huế vội vàng đưa con vào Bệnh viện quân y 103 cấp cứu. Lúc này, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm ruột thừa đã vỡ. Vì đã bị ảnh hưởng tới phúc mạc, ca phẫu thuật kéo dài và thời gian bé bình phục rất lâu.
Ảnh minh hoạ.
Chị Phương Hà (31 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) vừa đưa con vào BV Nhi trung ương cấp cứu vì lồng ruột, chia sẻ buổi tối con gái 3 tuổi của chị vẫn chơi bình thường, đến 10h đêm chuẩn bị đi ngủ thì bé khóc ré lên kêu đau bụng. Chị Hà nghĩ con lấy cớ để không đi ngủ còn xem hoạt hình nên cho rằng con đùa. Đến khi bé khóc thét từng cơn ôm bụng kêu đau cả nhà mới tá hoả.
Vợ chồng chị vội vàng gọi điện hỏi bác sĩ gia đình quen. Hai vợ chồng được tư vấn nên theo dõi thêm. Nhưng càng về sau cơn đau này càng kéo dài và thường xuyên hơn.
Cuối cùng, 2h sáng cả nhà đưa bé vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ siêu âm cho biết bé bị lồng ruột và phải tháo lồng.
Khi nào cơn đau bụng nguy hiểm
Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Quốc Khánh - Bệnh viện Việt Đức, trẻ bị đau bụng rất hay gặp. Tuy nhiên, triệu chứng đau bụng ở trẻ em có nhiều nguyên nhân cha mẹ cần chú ý kỹ để không xảy ra điều đáng tiếc. Bởi vì khi trẻ đau bụng có những nguyên nhân nhẹ nhàng không nguy hiểm nhưng cũng có những nguy cơ nguy hiểm tiềm ẩn.
Những nguyên nhân nguy hiểm với trẻ có thể viêm ruột thừa, xoắn ruột, lồng ruột, xoắn nang tinh hoàn ở nam, xoắn buồng trứng ở nữ. Những nguyên nhân không nguy hiểm như ngộ độc thức ăn, trúng gió, ăn quá nó, viêm hạch mạc treo.
Khi trẻ bị đau bụng, theo bác sĩ Khánh, cha mẹ nên theo dõi con và hỏi bé vị trí đau để xác định khi nào cần đưa trẻ đi viện khi trẻ có các dấu hiệu sau:
Thứ nhất, trẻ đau bụng hố chậu bên phải cũng có thể viêm ruột thừa. Viêm ruột thừa ở trẻ diễn biến nhanh có thể vỡ ruột thừa gây viêm phúc mạc.
Thứ hai, đau bụng cơn kèm nôn mật xanh, mật vàng có thể bị tắc ruột, xoắn ruột, lồng ruột.
Thứ ba, đau bụng kèm theo sốt cao.
Thứ tư, trẻ đau bụng kéo dài trên 24 tiếng.
Thứ năm, trẻ đau bụng kèm tiêu chảy sau 24 tiếng. Nếu trẻ đau bụng tiêu chảy trong 24 tiếng là hết thì thôi nhưng dài quá cần cho trẻ đi viện.
Thứ sáu, trẻ đau bụng vùng hạ vị, vùng bẹn có thể do thoát vị bẹn nghẹt, xoắn tinh hoàn cần cấp cứu ngay.
BS Khánh cũng lưu ý với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi thường khóc và ôm bụng khi trẻ bị đau bụng. Khi đó, cần đưa trẻ vào khoa cấp cứu gần nhất có máy siêu âm để bác sĩ siêu âm loại trừ các nguyên nhân nguy hiểm nhất. Tại bệnh viện, để xác định chính xác nguyên nhân, đôi lúc các bác sĩ sẽ cần thực hiện thêm một số xét nghiệm như công thức máu, xét nghiệm phân, siêu âm, chụp Xquang bụng... Tùy theo nguyên nhân cụ thể mà hướng xử trí sẽ khác nhau. Trẻ có thể sẽ được dùng thuốc, tiếp tục theo dõi hay nhanh chóng phẫu thuật.
Khi trẻ đau bụng, điều đầu tiên bà mẹ nên làm là trấn an, vỗ về và cho bé nằm nghỉ. Cần theo dõi sát trẻ nhằm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.
Giun đũa chui vào ổ bụng qua lỗ thủng ruột non Khi nội soi ổ bụng, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi có lỗ thủng ở túi thừa ruột non khiến giun đũa dài 25 cm chui qua. Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam tiếp nhận bệnh nhi H.V.H. (nam, 13 tuổi, trú tại huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) trong tình trạng bụng chướng, đau dữ dội kèm nôn mửa,...