Việc nhiều trẻ em nhiễm độc chì: Cơ quan chức năng có buông lỏng quản lý?
Mặc dù đã có những biện pháp quyết liệt sau khi có hàng chục trẻ em ở Bắc Giang bị nhiễm độc chì nhưng vấn đề đặt ra là trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng ở địa phương trong việc để xảy ra sự việc này?
Ảnh minh họa
Tùy tiện dùng thuốc
Từ nhiều ngày nay, người dân ở hai thôn Thanh Giã 1 và Thanh Giã 2, xã Tam Dị, huyện Lục Nam (Bắc Giang) bàn tán xôn xao việc nhiều trẻ trong thôn khi đi khám được bác sĩ phát hiện hàm lượng chì trong máu vượt quá mức cho phép nhiều lần. Nguyên nhân chính có thể là do cha mẹ đã tự ý mua thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ về điều trị cho trẻ mà không biết được hậu quả khôn lường sau đó.
Người nhà cháu Nguyễn Minh Tuấn (sinh 11/5/2011), một trong số những bệnh nhi vừa đi điều trị tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai về cho biết, lúc cháu 2 tháng tuổi thấy bị tưa lưỡi, nhiệt miệng nên gia đình đến bà lang Tiến (bà Nguyễn Thị Thế), bán thuốc nam ở chợ Thanh Giã mua mười nghìn thuốc về bôi. Thời gian đầu cháu không có biểu hiện gì, nhưng sau thấy cháu còi xương, biếng ăn. Khi biết thông tin trẻ bị ngộ độc chì do uống thuốc cam nên gia đình đã đưa cháu đi khám. Gần một tuần điều trị, hết hơn 10 triệu đồng tại Trung tâm chống độc, hiện hàm lượng chì trong máu của cháu còn 56,52%. Tuy giờ không phải nằm điều trị ở bệnh viện nhưng cháu Tuấn phải duy trì uống thuốc và thực hiện tái khám đều đặn sau mỗi đợt điều trị.
Tương tự, người nhà cháu Đào Xuân Bách (12/11/2008), thôn Hòn Ngọc cũng cho biết, hầu hết các gia đình có trẻ nhỏ ở đây đều tự mua thuốc cam của bà lang Tiến để trị những bệnh như tưa lưỡi, loét miệng, táo bón … từ nhiều năm nay. Thuốc ở dạng bột hoặc viên, có màu cam hoặc đỏ, không có tem nhãn được bao gói bằng giấy hoặc túi nilon, dùng để bôi miệng hoặc uống.
Video đang HOT
Dấu bệnh hay trình độ bác sĩ hạn chế?
Về gặp Bác sĩ Ngô Hải Tiện, Trưởng Trạm Y tế xã Tam Dị, huyện Lục Nam thì được biết, nhiều trẻ em ở đây đã dùng thuốc cam của bà lang Tiến, nhưng vì hoàn cảnh kinh tế nên không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện đưa con đi khám. Xã có gần 92 trường hợp trẻ em bị nhiễm độc chì, các trường hợp này đều không qua y tế xã mà gia đình đưa thẳng ra bệnh viện Bạch Mai khám và được bác sĩ ngoài đó phát hiện. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi: “Trung tâm y tế xã có nắm được địa chỉ các cháu bị nhiễm độc chì?” và bày tỏ muốn đến nhà một số cháu thì Bác sĩ Ngô Hải Tiện cho biết chỉ nắm được 02 trường hợp là cháu Nguyễn Minh Tuấn và Đào Xuân Bách. Các cháu còn lại do gia đình tự đưa đi khám ngoài Hà Nội nên không nắm được. Cả Trạm trưởng y tế xã và gia đình 02 trường hợp bị nhiễm độc chì được giới thiệu đều khẳng định nguyên nhân của bệnh là do mua thuốc cam của bà Nguyễn Thị Thế?
Tuy nhiên, khi đi cách Trung tâm Y tế xã Tam Dị mấy trăm mét, chúng tôi ghé vào một cửa hàng nhỏ để hỏi thăm thì chị Nguyễn Thị Dịu (chủ cửa hàng, mẹ cháu Nguyễn Hữu Đoàn, sinh năm 2010) cho biết, cháu Đoàn biểu hiện vẫn bình thường nhưng thấy quanh đó nhiều gia đình đưa trẻ đi khám phát hiện bị nhiễm độc chì nên chị cũng đưa con đi khám. Qua Trung tâm Y tế xã, huyện, rồi đến bệnh viện tỉnh, các bác sĩ đều không có kết luận bệnh gì nên gia đình chuyển cháu ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khám và được bác sĩ phát hiện cháu bị nhiễm độc chì 57%. Cháu phải nằm điều trị 8 ngày rồi được bác sĩ cho về nhà và ngày mai (12/4) lại ra ngoài đó khám lại theo hẹn của bác sĩ. Nước mắt lưng tròng, chị Dịu nức nở “Thấy bác sĩ bảo bệnh này phải điều trị dần dần để giảm lượng chì trong máu, mà điều trị bệnh này lại bị ảnh hưởng đến thận, gan… ảnh hưởng đến tương lai của các cháu sau này”.
Theo Tiến sĩ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, chì là chất đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em. Khi vào cơ thể, chì theo máu đến gan, thận, não, xương, dây thần kinh… Ngộ độc chì có biểu hiện: đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận, liệt chi… Trẻ có thể co giật từng cơn và nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hôn mê và tử vong. Điều trị nhiễm độc chì có khi kéo dài nhiều năm, nhiều trường hợp dù có điều trị đào thải hết khỏi cơ thể cũng để lại di chứng, ảnh hưởng đến sự phát triển cả thể chất và trí tuệ của trẻ.
Có buông lỏng quản lý?
Sau khi phát hiện nhiều trẻ em ở Bắc Giang bị nhiễm độc chì, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có Công văn số 1378/QLD-DL ngày 07/02/2012 về việc sử dụng sản phẩm “thuốc Cam” chữa bệnh tưa lưỡi gây ngộ độc chì. Ngày 10/02/2012 Sở Y tế Bắc Giang có Quyết định số 179/QĐ-SYT thành lập Đoàn kiểm tra hành nghề dược tư nhân tại địa bàn huyện Lục Nam để thực hiện kiểm tra việc bán, sử dụng “thuốc Cam” chữa bệnh tưa lưỡi. Ngày 14/02/2012, Đoàn kiểm tra đã lập biên bản làm việc, lấy mẫu thuốc để kiểm tra chất lượng, đồng thời niêm phong số thuốc còn lại theo quy định và yêu cầu bà Nguyễn Thị Thế ngừng hoạt động hành nghề.
Theo kết quả phân tích tại Trung tâm Kiểm nghiệm Bắc Giang thì cả 02 mẫu sản phẩm kiểm nghiệm đều không đạt chất lượng về độ đồng nhất và giới hạn nhiễm khuẩn. Còn kết quả của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cho thấy: trong sản phẩm “Thuốc bôi tưa lưỡi trẻ em” dạng bột có hàm lượng chì 4,30 mcg/g (4,30 ppm), sản phẩm “Thuốc uống chữa Cam tưa lưỡi trẻ em” dạng bột là 1,02 mcg/g (1,02 ppm) thì hàm lượng chì không cao (so với hàm lượng chì trong một số dược liệu mà Dược điểm Việt Nam IV quy định). Để tìm hiểu rõ sự việc cũng như nguồn gốc dược liệu, chúng tôi đã tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Thế nhưng rất tiếc bà không có nhà.
Trước sự việc này, chúng tôi đến gặp Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang Hàn Thị Hồng Thuý để tìm hiểu thông tin rõ hơn. Sau khi yêu cầu phóng viên cung cấp giấy giới thiệu và các giấy tờ liên quan, bà Phó Giám đốc Sở Y tế giới thiệu chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Thái, Phó trưởng phòng quản lý hành nghề y dược tư nhân. Sau một hồi chờ đợi, ông Thái tiếp chúng tôi với điều kiện phóng viên không được ghi âm, không hỏi thêm bất cứ chuyện gì liên quan đến vấn đề này và ông chỉ có trách nhiệm cung cấp cho bản phôtô một số văn bản: Sở Y tế Bắc Giang gửi Vụ Y Dược cổ truyền và Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), các Phiếu Kiểm nghiệm, kết quả trả lời của Trung tâm kiểm nghiệm Bắc Giang, Biên bản làm việc với bà Nguyễn Thị Thế… Khi chúng tôi hỏi báo cáo về công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn tỉnh 3 tháng đầu năm 2012 và cả năm 2011. Câu trả lời của ông Thái cho cả 2 câu hỏi đều là: Không có?
Để đảm bảo sức khoẻ của nhân dân, hạn chế việc “thêm bệnh” do dùng phải thuốc không đảm bảo chất lượng, bên cạnh việc tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức thì các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm minh những trường hợp cố tình vi phạm!
NamAnh
Theo TTXVN
Trẻ ngộ độc chì... vì thuốc Đông y
Bệnh nhân ngộ độc chì do thuốc Đông Y. (Ảnh minh họa)
Từ đầu năm đến nay đã có hơn 130 trường hợp nhiễm độc chì do dùng đông y. Trẻ bị ngộ độc chì cấp thường có biểu hiện chủ yếu là co giật, hôn mê, thiếu máu.
Ông Nguyễn Hoàng Sơn - phó vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền - cho biết vụ đã gửi công văn đến 63 tỉnh, thành yêu cầu tăng cường kiểm tra các cơ sở hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
Cụ thể hơn, sẽ đình chỉ hành nghề đối với những cơ sở không phép, lấy mẫu những chế phẩm nghi ngờ để kiểm nghiệm chì, cấm tuyệt đối mọi hình thức buôn bán thuốc rong, đặc biệt tại các chợ, các lễ hội.
Riêng các tỉnh có nhiều bệnh nhân ngộ độc chì đang điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), Bệnh viện Nhi trung ương... vụ còn yêu cầu kiểm tra cụ thể các địa chỉ hành nghề y dược mà trẻ đã phải nhập viện vì sử dụng "thuốc cam" tại đây.
Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết từ đầu năm đến nay đã có hơn 130 trường hợp nhiễm độc chì do dùng đông y. Trẻ bị ngộ độc chì cấp thường có biểu hiện chủ yếu là co giật, hôn mê, thiếu máu.
"Trừ trường hợp nhiễm độc nồng độ thấp, thời gian ngắn, chưa ảnh hưởng thì trẻ có thể hồi phục, còn lại đa số dù có điều trị đào thải hết chất độc vẫn có thể để lại di chứng ảnh hưởng đến giống nòi, sinh gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trẻ ngộ độc chì nặng có nguy cơ bị ảnh hưởng sự phát triển cả thể chất và trí tuệ" - ông Sơn nói.
Thống kê của Vụ Y dược cổ truyền dựa trên báo cáo của các cơ sở điều trị cho thấy trẻ ngộ độc chì phải nhập viện điều trị đều liên quan đến sử dụng chế phẩm được gọi là "thuốc cam" - dạng bột, có màu cam hoặc nâu đỏ được bao gói bằng giấy hoặc túi nilông, không nhãn, không tên, dùng để bôi lên niêm mạc miệng hoặc uống chữa "tưa lưỡi".
Tuy nhiên, theo ông Sơn, cá biệt trường hợp năm người trong một gia đình tại huyện Hải Hậu (Nam Định) bị ngộ độc chì nặng do dùng thứ nước sắc bằng đất đèn có hàm lượng chì cao để trừ giải tà ma theo hình thức mê tín dị đoan.
Đến ngày 5-4, Sở Y tế Hà Nội xác nhận đã đình chỉ hành nghề đối với ba cơ sở bán "thuốc cam" có chứa hàm lượng chì cao là cơ sở của ông Nguyễn Văn Trân (ở huyện Phúc Thọ), cơ sở của bà Lê Thị Sói (An Khánh, Hoài Đức), cơ sở của bà Đặng Thị Tình (Minh Đức, Phú Xuyên).
Theo Ngọc Hà (Tuổi trẻ)
Thuốc cảm "biến" thành thuốc gây nghiện: Cục - vụ "đá" nhau Mười loại thuốc cảm mà Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho là thuốc gây nghiện năm 2010 thì giờ Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) lại bảo không. Vấn đề này không chỉ là chuyện chuyên môn của ngành y tế mà đã gây ảnh hưởng lớn, quyết định số phận của nhiều doanh nghiệp dược. Vụ việc bắt đầu từ...