Việc tìm kiếm nạn nhân mất tích tại Bạc Liêu gặp nhiều khó khăn
Cơ quan chức năng cho biết, công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn do khu vực xảy ra tai nạn là cửa sông lớn tiếp giáp cửa biển, dòng chảy xiết, triều cường lên xuống liên tục trong ngày.
Các phương tiện đang tích cực tham gia tìm kiếm nạn nhân vẫn còn mất tích. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)
Theo báo cáo nhanh của Ủy ban Nhân dân huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu), đến 15 giờ ngày 7/4, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm được nạn nhân mất tích trong vụ tìm tàu trên sông Gành Hào trước đó.
Công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm đang được triển khai tích cực, ngoài lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, người nhà nạn nhân cũng huy động nhiều phương tiện tham gia tìm kiếm.
Cơ quan chức năng cho biết, công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn do khu vực xảy ra tai nạn là cửa sông lớn tiếp giáp cửa biển, dòng chảy xiết, triều cường lên xuống liên tục trong ngày, cộng thêm gió to, biển động, thời tiết trên địa bàn không thuận lợi…
Nạn nhân mất tích là Lưu Thị Mỹ Duyên (sinh năm 1998, trú tại ấp 1, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải).
Ông Trần Văn Gương (sinh năm 1948, là ông ngoại của Mỹ Duyên) cho biết, Duyên cùng nhóm bạn đi trên chiếc tàu gặp nạn. Sau khi gặp sự cố, các bạn của Duyên được cứu kịp thời, hiện đang cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Hải.
Riêng với Mỹ Duyên, khi người nhà biết tin đã đi tìm kiếm nhiều nơi, số điện thoại sử dụng thường ngày của em bị mất liên lạc đến thời điểm này.
Cũng theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân huyện Đông Hải, số người đi trên chiếu tàu gặp nạn ghi nhận được là 41 người, trong đó có 38 người thoát nạn, hai người tử vong và một người mất tích.
Video đang HOT
Trước đó, từ ngày 4-6/4, tại cửa biển thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải diễn ra Lễ hội Nghinh Ông lần thứ 14.
Vào lúc 10 giờ ngày 6/4, khi đoàn tàu ra biển làm Lễ rước ông, tàu số BL 93322 của bà Trần Thị Nới (sinh năm 1946, trú tại ấp 2, thị trấn Gành Hào), tài công là Doãn Văn Nam (sinh năm 1982) là con rể bà Nới điều khiển ra biển đã bị lật tại khu vực sông Gành Hào thuộc ấp 4, thị trấn Gành Hào.
Theo thông tin ban đầu do ông Nam cung cấp, tàu lúc đó chở hơn 40 người.
Nhận được tin tàu chìm, Ủy ban Nhân dân huyện đã kịp thời chỉ đạo lực lượng Công an, Biên phòng phối hợp với lực lượng tại chỗ và người dân tìm kiếm, cứu vớt được 40 người, trong đó 16 người được vào Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Hải cấp cứu nhưng có hai người đã tử vong; 3 người bị thương nặng được chuyển lên tuyến trên.
Hai nạn nhân tử vong do ngạt nước là Lê Ngọc Hân (sinh năm 2002, ấp 1, thị trấn Gành Hào) và Trần Tú Trân (sinh năm 2000, ấp Cây Giang, xã Long Điền, huyện Đông Hải).
Tính đến chiều 7/4, còn 17 người bị thương đang nằm điều trị tại bệnh viện, gồm 14 người tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Hải, hai người tại Bệnh viện thị xã Giá Rai và một người tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu. Theo các bác sỹ, tất cả các nạn nhân đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe tiến triển tốt.
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lê Minh Khái đã có mặt tại hiện trường cùng lãnh đạo các ngành, các cấp kịp thời chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu hộ, cấp cứu, điều trị; tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn.
Bằng nhiều nguồn huy động, địa phương đã hỗ trợ cho mỗi gia đình có người tử vong 26,5 triệu đồng và 8 triệu đồng/người bị thương.
Sau khi xảy ra sự cố, tài công Doãn Văn Nam bị tạm giữ để phục vụ công tác điều tra.
Hiện ngành chức năng đang tiến hành khám nghiệm chiếc tàu gặp nạn, lấy lời khai của các nhân chứng nhằm sớm tìm ra nguyên nhân của vụ chìm tàu. Được biết, tàu BL 93322 không nằm trong đoàn tàu của Ban Tổ chức Lễ hội .
(Theo Vietnam )
Nạn nhân vụ chìm tàu Nghinh Ông: 'Cứ nhắm mắt tôi lại nghe tiếng la hét'
Những người sống sót trong vụ chìm tàu ở lễ Nghinh Ông (Bạc Liêu) đều cho biết không thể ngủ được, vẫn ám ảnh giây phút hỗn loạn khi con tàu lật úp.
Một ngày sau khi được cứu, hơn chục người đi trên tàu chìm trong lễ hội Nghinh Ông ở cửa biển Gành Hào (Bạc Liêu) vẫn chưa ổn định tinh thần, còn điều trị ở bệnh viện. Nằm trên giường bệnh, ông Dương Văn Sài cho biết từ qua đến giờ không sao ngủ được, vì khi nhắm mắt, ông lại thấy cảnh hoảng loạn, tiếng la hét, kêu cứu lúc tàu chìm hiện ra trong đầu.
"Tôi và cháu ngoại 11 tuổi được vớt kịp thời, còn một số người khác thì không may đã tử vong", ông Sài nói và cho biết nếu tàu cứu hộ không vớt kịp, mà kéo dài thêm vài phút nữa thì ông đã "chết chắc" do kiệt sức.
Người đàn ông từng nhiều năm dự lễ hội trên biển này cho biết, sáng qua, thấy cháu ngoại háo hức xem lễ hội nên ông dẫn đi. Tại cảng Gành Hào, có hàng chục tàu nhưng đã đông người. Hai ông cháu lên tàu cá của bà Nguyễn Thị Lời. Nhiều người đến sau khi thấy tàu còn chỗ trống liền nhảy lên dù không quen biết.
Trước khi ra biển, tàu có khoảng 80 người. Tuy nhiên, thấy tàu khẳm, khoảng một nửa đã sang tàu khác. Ông Sài và cháu ngoại ngồi sau lái. Mọi người đều không mặc áo phao. Các tàu xuất phát cùng lượt, dàn hàng ngang tiến ra biển.
"Tàu chúng tôi nhỏ, chạy giữa hai tàu lớn nên bị sóng từ hai tàu kia ép chao đảo. Mọi người kêu la, bảo tài công giảm tốc độ nhưng không kịp, tàu lật úp chưa đầy một phút", ông Sài cho biết.
Anh Lê Minh Hoàng có một người bạn đã tử vong và một mất tích trong vụ chìm tàu. Ảnh: Phúc Hưng.
Theo ông Sài, khi tàu lật úp, khung cảnh rất hỗn loạn, mọi người mạnh ai nấy bơi, một số không biết bơi thì bấu víu vào người khác để không bị chìm. Nhiều người bám vào lườn tàu, kêu cứu.
Vốn bơi giỏi, một tay ông ôm đứa cháu, tay còn lại bơi vào bờ nhưng bị sóng cuốn ngược trở ra. Bơi được chừng 5 phút, ông vớt được can nhựa cho đứa cháu ôm. "Tôi kiệt sức nên buông tay cháu và chìm xuống uống mấy hớp nước, rồi không biết gì, đến khi tỉnh lại đã thấy mình nằm trong bệnh viện", người đàn ông 53 tuổi kể.
Nằm kế bên, em Sơn Mỹ Phương (16 tuổi) thều thào nói lúc tàu chìm, em nghĩ mình đã không còn sống để gặp cha mẹ. "Em với chị gái ngồi trong cabin, còn hai anh trai ở phía sau. Lúc nước tràn vào, nghe tiếng kêu của anh, em chạy ra nhưng bị té xuống vì mọi người chen lấn để thoát thân", cô gái nhớ lại và cho biết sau đó được anh trai kéo ra ngoài và các tàu xung quanh vớt lên. "Thật ám ảnh, từ nay em không dám đi tàu nữa", Phương nói với giọng mệt mỏi.
Còn theo Lâm Thảo Ngân (17 tuổi, học sinh lớp 11), hôm qua nghỉ giỗ Tổ nên em cùng nhiều bạn trong lớp rủ đi lễ hội Nghinh Ông. Khi tàu chìm em cùng hai bạn bám vào người đàn ông biết bơi, nhưng người này không thể dìu hết nên hất em văng ra. "Em chìm xuống nhưng hai tay còn đưa lên khỏi mặt nước, và may mắn được chú lái đò kéo lên thuyền", Ngân cho biết.
Nét sợ hãi vẫn còn trên khuôn mặt nữ sinh lớp 11 Lâm Thảo Ngân. Ảnh: Phúc Hưng.
Là người đi cùng với thiếu nữ Lê Ngọc Hân (16 tuổi, đã tử vong) và Lưu Thị Mỹ Duyên (19 tuổi, đang mất tích), anh Lê Minh Hoàng (25 tuổi) cho biết, sáng hôm qua nhóm của anh có hơn chục người, trong đó có 8 nữ chạy xe đến đậu ở cảng cá Gành Hào để tìm ghe, tàu xin đi nhờ ra biển xem lễ.
"Thấy các tàu đều đủ người nên chúng tôi xuống tàu của anh Nam. Mọi người rất hớn hở vì chưa lần nào được xem lễ hội trên biển", nam thanh niên nói và cho biết lúc tàu chưa chìm, anh còn nhìn thấy hai người bạn không may mắn của mình nói cười.
Sáng hôm qua, hàng chục tàu cá, ghe cào lớn nhỏ tập trung trên sông Gành Hào để chạy ra biển dự lễ hội Nghinh Ông. Tàu bị nạn do tài công Doãn Thanh Nam điều khiển bị lật úp, khiến khoảng 40 người bị hất xuống biển. Nhiều tàu xung quanh đến cứu, vớt được 39 người, riêng 2 thiếu nữ (16-17 tuổi) đã tử vong, cô gái 19 tuổi vẫn còn mất tích.
(Theo Vnexpress)
Còn 1 cô gái trẻ mất tích trong vụ chìm tàu ở Bạc Liêu? Ông Trương Văn Gương, ở ấp 1, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu xác định cháu ngoại của ông đang còn mất tích trong vụ chìm tàu sáng 6.4. Người dân thị trấn Gành Hào xôn xao truyền tay nhau xem ảnh của Mỹ Duyên trên mạng xã hội với lời đồn Duyên đã mất tích. Chiều tối 6.4,...