Viêm mũi dị ứng Bệnh không khó nhưng vẫn bó tay?
Ngứa mũi, chảy nước mũi, hắt hơi từng tràng dà, mắt đỏ ngầu … bệnh tái đi tái lại gây không ít phiền toái, ảnh hưởng đến chất lượng sống của nhiều người. Căn bệnh này ngày càng phổ biến trong cộng đồng: Viêm mũi dị ứng (VMDU).
Không thể chủ quan
Trên thế giới có khoảng 20 – 25% dân số bị VMDU. Bệnh đang có xu hướng gia tăng mà nguyên nhân chính là do sự ô nhiễm không khí, môi trường sống thay đổi…. Ở Việt Nam, khoảng 12,3% dân số mắc VMDU. TS. Võ Thanh Quang, Giám đốc Viện Tai Mũi Họng Trung Ương, Phó Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam, cho biết: “Lượng bệnh nhân VMDU đến khám tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung Ương ngày càng gia tăng và mức độ của bệnh ngày càng khó kiểm soát”.
Có ba lọai VMDU. Một là dị ứng quanh năm, nguyên nhân thường do cơ địa nhạy cảm với tác nhân gây bệnh như lông thú (lông chó, mèo…), thức ăn (đặc biệt là đồ biển) hoặc do sang chấn tinh thần (stress). Thứ hai là VMDU theo mùa, tác nhân do phấn hoa hoặc nhiệt độ thấp. Cuối cùng là VMDU bởi nghề nghiệp phải thường xuyên tiếp xúc với khói bụi như thợ may, giáo viên, thợ mỏ…
Bệnh không nghiêm trọng đến tính mạng nhưng theo các chuyên gia tai mũi họng, bệnh ảnh hưởng đến đời sống xã hội, giấc ngủ, học hành, công việc và tác động đáng kể về mặt kinh tế. Nhiều nghiên cứu và những bằng chứng lâm sàng đã chứng minh mối liên quan chặt chẽ giữa VMDU và các bệnh khác của đường hô hấp như viêm xoang, viêm tai giữa, polyp mũi và đặc biệt là bệnh hen suyễn. VMDU do vậy gây gánh nặng về kinh tế vì bản thân căn bệnh này và các bệnh đi kèm.
Ảnh minh họa: Gettyimages
Theo Báo cáo của GS. Glenis Kathleen Scadding – bệnh viện Tai – Mũi – Họng Hoàng gia Anh, chủ tịch Hội Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng, 42% bệnh nhân VMDU mắc ít nhất một triệu chứng mức độ vừa và nặng trên mũi, một triệu chứng vừa và nặng trên mắt. Các triệu chứng VMDU gây phiền toái cho 93% bệnh nhân trong thời gian ban ngày và 47% bệnh nhân trong thời gian ban đêm.
Theo GS Glenis Scadding: “Các nguyên nhân chính gây ra những thách thức mới trong điều trị VMDU là sự chủ quan trong nhận thức về tầm quan trọng của căn bệnh này, nhìn nhận về các triệu chứng của căn bệnh chưa đầy đủ, sử dụng thuốc chưa hợp lý. Công tác giáo dục bệnh nhân về cách phòng ngừa căn bệnh chưa tốt. Ngoài ra, bệnh nhân VMDU thường sợ hoặc ngần ngại dùng thuốc, tự ý bỏ thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ”.
Với tâm lý chủ quan, bệnh nhân VMDU thường tự ý dừng thuốc khi thấy hết biểu hiện bệnh đến khi các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi xuất hiện trở lại mới dùng thuốc tiếp, khiến việc điều trị kém hiệu quả. Bên cạnh đó, sự tuân thủ điều trị thấp của bệnh nhân còn bởi cách sử dụng dụng cụ hiện tại gây khó khăn cho bệnh nhân (khó sử dụng, gây đau, chảy xuống họng…), khó dùng cho trẻ nhỏ, phải dùng nhiều loại thuốc để điều trị cho bệnh nhân có cả triệu chứng mũi và mắt.
Video đang HOT
Giải pháp
Để điều trị hiệu quả, trước hết bệnh cần được chẩn đoán chính xác. Khi chẩn đoán cần dựa vào các yếu tố tiền sử các bệnh dị ứng của bản thân và gia đình như nổi mề đay, hen phế quản (suyễn), nhức nửa đầu… Khi chẩn đoán cũng cần thận trọng để không nhầm với các bệnh khác có biểu hiện bệnh tương tự.
Tuỳ mức độ bệnh, bệnh nhân VMDU nên áp dụng cách điều trị riêng. Phát biểu trong Hội thảo “Cách nhìn mới trong điều trị VMDU” đầu tháng 11 vừa qua, GS. Scadding cho biết: “Việc chỉ sử dụng đơn thuần các nhóm thuốc điều trị triệu chứng (ví dụ như các thuốc kháng histamine) khiến bệnh không được kiểm soát tốt, bệnh nhân nên tuân theo phác đồ điều trị của nhóm thuốc điều trị hiệu quả bản chất viêm của VMDU (ví dụ: thuốc corticoid xịt tại chỗ…)”.
Vì vậy, đối với các trường hợp nhẹ bệnh nhân có thể dùng thuốc kháng histamine. Đối với các trường hợp vừa và nặng, thuốc xịt mũi tại chỗ chứa corticoid điều trị hiệu quả bản chất viêm của VMDU, kiểm soát các triệu chứng bệnh ở cả mũi và mắt. Ngoài các tác động trực tiếp ở mũi, cơ chế tác dụng trên mắt được hiểu là do đặc tính ái lực cao với thụ thể glucocorticoid, thuốc ức chế mạnh mẽ cơ chế phản xạ thần kinh mũi – mắt, do đó làm giảm các chất trung gian gây triệu chứng bệnh ở cả mắt. Hiện nay, dụng cụ xịt mũi cũng đã được cải tiến tiện lợi và an toàn cho người sử dụng.
Ngoài ra, bệnh nhân VMDU cần tránh các chất gây dị ứng do hít bằng cách thường xuyên đeo khẩu trang khi đi đường, tại nơi làm việc phải có trang phục bảo hộ để tránh bụi, khói, hơi thuốc, giải mẫn cảm (tìm đúng chất gây dị ứng thì tỷ lệ thành công sẽ cao, tuy nhiên không dễ vì có vô số dị nguyên), rửa mũi bằng nước muối sinh lý…
Theo PNO
Phòng bệnh viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng (VMDƯ) là một bệnh gặp nhiều hơn ở tuổi thanh và trung niên. Bệnh không phân biệt giới tính và có phần nào đó liên quan đến vùng miền. Bệnh tuy không gây nguy hiểm nhưng thường kéo dài và gây nhiều phiền toái, khó chịu cho người bệnh.
Có một số triệu chứng của VMDƯ có khi xảy ra liên tiếp trong một thời gian ngắn nhưng gây khó chịu như hắt hơi, sổ mũi.Viêm mũi dị ứng đôi khi có thể nhầm với bệnh viêm xoang.
Nguyên nhân
Có một số giả thuyết giải thích về nguyên nhân gây VMDƯ chủ yếu do phản ứng của cơ thể khi gặp vật lạ (dị nguyên) như: bụi, phấn hoa, lông chó, mèo, bào tử nấm (nấm mốc)... Những loại dạng như thế này thường đóng vai trò như một kháng nguyên không hoàn toàn khi gặp kháng thể (có trong cơ thể) tương ứng thì xảy ra hiện tượng phản ứng.
Hiện tượng phản ứng dị ứng này xảy ra ngay ở lớp nhầy niêm mạc của hệ thống đường hô hấp trên như mũi, họng, xoang... gây nên hiện tượng viêm và kích thích niêm mạc biểu hiện như ngứa, hắt hơi (có khi hắt hơi liên tục nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn).
Ảnh minh họa
Thông thường người bị VMDƯ gặp ở người có cơ địa dị ứng nhiều hơn như: viêm da dị ứng, mề đay mạn tính, exzema, tổ đĩa... Chính vì vậy cùng một tác nhân gây kích thích nhưng có người bị bệnh VMDƯ nhưng cũng có người không bị (trong nhà nuôi chó, mèo không phải người đều nào cũng bị VMDƯ mà chỉ có một ít người).
Các tác nhân gây kích thích cũng có thể theo đường hô hấp nhưng cũng có thể vào cơ thể theo đường qua da, hoặc theo đường ăn uống.
Biểu hiện của bệnh
Hầu hết người bị VMDƯ có nhiều triệu chứng giống nhau như ngứa mũi, chảy mũi nước, đặc biệt là hắt hơi hàng tràng liền. Nếu đã thành mạn tính thì có thể nghẹt mũi gần như thường xuyên, ù tai, nhức đầu (dễ nhầm với viêm xoang).
Nhiều trường hợp niêm mạc họng bị kích thích gây viêm còn có hiện tượng viêm nhiễm do vi khuẩn gây bệnh cơ hội (người ta nghiên cứu thấy có một tỷ lệ người lành mang vi khuẩn này nhưng chúng không gây bệnh, khi gặp điều kiện thuận lợi như sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm và có hiện tượng viêm do kích thích... thì chúng gây bệnh cho cơ thể mà nó đang ký sinh) như vi khuẩn S.pneumoniae, H. influenzae.
Một số trường hợp VMDƯ mạn tính kéo dài có thể có gây nên loạn khứu giác (mất mùi) hoặc ngủ ngáy do nghẹt mũi.
Người ta phân chia VMDƯ thành 2 loại chính là loại theo mùa và loại có quanh năm.
VMDƯ theo mùa là tùy thuộc vào thời tiết từng mùa xuất hiện các loại dị nguyên trong gió như phấn hoa, nấm mốc, các loại bụi, nhất là bụi gần các khu công nghiệp, bụi ở vùng có tình trạng vệ sinh kém.
VMDƯ quanh năm tức là mùa nào cũng có thể bị VMDƯ trên một số cơ thể nào đó do có liên quan đến một số dị ứng nguyên như côn trùng (mò, mạt, bọ chét, ve...), bụi trong nhà, lông súc vật nuôi trong nhà, nhất là lông của mèo, chó...
Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng và không thuộc bệnh truyền nhiễm hoặc bệnh cấp cứu nhưng gây nhiều phiền toái cho người bệnh và do vậy ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. VMDƯ nếu không được điều trị thỏa đáng thì nó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm xoang dị ứng, polyp mũi, polyp xoang... Một đặc điểm nữa của bệnh là trong điều trị cũng còn gặp không ít khó khăn và bệnh hay tái phát.
Phòng bệnh
VMDƯ thật đa dạng và nhiều nguyên nhân. Những trường hợp có cơ địa dị ứng cần cảnh giác cao với bệnh này, không nên nuôi chó, mèo trong nhà, hạn chế đến mức tối đa không tiếp xúc với chúng.
Cần vệ sinh định kỳ các chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc đệm. Nhà ở cần thoáng, mát, sạch sẽ, tránh ẩm ướt nếu làm được như vậy sẽ hạn chế nấm mốc phát triển. Cần vệ sinh răng miệng hàng ngày nhất là đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy.
Hạn chế đến mức tối đa hút thuốc lá, thuốc lào. Tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với với bụi (bụi trong nhà và bụi ngoài đường). Cần đeo khẩu trang khi quét dọn nhà và lúc ra đường.
Những lúc giao mùa, thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh cần giữ ấm cơ thể (mặc ấm) nhất là vùng cổ, mũi. Khi nghi ngờ bị bệnh nên đi khám bác sĩ, chuyên khoa tai, mũi, họng. Cần nâng cao thể trạng như ăn đủ chất, hạn chế rượu, bia (nhất là người có cơ địa dị ứng) và nên tập thể dục thể thao đều đặn và tùy theo sức của mình.
Theo SKĐS
Cháo thuốc cho người viêm mũi dị ứng Viêm mũi là bệnh dai dẳng, thời tiết khí hậu, môi trường không khí thay đổi là bệnh dễ tái phát. Triệu chứng của bệnh: hắt hơi, nghet mũi, chảy nước mũi, ngứa trong mũi, niêm mạc mũi bị phu nề, thay đổi màu sắc. Nhiều trường hợp vách ngăn bị cong vẹo, biến dạng làm tắc nghẽn một bên. Viêm mũi thường...