Viêm da cơ địa: Nỗi ám ảnh khôn nguôi
Mỗi khi thời tiết chuyển lạnh, hanh khô những triệu chứng của bệnh viêm da cơ địa lại “hoành hành” khiến người bệnh cảm thấy ngứa, khó chịu. Bệnh viêm da cơ địa thường dai dẳng và có những biểu hiện, triệu chứng khác nhau đặc biệt là ở trẻ nhỏ khiến cho cha mẹ lo lắng. Viêm da cơ đia nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách, bệnh trở thành mãn tính và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
Bệnh viêm da cơ địa hay còn gọi là bệnh chàm thể tạng, eczema, sẩn ngứa Besnier, Lichen đơn mạn tính. Bệnh dễ chẩn đoán nhầm do đa dạng trong chẩn đoán lâm sàng, đặc biệt khi bệnh nhân dùng quá nhiều chế phẩm khác nhau.
Viêm da cơ địa hay còn gọi là bệnh chàm thể tạng
Viêm da cơ địa là bệnh lý biểu hiện nhiều dạng cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính. Một đặc điểm quan trọng của bệnh là hay tái phát. Đa số trường hợp bệnh bắt đầu ở tuổi ấu thơ. Triệu chứng điển hình gồm các thương tổn da khô kèm theo ngứa. Do ngứa gãi nhiều mà da bị dày, lichen hóa bệnh nhân càng ngứa và gãi gây nên vòng bệnh lý lẩn quẩn, bệnh diễn biến nặng hơn và có nguy cơ bị bội nhiễm vi khuẩn.
Nguyên nhân gây viêm da cơ địa
Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, nguyên nhân của bệnh viêm da cơ địa hiện nay vẫn chưa rõ, tuy nhiên, qua các nghiên cứu cho thấy bệnh có tính chất di truyền và yếu tố gia đình (60% người bị viêm da cơ địa có con cũng bị bệnh này. Nếu cả bố và mẹ đều bị viêm da cơ địa thì có tới 80% con bị bệnh). Ngoài ra, còn có các yếu tố làm bệnh khởi phát và nặng lên bao gồm: các dị nguyên trong không khí như các chất thải của rệp nhà, len dạ…
Ngoại độc tố của tụ cầu vàng Staphylococus aureus đóng vai trò siêu kháng nguyên kích thích hoạt hóa T lympho và đại thực bào. Dị ứng nguyên nội sinh trong huyết thanh bệnh nhân có kháng thể IgE có thể kích thích IgE hoặc T lymphô đáp ứng viêm.
Thức ăn cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm da cơ địa
Thức ăn (một số thức ăn như trứng, sữa, lạc, đậu tương, cá, bột mì) và các yếu tố khác làm phát bệnh hoặc bệnh nặng lên – đó là giảm chức năng của hàng rào bảo vệ của da cùng với giảm lớp ceramic trên bề mặt da làm cho da dễ bị mất nước gây khô da.
Để xác định rõ nguyên nhân viêm da trên tạng dị ứng, bệnh nhân nên đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ cho thực hiện một xét nghiệm trên da của người bệnh. Đây là một xét nghiệm hết sức an toàn, không đau và rất có giá trị trong việc xác định các nguyên nhân gây dị ứng.
Video đang HOT
Những triệu chứng của bệnh viêm da cơ địa
Theo thông tin trên VOV, triệu chứng thường gặp của viêm da cơ địa là trên da xuất hiện những dấu hiệu mẩn ngứa, ban đỏ, sau đó lan ra xung quanh gây ngứa ngáy, khó chịu. Có trẻ xuất hiện những mụn nước, sau khi gãi chảy dịch và ra máu. Nếu không điều trị đúng cách, sẽ lan rộng ra toàn thân, khiến trẻ quấy khóc, kém ăn…
Viêm da cơ địa thường xuất hiện những nốt ban đỏ
Khi bệnh nặng, trẻ cào gãi nhiều, vi khuẩn ở tay sẽ xâm nhập vào da, gây loét và hoại tử da, thậm chí vi khuẩn có thể thâm nhập sâu hơn vào máu, gây ra bệnh cảnh toàn thân rất nặng. “Những bệnh cảnh nặng ở trẻ tuy ít nhưng đã có bởi khi vi khuẩn xâm nhập vào các mạch máu, có thể đi đến tất cả các cơ quan khác và gây viêm, phải dùng kháng sinh rất mạnh để điều trị chứ không phải bệnh lý đơn giản trên da nữa”, bác sĩ Thùy Linh – BV Da liễu Trung ương chia sẻ.
Ngoài yếu tố di truyền, một phần cũng do cha mẹ mắc sai lầm trong cách chăm sóc trẻ như giữ vệ sinh chưa tốt. Chẳng hạn việc tắm ngâm con quá lâu hoặc hời hợt sơ sài bên ngoài nên chưa tẩy rửa hết hóa chất bám trên da trẻ; hoặc dùng các loại lá tắm, xà phòng, sữa tắm, nước xả vải chưa hợp lý, đặc biệt với trẻ có nền bệnh lý về da sẵn có. “Việc dùng các loại xà phòng, nước tẩy quá mạnh làm mất lớp bảo vệ trên da gây tình trạng kích ứng tại chỗ, có phản ứng khô da, bong tróc vẩy dẫn đến viêm da”.
Hiện nay, có rất nhiều gia đình dùng các loại lá đun nước tắm cho con mà không hề biết trong một số thứ lá chứa lượng tinh dầu rất mạnh, cộng thêm các loại lá không hoàn toàn được chăm sóc tự nhiên (có thể là phun các loại kích thích) cũng có thể gây ra viêm da do tiếp xúc. Đặc biệt, việc một số cha mẹ thấy da con mẩn đỏ không những đun nước lá tắm mà còn vò lá đắp trên da cho mát nên càng làm vết thương bỏng rát nặng thêm.
Các phương pháp điều trị viêm da cơ địa
Theo thông tin trên báo Sức khỏe và Đời sống, điều trị viêm da cơ địa bao gồm: chăm sóc da; tìm và loại trừ nguyên nhân gây bệnh hoặc làm nặng bệnh; dùng thuốc chống viêm.
Khi bị viêm da cơ địa nên dùng các loại kem làm mềm da, tạo độ ẩm cho da
Chăm sóc da: Sử dụng các loại kem làm mềm da, tạo độ ẩm cho da. Tránh tiếp xúc với các chất kích ứng da như xà phòng, chất sát khuẩn, hóa chất, khói thuốc lá,… vì chúng có thể càng làm da bị khô hơn. Bạn nên sử dụng các loại xà phòng ít bị khử mỡ và có pH trung tính để thay thế. Nên cắt móng tay thường xuyên và hạn chế gãi nhiều vì có thể làm tăng nặng triệu chứng của bệnh. Có thể sử dụng gạc ướt để đắp các tổn thương da nặng hoặc kéo dài để giúp giảm ngứa, làm mềm da, ngăn ngừa gãi quá nhiều vào tổn thương và thúc đẩy quá trình liền sẹo. Cần lưu ý tắm rửa sạch sẽ hằng ngày.
Sử dụng thuốc chống viêm: dùng glucocorticoid bôi tại chỗ như kem fluticasone, betamethasone, clobetasone 2 lần mỗi ngày trong giai đoạn cấp, sau khi bệnh đã được kiểm soát, có thể bôi cách ngày hoặc 2 lần mỗi tuần tại tổn thương để ngăn ngừa bệnh tái phát. Những loại glucocorticoid có tác dụng rất mạnh chỉ nên dùng trong thời gian ngắn và tại những vùng dày sừng, không được dùng ở mặt và những vùng da mỏng.
Một số thuốc ức chế miễn dịch bôi tại chỗ như tacrolimus, pimecrolimus đem lại hiệu quả rõ rệt cũng như tính an toàn khá cao trong điều trị viêm da cơ địa. Chiếu tia cực tím tại chỗ được sử dụng trong những trường hợp nặng và không đáp ứng với các điều trị bằng thuốc. Tác dụng phụ hay gặp là nổi ban đỏ, rát và ngứa da, rối loạn sắc tố.
Dùng thuốc kháng histamin để giảm ngứa. Do ngứa thường tăng lên về đêm nên có thể sử dụng các loại thuốc kháng histamin có tác dụng an thần vào tối trước khi đi ngủ. Những trường hợp bệnh nặng, không đáp ứng với các điều trị tại chỗ, có thể dùng một đợt glucocorticoid đường uống ngắn ngày nhưng phải lưu ý giảm dần liều trước khi ngưng hẳn thuốc.
Theo anninhthudo
Ghép thận để thực hiện thiên chức làm mẹ
Khi kể về cô con gái 3 tuổi đáng yêu của mình, chị N.T.H., 26 tuổi ở Mỹ Hào, Hưng Yên không giấu được niềm tự hào, hạnh phúc. Với một người bị suy thận giai đoạn cuối và đã ghép thận như chị, những tưởng việc có con là không thể. Nhưng nhờ các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, giờ chị đã đón trái ngọt tình yêu đời mình...
Các bác sĩ đang thực hiện ca ghép thận
Hồi sinh
Chị N.T.H. được ghép thận tại Bệnh viện Bạch Mai từ nguồn thận của mẹ ruột cho. Trước đó, chị bị suy thận giai đoạn II và chuyển sang suy thận giai đoạn cuối một năm sau đó. Hơn 3 năm sau khi ghép thận, chị xây dựng gia đình và mong muốn thực hiện thiên chức làm mẹ.
Khi chia sẻ mong muốn này, chị H. được các bác sĩ tư vấn về những nguy cơ chị sẽ gặp phải nếu mang thai, đồng thời chị được đổi phác đồ điều trị thuốc ức chế miễn dịch. "Có những thuốc ức chế miễn dịch chống chỉ định dùng cho phụ nữ có thai. Nên sau khi tôi được chuyển phác đồ, tình trạng chức năng thận ổn định, lúc đó các bác sĩ mới tư vấn tôi có thể mang thai" - chị H. kể.
Trong suốt thời gian mang thai, chị H. được các bác sĩ Khoa Thận tiết niệu và Khoa sản của Bệnh viện Bạch Mai theo dõi sức khỏe kỹ lưỡng. Các bác sĩ Khoa sản theo dõi về diễn biến sản khoa, còn bác sĩ chuyên khoa thận theo dõi để phát hiện những vấn đề bất thường về thận sau ghép để kịp thời xử trí.
Sau 9 tháng 10 ngày cùng các bác sĩ đồng hành, giúp đỡ, chị N. đã hạ sinh một cô bé xinh đẹp, khỏe mạnh nặng 2,5 kg. Giờ bé đã nói bi bô. Chị N. xúc động nói, cuộc đời chị như được sinh ra lần thứ 2 khi sức khỏe của bản thân ngày càng ổn định, cô con gái xinh đẹp khỏe mạnh lúc nào cũng quấn quýt gần bên làm cho cuộc sống của vợ chồng chị thêm hạnh phúc, ý nghĩa...
Với những người phụ nữ khác, việc lấy chồng rồi thực hiện thiên chức làm mẹ là quá đỗi bình thường. Nhưng với những phụ nữ suy thận và phải ghép thận, việc mang thai và sinh con là cả một hành trình đầy khó khăn và nguy hiểm.
Giúp người bệnh thực hiện thiên chức làm mẹ
PGS.TS Đỗ Gia Tuyển - Trưởng khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, để một bệnh nhân nữ sau ghép thận có thể có con an toàn là cả một quá trình theo dõi, phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ Sản khoa và bác sĩ Thận học, Ghép thận và khoa Sơ sinh, đồng thời cũng yêu cầu sản phụ có sự tuân thủ tốt các y lệnh điều trị.
Có thể nói, trong suốt quá trình bệnh nhân ghép thận mang thai, các bác sĩ lúc nào cũng lo lắng khôn nguôi và theo sát họ từng giây, từng phút. Chỉ đến khi các bệnh nhân mẹ tròn con vuông, những đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh, không bị dị tật, người mẹ ổn định sức khỏe, khi ấy những người thầy thuốc mới tạm thở phào...
Các bác sĩ Khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai vẫn nhớ một bệnh nhân ngoài 30 tuổi, quê ở Yên Bái được ghép từ nguồn thận của mẹ ruột. Sau ghép, chị này bị thải ghép và điều trị chống thải ghép nhưng không hiệu quả, sau đó chị mắc thêm bệnh viêm phổi.
Các bác sĩ Khoa Thận tiết niệu đã theo dõi sát sao diễn biến sức khỏe của chị. Gần 3 năm sau các chỉ số sinh học sau ghép của bệnh nhân này mới dần ổn định. Rồi chị có nguyện vọng sinh con vì đã lập gia đình gần 5 năm. Do nguyện vọng của chị quá tha thiết, ê kíp các bác sĩ của bệnh viện đã giúp bệnh nhân được toại nguyện mong muốn làm mẹ.
Suốt thời gian chị mang thai, diễn biến thai phụ ổn định và không phát hiện dị tật ở thai. Tuy nhiên, đến tuần 37 thì chức năng thận lên nhanh, phù, huyết áp dao động nhiều, đe dọa sản giật. Do vậy các bác sĩ đã chấm dứt thai kỳ và mổ bắt thai giúp "mẹ tròn con vuông". Đứa bé ra đời là một bé trai nặng 1,8 kg. Hiện bé đã gần 4 tuổi, khỏe mạnh...
PGS. Tuyển chia sẻ, đa phần bệnh nhân ghép thận sinh con đều nằm trong lứa tuổi sinh đẻ. Có những bệnh nhân trước đó rất mong muốn có con, nhưng vì họ bị suy thận nên cơ hội có con hết sức khó khăn. "Vì họ bị suy thận mạn, bị rối loạn nội tiết nên rất ít khả năng thụ thai. Khi có thai rồi thì việc giữ được thai trong thời gian 9 tháng 10 ngày trên nền bệnh nhân suy thận mạn tính sẽ có nhiều biến chứng như tăng huyết áp, thiếu máu... lại càng khó khăn gấp bội. Chính vì vậy, việc những nữ bệnh nhân suy thận mong muốn có thai thì việc lựa chọn ghép thận là phù hợp. Họ ghép thận với 2 mục tiêu: Mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng cơ hội có con" - PGS. Tuyển phân tích.
"Trước đây, nhiều người lo ngại cho rằng bệnh nhân sau ghép thận sẽ khó có thể sinh con. Tuy nhiên, với trình độ chuyên môn của các thầy thuốc cộng với kỹ thuật y khoa hiện đại đã mở ra nhiều hy vọng cho những nữ bệnh nhân ghép thận, và họ hoàn toàn tự tin để thực hiện được thiên chức làm mẹ..." - PGS. Tuyển cho nói.
Được biết, hầu hết những bệnh nhân được ghép thận tại Bệnh viện Bạch Mai đều có nguồn cho từ người cùng huyết thống (bố, mẹ, anh, chị, em ruột...). Sau khi ghép, các bệnh nhân đều khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường. Hiện nay, trung bình mỗi tuần Bệnh viện Bạch Mai thực hiện 2 ca ghép thận. Chỉ tính từ tháng 9/2017 đến tháng 10/2018, bệnh viện đã thực hiện 90 ca ghép cho các bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối. Trong số đó có 5 nữ bệnh nhân sau ghép thận đã sinh con khỏe mạnh...
THẠCH HƯƠNG
Theo thegioitiepthi
Gia tăng các bệnh lý về mắt gây mù loà hàng đầu Các bệnh lý về mắt như đục thủy tinh thể, giác mạc chóp, bệnh lý lỗ hoàng điểm... đang ngày càng gia tăng. Đây là những bệnh lý gây giảm thị lực, mất thị lực và mù lòa hàng đầu nếu không điều trị kịp thời. Các bệnh này làm suy giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, khiến họ gặp nhiều...