Viêm não Nhật Bản và những điều nên biết
Viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, có thể dẫn tới tình trạng tổn thương não vĩnh viễn, tỷ lệ tử vong rất cao.
Viêm não Nhật Bản (còn được gọi là viêm não mùa hè, viêm não B) là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, có thể dẫn tới tình trạng tổn thương não vĩnh viễn, tỷ lệ tử vong rất cao.
Bộ Y tế cho biết viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi là con vật trung gian. Khi bị muỗi nhiễm virus viêm não Nhật Bản đốt, người có thể mắc bệnh viêm não Nhật Bản và bệnh thường gặp nhiều ở trẻ em. Tỷ lệ tử vong cao.
Viêm não Nhật Bản là bệnh thường gặp nhiều ở trẻ em và có tỷ lệ tử vong cao (Ảnh: KT)
Theo thống kê của BV Nhi Trung ương, tính đến ngày 25/6, số ca viêm não nhập viện là gần 130 ca, trong đó tỉ lệ bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản B lại tăng vọt với 36 ca so với cùng kỳ năm 2013 (chiếm gần 30%, năm 2013 tỉ lệ này chỉ là 8%). Trong đó có 2 ca tử vong, kết quả xét nghiệm 1 ca dương tính với viêm não Nhật Bản B và 1 ca có liên quan.
Trong buồng cấp cứu của khoa Truyền nhiễm có buồng 4 bệnh nhân viêm não thì có tới 3 ca chưa tiêm vaccine và 1 ca không rõ tiền sử tiêm chủng.
Triệu chứng bệnh
Thời kỳ ủ bệnh là 1 – 6 ngày, ngắn nhất 24 giờ và có khi tới 14 ngày, thường ít có triệu chứng. Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng như sốt, đau đầu, buồn nôn và nôn. Sau đó sốt cao, co giật, co cứng cơ và lú lẫn.
Triệu chứng nổi bật trong giai đoạn toàn phát là những dấu hiệu ở màng não, não và rối loạn thần kinh thực vật. Đối với dấu hiệu màng não có 2 triệu chứng phổ biến là cứng gáy và dấu hiệu Kernig. Rối loạn vận động thể hiện trên nhiều mặt như co cứng cơ, co vặn, cơn quay mắt quay đầu, co giật, động cơn, run, liệt nửa người, mất vận động ngôn ngữ.
Các triệu chứng thần kinh thực vật rất đa dạng và nặng nề: nhiệt độ giao động, xanh tái, rối loạn hô hấp, tăng tiết đờm dãi, nhịp tim nhanh, chướng bụng, nôn, bí đại tiểu tiện và ngừng hô hấp đột ngột. Các triệu chứng tâm thần chủ yếu là rối loạn ý thức với các mức độ khác nhau từ u ám, ngủ gà đến hôn mê sâu.
Trong các trường hợp nặng tiến triển đến tử vong, thường thấy sốt trên 40 độ C kèm với các rối loạn thần kinh thực vật nặng nề. Tử vong thường xảy ra vào ngày thứ 3 đến thứ 8 của giai đoạn cấp. Với các bệnh nhi sống sót có thể để lại các di chứng thần kinh tâm thần.
Video đang HOT
Cách phòng bệnh
Tiêm chủng là cách phòng ngừa tốt nhất (Ảnh: SKĐS)
Theo khuyến cáo của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền. Bệnh lưu hành quanh năm và gây dịch trong mùa hè, thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi.
Lợn và chim là những ổ chứa virus viêm não Nhật Bản. Muỗi là trung gian truyền bệnh hút máu động vật có chứa vi rút rồi truyền cho người khi đốt. Muỗi thường đẻ trứng ở ruộng, kênh, mương và hay trú đậu ở các chuồng gia súc (lợn, trâu bò). Muỗi hoạt động cả ngày lẫn đêm, nhưng hoạt động mạnh từ 18 – 22 giờ.
Để phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản, Bộ Y tế khuyến cáo:
- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, nên dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.
- Khi đi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi trong các hộ gia đình, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt.
- Tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tiêm chủng với 3 liều cơ bản: Mũi đầu tiên lúc trẻ được 1 tuổi, mũi 2 tiêm sau mũi 1 từ 1-2 tuần, mũi 3 tiêm sau mũi 2 một năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi./.
Theo CTV Thùy Anh
VOV.VN
Sợ lây sởi, bệnh nhi nằm tràn hành lang bệnh viện
Chưa năm nào, lượng bệnh nhi phải nhập viện điều trị vì biến chứng sởi lại "kỉ lục" như năm nay. Tại bệnh viện, nhiều trẻ mắc bệnh lý hô hấp phải "rạt" ra hành lang vì sợ lây sởi. Người có việc vào viện cũng nơm nớp lo "rước" sởi về nhà.
Tràn ra nằm hành lang vì sợ sởi
Bệnh nhân mắc bệnh lý hô hấp, viêm phổi "rạt" hết ra hàng lang bệnh viện nằm vì sợ lây sởi.
Ôm cô con gái N.N.M.Anh (3,5 tháng tuổi) ngồi ở hàng lang khoa Nhi (BV Bạch Mai), chị Minh cho biết, mẹ con chị đã mua chiếu, chuyển ra hàng lang bệnh viện ngay từ đêm đầu tiên nhập viện (7/4).
"Phòng đông nghịt bệnh nhân, 4 - 5 cháu một giường. Rồi toàn các bệnh nhi phát ban, sởi. Mình sợ lây cho con quá, đành ra hành lang nằm dù trong phòng bé được xếp chung giường với 3 bệnh nhi khác. Đọc thông tin thấy nhiều trẻ dưới 9 tháng chưa tiêm phòng đã mắc sởi, mình lo lắng lắm, cố gắng giữ gìn cho con. Cũng may trời ấm nên đêm không mấy lạnh. Bé đang viêm phổi, điều trị xong lại dính sởi thì đến chết", chị Minh nói.
Bà nội của bé Anh chia sẻ thêm, ở ngoài hành lang thì thoáng nhưng lại nhiều muỗi. Cả đêm hai mẹ con phải thay phiên nhau quạt muỗi cho cháu, vì không thể mắc màn. Nhưng ở ngoài này còn hơn, chứ trong phòng, chỉ sợ cháu lây sởi, lây nhiễm bệnh về đường tiêu hóa.
Ngay bên cạnh, bé N.V.T (16 tháng tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) nằm sấp xuống chiếu để mẹ vỗ lưng.
Cậu bé N.V.T vào viện điều trị viêm phổi, cũng được xếp giường, nhưng vì sợ lây sởi, hai mẹ con đã ra hàng lang nằm.
Không chỉ bệnh nhi lo mắc sởi, mà người vào viện cũng lo lắng về nguy cơ lây bệnh mang về cho con. Một phóng viên chuyên theo dõi mảng y tế cho biết, vì là phóng viên y tế, vào bệnh viện nhiều thành quen, bản thân không sợ lây bệnh. Nhưng mới đây khi vào quay quá tải bệnh nhân sởi, có một thợ quay phim đã từ chối không hợp tác vì sợ vào bệnh viện mang "con vi rút sởi" về nhà.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai cho biết, chưa bao giờ khoa Nhi lại quá tải trầm trọng như hiện nay. Khoa chỉ có 60 giường bệnh (kể cả tự nguyện), nhưng số trẻ nằm nội trú thời gian gần đây luôn ở mức cao 100-140 trẻ. Vì thế, thường xuyên có cảnh 4-5 bé một giường, đợt cao điểm con số này là 7. Khu vực chơi cho trẻ cũng đã được tạm thời trưng dụng làm Phòng lưu trú bệnh nhân.
"Người nhà bệnh nhân, bệnh nhân nằm tràn ra hành lang, trước phòng bác sĩ... nhưng cũng may là còn hành lang để nằm, bởi bệnh nhân thì quá đông mà không thể từ chối điều trị, do đại đa số bệnh nhân phải nhập viện đều ở trong tình trạng nặng. Có những thời điểm, hết cả dây dẫn ôxy cho bệnh nhân. Một cọc vào ôxy lẽ ra dùng cho một người bệnh nay phải nối thêm ống dây cho trẻ khác thở. 7 máy thở lúc nào cũng trong tình trạng chạy hết công suất", TS Dũng nói.
Trước tình trạng quá tải trầm trọng tại khoa Nhi, sáng 8/4, Ban GĐ BV Bạch Mai cũng đã có cuộc họp "nóng" với khoa. Theo đó, BV Bạch Mai sẽ tăng cường thêm cho khoa Nhi hệ thống thở oxy, sẵn sàng đáp ứng thêm ngay máy thở khi khoa Nhi có đề nghị.
Không riêng gì khoa Nhi mà tại BV Nhi T.Ư cũng quá tải trầm trọng, vượt trên 130%, bệnh nhân cũng phải nằm ghép 3 - 4 người/giường. Hay như tại các bệnh viện của Hà Nội, như BV Xanh pôn, khoa Nhi có khoảng 120 giường nhưng luôn có khoảng 400 bệnh nhân nhi; BV Thanh Nhàn 50 giường có 163 bệnh nhân...
"Kiện" bệnh viện vì con mắc sởi!
PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi cho biết, tại đây chưa bao giờ, số lượng bệnh nhân nặng do biến chứng sởi được chuyển đến lại nhiều như thời điểm suốt 2 tháng trở lại đây. BV Nhi TƯ đã dành riêng khoa Truyền nhiễm cho điều trị bệnh nhân sởi mà số giường bệnh vẫn không xuể, hơn 200 bệnh nhân biến chứng viêm phổi nặng do sởi vẫn phải nằm ghép 3-4 bệnh nhân một giường.
Bệnh viện cũng vừa phải giải quyết đơn kiện đòi bồi thường của gia đình cháu bé 13 tháng tuổi (ở Vĩnh Phúc), tử vong vì bệnh sởi sau khi điều trị bệnh viêm phổi tại bệnh viện. Trước đó, cháu bé 13 tháng tuổi trên được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị bệnh sởi, tuy nhiên do biến chứng nặng nên cháu đã tử vong sau ít ngày nhập viện.
Theo bác sĩ Trần Văn Học, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Nhi Trung ương, gia đình có viết đơn đòi bệnh viện bồi thường với ly do cháu bị nhiễm sởi khi điều trị bệnh viêm phổi trước đó tại bệnh viện dẫn đến tử vong. Bác sĩ Học cho rằng, nguy cơ lây nhiễm chéo bệnh trong bệnh viện là có thể xảy ra và đã nhiều lần được khuyến cáo. Với trường hợp của cháu bé 13 tháng, rất khó khẳng định bị lây từ bệnh viện hay cộng đồng vì nhiều trẻ tại gia đình cũng bị sởi.
Trước những thông tin lo ngại nhiều bệnh nhân nhiễm sởi trong bệnh viện, PGS Dũng cho rằng: "Không thể khẳng định lây nhiễm sởi trong bệnh viện. Bởi khi bệnh nhân đến bệnh viện khám với biểu hiện sốt và phát ban thì nghĩa là virus sởi đã ủ bệnh từ trước đó 1 đến 3 tuần. Thậm chí nhiều trẻ nhỏ vài ngày tuổi chỉ chăm sóc tại nhà nhưng vẫn mắc sởi, Tại khoa cũng đã từng tiếp nhận bệnh nhi 24 ngày tuổi mắc sởi. Vì thế, tại BV cha mẹ không nên quá lo lắng về nguy cơ trẻ vào viện bị lây sởi. Thực tế khi sởi đã phát ban thì tỷ lệ lây rất ít, giai đoạn lây mạnh nhất là thời kỳ ủ bệnh", TS Dũng nói
Ths.Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, tình trạng quá tải đang rất trầm trọng, có những đêm một bác sĩ trực phải khám hàng trăm bệnh nhân. "Bệnh nhân nào khi đến viện cũng đòi hỏi sự chăm sóc tốt nhất, nhanh nhất, trong khi bệnh nhân quá tải khiến bác sĩ cũng bị tăng thêm áp lực. Nhưng chúng tôi cũng hi vọng, bệnh nhân sẽ hiểu và thông cảm để bác sĩ yên tâm làm công tác chuyên môn, tập trung khám, cấp cứu những bệnh nhân nặng. Tuy làm việc rất căng thẳng, nhưng các bác sĩ luôn với tinh thần làm việc, chăm sóc bệnh nhân hết mình, người bệnh xếp hàng khám bệnh theo đúng trình tự, theo hướng dẫn cũng là một sự cộng tác với các y bác sĩ. Công tác chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện cũng được tăng cường" - BS Nam chia sẻ.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến vừa chỉ đạo Bệnh viện Nhi Trung ương trước mắt tập trung tối đa nguồn lực điều trị cho các bệnh nhi nặng; tăng cường nhân lực tại phòng khám để sàng lọc, phân loại bệnh nhi, chuyển trường hợp nhẹ về tuyến dưới; sử dụng giường bệnh của các khoa không quá tải để tập trung điều trị bệnh nhi thuộc các khoa quá tải...
Thứ trưởng cũng giao Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm đầu mối chỉ đạo thực hiện quy định về chuyển tuyến hợp lý, quán triệt thực hiện vận chuyển bệnh nhân an toàn... Nếu bệnh nhân yêu cầu chuyển lên tuyến trên thì phải có hướng dẫn và tư vấn hợp lý. Bộ Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện tuyến trung ương cần tăng cường thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, khảo sát đánh giá thực trạng tuyến dưới và thực hiện hoạt động hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật nâng cao năng lực tuyến dưới.
Các Bệnh viện Bạch Mai, E, Nhiệt đới Trung ương sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ điều trị bệnh nhân nặng khi cần thiết. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẩn trương nghiên cứu để kết luận về tình trạng bệnh sởi hiện nay
Bài và ảnh: Hồng Hải
Theo Dantri
Cẩn trọng với biểu hiện của trẻ trong "mùa" viêm não Nhật Bản Ngày 4.7, trao đổi với phóng viên, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cho biết thời điểm hiện nay đang là "mùa" của bệnh viêm não Nhật Bản. Khi có dấu hiệu nghi ngờ đưa trẻ đi khám bệnh ngay Mặc dù bệnh này xảy không nhiều như các bệnh truyền nhiễm tay chân miệng,...