Viêm màng não, suýt mất mạng vì ăn ốc sên
Thách đố nhau ăn ốc sên sống hay nghe lời đồn nướng ốc sên ăn chữa bệnh nhức mỏi khiến nhiều người bị nguy hiểm tới tính mạng.
Viêm não vì ăn ốc sên chữa bệnh
Mới đây không lâu, thạc sĩ – bác sĩ Đinh Nguyễn Huy Mẫn, Trưởng khoa Xét nghiệm Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM đã điều trị cho một trường hợp suýt mất mạng vì ăn ốc sên nướng.
Đó là ông Huỳnh Văn P., 60 tuổi, ngụ Long An.
Ông P. nhập bệnh viện địa phương, được chẩn đoán bị viêm màng não, nhưng điều trị không đáp ứng.
Khi chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, bệnh nhân được kiểm tra lại dịch não tủy thấy có hiện tượng tăng bạch cầu ái toan, gợi ý bệnh viêm màng não do ký sinh trùng.
Ăn ốc sên sống có thể gây nguy hiểm cho tính mạng. (Ảnh minh họa)
Làm xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện ông P. bị nhiễm Angiostrongylus cantonensis hay còn gọi là giun đũa ký sinh ở phổi chuột.
“Trứng giun theo phân chuột thải ra đất, ốc sên bò qua ăn phải. Từ đó ấu trùng chui vào cơ thể ốc. Khi ta ăn những con ốc này nếu không nấu chín kỹ sẽ bị nhiễm ký sinh trùng.”, bác sĩ Mẫn cho biết.
Trường hợp của ông P. rất may mắn, được điều trị kịp thời nên không mất mạng.
Gia đình bệnh nhân kể do hay bị nhức mỏi nên ông P. nghe lời hàng xóm bắt ốc sên nướng ăn trị bệnh. Có thể ốc sên nướng chưa chín kỹ nên ấu trùng giun theo đường ăn uống thâm nhập vào cơ thể nạn nhân rồi chui lên não.
Video đang HOT
Ốc sên hay còn gọi là ốc ma vỏ vằn nâu, hay bò ngoài sân, vườn là trung gian của những loại ký sinh trùng vô cùng nguy hiểm cho con người.
Ốc sên được coi là đặc sản, có thể chế biến nhiều món bổ dưỡng. Tại nông thôn, người ta ăn ốc sên chữa bệnh đau khớp, đau bụng. Thậm chí có nơi còn lấy ốc sên nghiền ra, bôi lên mặt để trị mụn nhọt.
Sống thực vật vì ốc sên sống
Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM cũng từng điều trị cho 2 trường hợp rất nguy kịch vì…ăn ốc sên.
Đó là một người đàn ông 32 tuổi tên D. và cậu sinh viên 21 tuổi tên K., ngụ tại Gò Vấp.
Đang ngồi nhậu, D. và K. thấy con ốc sên từ vườn bò vào bèn nổi hứng…thách nhau ăn sống.
Sau khi ăn xong một ngày, cả hai người đều bị đau bụng, sốt, nhức đầu.
Đi khám nhiều nơi, D. và K. được chẩn đoán bị đau dạ dày, mãi khi tới Bệnh viện Nguyễn Tri Phương các bác sĩ mới phát hiện căn bệnh của họ là viêm màng não do ký sinh trùng và chuyển qua Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM.
Khi tới Khoa Nhiễm Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, cả hai bệnh nhân đã rơi vào trạng thái hôn mê sâu, tiên lượng rất xấu, phải thở máy.
Tới nay, bác sĩ Mẫn cho biết, một trong hai nạn nhân ăn ốc sên sống đó đã khỏi bệnh, nhưng người còn lại phải sống đời sống thực vật.
Không chỉ riêng ốc sên mà kể cả những loài ốc bò trên cạn khác, nếu chế biến không đúng cách cũng có thể gây nguy hiểm khôn lường.
Đó là trường hợp của anh Trần Đức H., sinh năm 1979, ngụ tại Đồng Nai.
Có lần nhậu ốc bươu tái chanh với bạn, sau 1 tuần anh H. bị nhức đầu, sốt cao. Bệnh viện địa phương chẩn đoán anh H. bị viêm màng não mủ, điều trị nhưng không khỏi.
May mắn nghe người quen khuyên, anh H. lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới kiểm tra mới biết mình bị nhiễm ký sinh trùng.
Tại bệnh viện, anh H. đã được cho dùng thuốc đặc trị và theo dõi dịch não tủy. Vì kịp thời can thiệp nên anh H. đã may mắn thoát chết.
Qua đó, bác sĩ Mẫn khuyên người dân không nên ăn các món ốc tái, sống để phòng ngừa các bệnh viêm màng não do ký sinh trùng gây nên.
Trung bình mỗi tháng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới tiếp nhận từ 1-2 bệnh nhân nhập viện do bị nhiễm ký sinh trùng từ ốc.
Theo VNN
Nguy cơ amip ăn não người khi bơi ở hồ ao
Ca tử vong thứ hai do viêm não - màng não do amip (còn gọi là Naegleria flowleri) trong vòng một tháng rưỡi qua gây nên sự lo lắng cho nhiều người do amip ăn não cư trú nhiều ở hồ, ao, bàu nước ngọt, ấm.
Ngày 18-9, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế chính thức xác nhận thêm một nạn nhân ở TP.HCM tử vong do Naegleria flowleri và nhiều khuyến cáo đã được phát đi, như người dân không nên tắm, bơi ở các hồ, ao có nguy cơ cao.
Tỉ lệ tử vong: gần 100%
Theo ông Trần Thanh Dương - phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nạn nhân mới nhất của amip ăn não người là một trẻ em sống ở TP.HCM. Sau khi bệnh nhân tử vong (chưa rõ nguyên nhân), Trung tâm Pháp y TP.HCM đã lấy mẫu xét nghiệm gửi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và đến ngày 18-9 đã có kết quả chính thức là dương tính với Naegleria flowleri.
Cần giữ đầu cao để nước không ngập mũi- Ảnh: Châu Anh
Đây là bệnh nhân thứ hai tử vong do căn bệnh này ở TP.HCM trong một tháng rưỡi qua, trong đó trường hợp đầu tiên là P.V.T., 27 tuổi, tạm trú ở Q.Bình Thạnh, tiền sử sức khỏe hoàn toàn bình thường, nhiễm bệnh trước khi vào viện một tuần do bệnh nhân đã lặn mò trai tại bàu nước ngọt ở Phú Yên trong lần về quê.
"Naegleria flowleri sống ở các ao hồ nước ấm, ngọt, nhiệt độ từ 25-30OC. Mặc dù tỉ lệ lây nhiễm sang người không cao, song từ năm 1962-2011, ở Mỹ, nước có số bệnh nhân nhiễm loại amip ăn não người cao nhất thế giới là 121 bệnh nhân, chỉ có duy nhất một trường hợp được cứu sống, tỉ lệ tử vong lên đến gần 100%" - ông Dương cho hay.
Khảo sát diễn biến của hai bệnh nhân viêm não - màng não do amip đã tử vong thời gian qua tại TP.HCM cho thấy bệnh diễn biến xấu rất nhanh, bệnh nhân tử vong chỉ sau 1-7 ngày nhập viện. Ngoài Mỹ là nơi có số lượng bệnh nhân nhiễm amip ăn não nhiều nhất cho đến nay, căn bệnh này đã xuất hiện ở Bỉ, Anh, Ấn Độ, Ireland, New Zealand, Nigeria, Panama, Puerto Rico, Uganda, Venezuela, Thái Lan... với tổng tích lũy khoảng vài trăm trường hợp.
Về địa điểm nhiễm amip, trong 32 trường hợp nhiễm amip tại Mỹ từ 2002-2011, có 28 trường hợp nhiễm ở công trình chứa nước nhân tạo, còn lại nhiễm từ suối nước nóng tự nhiên, nước uống chưa được khử trùng và nhỏ mũi bằng dung dịch nhiễm đơn bào amip. Với hai trường hợp nhiễm bệnh tại VN, ông Dương cho hay đều nhiễm bệnh ở ao hồ chứa nước tự nhiên.
Tránh để nước vào mũi
Trước tình hình liên tiếp xuất hiện bệnh nhân nhiễm đơn bào amip ăn não tại VN, Cục Y tế dự phòng đã có văn bản gửi Sở Y tế Phú Yên (địa điểm ghi nhận có nguồn bệnh dẫn đến xuất hiện bệnh nhân đầu tiên tại VN) và thông báo cho cơ quan truyền thông, các sở y tế, đề nghị khuyến cáo người dân không tắm, bơi ở các hồ, ao có nguy cơ cao (như mất vệ sinh, nước ngọt ấm, không được khử trùng...). Trường hợp có tắm, bơi tại bể bơi, hồ ao, suối nên hạn chế tối đa để nước vào mũi bằng cách giữ cao đầu không để nước ngập mũi, sử dụng kẹp mũi. Ông Trần Thanh Dương khuyến cáo sau khi tắm, bơi nên rửa mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9% và kháng sinh nhỏ mũi.
Cục Y tế dự phòng cũng cảnh báo có tài liệu cho rằng đơn bào amip có thể sống trong nước ở nhiệt độ lên tới 46 đô C, nên tại Mỹ đã có trường hợp nhiễm bệnh sau khi đi tắm nước khoáng nóng. Các sông, hồ nước ngọt, hồ thủy điện, bể bơi, đường ống thoát nước và các công trình chứa nước nhân tạo đều có thể có loại amip này. Ở nhiệt độ thấp, amip có thể tồn tại ở dạng "thể ngủ" trong lớp bùn, đáy của sông, hồ, bể bơi.
Vì vậy Cục Y tế dự phòng khuyến cáo các chủ hồ bơi nên gửi mẫu xét nghiệm hồ bơi của mình để bảo đảm an toàn cho cư dân đến bơi lội.
Cẩn thận với nước uống không rõ nguồn gốcTuy các báo cáo trên y văn cho thấy đơn bào amip ăn não không lây qua đường ăn uống, nhưng thực tế tại Mỹ có những trường hợp lây bệnh do nước uống nhiễm loại đơn bào này, nên người dân cũng cảnh giác với các loại nước uống không rõ nguồn gốc, không nhãn mác rõ ràng, chưa công bố tiêu chuẩn chất lượng... Khi phát hiện đau đầu, sốt, buồn nôn, nôn, nếu có những yếu tố liên quan đến amip ăn não, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo LAN ANH (Tuổi trẻ)
"Amip ăn não" cực hiếm so với các tác nhân viêm màng não khác Nghe đến từ amip ăn não, người ta thấy hoảng sợ bởi đó là một danh từ lạ, nghe có vẻ kinh khủng. Nhưng thực tế, với quan điểm cá nhân tôi, amip ăn não người so với những nguyên nhân gây tổn thương não, màng não khác thì vô cùng ít và nhỏ bé". TS.BS Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Vi rút...