Việc nhiều, khuyến nông cơ sở chỉ nhận được 442.000 đồng/tháng
Là những người thường xuyên công tác ở vùng khó khăn, trình độ canh tác và áp dụng khoa học kỹ thuật của người dân còn hạn chế… khiến đội ngũ khuyến nông viên (KNV) cơ sở lúc nào cũng bộn bề với công việc. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ cho lực lượng này quá ít ỏi; nhiều người dù có tâm huyết nhưng vì thu nhập thấp đã không trụ lại với nghề…
Việc nhiều, phụ cấp chỉ 442.000 đồng/tháng
Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Quốc Trị – cán bộ khuyến nông xã Nghi Kiều (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết, mỗi tháng cán bộ khuyến nông xã triển khai rất nhiều công việc khác nhau, chưa lo xong chống rét cho mạ, lúa lại quay sang phối hợp cán bộ thú y tuyên truyền bà con tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, phổ biến kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, tập huấn xây dựng mô hình… Trong khi đó, địa bàn xã khá rộng với diện tích tự nhiên 33,3 km2, chia thành 27 xóm dân cư nên mỗi lần có chương trình, anh chỉ ước một ngày kéo dài thêm vài tiếng đồng hồ để làm cho hết việc.
Các cán bộ khuyến nông tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật tái canh cà phê tại Viện KHKT
nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Ảnh: Ái Liên
Ở những huyện đồng bằng như Nghi Lộc, đội ngũ cán bộ khuyến nông còn đỡ vất vả, với những vùng dân tộc miền núi, biên giới như tỉnh Hà Giang thì cán bộ KNV gặp trăm nghìn khó khăn. Anh Nguyễn Văn Tú – Trưởng phòng Thông tin Huấn luyện (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang) nói như đùa: “Đối với cán bộ khuyến nông thôn bản, có lẽ chỉ có tình yêu, tâm huyết lớn lao với nghề mới đủ giữ chân họ với công việc. Hiện toàn tỉnh Hà Giang có 1.961 cán bộ khuyến nông thôn bản, đối tượng này được hưởng phụ cấp 0,4, nhân với mức lương cơ bản 1.105.000 đồng/tháng, nghĩa là họ chỉ được hưởng khoảng 442.000 đồng/tháng”.
Anh Tú cũng cho biết, đến nay anh làm cán bộ khuyến nông đã được 15 năm. Mặc dù tốt nghiệp đại học, song mức lương anh nhận được hiện cũng chỉ 4,9 triệu đồng/tháng. “Toàn tỉnh Hà Giang hiện có 190 cán bộ khuyến nông cấp xã trên tổng số 195 xã, phường. Lực lượng này được hưởng lương như cán bộ công chức, song các cán bộ khuyến nông bán chuyên trách chỉ được hưởng phụ cấp 0,8, tức khoảng 884.000 đồng/tháng. Vì thu nhập quá thấp nên hầu hết cán bộ KNV làm với trách nhiệm là chính, ai cũng phải liệu cơm gắp mắm, làm thêm nhiều việc, nuôi thêm lợn gà mới đủ trang trải cuộc sống” – anh Tú nói.
Video đang HOT
Tương tự, anh Lò Văn Dương – cán bộ khuyến nông xã Xà Hồ (huyện Trạm Tấu, Yên Bái) chia sẻ: “Tôi làm cán bộ khuyến nông từ năm 2006, trước làm ở xã Bản Công, từ năm 2012 chuyển về xã Xà Hồ. Địa bàn nào cũng khó khăn, cách trở như nhau. Công việc phải đi lại về thôn, bản liên tục. Nhưng ngoài khoản lương chưa đến 4 triệu đồng/tháng, cộng với mấy trăm ngàn tiền xăng hỗ trợ/năm, chúng tôi không có thêm bất cứ khoản phụ cấp nào. Tính trung bình mỗi ngày tôi phải đi lại ít nhất 10km, hết 1 lít xăng gần 20.000 đồng, chưa kể chi phí ăn uống, hư hỏng xe cộ. May tôi là cán bộ trong biên chế và sinh ra, lớn lên ở huyện Trạm Tấu nên cũng đỡ. Các anh em khác làm hợp đồng, thu nhập thấp còn phải đi thuê nhà trọ ở thị trấn thì không thể trang trải nổi”.
Không thể tuyển được người giỏi
Anh Lò Văn Dương cho biết thêm, với cơ chế phụ cấp như hiện nay, vai trò của KNV cơ sở chưa thể phát huy, cũng như chưa thể đáp ứng hết yêu cầu của công việc tại địa bàn. Với mức thu nhập thấp như vậy, muốn tuyển dụng được người có trình độ vào làm rất khó, không ai có đủ tâm huyết, động lực để làm việc, nhất là lớp trẻ đã được qua đào tạo. Không tuyển được người, chỉ có cách kiêm nhiệm và đương nhiên khi kiêm nhiệm nhiều quá, sẽ khó tránh khỏi công việc bị sao nhãng.
Can bô khuyên nông tinh Tuyên Quang cung trao đôi ky thuât chăm soc ca lông vơi nông dân Nguyên Hưu Tân (ngoai cung bên phai) ơ TP. Tuyên Quang. Anh: Thiên Ngân
Anh Hà Sông Thao – Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Trạm Tấu chia sẻ thêm: “Nói về khó khăn của KNV cơ sở ở huyện miền núi thì nhiều vô kể. Người dân chủ yếu là người dân tộc thiểu số, tiếng phổ thông vẫn còn hạn chế, chưa chủ động áp dụng tiến bộ khoa học mới vào sản xuất, không ít bà con vẫn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Kinh phí để triển khai các mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật thấp hoặc không có… Mức lương của anh em cán bộ chỉ từ 3,5 – 3,7 triệu đồng/người/tháng, còn cán bộ hợp đồng chỉ 1,2 triệu/đồng/tháng, nên đời sống nhìn chung còn rất nhiều khó khăn”.
Theo anh Nguyễn Văn Tú, so với cán bộ các ngành nghề khác, thu nhập của KNV có sự chênh lệch lớn. Cùng bằng cấp như nhau nhưng lương KNV cơ sở lại thấp hơn vì không có phụ cấp ngành cũng như phụ cấp công vụ, trong khi cùng khối lượng công việc như nhau song ngành thú y, bảo vệ thực vật lại được quan tâm hơn. Anh Tú cũng cho biết, nhiều người mặc dù rất thích công việc KNV, song do thu nhập không đảm bảo trang trải cuộc sống nên phải bỏ nghề.
“Nhiều lúc nhìn đồng nghiệp lĩnh lương nhiều hơn mà chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Cũng do chế độ đãi ngộ thấp nên đội ngũ KNV trên địa bàn trình độ không đồng đều, chủ yếu mới được đào tạo ở trình độ trung cấp, sơ cấp; một số người chưa từng qua đào tạo chuyên môn. Thậm chí ở một số nơi, do không thể tuyển được người có trình độ nên chúng tôi phải vận động những người có uy tín trong thôn bản đứng ra làm kiêm nhiệm. Có người mới học hết lớp 9 nên việc tuyên truyền, phổ biến khoa học kỹ thuật cho bà con cũng bị hạn chế” – anh Tú nói.
Theo Thông tư số 04/2009/TT-BNN của Bộ NNPTNT, cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn công tác trên địa bàn cấp xã gồm 5 chức danh: Bảo vệ thực vật, thú y, thủy lợi, khuyến nông và công chức kiểm lâm. Trong đó nhân viên thú y cấp xã được giao 11 nhiệm vụ ở cơ sở, nhiều nhất trong 5 loại cán bộ theo dõi mảng nông nghiệp ở cấp xã. Thú y cấp xã được hỗ trợ bằng hệ số 1 so với mức lương tối thiểu hiện hành.
Theo Danviet
Khuyến nông viên cơ sở- vui nhiều, thiệt thòi cũng lắm
Nghề khuyến nông giống như làm thầy giáo của nông dân. Muốn làm nghề tốt thì phải gắn với dân, với bản... Vất vả lắm nhưng thiệt thòi cũng nhiều lắm". Đó là tâm sự của chị Trần Thị Thanh Xuân - khuyến nông viên ở huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
"Yêu nghề thì bám nghề thôi"
Gần 20 năm gắn bó với vùng cao Tây Bắc, chị Trần Thị Thanh Xuân rất thấu hiểu những khó khăn và nhu cầu của nông dân trong phát triển kinh tế hộ. "Ai chả muốn làm giàu bằng chính nghề nông truyền thống của mình. Nhưng người dân khó thực hiện mơ ước làm giàu không chỉ bởi thiếu vốn, thiếu quỹ đất sản xuất, thiếu nguồn nước... mà còn bởi một lý do rất quan trọng: Thiếu kiến thức để làm giàu.
Cán bộ khuyến nông Mường Ẳng, Điện Biên bám nông dân, cầm tay chỉ việc trong khâu đóng bầu đất, ươm cây giống. Ảnh: Kiều Thiện
"Khuyến nông nói chung chính là một trong những chỗ dựa quan trọng với người nông dân khi họ muốn bứt phá vươn lên. Còn với miền núi thì lực lượng khuyến nông lại càng trở nên quan trọng khi điều kiện hoc hỏi của người dân hạn chế hơn nhiều so với người miền xuôi, vùng thuận lợi..." - chị Xuân bảo vậy.
Hiện tại, chị Xuân được giao phụ trách công tác khuyến nông tại 3 xã trong huyện Điện Biên là Nà Tấu, Nà Nhạn và Thanh Chăn. Để hoàn thành nhiệm vụ thì hàng tháng chị phải đi lại tổng cộng tới hơn 500km đường bằng xe máy và dành phần lớn thời gian để gắn bó, tìm hiểu và hướng dẫn bà con nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đó là chưa kể có những bản cách xa trung tâm xã tới mấy chục km như: Mường Nhà, Mường Lói, Pa Thơm...
"Bây giờ khoa học kỹ thuật trong hoạt động khuyến nông ngày một nhiều nhưng bà con chưa có nhiều điều kiện tiếp cận kiến thức nên bị thiệt thòi, khó khăn làm ăn. Thấy thế, tôi tự nguyện làm khuyến nông và chẳng biết từ bao giờ, tôi đã thành khuyến nông viên của bản". Chị Lù Thị Hải
"Có nhiều chuyến xuống cơ sở phải ở lại với bà con tới vài ba ngày, nhất là những khi các xã triển khai các giống cây trồng mới, con nuôi mới, xuất hiện dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, khi thời tiết đổi mùa, khi bão lũ... Những lúc như thế, dù trong lòng rất xót con cái thơ dại, bố mẹ già ở nhà nhưng là nhiệm vụ thì vẫn cứ phải hoàn thành. Kết quả hoạt động của người cán bộ khuyến nông được đo đếm rất thực tiễn trên hiệu quả lao động, khả năng ứng phó của người nông dân trước những diễn biến xảy ra với sản xuất. Bởi thế, làm khuyến nông không thể nói suông, báo cáo bừa cho xong việc".
Chúng tôi tới thăm HTX Thủy sản ở đội 7, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên - một trong những địa điểm nuôi cá giống, cá thịt thành công nhất ở Điện Biên trong những năm gần đây. Ông Trần Văn Yên - Chủ nhiệm HTX kể: Tôi yêu nghề cá và gắn bó với mảnh đất này đã 50 năm qua. Nhưng trước đây do kinh nghiệm hạn chế, tiền vốn khó khăn nên tôi cứ loay hoay mãi mà không thành công, thậm chí đã mấy phen trắng tay với nghề nuôi cá. Cũng may là tôi có hai trợ thủ đắc lực là vợ và cán bộ khuyến nông. Vợ tôi đã xin nghỉ hưu sớm để giúp tôi làm nghề cá. Còn cán bộ khuyến nông - chị Xuân thì dành nhiều thời gian, công sức để hỗ trợ tôi phát triển chăn nuôi. Từ 2009 đến nay, tôi đã thành công với việc nuôi cá giống, cá thịt và đã hình thành được HTX thủy sản Thanh Chăn với lợi nhuận mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Vợ chồng tôi và những xã viên HTX này biết ơn khuyến nông viên Trần Thị Thanh Xuân ấy nhiều lắm.
Nhiều năm chưa hưởng một đồng phụ cấp
Đến bản Lả Sẳng thuộc phường Chiềng An, thành phố Sơn La, hỏi cán bộ khuyến nông bản thì được người dân chỉ đến nhà chị Lù Thị Hải. Bà Lò Thị Inh - dân bản bảo: Từ trước đến giờ, mấy chục hộ dân ở cái bản này, nếu cần kiến thức gì thì cứ sang hỏi cô Hải. Cô ấy biết nhiều và giúp chúng tôi nhiều lắm.
Gặp chị Hải, chị cười: Thực ra tôi cũng là khuyến nông viên tự nguyện thôi chứ không hề có phụ cấp bao giờ. Bản này có mấy chục hộ đồng bào dân tộc Thái, sống bằng nghề nông, chủ yếu là trồng cây mận hậu, mận tam hoa, cà phê và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bây giờ khoa học kỹ thuật trong hoạt động khuyến nông ngày một nhiều nhưng bà con chưa có nhiều điều kiện tiếp cận kiến thức nên bị thiệt thòi, khó khăn làm ăn. Thấy thế, tôi tự nguyện làm công tác khuyến nông và chẳng biết từ bao giờ, tôi đã thành khuyến nông viên của bản. Tôi cũng đi dự tập huấn, cũng nghe những ý kiến chỉ đạo từ khuyến nông cấp trên, rồi về cũng hướng dẫn bà con dân bản...
Tiếng là thuộc phường Chiềng An - nghe như đất phố phường, đô thị nhưng bản Lả Sẳng nằm cách trung tâm phường và thành phố tới cả chục km và chỉ có đường ô tô tới bản khi phải đi vòng qua các xã, phường khác của thành phố Sơn La. Bởi cái sự không thuận lợi về giao thông ấy cho nên các hộ dân bản Lả Sẳng có những thiệt thòi hơn những bản khác trong việc tiếp cận tiến bộ xã hội, nhất là trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thời kinh tế hàng hóa phát triển.
Chị Lù Thị Hải cho hay: Dân bản Lả Sẳng tập trung làm kinh tế trang trại nên bà con hỏi tôi rất nhiều điều, từ việc chọn giống cây gì, trồng vào mùa nào, chăm sóc ra sao? Rồi sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật như thế nào là hợp lý?... "Cũng có những cái tôi chưa biết nên phải đi hỏi thêm, học thêm từ cán bộ khuyến nông cấp trên để trả lời bà con. Tuy có vất vả hơn nhưng tôi cũng vui bởi chính tôi cũng có thêm những hiểu biết mới. Vì thế, bây lâu nay tôi cũng chưa bao giờ đòi hỏi chế độ cho mình" - chị Hải thành thật chia sẻ.
Theo VNE